top of page
Tìm kiếm

Cha mẹ có thể làm gì khi con lo âu?

Người lớn thường cho rằng trẻ con hoàn toàn vô tư, không lo lắng, suy nghĩ. Tuy nhiên sự thật không phải như vậy, trẻ em thực tế cũng trải qua cảm giác lo âu, sợ hãi giống như người lớn và có từ 8 đến 11% số trẻ bị lo âu làm ảnh hưởng đến khả năng trẻ tham gia vào các hoạt động hàng ngày [1].



Có rất nhiều nguyên nhân khiến một đứa trẻ trở nên lo âu. Một số nỗi lo lắng bắt nguồn từ những nguyên nhân vô căn như sợ bóng đêm, sợ côn trùng, sợ bị bắt cóc; hoặc từ nỗi lo đến từ môi trường bên ngoài như việc trẻ bị bắt nạt ở trường học, áp lực bài vở ở trường, áp lực từ thầy cô hay giao tiếp của trẻ đối với các bạn ở lớp; đôi khi nguyên nhân từ trong gia đình như trẻ bị ảnh hưởng từ sự lo lắng của các thành viên khác trong gia đình, mâu thuẫn của cha mẹ hoặc sự kỳ vọng của cha mẹ lên trẻ; và kể cả nguyên nhân di truyền cũng có thể khiến một số trẻ dễ bị rơi vào trạng thái hoang mang, lo lắng hơn so với những trẻ khác.


Sự lo âu ở trẻ là một trong những trạng thái cảm xúc bình thường mà bất cứ trẻ nào cũng sẽ phải trải qua trong suốt quá trình trưởng thành và đa phần những nỗi lo đó sẽ giảm dần đi khi trẻ lớn lên. Tuy nhiên, khi trẻ không vượt qua được nỗi lo khiến cho tình trạng này kéo dài và trở nên trầm trọng hơn có thể gây tổn hại đến sức khỏe tinh thần, khiến trẻ cảm thấy không hạnh phúc, thậm chỉ còn làm tổn thương đến lòng tự trọng và sự tự tin của trẻ [2].


Vậy khi nào lo âu trở thành một vấn đến ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ?


Câu trả lời là khi nỗi lo ảnh hưởng đến việc trẻ tham gia vào những sinh hoạt, hoạt động bình thường diễn ra hàng ngày. Ví dụ, việc một đứa trẻ cảm thấy lo lắng, sợ hãi khi chuẩn bị đến kỳ kiểm tra là nỗi lo bình thường và điều này sẽ qua đi khi kì kiểm tra kết thúc. Tuy nhiên, trong trường hợp cha mẹ nhận thấy những dấu hiệu lo lắng quá mức ở trẻ như từ chối tiếp xúc với người thân; thu mình hạn chế giao tiếp với xã hội xung quanh; hay kêu đau, mệt mỏi mà không có bất cứ bệnh lý nào về thể chất thì có thể trẻ đang phải đối mặt với một vấn đề tâm lý mà cần có sự giúp đỡ của cha mẹ để có thể chia sẻ và giúp trẻ vượt qua.


Cần nhấn mạnh lại rằng, ở đây chúng ta đang cố gắng giúp trẻ vượt qua nỗi lo thay vì giúp trẻ tránh xa nguyên nhân gây ra lo lắng. Vì nỗi lo sẽ là thứ mà trẻ luôn phải đối mặt trong suốt quá trình tồn tại đến sau này.

Dưới đây, LeLa Journal xin đưa ra một vài gợi ý mà cha mẹ có thể làm để giúp trẻ vượt qua nỗi lo âu.


1. Lắng nghe và đồng cảm


Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ lo lắng ví dụ như sợ tiêm, sợ côn trùng, sợ ở nhà một mình… và nhiều nguyên nhân trong đó mà khi nghe trẻ chia sẻ, chúng ta thường đánh giá là những nỗi sợ vô lý. Nhưng trên thực tế, đối với một đứa trẻ đang bắt đầu tập làm quen với thế giới bên ngoài có nhiều điều mới lạ (có thể cả những điều nguy hiểm) và không thể lường trước được thì những nỗi sợ đó thật sự hiện hữu và đôi khi lấn át tâm trí trẻ.


Khi chia sẻ với cha mẹ những nỗi sợ của mình nhưng không được cha mẹ quan tâm, hoặc ngay lập tức bị đánh giá rằng những điều trẻ đang lo lắng là nhảm nhí và không có gì đáng để lo, như vậy sẽ khiến cho trẻ cảm thấy hụt hẫng, thậm chí mất niềm tin vào cảm giác của bản thân và quay sang tự trách móc chính mình vì vẫn cảm thấy nỗi sợ đáng lẽ không nên có.


Vì vậy, thay vì chối bỏ cảm giác sợ hãi, lo lắng của trẻ thì cha mẹ nên bắt đầu lắng nghe để con cảm nhận được sự thấu hiểu và đồng cảm từ cha mẹ, đồng thời đặt thêm những câu hỏi mở để con có thể diễn tả nỗi sợ mà con đang trải qua thông qua tranh vẽ, lời nói như “con trông thấy nỗi sợ như thế nào?” “điều đó đang nói/làm gì với con” “lúc đấy con thế nào” và hướng trẻ tưởng tượng rằng trong tình huống đó, khi có cha/mẹ hoặc một người mà con cảm thấy tin tưởng nhất đến bên cạnh con sẽ cảm thấy ra sao, và chúng ta bắt đầu làm gì để vượt qua.



Việc đề nghị trẻ đặt tên cho nỗi lo hoặc vẽ một bức tranh thể hiện nỗi lo đó cũng giúp trẻ nhận thức được cảm giác lo lắng sợ hãi đang tồn tại nhưng không bị đồng hóa với cảm giác đó. Bởi trẻ đang mô tả cảm giác đó như một đối tượng bên ngoài có thể nhìn thấy và cảm nhận được. Khi hình dung được cảm giác của trẻ, cha mẹ có thể dễ dàng hiểu hơn về nỗi niềm mà trẻ đang trải qua và trẻ có thể học được cách nhìn nhận sự việc bằng lý trí tách rời cảm giác để tìm cách vượt qua.

2. Chia sẻ


Sau khi giúp cho trẻ nhận diện được nỗi lo của mình, điều đơn giản nhất mà cha mẹ có thể làm ngay lập tức cho trẻ là khẳng định lại một điều rằng luôn có cha mẹ ở bên con để cùng vượt qua nỗi lo này. Khi nhận được sự bảo đảm từ cha mẹ, con sẽ cảm thấy yên tâm vì được hỗ trợ về mặt tinh thần một cách mạnh mẽ và tin rằng con sẽ không phải tự đối mặt với vấn đề một mình.


Luôn khẳng định với con rằng cha mẹ luôn ở bên để cùng con đối mặt với vấn đề mà con đang trải qua.

Sau đó, cha mẹ có thể chia sẻ với con về những kinh nghiệm và trải nghiệm của bản thân để con hiểu được có nỗi lo lắng như thế là một chuyện hoàn toàn bình thường mà ai cũng cần trải qua, và những điều con đang lo lắng thì con đều có thể tìm cách để vượt qua được chúng. Cách mà cha mẹ từng làm thành công để vượt qua nỗi lo của bản thân cũng là một gợi ý tích cực để trẻ có thể thử ứng dụng.


Tuy nhiên, có một lưu ý nhỏ rằng mọi chia sẻ của cha mẹ nên mang tính gợi ý, không áp đặt trẻ làm theo bất cứ một phương pháp hay hình thức nào nếu trẻ không thực sự mong muốn.

3. Quan sát và tạo cơ hội để trẻ vượt qua



Đây là điều quan trọng nhất để trẻ vượt qua nỗi lo lắng của mình. Như đã trình bày ở trên, chúng ta không cố gắng giúp trẻ hoàn toàn tránh xa những tác nhân khiến trẻ sợ hãi mà là hướng dẫn trẻ vượt qua được nỗi sợ đó. Khi đã hiểu được điều con đang lo lắng và cùng con tìm ra cách để vượt qua nó thì bước tiếp theo là cùng con thực hành để vượt qua.


Cha mẹ có thể tạo điều kiện để con tiếp cận một cách từ từ với những tác nhân gây lo lắng. Đầu tiên, để con tập làm quen với nỗi lo kèm theo sự hỗ trợ của cha mẹ trong một khoảng thời gian ngắn mà con có thể vượt qua một cách dễ dàng. Sau đó, để thời gian tiếp xúc dài hơn nhưng cần có sự quan sát của bố mẹ thường trực để hỗ trợ cho trẻ nhiều lần lặp đi lặp lại, cho đến khi trẻ hoàn toàn sẵn sàng để tự vượt qua.


Ví dụ đối với trẻ sợ hãi nói chuyện trước đám đông, bố mẹ có thể tạo cơ hội để trẻ tự thể hiện bài phát biểu của mình cho cha mẹ nghe kèm theo nhiều lời khuyến khích, động viên để trẻ có thêm tự tin. Sau đó có thể khuyến khích con tích cực phát biểu trước lớp hoặc khi có nhiều người thân quen, rồi dần dần tạo điều kiện để cho con tham gia những hoạt động bên ngoài mà con có thể tự do nói chuyện, thể hiện trước đông người hơn.


4. Cha mẹ chính là tấm gương


Việc trẻ luôn quan sát cách cha mẹ sống và phản ứng lại những vấn đề diễn ra hàng ngày sẽ vô tình định hình cách trẻ sống và phản ứng lại những tình huống tương tự trong tương lai [2]. Việc cha mẹ cố gắng giúp con vượt qua nỗi lo trong khi chính bản thân cha mẹ cũng chưa vượt qua được những vấn đề của riêng mình đôi khi khiến trẻ cảm thấy mất niềm tin vào cha mẹ. Chính vì vậy, cha mẹ tỉnh thức để đối mặt, chấp nhận và vượt qua vấn đề của bản thân chính là phương pháp hiệu quả để trẻ có thể học theo và vượt qua vấn đề của riêng trẻ.


Lo âu, sợ hãi là một cảm giác bình thường mà tất cả mọi người đều phải đối mặt kể cả trẻ em. Việc cha mẹ giúp trẻ học được cách vượt qua được cảm giác lo lắng, sợ hãi từ khi còn nhỏ sẽ là một bước đệm vững chãi để con tự tin vượt qua được những tình huống căng thẳng khó khăn hơn khi bước vào cuộc sống sau này.

Opmerkingen


bottom of page