top of page
Tìm kiếm

"Hảo ngọt" một chút thì vui, "hảo ngọt" nhiều chút thì nên... "cai nghiện" đường

Từ lâu nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) luôn khuyến cáo rằng: "Đường là nguyên nhân chính dẫn đến tiểu đường, thừa cân hoặc béo phì" (1). Bên cạnh đó, thời gian gần đây, các nhà nghiên cứu còn chỉ ra thêm một số tác hại của đường đối với người trẻ, đó là đẩy nhanh tốc độ lão hóa (2), kích thích nổi mụn (3), gây căng thẳng, uể oải khi làm việc (4) và giảm khả năng sinh lý (5). Nếu muốn giữ được cơ thể tràn đầy sức sống và làn da tươi đẹp, hãy cùng Lela Journal đến với thử thách "10 ngày cai nghiện đường".



Có thật sự cần thiết phải "cai nghiện" đường?


Có nhiều quan điểm khác nhau của nhiều chuyên gia về việc liệu có cần thiết và cần bao lâu cho việc từ bỏ thói quen ăn uống này. Tuy nhiên, nếu bạn quan tâm đến khoa học thần kinh thì sẽ ít nhiều biết cách mà đường tác động lên bộ não con người, qua đó lý giải tại sao chúng ta cần 10 ngày để hết thèm đồ ngọt.


Thông thường, khi hấp thụ các món ăn "healthy", não bộ vẫn sẽ tiết ra dopamin (còn được gọi là "hormone hạnh phúc") nhưng liều lượng lại nhanh chóng giảm dần nhằm mục đích kích thích chúng ta nên đa dạng hóa thức ăn. Còn với đường thì lại khác, nó sẽ khiến dopamin trong não tiết ra liên tục và không dừng lại giống như khi sử dụng các chất kích thích, cho nên chúng ta sẽ không bị chán ăn đồ ngọt. Đây chính là lý do các nhà khoa học gọi đường cũng là một tác nhân gây nghiện như ma túy, thuốc phiện (6).

Đến lúc này, khi chúng ta tiếp xúc với những thực phẩm có nhiều đường, bộ não sẽ rung lên những tín hiệu làm cho cơ thể bồn chồn, thèm thuồng cho đến khi được thỏa mãn. Nhiều người lầm tưởng cảm giác thèm đồ ngọt với đói bụng, hoặc có người cho rằng nó là đam mê và sở thích riêng. Tuy nhiên, khi nhận thấy cơ thể không làm chủ suy nghĩ và hành động của bản thân vì không được "nạp đường" theo ý muốn thì đó là dấu hiệu bạn đã "nghiện" đồ ngọt quá mức.


Theo trang Addiction Center, triệu chứng "nghiện" đường bao gồm các hành vi như:

  • Dễ dàng tiêu thụ một lượng đường lớn (vượt mức 25 gram tiêu chuẩn mỗi ngày) chỉ trong một món ăn.

  • Ăn uống liên tục để chống lại sự buồn chán.

  • Có thể rất dễ tăng động, quá khích, hưng phấn, nhưng sau đó cũng dễ dàng mệt mỏi, suy sụp.

  • Thèm đồ ngọt một cách khó cưỡng lại được mỗi khi đối diện những trải nghiệm đời sống căng thẳng hoặc khó chịu.

Con số thống kê về bệnh lý cho thấy Việt Nam hiện nằm trong danh sách dẫn đầu các nước có nhiều người bị mắc bệnh tiểu đường mà nguyên nhân chính là sử dụng lượng đường vượt quá mức cho phép (7).


Tin vui là "cai nghiện" đường dễ hơn so với các chất kích thích khác. Theo Lorraine Kearney, một trong những chuyên gia hàng đầu về vấn đề này tại Mỹ, quá trình "thải độc đường" sẽ diễn ra trong 10 ngày đầu tiên, khi cơ thể "vật vã" để chống chọi lại cơn thèm.



Điều gì sẽ xảy ra với cơ thể chúng ta trong vòng 10 ngày?


Tùy theo mức độ phụ thuộc vào đường và tình trạng cơ thể mà quá trình "cai nghiện" đường sẽ kéo dài nhanh hoặc chậm, thông thường được chia thành ba giai đoạn như sau:


1. Ngày đầu tiên: Chúng ta cần phải nhận thức và cắt bỏ toàn bộ lượng đường vượt quá mức tiêu chuẩn.


Lượng đường mà cơ thể cần vừa đủ để duy trì sức khỏe là khoảng 25 gram (8). Vì vậy hãy bắt đầu dừng ngay các sản phẩm vốn đã quen thuộc với các tín đồ "hảo ngọt" như trà sữa (trong ly 500ml chứa khoảng 100 gram đường), bánh ngọt, nước ngọt có ga (trong chai 250ml chứa khoảng 35 gram đường), các loại sữa nhiều đường, sữa đặc… Khẩu phần trong ba bữa ăn thường ngày của người Việt đã đủ đáp ứng mức đường tiêu chuẩn.

Hãy yên tâm là sau khi kết thúc quá trình "thải độc" đường, chúng ta vẫn được phép ăn lại những món này, nhưng theo lời của chuyên gia tư vấn Lorraine, hương vị khi ấy của các món ngọt sẽ "hơi khác".


2. Từ khoảng hai đến bảy ngày: Những tác động của việc "cai nghiện" đường diễn ra mạnh nhất.


Cũng giống như bất cứ việc cai nghiện nào khác, bạn sẽ trải qua những biểu hiện thường thấy như đau đầu, mệt mỏi, đau cơ và tất nhiên là rất thèm đồ ngọt. Thậm chí, những triệu chứng này cũng có thể trầm trọng hơn như nôn mửa, đổ mồ hôi, chóng mặt và run rẩy chân tay.


Trong giai đoạn này, người kiêng đồ ngọt cần tiếp tục sử dụng các loại rau xanh, các thực phẩm lành mạnh và các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, ngô, bánh mì nguyên cám, lúa mạch, lúa mạch đen… Trong khi ăn, nhớ nhai kỹ để tạo cảm giác no lâu và hạn chế sự thèm ăn (9).



3. Từ tám đến mười ngày: Giai đoạn cơ thể bắt đầu đi vào ổn định.


Các triệu chứng khó chịu bắt đầu dịu dần, cơ thể trở nên dễ tập trung hơn và đã bắt đầu nhận thức được các mức độ đồ ngọt. Chúng ta vẫn có thể sẽ bị thôi thúc sử dụng các thực phẩm có đường nhưng do vị giác đã thay đổi, các món ăn bình thường sẽ trở nên quá ngọt hoặc không còn ngon miệng.


Lúc này với một cơ thể mới, tỉnh táo và sáng suốt, việc thử vài miếng bánh ngọt hoặc ly trà sữa "full đường, full topping" đã không còn là vấn đề. Có điều, hầu hết những ai "thải độc" đường thành công đều cho rằng sau 10 ngày, những món ngọt quen thuộc đã không còn hấp dẫn. Chúng ta đã hoàn toàn phân biệt được đâu là đói bụng và đâu là cơn thèm đường.


Một số lưu ý


  • Đường còn có nhiều trong các loại trái cây như xoài, mít, dưa hấu, nho… Ăn nhiều loại trái cây này trong giai đoạn "thải độc" đường thì cũng không mang lại hiệu quả gì. Thay vào đó, hãy sử dụng các loại trái cây ít đường hơn như dâu tây, bơ, dưa lưới và các thực phẩm lành mạnh khác.

  • Không nên sử dụng các loại nước ngọt không đường để thay thế.

  • Hạn chế sử dụng gạo trắng, bún, phở... Mặc dù gạo trắng rất dễ ăn và là món không thể thiếu trong khẩu phần hằng ngày để cung cấp tinh bột và năng lượng, nhưng nó không tốt trong quá trình cai đường. Thay thế gạo trắng bằng các thực phẩm nguyên cám đã kể trên sẽ góp phần tăng hiệu quả cho quá trình này. Trong nước dùng của bún và phở cũng có rất nhiều chất tạo ngọt nên chúng ta cũng cần hạn chế triệt để.


Comments


bottom of page