top of page
Tìm kiếm

Workcation: Vì sao xu hướng "vừa đi làm, vừa đi chơi" ngày càng phổ biến?

Một trong những tác động lớn nhất của COVID-19 đến thế giới là cách nó thay đổi tư duy làm việc của người lao động, hướng họ đến một lối sống cân bằng hơn thay vì dành phần lớn thời gian trên văn phòng như trước.



"Đại dịch không chỉ thay đổi cách hàng triệu người trong chúng ta làm việc mà còn thay đổi cách ta cảm nhận về sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống" - Richard Sofer, Giám đốc Phát triển Kinh doanh của công ty du lịch TUI UK, cho biết. Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh rằng chẳng có lý do gì buộc người lao động không thể vừa làm việc vừa hưởng thụ những niềm vui trong cuộc sống (2).


Workcation là một từ được kết hợp giữa công việc (work) và kỳ nghỉ (vacation). Mặc dù mới trở thành xu hướng trong những năm gần đây, thế nhưng ít ai biết được khái niệm này đã xuất hiện từ những năm 2010 (3). Đến năm 2018, workcation bắt đầu nhận được nhiều sự chú ý khi ngày càng đông đảo nhân sự đặt ra ranh giới giữa thời gian làm việc với thời gian riêng tư (4).

Thế nên, xu hướng workcation xuất hiện và dần trở nên phổ biến. Đây là một hình thức làm việc kết hợp với nghỉ ngơi, kể cả trong những kỳ nghỉ của mình thì đội ngũ nhân sự vẫn có thể làm việc từ xa. Vậy, workcation có những lợi ích gì để được hưởng ứng ngày càng rộng rãi? Và liệu trong sự thoải mái này có những tiềm ẩn gì, cũng như thị trường nên có sự chuẩn bị thế nào cho xu hướng này?



Workcation giúp cân bằng đời tư và công việc ra sao?


Theo Mayo Clinic (một trung tâm y tế học thuật phi lợi nhuận của Mỹ), nếu không có các kỳ nghỉ, người đi làm sẽ mất thời gian nghỉ ngơi và phục hồi, gây ra tình trạng kiệt sức trong công việc (5). LeLa Journal từng có bài viết tổng hợp các nghiên cứu giải thích về tình trạng "Burnout trong công việc là gì và tại sao đây là lúc cứ chill đi", bạn có thể tìm đọc thêm tại đây.


Vậy workcation mang lại những lợi ích gì để giảm thiểu tình trạng này?


1. Tận dụng thời gian cho bản thân và công việc

Theo một khảo sát toàn cầu của BBC Worklife vào năm 2022, có đến 65% trong số 5.500 người tham gia khảo sát cho biết họ có dự định kéo dài chuyến công tác để nghỉ ngơi hoặc ngược lại (6).


Nếu trước kia, công việc và thời gian nghỉ ngơi luôn tách biệt với nhau thì trong giai đoạn hiện nay, chuyện đó gần như bất khả thi. Trong khi các công ty luôn muốn nhân viên có thể đảm bảo tiến độ công việc trong mọi thời điểm, thì đội ngũ nhân sự cảm thấy điều này đang tước đi thời gian nghỉ ngơi của họ.



Thực trạng nhiều người phải ôm laptop làm việc trong thời gian nghỉ ngơi như cuối tuần hay sau giờ công sở không phải quá mới. Trong một cuộc khảo sát của Visier (nền tảng phân tích dữ liệu lĩnh vực nhân sự), có đến 56% người tham gia phỏng vấn cho biết họ luôn bị buộc phải làm việc trong thời gian nghỉ. Điều này đồng nghĩa với việc họ vẫn phải trả lời email, tham gia các cuộc họp và thực hiện các nhiệm vụ cấp trên giao phó. Thậm chí, 52% trong số người được khảo sát luôn nghĩ đến chuyện nghỉ việc để giải quyết tình huống này bởi vì họ đã mất đi động lực làm việc (7) (8).


Workcation là giải pháp cân bằng giữa cá nhân và công ty. Trong cùng một thời điểm, yêu cầu của công ty lẫn nhu cầu nghỉ ngơi của nhân viên đều được đáp ứng vì người lao động được tự chủ hơn trong việc phân bổ thời gian làm việc, giảm bớt cảm giác bị thúc ép.


2. Phục hồi và nâng cao năng suất


Sau khoảng thời gian làm việc liên tục, bất kỳ ai cũng cần có sự "làm mới" (refresh) bản thân để phục hồi năng lượng. Xét về yếu tố khoa học thần kinh, não bộ luôn có phản ứng mạnh mẽ hơn với những yếu tố mới lạ. Thay đổi bối cảnh làm việc là một trong những giải pháp hiệu quả nhất giúp não bộ giải phóng "hormone hạnh phúc" dopamine (9), tăng động lực làm việc. Ngoài ra, việc thay đổi môi trường cũng rèn luyện não bộ thích nghi với bối cảnh mới liên tục, giúp mọi người có những ý tưởng mới mẻ cũng như nâng cao khả năng học tập hơn (10).



Quá trình này cũng đã được chứng minh bằng một nghiên cứu thực nghiệm được tiến hành năm 2021 ở hơn 1.100 người. Kết quả cho thấy cứ năm người được hỏi thì có bốn người cảm thấy workcation giúp nâng cao năng suất và khả năng sáng tạo, đồng thời giảm đi mức độ căng thẳng trong công việc (11).


Hiệp hội Quản lý Nguồn nhân lực (SHRM) cho biết các kỳ nghỉ có ảnh hưởng đến cả nhân viên, gia đình và tổ chức của họ. Workcation giúp cho các nhân viên có nhiều thời gian với gia đình hơn, góp phần giảm thiểu số ngày nghỉ ốm và cả chi phí chăm sóc sức khỏe vì các kỳ nghỉ có tác dụng giảm nguy cơ đau tim và giúp họ có giấc ngủ ngon. Khi sức khỏe tinh thần của nhân viên được đảm bảo, các công ty cũng sẽ nhận được khả năng cống hiến cao hơn đến từ nhân viên của họ (12).


Đừng để workcation trở thành một giai đoạn "làm không ra làm, chơi không ra chơi"


Làm việc tại những địa điểm ở xa công ty cũng bộc lộ một số điểm hạn chế như sau:

  • Các hoạt động vui chơi, khám phá bị hạn chế: Giữa một kỳ workcation, bạn sẽ khó lòng lên kế hoạch leo núi hay khám phá những địa điểm hoang sơ vì những nơi ấy không có kết nối mạng Internet để bạn theo dõi công việc. Điều này giới hạn những trải nghiệm và có thể để lại những luyến tiếc trong bạn sau khi kỳ nghỉ kết thúc.

  • Ở trong môi trường có quá nhiều "cám dỗ": Khoảng thời gian làm việc tại nơi xa văn phòng khiến một số người mất tập trung bởi xung quanh có nhiều yếu tố giải trí thu hút họ hơn là công việc. Đương nhiên, đây là một tình huống đáng báo động, vì khi một người bị phân tâm thì khó mà đảm bảo chất lượng công việc của họ.


Tuy nhiên, nếu biết cách áp dụng một số quy tắc đúng đắn, chúng ta vẫn sẽ tạo ra một kỳ workcation trọn vẹn:


1. Lập kế hoạch cẩn thận ngay từ đầu


Một trong những yếu tố quan trọng nhất để giảm căng thẳng trong kỳ workcation là xác định được thời gian hợp lý. Thời điểm xin nghỉ của bạn không nên nằm trong giai đoạn "cao điểm" của công ty để đảm bảo rằng bạn không cần phải xử lý quá nhiều công việc trong kỳ nghỉ.


Để an tâm hơn, bạn có thể tạo cho mình danh sách công việc và chia làm hai nhóm: những việc bạn cần hoàn thành trước khi đi và những việc bạn có thể giải quyết khi trở về (13). David Ballard, giám đốc văn phòng tâm lý học ứng dụng tại APA, khuyên mọi người nên lập kế hoạch giải quyết một số tình huống có thể phát sinh trong lúc vắng mặt tại văn phòng (14).

2. Bàn giao cẩn thận



Bạn không nên vội vã thực hiện ngay một chuyến đi đột ngột. Thay vì vậy, bạn nên thông báo trước cho công ty và đồng nghiệp ít nhất vài tuần (hoặc tháng) để họ biết bạn sẽ không có mặt trên văn phòng trong thời gian đó. Sau khi họ đã nắm được lịch trình, bạn nên bắt đầu trao đổi rõ ràng với đồng nghiệp những công việc bạn sẽ đảm nhận trong kỳ workcation (15).


3. Chọn nơi ở hợp lý


Nhà báo Amanda Pressner Kreuser cho biết cô rất chú ý đến địa điểm mình sẽ đến để vừa nghỉ ngơi vừa làm việc (16).


Khi lựa chọn nơi để nghỉ dưỡng, ngoài yếu tố cảnh quan đẹp thì bạn cũng nên cân nhắc đến tốc độ Internet có tốt không, không gian ở đó có đủ yên tĩnh để tập trung làm việc không. Những yếu tố này hoàn toàn có thể được kiểm tra trước bằng cách liên hệ với nhân viên tại khu nghỉ dưỡng, hoặc tham khảo phần bình luận đánh giá trên các trang đặt phòng trực tuyến.



4. Liệt kê những yếu tố cản trở


Nếu "văn phòng" từ xa không có đầy đủ thiết bị như văn phòng trên công ty, bạn sẽ phải chuẩn bị thêm những gì? Nếu có những ngày công việc chưa hoàn thành nhưng bạn lại muốn trải nghiệm du lịch cùng bạn bè tại nơi nghỉ dưỡng thì phải làm sao? Bạn nên dành thời gian liệt kê những yếu tố có thể làm sao nhãng quá trình làm việc của mình để tìm cách phòng tránh hoặc đưa ra các giải pháp cân bằng.


5. Quy định thời gian làm việc của bản thân


Một số người có thể "lỡ" quên mất giờ làm việc trong kỳ nghỉ. Vì thế, mọi người nên tự xác định trước khoảng thời gian mình sẽ tập trung làm việc trong một ngày. Sau khi đã hoàn thành đủ số giờ làm việc, bạn có thể thoải mái tận hưởng thời gian thư giãn cho riêng mình.



Kommentare


bottom of page