top of page
Tìm kiếm

Chấn thương dây chằng chéo (ACL): Hiểm họa rình rập các nữ cầu thủ

Nhiều đội tuyển bóng đá nữ tham dự World Cup 2023, trong đó có cả Hà Lan - đối thủ của chúng ta ở vòng bảng - đang thiếu vắng đi những trụ cột bởi cùng một nguyên nhân. Đó là chấn thương dây chằng chéo trước (ACL) - một "đại nạn" đối với bóng đá nữ, đặc biệt là ở các nước phương Tây. Vậy tại sao chấn thương này lại trở thành một vấn đề như vậy và tại sao các cầu thủ nữ lại gặp phải nhiều hơn nam?


Dây chằng chéo trước (anterior cruciate ligament - ACL) nối xương cẳng chân trên với xương cẳng chân dưới để giúp giữ cho đầu gối ổn định. Hằng năm, cứ khoảng 3.000 người thì có 1 người bị chấn thương ACL và khoảng 100.000 người sẽ chọn phẫu thuật tái tạo làm giải pháp can thiệp. Dây chằng chéo trước là phần dễ bị thương, nhiều hơn các dây chằng khác trong cơ thể và xảy ra phổ biến ở các cầu thủ nữ (1).


Vivianne Miedema, ngôi sao của đội tuyển Hà Lan bị chấn thương ACL nghiêm trọng - Ảnh: David Price/Arsenal FC

Thực trạng chấn thương dây chằng chéo ở bóng đá nữ


Có một danh sách dài các ngôi sao vắng mặt tại World Cup 2023 vì chấn thương ACL. Trong đó, một số trường hợp đáng kể nhất là tiền đạo Catarina Macario của đội đương kim vô địch Mỹ, đội trưởng Leah Williamson và nữ hoàng phá lưới Beth Mead của đội tuyển Anh, tiền đạo Janine Beckie của nhà vô địch Olympic Canada (2). Còn đương kim á quân đội tuyển Hà Lan - đối thủ tại vòng bảng của chúng ta - cũng thiếu vắng đi sự cống hiến của siêu sao Vivianne Miedema, người được xem là tay săn bàn kỷ lục của xứ sở hoa tulip (3). Đội tuyển Việt Nam chúng ta cũng không có được đội hình mạnh nhất do thiếu vắng tiền vệ Nguyễn Thị Vạn cũng bởi chấn thương dây chằng chéo trước (4).


Theo ghi nhận, đã có đến 195 ca chấn thương dây chằng chéo ở các giải vô địch bóng đá nữ hàng đầu trên toàn thế giới trong thời gian gần đây, cụ thể là từ đầu năm 2022 tới nay.


Khi nhắc đến chấn thương dây chằng chéo (ACL), một điều mà nhiều nhà khoa học nhắc đến đó là tỷ lệ gặp phải điều này ở nữ giới cao hơn nhiều lần số với nam.


Một nghiên cứu của tạp chí Y khoa Thể thao Anh cho thấy phụ nữ có nguy cơ bị chấn thương dây chằng chéo trước cao gấp 3 đến 6 lần so với nam giới (5). Theo một nghiên cứu khác, tỷ lệ này là gấp 3 lần và các vận động viên nữ cấp bậc trung học, đại học có nguy cơ gặp phải cao hơn (6). Nhiều học giả, dù không đưa ra số liệu cụ thể về tỷ lệ gặp chấn thương ACL ở nữ giới so với nam giới, nhưng đồng ý với kết luận này (7), (8).


Ngoài ra, theo một thống kê khác, tỷ lệ chấn thương gặp phải của vận động viên nữ thấp hơn 6,2 so với các vận động viên nam ở các giải tương ứng (thống kê trên 1.000 giờ chơi). Tuy nhiên, tỷ lệ chấn thương đầu gối của họ thì lại cao hơn (9).


Tại sao cầu thủ nữ dễ gặp chấn thương ACL hơn cầu thủ nam?


Chấn thương dây chằng chéo trước có thể xảy ra ngay cả khi không va chạm, và nó còn chiếm tỷ lệ cao hơn so với chấn thương khi va chạm (10). Trong bóng đá, các chuyển động như cắt bóng và xoay người có thể tạo ra một lực rất lớn lên đầu gối. Trước những lực đó, ACL chịu trách nhiệm duy trì kết cầu toàn vẹn của đầu gối trước. Chấn thương ACL thường xảy ra khi người chơi cố gắng xoay cơ thể của họ so với hướng của bàn chân đã đặt lên mặt đất. Những chuyển động này tạo ra một lực xoắn trên khớp gối mà ACL phải tiếp nhận và khi không thể chịu được lực, dây chằng chéo trước sẽ bị rách (11). Theo các chuyên gia, điều này xảy ra nhiều hơn ở nữ giới, một số nguyên nhân có thể kể tới là:


1. Cấu tạo cơ thể: Đây là yếu tố không thể thay đổi được và là một lý do rất lớn dẫn đến tỷ lệ chấn thương ACL ở nữ nhiều hơn nam, trong đó bao gồm:

  • Chỉ số cơ thể BMI (body mass index) của nữ giới thường cao hơn nam giới: Điều này liên quan đến việc gia tăng nguy cơ chấn thương do khả năng gây ra phản lực mặt đất (ground reaction forces - GRF) lớn hơn (12).

  • Cấu tạo chân khác với nam: Những yếu tố trong cấu tạo chân gây ảnh hưởng gồm chu vi bắp chân nhỏ hơn, xương đùi nhỏ hơn khiến cho khả năng chịu nhiều lực hơn, thêm vào đó, độ dốc xương chày bên cùng kích thước ACL nhỏ hơn cũng ảnh hưởng đến các chấn thương nói chung của nữ giới, trong các môn thể thao khác (13).

  • Trước đây, có một số nghiên cứu cho rằng nội tiết tố cũng đóng một vai trò làm gia tăng chấn thương ACL ở các vận động viên nữ, nhưng điều này đã gây ra một số tranh cãi (14). Bởi một vài ý kiến chuyên môn đã chỉ ra việc tập trung hoàn toàn vào các cấu tạo cơ thể đã củng cố định kiến ​​sai lầm rằng để phụ nữ tham gia thể thao là nguy hiểm do không phù hợp với đặc điểm sinh học (15).



2. Giày: Trong một nghiên cứu cắt ngang năm 2010, ma sát bề mặt giày được cho là tác động đối với nguy cơ chấn thương dây chằng chéo trước (16). Tuy nhiên, phải tới năm 2016, đôi giày bóng đá dành riêng cho nữ đầu tiên mới được sản xuất (17). Vậy nên chúng ta cần thêm thời gian dài để các nhà nghiên cứu tối ưu hóa thiết kế của giày, nhằm giúp cho các nữ cầu thủ hạn chế chấn thương hơn.


Nguy cơ chấn thương ACL cao từ lâu đã rình rập các cầu thủ bóng đá nữ, thế nhưng việc xuất hiện liên tục trong thời gian gần đây thì đang được tìm hiểu để làm rõ hơn. Vivianne Miedema - ngôi sao của đội tuyển Hà Lan - người đang gặp chấn thương ACL chỉ ra rằng lịch thi đấu cũng là một nguyên nhân.


"Nếu bạn nhìn vào lịch thi đấu thì sẽ thấy ngay điều này, trước đây chúng tôi chơi 30, 35 trận một mùa, nhưng vừa qua con số này đã lên đến 60 trận" - Miedema trả lời phỏng vấn trên tờ CNN (18).

Hoàng Thị Loan thi đấu với chiếc đầu gối quấn chặt băng, nguồn ảnh: Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa (https://thethaovanhoa.vn/)

Sự quan tâm của cộng đồng dành cho bóng đá nữ là một tin vui tích cực, thế nhưng song song với nó là khâu tổ chức bất hợp lý khiến cho các vận động viên ở các giải đấu lớn trên thế giới gặp chấn thương ACL nhiều hơn bao giờ hết. Thêm vào đó, việc có thêm nhiều bạn trẻ tham gia tập luyện ở bộ môn này cũng chứa một số rủi như vì như kể trên, tỷ lệ gặp chấn thương ở các giải bán chuyên cao hơn nhiều so với chuyên nghiệp. Đây có thể là một bài học rất lớn cho BTC các giải đấu ở Việt Nam cũng như nhiều người đang có sẵn tình yêu cho môn bóng đá.


Làm thế nào để phòng tránh chấn thương ACL?


Phòng bệnh luôn hiệu quả hơn chữa bệnh, nhất là đối với chấn thương ACL vì thời gian phục hồi rất lâu, lên đến 12 tháng và chi phí phẫu thuật cũng khá đắt đỏ (19). Nó được xem như là gánh nặng kinh tế bởi hiện nay theo thống kê tại Mỹ, cứ 19 nữ cầu thủ chơi bóng thì 1 người làm rách dây chằng chéo trước của mình (20). Vậy nên tập luyện một cách bài bản để hạn chế chấn thương là một trong những giải pháp hữu ích nhất, tuy thường bị ngó lơ.


Vị trí thường dẫn đến chấn thương ACL (Ảnh từ LaBella và cộng sự, 2014)

Tiến sĩ Holly Silvers Granelli, người phát ngôn của Hiệp hội Vật lý trị liệu Mỹ về phòng chống chấn thương ACL, cố vấn phục hồi chức năng cho đội tuyển quốc gia Mỹ cho biết rằng: khởi động một cách bài bản, đúng cách là một trong những phương pháp đơn giản mà hiệu quả nhất để giảm thiểu chấn thương ACL. Điều này đã được nghiên cứu từ lâu nhưng hầu hết nhiều người thường xuyên bỏ qua (21).


Năm 2000, Tiến sĩ Silvers Granelli đã phát triển một trong những Chương trình "Ngăn ngừa chấn thương - nâng cao thành tích" (Prevent Injury, Enhance Performance - PEP), bao gồm các bài tập khởi động trong 15 phút không sử dụng bóng - được thiết kế để cải thiện sức mạnh, thăng bằng, kỹ thuật bật nhảy... Chương trình này đã được thử nghiệm trên thanh thiếu niên từ 14 đến 18 tuổi ở Nam California và cho kết quả là có đến 88% chấn thương ACL đã giảm đi.


"Tôi đã rất ngạc nhiên vì ban đầu mọi người cho rằng theo giả thuyết, kết quả chỉ có thể ở mức 35% đến 40%" - Tiến sĩ Silvers Granelli trả lời phỏng vấn trên tờ ESPN (21).

​Thế giới đang quan tâm nhiều hơn đến bóng đá nữ Không chỉ ở Việt Nam, giải vô địch bóng đá nữ thế giới 2023 cũng đang được quan tâm trên khắp các châu lục, năm nay dự kiến ​​sẽ lập kỷ lục với 2 tỷ lượt xem so với 1,12 tỷ năm 2019. Trong đó các trận đấu trực tiếp trung bình thu hút 17,27 triệu người xem, cao hơn gấp đôi so với mức trung bình 8,39 triệu vào năm 2015. Đặc biệt, trận chung kết đạt hơn 263 triệu người xem (22).


Phong trào bóng đá nữ đang lan rộng tại nhiều nơi trên khắp cả nước, song song với việc đó là các chấn thương gặp phải sẽ ngày một nhiều hơn. Vậy nên chia sẻ những thông tin hữu ích đến với những người đang tập luyện và thi đấu bóng đá để phòng ngừa các chấn thương là điều cần thiết lúc này.


Comments


bottom of page