top of page
Tìm kiếm
Trang Ps

Chánh niệm - tỉnh giác: Liệu pháp cân bằng trong cuộc sống vội vã

Khi cuộc sống ngày càng bận rộn và nhiều gánh nặng tinh thần, con người càng bắt đầu ý thức tìm đến những pháp môn có thể giúp họ cân bằng nội tại. Một trong số đó là chánh niệm - tỉnh giác (hay còn gọi là thiền minh sát, thiền Vipassana).


Cũng có nhiều người nói rằng họ đang thực hành chánh niệm, nhưng khi hỏi nguyên nhân vì sao thì câu trả lời phổ biến là để tìm sự bình yên trong tâm hồn. Vậy đích đến của chánh niệm - tỉnh giác có phải là sự bình yên và chúng ta cần ứng dụng vào cuộc sống như thế nào mới đúng?

Chánh niệm - tỉnh giác là gì?


Ảnh: Chasing Huang

Nhiều người nghĩ rằng thiền Vipassana hay chánh niệm - tỉnh giác là một thực hành tôn giáo, mà cụ thể ở đây là đạo Phật. Tuy nhiên, khi quay về lịch sử thời đại của Gautama Buddha, sau khi giác ngộ, ngài nhận ra một điều rằng nguyên nhân phát sinh phiền não nơi con người thế gian là do họ không chánh niệm - tỉnh giác trong đời sống hàng ngày để thấy ra sự thật về vô thường và vô ngã (anattā). Khi không thấy ra sự thật hay bản chất thực tại, họ thường trầm luần trong phiền muộn. Vì thế, ngay sau khi chứng chánh đẳng chánh giác, Gautama Buddha đã giảng dạy bài Tứ Diệu Đế (Four Noble Truths), bao gồm: sự thật về khổ, sự thật về nguyên nhân phát sinh khổ, sự thật về khả năng chấm dứt khổ đau và chân lý về con đường diệt khổ.


Thực ra, Gautama Buddha không lập lên một giáo phái nào, mà Ngài chỉ đơn thuần giảng giải sự thật cho người hữu duyên, tức là những người mà ngài có duyên gặp gỡ, biết vấn đề phiền não bên trong họ để khai thị (chỉ ra sự thật).


Trong bài giảng "Tứ diệu đế", việc chánh niệm - tỉnh giác là một thực hành (thái độ) xuyên suốt và căn bản để mỗi người nhận ra những sự thật này. Bởi khi phát hiện sự thật, con người mới không dính mắc vào bất cứ điều gì. Như vậy, có thể nói rằng, thiền Vipassana không phải là một thực hành tôn giáo hay một tín ngưỡng, mà đó là thực hành căn bản của tất cả con người để trở về bản chất tự do đích thực vốn sẵn có trong họ, điều mà họ không nhận ra do mỗi ngày họ thiếu chánh niệm (hay buông lung, phóng dật).



Về sau, hai bậc minh triết hàng đầu giảng về chánh niệm - tỉnh giác có thể kể đến Jiddu Krishnamurti (thế kỷ 20) và Eckhart Tolle (thế kỷ 20 và 21). Dù lời giảng và sự diễn giải của họ khác nhau, nhưng cốt lõi vẫn là "Tứ diệu đế" như Gautama Buddha khai thị. Nếu Jiddu Krishnamurti thay thế "chánh niệm - tỉnh giác" thành "hãy là sự quan sát" thì Eckhart Tolle dùng từ "hiện diện" (tức luôn có mặt với hiện tại). Bằng cách là sự quan sát chính mình hay hiện diện với thân - tâm - cảnh ở đây và bây giờ, con người sẽ tự do khỏi những thói quen của cảm xúc và suy tư bên trong.

Như vậy, chánh niệm - tỉnh giác có thể hiểu một cách ngắn gọn như sau:


Chánh niệm là tâm trọn vẹn với thực tại đang là, tỉnh giác tức sáng suốt rõ biết mình. Quá trình này cần đi cùng tinh tấn - tức là sự nghiêm túc chân thành để tâm không bị lang thang hay đắm chìm đâu đó. Thầy Viên Minh còn dùng hai cụm từ khác nữa để diễn tả thái độ này: thận trọng - chú tâm - quan sát; và trong lành - định tĩnh - sáng suốt (1).

Thực ra, chữ "vipassana" trong thiền Vipassana có nghĩa là "soi sáng" hay "thấy sự việc đúng như thật". Khi ăn, biết ăn. Khi buồn, biết buồn. Khi hạnh phúc, biết hạnh phúc. Khi tức giận, biết tức giận. Khi quan sát, chúng ta cần rõ biết thực tại như nó là, chứ không đánh giá, định kiến hay thêm bớt ý kiến chủ quan của chúng ta vào đó. Thực ra, việc không đưa đánh giá chủ quan này vào là vì để ta không dính mắc thêm, và rốt cuộc, không một ý kiến chủ quan nào có thể phản ánh đúng sự thật thực tại.


Rõ hơn nữa, khi quan sát, ta biết được quá trình sinh - diệt của cảm xúc, suy nghĩ (vô thường) và rằng không có một điều gì là ta, của ta (vô ngã). Khi trực nhận điều này, ta phát hiện rằng còn nương tựa ắt còn dao động.

Vì sao cần ứng dụng chánh niệm - tỉnh giác trong đời sống?


Ảnh: Chasing Huang

Thực ra, phần lớn mọi người đến với chánh niệm-tỉnh giác giống như một "cứu cánh", tức họ muốn từ đau khổ thành an lạc hay hạnh phúc hơn. Nhưng cốt lõi của thiền Vipassana không phải là để giúp con người đạt an lạc, mà để thấy ra sự thật thực tại. Và hệ quả an lạc chỉ đến khi thái độ rõ biết thực tại đang là. Và cái an lạc này mới đích thực! Suốt hơn 40 năm thuyết pháp, Gautama Buddha đơn thuần giúp mọi người thấy ra sự thật về khổ, vô thường và vô ngã, vì chính khi thấy ra sự thật, những người này mới thôi dính mắc hay đắm chìm.

Trước khi chia sẻ về việc "Vì sao cần chánh niệm - tỉnh giác", chúng ta hãy cùng chiêm nghiệm lại về việc nếu không chánh niệm - tỉnh giác thì sẽ dẫn đến điều gì. Có hai trường hợp phổ biến diễn ra khi thiếu chánh niệm - tỉnh giác:

  1. Mông lung trong cảm xúc và thường xuyên đắm chìm trong muôn vàn suy nghĩ.

  2. Phóng dật, tức lối sống phóng túng, không thể làm chủ bản thân.


Ngày nay, nhiều người đắm chìm không chỉ trong cảm xúc buồn, phiền não mà còn có cả hạnh phúc hay an lạc. Khi đắm chìm dù bất cứ điều gì, đó là một hành vi vô thức, tức không rõ biết mình. Và họ sẽ để bị đồng hóa vào chính cảm xúc và suy nghĩ ấy. Chẳng hạn, một người buồn bã, do không quan sát rõ biết sự buồn bã như nó là, nên đắm chìm vào phiền muộn này từ ngày này qua ngày khác, thậm chí nếu lâu ngày có thể dẫn đến trầm cảm. Một người tức giận, không bình tĩnh rõ biết sự sinh khởi của tức giận, sẽ đồng hóa mình vào cơn tức giận, từ đó buông lung (không thể làm chủ bản thân), dẫn đến các hành vi tiêu cực như quát mắng đến bạo lực.


Như vậy, có thể thấy rằng chánh niệm - tỉnh giác giúp mỗi chúng ta không bị đồng hóa vào những gì đang diễn ra ở bên trong mình và bên ngoài mình. Khi không đồng hóa vào bất cứ điều gì, chúng ta có tự do. Khi tự do, thì chắc chắn sự thanh thản sẽ xuất hiện như một hệ quả dĩ nhiên.

Quan sát là thả lỏng và thuận theo tự nhiên



Một lưu ý quan trọng: Chánh niệm - tỉnh giác không phải là sự kiểm soát hay quan sát từ lý trí, mà đó là sự soi sáng tự nhiên và thả lỏng hoàn toàn (vô tâm, hay không dụng tâm). Khi quan sát bằng lý trí, đó là "cái tôi" đang quan sát. Khi dụng lý trí để quan sát, sẽ mệt, thậm chí áp lực và căng thẳng.

Quan sát không phải là chú tâm vào một việc, vì đó là đang rơi vào định. Quan sát là biết thân-tâm-cảnh như nó là. Như vậy, khi quan sát càng tự nhiên, "khẩu độ" càng rộng.


Khi chưa hình thành thói quen quan sát tự nhiên và nghiêm túc, chúng ta thường dễ thất niệm. Nhưng khi biết mình thất niệm, tức đã là chánh niệm. Lúc này, bạn chỉ cần trở về thực tại và rõ biết mình.

Thiền Vipassana không yêu cầu bạn phải ngồi xuống. Nhiều người lầm tưởng rằng chánh niệm-tỉnh giác là phải ngồi bán già hay kiết già mới đúng. Nhưng đó chỉ là một hình tượng bị con người áp dụng máy móc. Gautama Buddha nói thực hành chánh niệm - tỉnh giác ở mọi oai nghi như đi, đứng, nằm, ngồi. Vì sự soi sáng vốn đã sẵn có bên trong mỗi người, giờ đây họ chỉ cần phát huy nó trong lúc nói chuyện, trong lúc làm việc, trong lúc ăn, trong lúc chạy bộ... Bạn có thể hình dung sự soi sáng này như ánh mặt trời luôn rực sáng, và những cảm xúc -suy nghĩ miên man lang thang như những đám mây. Khi phát huy tính soi sáng của mặt trời, các đám mây bắt đầu tan biến dần và mất đi. Như vậy, khi quan sát càng tự nhiên, thì tâm ta càng sáng. Nhưng nếu không phát huy sự soi sáng chính mình, chúng ta sẽ đồng hóa vào những đám mây đen (tức cảm xúc -suy nghĩ...).


Việc chánh niệm - tỉnh giác là để mỗi người điều chỉnh hành vi và nhận thức đúng đắn hơn. Chẳng hạn, chúng ta biết mình đã nói một điều gì đó khó nghe, nhưng vì nhờ chánh niệm - tỉnh giác mà ta biết rút ra bài học, để lần sau không nói ra điều khó nghe ấy nữa.

Comentarios


bottom of page