top of page
Tìm kiếm

Hướng dẫn cụ thể quy trình ủ phân hữu cơ tại nhà

Việt Nam thải ra gần 100.000 tấn rác mỗi ngày, trong đó rác thực phẩm chiếm tối thiểu 50% khối lượng. Học cách ủ phân hữu cơ tại nhà giúp chúng ta hạn chế rác thải, bảo vệ môi trường và bảo tồn đất trồng cây.



Làm phân hữu cơ là giải pháp bức thiết


Đến nay, việc phân loại rác thải sinh hoạt vẫn chưa được thực hiện một cách nhất quán trên toàn quốc, vì vậy rất nhiều trường hợp rác hữu cơ không được tái tạo để sử dụng làm đất trồng cây. Trong khi đó, nông nghiệp luôn phát triển không ngừng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, và dù hỗ trợ thu nhập phát triển nhưng cũng đồng thời gây ra xói mòn đất. Vì thế, việc thiết yếu cần làm là giảm lượng rác hữu cơ được thải vào kênh thu gom thô sơ để tái tạo thành đất trồng trọt.


Nhưng thay vì chờ đợi chính phủ thúc đẩy việc bảo vệ mội trường, mỗi người nên bắt đầu bằng những hành động nhỏ tại nhà. Điều này góp phần tạo nên một phong trào sống xanh lành mạnh. Làm phân hữu cơ là giải pháp bức thiết để bảo tồn đất trồng cây và môi trường sống của chúng ta.

Tuy nhiên, việc ủ phân hữu cơ tại nhà sai cách sẽ gây ra mùi hôi, thu hút chuột và côn trùng. Ngoài ra, nếu che đậy không kín sẽ thường có dòi sản sinh và chuyển hóa thành ruồi. Dưới đây, LeLa Journal gợi ý những cách ủ phân hữu cơ tại vừa đơn giản vừa không dùng hóa chất, không gây ra mùi hôi và cũng không thu hút chuột và côn trùng.



Danh sách nguyên liệu phân hủy nhanh có thể sử dụng để ủ phân hữu cơ tại nhà


Nguyên liệu tươi sống

  • Rau, củ và trái cây

  • Vỏ trứng

  • Bã cà phê và giấy lọc

  • Bã trà

  • Lá xanh

  • Cỏ xanh và cây dại


Nguyên liệu khô

  • Lá vàng và cành cây khô

  • Cỏ khô và rơm

  • Vỏ hạt như hạt hướng dương, hạt dưa,...

  • Giấy báo, giấy văn phòng, giấy carton,..

  • Mạt cưa

  • Gỗ vụn

  • Vải cotton và len

  • Tóc người, và lông động vật

Cành hoa có thể dùng để ủ phân hữu cơ nhưng thời gian phân hủy rất lâu, do đó nếu bạn muốn ủ phân hữu cơ từ cành hoa héo, hãy tách nguyên liệu này ra một chậu riêng để không ảnh hưởng đến tốc độ phân hủy của nhóm nguyên liệu trong danh sách trên.


Cơm, bún, hủ tiếu cũng có thể dùng làm ủ phân hữu cơ nhưng loại thực phẩm này sẽ tạo mùi chua khi phân hủy. Nếu bạn và gia đình không ngại mùi chua thì vẫn có thể sử dụng nguyên liệu này.


Khi không có nhu cầu trồng cây, bạn có thể đổ phân hữu cơ tại bãi cỏ, vườn hoa công cộng, hoặc khu đất trống. Do phân hữu cơ là vật liệu tự nhiên nên khi trở về thiên nhiên sẽ không gây ô nhiễm môi trường.

Những thành phần không nên sử dụng để ủ phân tại nhà

  • Giấy bóng, giấy cán màng, tờ rơi, tạp chí vì thời gian phân hủy rất lâu.

  • Than hoặc tro than vì có thể chứa các chất gây hại cho cây trồng

  • Các sản phẩm từ sữa ví dụ như bơ, kem, sữa chua và trứng vì sẽ tạo mùi hôi, thu hút chuột và côn trùng.

  • Cây bệnh vì bệnh tật hoặc côn trùng có thể tồn tại và được luân chuyển trở lại cây khỏe mạnh.

  • Chất béo, mỡ hoặc dầu vì sẽ tạo mùi hôi thu hút chuột và côn trùng.

  • Thịt, xương cá và tất cả thực phẩm chế biến, thực phẩm đóng hộp vì sẽ tạo ra mùi hôi, thu hút chuột và côn trùng.

  • Chất thải vật nuôi như phân chó hoặc mèo vì có thể chứa ký sinh trùng, vi khuẩn, vi trùng, mầm bệnh và vi-rút có hại cho con người.

  • Cây, cành, lá cây đã được phun thuốc trừ sâu hóa học vì thuốc trừ sâu có thể tiêu diệt vi khuẩn hữu ích trong quá trình ủ phân.


Dụng cụ cần chuẩn bị


  1. Thùng/chậu tròn hoặc thùng/chậu vuông có nắp. Nên chọn thùng nhựa vì trọng lượng nhẹ. Cần lưu ý mua thùng/chậu không có lỗ thoát nước.

  2. Xẻng trồng cây.


8 bước ủ phân hữu cơ tại nhà


Bước 1: Cắt nhỏ nguyên liệu tươi sống nhưng không cần quá nhỏ. Tuy nhiên, cắt càng nhỏ thì tốc độ phân hủy càng nhanh. Nếu không cắt, nguyên liệu vẫn phân hủy nhưng chậm hơn vài ngày đến vài tuần tùy độ lớn. Đây là quá trình mà bạn có thể tùy ý lựa chọn vì không thay đổi chất lượng phân hữu cơ.



Bước 2: Lót một lớp giấy carton hoặc các loại giấy báo, giấy văn phòng dưới đáy chậu.

Có cần phải xé nhỏ giấy? Xét về tốc độ phân hủy, câu trả lời sẽ như trên, tuy nhiên LeLa Journal khuyên bạn nên xé nhỏ giấy để tiện đảo và trộn nguyên liệu trong thời gian phân hủy. Lưu ý mua chậu không có lỗ thoát nước.



Bước 3: Trộn nguyên liệu tươi và thêm giấy vụn carton (hoặc giấy báo vụn) theo tỉ lệ 50 - 50


Bước 4: Phủ giấy vụn đầy chậu. Do nguyên liệu tươi sẽ chảy nước trong quá trình phân hủy, nên phủ càng nhiều giấy vụn sẽ giảm mùi hôi tốt hơn.


Bước 5: Phủ kín chậu với 1 lớp giấy carton vì loại giấy này hút nước rất tốt và hạn chế vi khuẩn tạo mùi hôi. Sau đó, bạn hãy dùng nắp đậy thật kín chậu để ngăn ruồi đẻ trứng, và giúp chậu nguyên liệu không phát sinh dòi.


Bước 6: Trộn thêm nhiều giấy vụn hoặc giấy carton sau 7 ngày nếu có mùi chua, và đậy kín chậu như bước 5. Khi trái cây phân hủy sẽ xuất hiện dung dịch có mùi chua, hãy trộn thêm giấy vụn sau 7 ngày để hút hết dịch đồng thời khử mùi chua. Sau khi đổ thêm giấy vào chậu, hãy lấy xẻng đảo và trộn đều hỗn hợp. Việc này cho phép oxy thẩm thấu vào hỗn hợp để quá trình phân hủy diễn ra nhanh hơn.


Bước 7: Đảo hỗn hợp hàng tuần và đậy kín chậu như bước 5. Bạn cần đảo hỗn hợp định kỳ để cho phép oxy thẩm thấu. Trộn thêm giấy như bước 6 nếu cần.


Bước 8: Sau 60 ngày, phân hữu cơ có thể sử dụng như phân bón.



2 câu hỏi thường gặp


Có được cho thêm nguyên liệu tươi sống vào hỗn hợp trong thời gian ủ?


Câu trả lời là được. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý cắt thật nhỏ những lô nguyên liệu bổ sung để chúng nhanh chóng phân hủy cùng lô nguyên liệu ban đầu. Việc bổ sung này có thể khiến thời gian phân hủy kéo dài thêm vài ngày.


Nên ủ phân hữu cơ ở vị trí nào trong nhà?


Bạn có thể đặt thùng/chậu phân hữu cơ tại ban công, trên sân thượng, trong gara, hoặc trong kho chứa đồ của gia đình.




Comments


bottom of page