top of page
Tìm kiếm

Ứng dụng chánh niệm - tỉnh giác khi nóng giận

Người ta thường có câu "giận mất khôn", hàm ý khi đồng hóa mình vào sức tức giận khiến người đó giống như kẻ mất trí hay "người mù", không thể thấy biết một cách sáng suốt mà vô thức quơ quào làm theo cơn giận để dẫn đến những hệ quả tiêu cực cho mình và cho người. Sự tức bực là biểu hiện cụ thể của tâm sân.


Ảnh: Jiangnan Art.

Trong một thiền viện nọ, khi đang chuẩn bị bắt đầu bài giảng tiếp theo, một người học đạo do bất mãn với kiến thức được nghe có vẻ trái ngược với những gì anh ta từng thực hành nên đã đứng dậy lăng mạ vị thầy một cách xối xả giữa một khán phòng rộng lớn với rất nhiều người. Tất cả ai nấy đều ngạc nhiên và ngơ ngác nhìn theo điệu bộ hết mực căng thẳng cùng lời nói chua chát và nặng nề của vị thanh niên. Và có vẻ mỗi người đều đang tự hỏi không biết vị thầy sẽ ứng xử ra sao trước một trường hợp thật hiếm gặp ở chốn thanh tịnh này.

Nhưng thật kỳ lạ, trong lúc ở dưới kia, chàng trai liên tục lăng mạ người thầy giảng giải sai đạo, thì ở trên kia, người thầy ngồi yên trên ghế, vẫn rất bình tĩnh và chú tâm lắng nghe anh ta nói từng câu từng chữ một. Không có một biểu hiện căng thẳng nào từ khuôn mặt, dáng điệu cũng hết mực vững chãi và khiêm cung. Sau khi anh chàng dưới kia như đã hả dạ, cả khán phòng lặng ngắt như tờ trong một nguồn năng lượng hết mực căng thẳng. Thì bỗng nhiên người thầy bật lên một tiếng cười xóa tan bao nỗi lo ngại bên trong mỗi người. Rồi ngài bước vào bài giảng như mọi khi, từ tốn chỉ ra những gì mà anh đang hiểu lầm, để ai ai cũng dễ dàng nắm bắt và quán chiếu vào trải nghiệm nội tâm mình.


Nguồn năng lượng từ bi và thanh cao toát ra từ vị thầy khiến người thanh niên kia như bừng tỉnh và trở về thực tại. Thái độ nóng nảy, bực tức ban nãy nay bỗng lắng dịu phần nào. Anh ta chịu ngồi xuống và trả lại không gian đàm đạo cho thầy và mọi người. Sau khi nghe thầy giảng giải và làm rõ những khúc mắc trong lòng, anh chàng như thông tỏ. Đến đây, trong lòng anh liền dâng lên một cảm giác ăn năn hối hận về hành vi khiếm nhã lúc nãy của mình, đồng thời tò mò về thái độ vô cùng bình thản của vị thầy.


Vì thế, cuối buổi học, anh liền đến gặp thầy ngay và hỏi: "Tại sao hồi nãy, lời nói của con khó nghe vậy mà ngài không can thiệp?" Vị thầy ôn tồn đáp: "Khi một người đang sân, và để cơn sân ấy cuốn đi trong vô thức dẫn đến những lời nói khó nghe, thì việc mình nói lý, cãi lại chỉ đổ thêm dầu vào lửa. Lúc ấy, chúng ta nên bình tĩnh lắng nghe thấu đáo những gì họ nói, đồng thời lặng lẽ quan sát liệu bên trong mình có đang sinh khởi lên điều gì không. Việc lắng nghe họ là để chúng ta tập thái độ sẵn sàng đối diện với bất cứ chuyện gì xảy đến, dù đó là chuyện bất lợi. Huống hồ, trong tình huống này, con đang nói trực tiếp đến thầy. Thì thầy phải lắng nghe để xem con có khúc mắc nào, và thầy có thể giải quyết điều này phải tình hợp đạo ra sao khi con đã nguôi ngoai cơn giận. Hơn nữa, trong lúc lắng nghe con quát mắng, thầy cũng rõ biết tâm mình hơn, liệu tâm có đang thanh tịnh hay cũng đang âm thầm nổi cơn sân nào đó từ trong tiềm thức. Việc quan sát mình này là để ta không bị đồng hóa vào cơn sân."


Nghe đến đó, chàng trai chợt ngộ! Quả nhiên, ban nãy, do bất đồng với lời giảng của thầy, và không quan sát lại chính mình, nên anh đã để trạng thái nóng nảy sinh khởi lên rất mạnh từ đó phóng ra những lời nặng nề. Hành vi này xảy đến một cách vô thức, vì thế mà giờ đây, khi nhận thức được điều này, anh mới vô cùng hối hận và thấy lúc ấy mình như kẻ mất trí, bị cơn sân thao túng và điều khiển mình. Cũng qua chia sẻ rõ ràng trên của thầy, anh bắt đầu biết cách nhận diện cơn sân, hồi nãy hãy còn ức chế khó chịu mà nay đã thấy tâm lắng lại. Quan trọng hơn, anh đã ngộ ra việc quan sát cơn sân một cách trong sáng, không phán xét, không phản kháng lại, khiến anh không bị đồng hóa vào cơn sân như vị thầy đã chỉ dạy.

Nguyên lý vận hành của tâm sân


Ảnh: Jiangnan Art.

Như chàng thanh niên trong câu chuyện trên, tâm sân khởi nguồn từ thái độ không bằng lòng hay không hài lòng với một điều gì đó. Khi tâm sân trỗi dậy, có những biểu hiện trên thân như khuôn mặt nóng bừng, lông, tóc, cơ, da căng cứng, tim đập nhanh,... Tùy vào mức độ sân, mà biểu hiện căng thẳng trên thân nặng hay nhẹ. Nếu một người giận dữ, uất tức,... với tần suất nhiều trong một thời gian dài nhất định, có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa, giấc ngủ, ăn uống, cảm xúc lên xuống bất thường, bệnh tim,... (1)

Khi cơn sân nổi lên, mà không quan sát hay không kịp thời nhận diện nó, chúng ta sẽ có nguy cơ giống như vị thanh niên trên kia, là bị cơn sân thao túng và điều khiển mình để thực hiện hành vi bất thiện.

Trong xã hội Việt Nam ngày nay, chúng ta vẫn đọc được rất nhiều bài báo về bạo lực xuất phát từ sân hận mỗi ngày trên các trang thông tin chính thống. Mà lời khai của những người gây ra bạo lực này đều xuất phát từ lý do không nhận diện được sân hận kịp thời, nên đã bị nó cuốn đi và hành vi vô thức như một con rối.

Nhận diện cơn sân một cách chú tâm và bình tĩnh


Ảnh: Jiangnan Art.

Trong một lần hỏi thầy Viên Minh, trụ trì chùa Bửu Long ở Quận 9, Sài Gòn (2) (3), về việc nhận diện cơn sân, thầy đáp: "Càng lặng lẽ khách quan lắng nghe cơn giận dữ đó bao nhiêu càng giác ngộ nó rõ ràng bấy nhiêu. Khi con lắng nghe sự sinh, diệt của cơn giận dữ một cách chăm chú không xao lãng, con sẽ hiểu được nó và thấy nó biến mất một cách vô cùng mau chóng. Lúc đó mặc dù con vẫn đang giận dữ nhưng vẫn thanh tịnh trong hai thời: thanh tịnh lắng nghe cơn giận và thanh tịnh khi cơn giận biến mất."


Ý của thầy về từ "thanh tịnh" ở đây có nghĩa là thái độ thanh tịnh để lắng nghe và quan sát trạng thái nóng giận đang diễn biến bên trong mình. Khi có một thái độ sáng suốt quan sát, thì ta sẽ không để trạng thái sân bên trong dẫn dắt mình đi (quá xa), và tạo tác hành vi có hại.

Tất nhiên, chúng ta nên lưu ý rằng quan sát và nhận diện ở đây không có nghĩa là kiểm soát hay kiềm chế. Nhận diện là một cách tự nhiên, thả lỏng. Còn kiểm soát hay kìm chế thực ra là đang dùng một lực (thái độ) để đè nén sự nóng giận vào sâu bên trong tiềm thức. Khi sự nóng giận này bị đè nén vào sâu bên trong, thì khi gặp một điều kiện không như ý muốn, nó lại trào ngược ra bên ngoài. Hơn nữa, khi đè nén cơn sân vào bên trong, đó là dùng thái độ sân để đối trị với trạng thái sân hiện hữu. Như vậy, thì sân lại chồng thêm sân.


Thầy Viên Minh cũng giải thích thêm: "Giận được nuôi dưỡng bởi tâm còn chấp thị phi. Khi thiếu trọn vẹn rõ biết thân tâm trong hiện tại thì vô tình kéo dài quá khứ để cơn giận xâm chiếm toàn bộ thời gian." Điều này hàm ý rằng, khi thái độ (nhận thức) của chúng ta vẫn tiếp tục có sự không vừa ý với bên ngoài hay thậm chí bên trong mình, điều đó có nghĩa rằng ta đang nuôi dưỡng sự giận dữ. Và nếu không trọn vẹn nhận diện nó, thì sự giận dữ vẫn đang ngấm ngầm ẩn hiện bên trong chúng ta, khiến chúng ta có cảm giác thật ngứa ngáy và khó chịu.


Như vậy, có thể đúc kết rằng, thực ra sự giận dữ không đáng quan ngại mà điều đáng quan ngại ở đây là chúng ta không sáng suốt kịp thời nhận diện nó và không có sự kiên nhẫn để quan sát nó. Đó mới là nguyên nhân gốc rễ cho cơn sân thao túng chúng ta. Khi ngoại cảnh không như ý, mỗi người nên bĩnh tĩnh lắng nghe cả ngoại cảnh và cả chính thân tâm mình. Từ sự thực hành chân thành và kiên trì này, chúng ta mới có thể rõ thấy nguyên lý vận hành của sân, và không còn để bị nó chi phối nữa.

Opmerkingen


bottom of page