Kiến thức rượu vang quả thực mênh mông do phương pháp sản xuất rượu bị ảnh hưởng bởi thời tiết, thổ nhưỡng và văn hóa ẩm thực của từng quốc gia. Tuy nhiên, LeLa sẽ chỉ bạn phương pháp học rượu vang vừa đơn giản vừa thú vị, để qua đó, bạn có kiến thức về rượu vững chắc rồi tự khám phá, hay quyết định theo học lớp chuyên nghiệp.
Trong suốt 20 năm khám phá thế giới rượu, chúng tôi đúc kết một vài kinh nghiệm như sau:
Không điều gì là đúng tuyệt đối trong thế giới rượu. Đúng là do nhiều người đồng ý, cho đến khi loại rượu khác được nhiều người ưa chuộng hơn.
Học về rượu không chỉ dừng lại ở việc thưởng thức các loại rượu mà phần lớn mọi người yêu thích, mà để khám phá ra loại rượu mà bạn đam mê nhất, từ đó chia sẻ cảm nhận cá nhân. Chai rượu ấy mang lại cho bạn cảm giác ra sao? Bạn sẽ diễn giải hương vị của chai rượu này như thế nào?
Cùng với sự ảnh hưởng của bạn, chai rượu mà bạn yêu thích sẽ được nhiều người khác hưởng ứng.
Qua thời gian dài tiếp xúc trong ngành rượu, chúng tôi nhận ra rằng chuyên gia rượu là người dẫn đường để ta tìm thấy điều gì đúng nhất cho chính mình. Người quyết định loại rượu ngon luôn là bạn. Vì thế, chúng tôi quyết định tóm tắt một bài hướng dẫn đơn giản và dễ hiểu nhất cho những người mới bắt đầu học về rượu.
Khởi đầu: Khám phá loại rượu mà mình thích nhất
Khi bàn về khẩu vị rượu, có hai câu hỏi cửa miệng: "Bạn thích rượu từ vùng nào?" và "Bạn thích loại nho nào?"
Nếu chọn rượu theo vùng, bạn có thể khởi đầu với 4 - 6 chai rượu từ những vùng nổi tiếng như Bourdeux, Burgundy, Napa Valley, Piedmont, Tuscany, Maipo Valley, hoặc Aconcagua Valley.
Nếu chọn theo loại nho, bạn có thể bắt đầu với những loại nho nổi tiếng như Cabernet Sauvignon, Syrah, Pinot Noir, Sangiovese, Pinot Grigio, Chardonney, Riesling, Sauvignon Blanc.
Bạn có thể chọn rượu theo độ đậm đà của hương vị. Khi mua sắm, bạn có thể nhờ nhân viên bán hàng giới thiệu rượu ba loại hương vị phổ biến là full-bodied, medium-bodied, và light-bodied. Rượu full-bodied là nhóm có vị đậm nhất, kế đến là medium-bodied, và nhẹ nhất là light-bodied. Để "khai mở" vị giác, bạn nên chọn cả ba nhóm rượu đã nêu.
Bạn cũng có thể chọn dựa trên độ tuổi của rượu. Trên nhãn chai thường ghi chú năm sản xuất, bạn nên mua những chai rượu tối thiểu 5 năm tuổi thì thường đạt độ trưởng thành để uống.
Vừa mới khởi đầu, bạn có thể chọn rượu ngẫu nhiên và tùy theo ý thích, ví dụ như bạn mua chai rượu này vì thích nước Pháp, vì bao bì đẹp, được người thân tư vấn, hoặc vì rating cao. Lựa chọn khởi đầu nào cũng đúng cho đến khi bạn tìm ra loại rượu mình thích.
Bước thứ 2: Cảm nhận hương vị
Khi mới bắt đầu, bạn chưa cần sắm tủ lạnh bảo quản rượu. Bạn có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng và nhớ trước khi uống, bạn cần ướp trong tủ lạnh khoảng 30 phút để nhiệt độ rượu về 15 độ C thì mới sẵn sàng mở chai. Khi uống rượu, bạn nên ngồi phòng có điều hòa từ 23 đến 25 độ C.
Sau khi mở chai, bạn hãy rót 3 ly cho mình, mỗi ly từ 50 đến 100ml.
Với ly đầu tiên, bạn có thể nếm ngay sau khi mở. Ly thứ 2 nếm sau 30 phút, và ly còn lại sau 30 phút tiếp theo. Đây là quá trình chờ rượu có thời gian oxy hóa, hay còn gọi là cho rượu thở.
Trước tiên, bạn sẽ tập ngửi rượu: tay cầm ly rượu và bắt đầu lắc đều, ngửi rượu khi ly ở dưới cằm, nâng ly rượu sát mũi và ngửi lại hương thơm của rượu. Với các loại rượu đậm vị, bạn sẽ ngửi thấy hương thơm khi ly ở gần cằm. Các loại rượu thanh tao sẽ tỏa hương khi ly ở gần mũi.
Sau khi cảm nhận mùi hương, bạn bắt đầu nếm rượu: cảm nhận rượu ở khắp vòm miệng, ở đầu lưỡi, bạn sẽ thấy vị ngọt, cuối lưỡi bạn sẽ thấy vị chát, hai bên lưỡi bạn sẽ thấy vị chua. Bạn sẽ cảm nhận được vị rượu chuyển biến khi di chuyển đến các vị trí khác nhau trên lưỡi. Dòng rượu đậm đà sẽ ngay lập tức "trình diễn" hương vị ngay khi chạm lưỡi và ngược lại dòng rượu thanh tao sẽ chuyển biến dần trong miệng. Sau khi nuốt rượu, bạn hãy để ý hậu vị của rượu còn lưu luyến hay biến mất nhanh chóng đồng thời để ý rằng mỗi chai rượu sẽ có đoạn kết khác nhau.
Sau khi nếm ly rượu đầu tiên, bạn lặp lại quá trình này cho hai ly rượu còn lại để cảm nhận sự thay đổi hương vị sau khi rượu được thở.
Với ly 1, bạn sẽ cảm nhận hương vị rượu còn khép kín. Khi qua ly 2, bạn sẽ thấy rượu đang dần hé mở. Với ly thứ 3, rượu sẽ mở và hoàn toàn thể hiện cấu trúc hương vị tự nhiên.
Bạn có thể tra cứu hương vị chai rượu tại website của nhà sản xuất (còn gọi là tasting notes) để tập nhận biết các hương vị này.
Bước 3: Thưởng thức nhiều món ăn với loại rượu đã chọn ở bước 1
Bạn hãy tra cứu loại thịt nào có thể ăn kèm với chai rượu mà mình yêu thích tại website của người bán. Khi đi kèm các món thịt chuẩn, vị rượu sẽ ngon, mềm mại và hòa quyện tự nhiên trong miệng.
Tại Việt Nam, món ăn thường dùng cùng nhiều loại nước sốt khác nhau. Trong trường hợp này, kết hợp rượu với thịt không còn quan trọng nữa vì bạn cần chú ý đến hương vị nước sốt. Nếu món ăn sau khi chấm nước sốt mang lại vị mặn, bạn có thể kết hợp với rượu full-bodied và medium bodied. Khi món ăn và nước sốt mang lại vị mặn ngọt, mặn chua, chua cay, bạn nên kết hợp với rượu light-bodied. Khi chai rượu cộng hưởng với món ăn, bạn sẽ cảm nhận sự hòa hợp hương vị. Nếu rượu không đúng với món ăn, bạn sẽ cảm nhận sự phản vị như vị tanh, chát, chua, và khó chịu trên lưỡi.
Ngoài ra, bạn cũng nên thử uống rượu đỏ với thủy hản sản và rượu trắng với thịt đỏ để cảm nhận sự trái ngược nhau, hoặc bất ngờ khi tìm ra loại rượu đỏ phù hợp với hải sản và loại rượu trắng phù hợp với thịt đỏ.
Bước 4: Tìm thêm các loại rượu khác mà mình thích
Tùy vào lựa chọn đầu tiên, bạn có thể thử các loại rượu đậm vị hơn, hoặc nhẹ vị hơn.
Nếu bắt đầu với Carbenet Sauvignon, bạn hãy thử Merlot và Pinot Noir. Nếu bắt đầu với Sauvignon Blanc, bạn hãy thử Chardonnay và Riesling.
Nếu bắt đầu với rượu từ bờ trái Bourdeaux, bạn có thể thử rượu từ bờ phải Bourdeaux, vùng miền nam nước Pháp như vùng Rhone, hoặc thử các loại rượu từ Aconcagua của Chile.
Bước 5: Thưởng thức món ăn với loại rượu mới khám phá thêm
Tương tự như bước 3, bạn có thể tìm các loại thịt phù hợp với chai rượu của mình. Tuy nhiên, quan trọng hơn hết là bạn cần "phạm lỗi" bằng cách nếm rượu với món ăn không phù hợp. Điều này giúp bạn ghi nhớ rõ rượu nào phù hợp với món nào.
Bước 6: Học về cách chọn ly rượu
Sau khi khám phá được 9 - 10 loại rượu yêu thích, bạn nên bắt đầu tìm hiểu cách chọn ly rượu phù hợp.
Tùy vào sở thích và tần suất uống rượu, bạn có thể mua loại ly phù hợp.
Nếu thích trưng bày bữa tiệc thịnh soạn, bạn có thể tìm mua ly chuyên dụng cho từng loại nho. Ly chuyên dụng giúp bạn cảm nhận tốt mùi hương đặc trưng của từng loại nho và là đề tài khá thú vị để trao đổi trong bữa ăn. Bạn có thể liên hệ công ty bán rượu để tham gia các buổi thử ly (thường gọi là Glass Tasting) để trải nghiệm trước khi mua.
Nếu yêu thích sự đơn giản, bạn có thể tìm mua loại ly dùng cho tất cả các loại rượu (ghi chú Universal như hình dưới).
Góc nhìn chuyên nghiệp
Để có góc nhìn chuyên nghiệp, bạn nên theo học những chương trình đào tạo về rượu. Tại Việt Nam, một số lớp học phân chia giáo án bài bản theo địa lý và theo từng loại nho để dẫn dắt bạn trở thành một chuyên gia trong ngành rượu. Bạn sẽ học chi tiết về các vùng rượu cổ điển ở châu Âu và các vùng rượu cách tân ở châu Mỹ, và những chi tiết đã nêu trong bài viết.
Comentários