top of page
Tìm kiếm

Chán ghét… sếp: 4 cách "detox" mối quan hệ công việc với cấp trên

Trong môi trường công việc, sếp là người dẫn dắt và đóng vai trò quan trọng cho sự thành công cũng như thăng tiến của nhân sự cấp dưới. Tuy nhiên, không phải lúc nào mối quan hệ giữa nhà lãnh đạo và nhân viên cũng đều "cơm lành canh ngọt".


Bất đồng với sếp: Vì đâu nên nỗi?


Theo khảo sát của công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey, có đến 52% nhân viên từng quyết định nghỉ việc vì họ cảm thấy không được sếp coi trọng (1).

Có hẳn trăm ngàn nguyên nhân khiến bạn vướng mắc vào tình trạng này, đó có thể là do cấp trên của bạn không đối xử công bằng, thường đưa ra phản hồi tiêu cực hoặc thiếu sự lắng nghe. Hay đó cũng có thể là do sếp không thể giải quyết tình huống xung đột một cách phù hợp nhất hoặc không minh bạch về mục tiêu công ty.


Lý giải ở góc độ khoa học thần kinh, tiến sĩ Sherri Malouf, tác giả cuốn Science and the Leader, cho biết ta thường có xu hướng phân loại người khác thành "chúng ta" hoặc "họ". Ông nói: "Với bất kỳ ai được coi là "chúng ta", não sẽ giải phóng oxytocin, thúc đẩy sự tin tưởng, hào phóng và hợp tác. Ngược lại, nếu bạn phân loại ai đó là "họ", xem người ấy thuộc về một phe khác, bạn sẽ trở nên hung hăng hơn." (2)



Mỗi ngày, chúng ta phải tương tác với nhiều người. Chính vì thế, não rất "lười biếng" khi phải hình thành mô hình tư duy (mental models) mới cho mỗi tương tác như vậy. Kết quả là nó dùng đi dùng lại các mẫu hình cũ. Nếu bạn có một bộ quy chuẩn ứng xử dành cho người lãnh đạo thì đồng thời trí óc sẽ hình thành mẫu hình tương ứng và dùng lại trong nhiều trường hợp. Theo một cách vô thức, khi tiếp xúc với sếp, thay vì phân tích kỹ lưỡng các hành động của cấp trên thì ngay lập tức não bạn đã phán xét và quyết định có sản xuất hormone oxytocin hay không.


Vấn đề có thể xuất phát từ hai phía


Dù là nguyên nhân nào khiến cho bạn cảm thấy chán ghét sếp đi chăng nữa thì cũng không thể phủ nhận rằng, cảm giác bất an, bất mãn, bị bỏ rơi, mất niềm tin vào cấp trên hay mất động lực trong công việc là thật. Vậy chúng ta cần phải làm gì để đối mặt với tình huống khó khăn này?


1. Thấu hiểu nhiều hơn


Một nghiên cứu mới đây từ Catalyst cho thấy rằng sự thấu cảm mang đến một số tác động mang tính xây dựng đáng kể trong môi trường làm việc (3). Đặt mình vào vị trí người quản lý sẽ giúp nhân viên bao dung hơn. Thay vì đơn thuần cảm thấy căm phẫn hay tức giận, chúng ta có thể giúp đỡ và hỗ trợ cấp trên của mình để tìm giải pháp cho những vấn đề mà họ đang gặp phải.


Không phải bất kỳ vị sếp tồi nào cũng đều là một con người tệ bạc. Và càng không phải bất kỳ người sếp nào cũng đều bỗng dưng trở nên đáng ghét. Khi đối mặt với sự vô lý hoặc hành động kém chuyên nghiệp từ người lãnh đạo, trước khi cáu giận, chúng ta nên cố gắng tìm hiểu bản chất của vấn đề để hiểu rõ và cảm thông hơn cho họ.


Hãy nhớ rằng, sếp của bạn cũng là một con người và có thể họ đang gặp những thử thách khó khăn trong cuộc sống. Biết đâu, người sếp mà bạn vẫn thường hay phải thở dài ngán ngẩm khi nhắc đến thực chất lại đang phải đối mặt với vô vàn áp lực từ bên ngoài, hoặc cũng có thể họ đang phải trải qua giai đoạn khó khăn mà bạn không hề biết đến. Việc thấu cảm, đặt mình vào vị trí người khác sẽ giúp bạn cải thiện mối quan hệ giữa mình và sếp nhiều hơn.


2. Nhìn lại bản thân và đồng nghiệp


Đây có thể là điều mà chúng ta không muốn nghe, cũng không muốn khẳng định, nhưng nào, hãy hồi tưởng, quán chiếu và đánh giá bản thân xem liệu rằng mình có làm sai bất kỳ điều gì hay không. Biết đâu chừng chúng ta đã lỡ lời hay vô tình có những hành động dẫn đến sự bất bình từ phía sếp.


Hãy bắt đầu tự vấn bản thân bằng những câu hỏi như: "Tôi đã hoàn thành tốt công việc của mình hay chưa?", "Liệu tôi đã trò chuyện với sếp một cách lịch sự?", "Tôi đã làm gì khiến sếp khó chịu hay bực tức không?" Việc tìm được cho mình câu trả lời sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình cải thiện mối quan hệ của hai bên.



Bên cạnh đó, giáo sư Manfred F. R. Kets de Vries còn khuyên bạn nên quan sát và tìm kiếm lời khuyên từ những đồng nghiệp đang làm việc hiệu quả với sếp của bạn. Tuy nhiên, khi tiếp cận đồng nghiệp, hãy đặt câu hỏi cẩn thận. Thay vì hỏi người đó tại sao sếp liên tục ngắt lời khi bạn nói, thì hãy hỏi: "Làm sao anh/chị biết có nên lên tiếng hay không?" hay "Làm sao để anh/chị bày tỏ ý kiến trái ngược?".


Binh pháp Tôn Tử có câu "biết người biết ta, trăm trận không nguy". Thiết nghĩ, tìm hiểu thêm về sếp cũng là một cách để cứu nguy cho sự nghiệp của bạn vậy.

Song, những điều ở trên chỉ là cách để bạn tự suy xét lại vấn đề cẩn trọng chứ không đồng nghĩa rằng bạn phải cam chịu, dung túng cho những thái độ hay hành động không thể chấp nhận được từ người lãnh đạo.


3. Giao tiếp là chìa khóa


Khi đã nhận ra rằng bản thân mình không phải là người phá hỏng mối quan hệ cấp trên - cấp dưới, chúng ta nên làm gì? Một cuộc trò chuyện nhẹ nhàng, chân thành và thẳng thắn chắc hẳn sẽ giúp bạn bộc lộ trực tiếp những suy nghĩ và cảm xúc của mình. Hãy mở đầu câu chuyện bằng cách chia sẻ về những phiền muộn mà bạn đang phải đối mặt, lắng nghe ý kiến của họ và cố gắng tìm ra giải pháp chung.


Để tránh quá trình trò chuyện trở nên gián đoạn và không thành công, bạn nên tìm kiếm một không gian đủ riêng tư để cả hai đều cảm thấy đang ở một "nơi an toàn" để thảo luận. Thay vì chỉ trích hoặc đổi lỗi, hãy tập trung vào những vấn đề cụ thể mà bạn muốn giải quyết.


Hơn hết, bạn cũng nên lắng nghe những ý kiến từ phía sếp của mình một cách tôn trọng. Bởi quan trọng hơn cả là đôi bên phải cùng nhau tìm kiếm giải pháp để xây dựng một mối quan hệ lành mạnh và cải thiện hiệu quả công việc.



4. "Thẳng tiến" đến phòng nhân sự


Nếu vẫn không thể giải quyết vấn đề của mình với sếp, bạn có thể thử tìm kiếm sự hỗ trợ từ phòng nhân sự hoặc cấp trên của sếp. Trong một số trường hợp, việc này có thể giúp bạn giải quyết vấn đề một cách công bằng và hợp lý.


Song trước khi quyết định làm điều đó, bạn cần đảm bảo rằng mình đã thực hiện đầy đủ các giải pháp khác từ trước. Bởi vì, nếu đưa ra những phàn nàn quá sớm về người quản lý, bạn có thể tự làm giảm uy tín và độ tin cậy của mình trong mắt ban lãnh đạo công ty.


Bạn nên giải thích chi tiết về tình huống bạn đang gặp phải và những nỗ lực mà mình đã thực hiện để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, bạn cũng cần chuẩn bị tinh thần rằng đôi khi phòng nhân sự không thể giải quyết được mọi vấn đề hoặc giải pháp của họ không phù hợp với bạn. Nếu sau tất cả các nỗ lực mà vẫn không thể chấp nhận được sếp của mình, bạn có thể nghĩ đến việc chuyển sang một bộ phận khác trong công ty hoặc tìm một công việc mới để tránh phải làm việc với người sếp hiện tại.


Bất kể là đưa ra giải pháp nào, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, hãy xem xét tất cả các khía cạnh của vấn đề. Đôi khi, việc đối mặt với người sếp khó ưa có thể là một thử thách, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để bạn học hỏi và trưởng thành hơn.



Comentarios


bottom of page