top of page
Tìm kiếm

Từ cô đơn đến lãnh đạm: Cách nào có thể xoa dịu bạn?

Chắc hẳn trong mỗi chúng ta, ai cũng ít nhất một lần trong đời cảm thấy cô đơn. Nhưng để có thể định nghĩa chính xác khái niệm này lại không hề đơn giản. Nếu như phải tìm cụm từ gần nhất để mô tả cảm xúc cô đơn thì LeLa tin rằng đó là “thiếu kết nối”.


Cô đơn là thấy lạc lõng, lãnh cảm là thiếu động lực sống



Một người cô đơn khi họ cảm thấy bản thân bị lạc lõng giữa mọi người, thấy bản thân bị tách biệt, không có mối liên hệ với người khác, và quan trọng nhất, có cảm giác không ai hiểu mình. Như vậy, con người không chỉ cảm thấy cô đơn khi ở một mình, mà cô đơn vẫn hoàn toàn có thể tìm đến ta khi ta ở giữa bạn bè, người thân.


Khi cảm thấy cô đơn, lạc lõng trong một thời gian dài, chúng ta dần trở nên lãnh đạm. Từ cảm giác thiếu kết nối với mọi người, không được quan tâm, không được thấu hiểu, chúng ta sẽ trở nên bàng quan với mọi người và sự vật xung quanh.


Lãnh đạm khiến chúng ta thờ ơ, không quan tâm đến thế giới xã hội. Điều này càng khiến sợi dây kết nối giữa bản thân và tập thể càng mỏng manh.


Theo y học, lãnh đạm (lãnh cảm - Apathy) là trạng thái thiếu động lực để làm bất cứ điều gì hoặc không quan tâm đến những gì đang diễn ra xung quanh của một người. Sự thờ ơ có thể là một triệu chứng của các vấn đề sức khỏe tâm thần như bệnh Parkinson hoặc bệnh Alzheimer (1) (2).



Có nhiều người nhầm lẫn giữa lãnh đạm và trầm cảm. Mặc dù khó phân biệt nhưng hai bệnh lý này hoàn toàn khác nhau. Trong khi lãnh cảm là sự mất kết nối, thiếu năng lượng và động lực để hoàn thiện bất kỳ một việc gì thì trầm cảm là một trạng thái tâm lý cực đoan hơn. Ở đó, người trầm cảm không chỉ mất kết nối với thế giới mà còn mất kết nối với chính bản thân mình. Do vậy, người bị trầm cảm thường có xu hướng tự tử trong khi người lãnh đạm thì không.

Vậy, những biểu hiện nào giúp chúng ta nhận ra một người đang mắc hội chứng lãnh đạm - thờ ơ? Có thể điểm qua một số triệu chứng sau:

  • Thiếu nỗ lực hoặc năng lượng để làm việc hàng ngày.

  • Phụ thuộc vào người khác để lập kế hoạch hoạt động của bạn.

  • Không có mong muốn tìm hiểu những điều mới, gặp gỡ những người mới hoặc có những trải nghiệm mới.

  • Không quan tâm đến cả vấn đề của chính bản thân bạn.

  • Không có cảm xúc khi điều tốt hay điều xấu xảy ra.


Chắc hẳn, khi đọc những biểu hiện trên, có nhiều bạn tặc lưỡi “Ai mà chẳng có lúc như vậy!”. Tuy nhiên, người lãnh đạm sẽ có những triệu chứng, cảm xúc này thường xuyên hơn, kéo dài lâu hơn nên gây ảnh hưởng tới đời sống xã hội cũng như sức khỏe thể chất và tinh thần của họ.


Theo Yuen-Siang Ang - một chuyên gia trong lĩnh vực thần kinh tại Đại học Oxford, chứng lãnh đạm có thể được chia thành 3 loại: hành vi, quan hệ xã hội và cảm xúc cá nhân (3):

  • Sự thờ ơ về hành vi: Bạn ít khả năng cảm thấy có động lực hoặc tự mình bắt đầu các hoạt động hướng đến mục tiêu (việc nhà, trường học hoặc công việc).

  • Lãnh cảm xã hội: Bạn ít khả năng tương tác với người khác hoặc thể hiện sự quan tâm đến cảm xúc của họ.

  • Lãnh cảm về cảm xúc: Bạn cảm thấy rất ít cảm xúc. Bạn có thể thờ ơ với những điều đang xảy ra trong cuộc sống của mình và không quan tâm nếu bạn làm hoặc nói điều gì đó khiến người khác khó chịu.


Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng lãnh đạm. Ngoài những nguyên nhân do bệnh lý (Parkinson, Alzheimer,...) đã nhắc đến ở trên thì rất nhiều người bị hội chứng thờ ơ do vấn đề tâm lý. Chẳng hạn, khởi nguồn từ những tổn thương tâm lý mà trong một thời gian dài họ bị ám ảnh bởi ký ức ấy và không thoát ra được, từ đó dần dần mất kết nối với thế giới bên ngoài và những người xung quanh.


Như vậy, nói một cách dễ hiểu, đa phần người mắc chứng lãnh đạm là do khúc mắc tâm lý ở một giai đoạn nhất định trong cuộc sống hay bị mất kết nối với những người xung quanh. Do đó, để điều trị chứng lãnh đạm, các bác sĩ, chuyên gia sẽ sử dụng nhiều liệu pháp để kết nối với con người ẩn sâu bên trong bệnh nhân. Từ đó, họ có thể nhận ra và giải quyết những trở ngại tâm lý ngăn cản người bệnh kết nối với mọi người và giúp bệnh nhân tái kết nối với những người xung quanh.


Thú cưng: sợi dây kết nối tình cảm



Động vật trị liệu là một phương pháp đã được sử dụng từ lâu, và cũng được chứng minh là có hiệu quả nhất định trong liệu trình điều trị (4).


Về mặt sức khỏe tinh thần, việc nuôi một con chó hoặc con mèo tạo nên mối quan hệ con người - thú cưng, tiền để để phát triển và mở rộng những mối quan hệ giữa người với người khác.

Đầu tiên, nuôi và chịu trách nhiệm hoàn toàn về một con vật làm tăng lòng tự trọng của người nuôi. Ngoài ra, việc yêu thương và chăm sóc một con vật cũng giúp thỏa mãn nhu cầu về mặt tình cảm và tâm lý của chúng ta, thỏa mãn nhu cầu được yêu thương vô điều kiện, được trở nên có ích và từ đó bắt đầu xây dựng sợi dây liên kết bền chặt giữa bản thân và bên ngoài thông qua thú cưng.


Thứ hai, việc chăm sóc và chơi đùa với thú cưng hàng ngày cũng giúp chúng ta giải tỏa những căng thẳng và áp lực trong cuộc sống. Đây là những cảm xúc tiêu cực mà nếu không có thú cưng, chúng ta thường có xu hướng gặm nhấm một mình khiến tình trạng tinh thần càng trở nên bất ổn.


Về mặt sức khỏe thể chất, chăm nuôi một con vật cũng đòi hỏi một số hoạt động nhất định. Ít thì cho mèo ăn, dọn dẹp vệ sinh cho mèo và chơi với chúng. Nhiều thì cần dắt chó đi dạo, đi tập thể dục. Như vậy, những hoạt động nhỏ đó giúp chúng ta hoạt bát hơn và sức khỏe cũng dần trở nên tốt hơn. Rèn luyện thể chất tốt là sự hỗ trợ rất lớn trong quá trình điều trị những thương tổn về tinh thần.


Như vậy, ta có thể thấy rằng lãnh đạm là một hội chứng về tâm lý rất dễ mắc phải, đặc biệt trong thời kỳ xã hội phát triển, con người ngày càng chịu nhiều áp lực từ công việc, gia đình lẫn môi trường sống. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải học cách cân bằng giữa những cảm xúc tích cực - tiêu cực trong cuộc sống. Và LeLa tin rằng, nuôi một em thú cưng xinh xắn trong nhà sẽ giúp bạn rất nhiều đó!

Comments


bottom of page