top of page
Tìm kiếm

4 cách diệt cỏ không dùng thuốc hóa học và lưu ý đi kèm

Dù bạn cẩn thận đến đâu thì cũng không thể tránh khỏi sự xuất hiện của những loài cỏ dại khó ưa trong khu vườn của mình.



Với những người làm vườn chuyên nghiệp hay những người có thú vui cây cảnh đơn thuần, cỏ dại là một trong những nỗi lo hàng đầu. Chúng không chỉ cạnh tranh với cây trồng về mặt không gian, dinh dưỡng, ánh sáng, độ ẩm mà còn gây ô nhiễm và khó khăn cho việc trồng trọt.


Tuy nhiên, khi phát hiện cỏ dại mọc trong vườn, bạn không nên sử dụng ngay thuốc diệt cỏ mà hãy bình tĩnh tìm những biện pháp xử lý thân thiện với môi trường. Bởi lẽ, mặc dù thuốc diệt cỏ ngày nay được cải tiến rất nhiều so với trước đây, chúng vẫn có ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe con người, động vật và thực vật mà bạn không muốn để liên luỵ. Các nghiên cứu còn chỉ ra rằng việc lạm dụng thuốc diệt cỏ có thể làm ô nhiễm nguồn nước ngầm và gây hại cho côn trùng và vi sinh vật cần thiết cho sức khỏe của đất (1).


Dưới đây, LeLa Journal gợi ý bạn đọc một số cách diệt cỏ không dùng thuốc hóa học và dễ dàng ứng dụng, cùng đó là lời khuyên nên tránh xa một số phương pháp thiếu cơ sở khoa học.


1. Diệt cỏ bằng tay


Nếu bạn chỉ phát hiện một vài cây cỏ dại mọc trên những luống hoa của mình, bạn có thể dùng tay nhổ chúng. Hãy mang găng tay làm vườn chuyên dụng để bảo vệ đôi tay khỏi bị trầy xước. Các dụng cụ như móng vuốt đào xới đất hay bay nhổ cỏ cũng có thể giúp bạn nới lỏng rễ cỏ khỏi đất. Với biện pháp này, bạn cần lưu ý nhổ cỏ tận gốc là cách duy nhất để đảm bảo chúng không bao giờ quay trở lại nữa.


Hãy lưu ý phải diệt cỏ tận gốc.


2. Diệt cỏ bằng bột gluten ngô


Bột gluten ngô được coi là một “biện pháp tránh thai" đối với hạt giống. Sau khi rắc loại bột này xuống mắt đất, nó sẽ ngăn chặn hạt cỏ dại nảy mầm và phát triển thành cây. Tất nhiên, bột gluten ngô cũng có thể ngăn chặn các hạt khác nảy mầm, vậy nên, bạn chỉ có thể sử dụng được biện pháp này sau khi cây con trong vườn của bạn đã mọc.


Bột gluten ngô được coi là một “biện pháp tránh thai" đối với hạt giống.


3. Diệt cỏ bằng nhiệt


Một đầu đốt chuyên dụng có thể diệt cỏ dại một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, biện pháp này nên được sử dụng cách tháng vì nó chỉ có thể giết chết cỏ dại mọc trên mặt đất chứ không đốt được cả rễ. Thậm chí, cỏ dại lâu năm có thể nhanh chóng mọc lại từ phần rễ. Bạn nên sử dụng biện pháp này trên cỏ non ở lối đi hoặc những vết nứt. Hãy thận trọng khi sử dụng ở khu vực khô ráo hoặc có nguy cơ cháy nổ.


Một cách khác để diệt cỏ bằng nhiệt là dùng nước sôi. Bạn chỉ cần mang ấm đun nước ra ngoài và đổ lên những loại cỏ dại không mong muốn. Dòng nước sôi sẽ giết chết bất cứ thực vật nào mà nó chạm vào, vậy nên hãy cẩn thận nếu không muốn làm liên luỵ đến những động thực vật có lợi trong đất. Cũng giống với việc sử dụng đầu đốt chuyên dụng, biện pháp này không hiệu quả trong việc kiểm soát cỏ dại lâu năm.


Hãy cẩn thận nguy cơ cháy nổ khi sử dụng các biện pháp diệt cỏ bằng nhiệt.


4. Diệt cỏ bằng giấy báo


Đây có lẽ là biện pháp diệt cỏ lâu dài vừa không nguy hại vừa mang đến nhiều lợi ích cho khu vườn của bạn nhất. Tuy nhiên, bạn sẽ tốn kha khá thời gian để làm việc này.


Cụ thể, bạn sẽ loại bỏ tất cả cỏ dại có thể nhìn thấy trên mặt đất và ngăn cho chúng mọc lại bằng cách phủ những lớp giấy báo cũ lên trên. Một lớp giấy báo dày (hầu hết các loại mực in hiện nay đều không độc hại) sẽ ngăn ánh sáng mặt trời chiếu vào hạt cỏ dại để chúng không thể nảy mầm được. Sau khi đã phủ báo cẩn thận, bạn hãy làm ướt chúng và phủ một lớp mùn lên trên. Sau khi giấy phân hủy, chúng sẽ tiếp tục ngăn không cho cỏ dại mọc cũng như cung cấp một nguồn thức ăn dồi dào cho các sinh vật có ích trong đất.


Nếu kiên nhẫn với biện pháp này, bạn có thể tạo ra môi trường sống cho các sinh vật có lợi như giun đất.


Biện pháp không nên dùng: Diệt cỏ bằng hỗn hợp muối, giấm và xà phòng


Hỗn hợp tự chế làm từ muối, giấm và xà phòng được rất nhiều người truyền tai nhau về sự hiệu quả của nó. Tuy bảng thành phần có vẻ an toàn và vô hại, nhưng chúng đem đến tác hại lâu dài khó có thể cứu vãn.


Cụ thể, muối có thể khiến đất trở nên độc hại đối với cây trồng và giấm có thể làm thay đổi độ pH của đất. Chúng có thể di chuyển theo mưa để làm ô nhiễm đất và nguồn nước. Vậy nên bạn hãy tuyệt đối tránh xa những phương pháp có các thành phần kể trên.

Comments


bottom of page