top of page
Tìm kiếm

Chúng ta nói gì khi đi speakeasy bar?

Không bảng hiệu, không đèn màu, thậm chí... không địa chỉ, chỉ vỏn vẹn bảy chỗ ngồi mà chả mấy khi kín bàn. Bởi, khách thì muốn quán vắng, còn chủ thì "kén" đúng khách. Vậy thì, chúng ta sẽ nói gì với nhau ở một quán bar speakeasy vốn... chả có mấy ai để nói cùng?

Bài viết chia sẻ trải nghiệm và góc nhìn cá nhân của người viết.


sol (& soul) social club có lẽ chẳng phải một cái tên lớn trong ngành "nightlife", nhưng ai đến quán rồi cũng đều nhận đây là "quán ruột" của mình (còn có quay lại hay không thì cả tôi và chủ quán đều không rõ).


Chỉ biết là anh chủ quán sáng làm luật, tối... tự tạo ra luật.

Quán rượu của anh nhỏ thôi. Không bảng hiệu, không đèn màu, không địa chỉ và chỉ vỏn vẹn bảy chỗ mà chả mấy khi kín bàn. Thuở ban đầu, anh bạn tôi mở sol nhắm đến mô hình bán chỗ chứ không bán rượu, nhưng vì thời cuộc nên đành… bán lẻ. Câu chuyện mở quán của anh khá dài, mỗi đêm lại được nghe thêm mỗi chút, những đoạn ký ức rời rạc và đủ hương vị như ly absinthe Starlino gừng mà anh nghĩ là "hợp với tôi" đêm nay.


Câu chuyện trong buổi uống hôm nay giữa tôi và sol là về đủ thứ chuyện từ bình dân đến siêu hình, chẳng hạn là về rượu và chuyện quán speakeasy bar khác gì hidden bar?; về chuyện dễ nói có phải là nói dễ; về chuyện những ly cocktail dựa trên câu chuyện thay vì menu và công thức... Còn quán hôm nay chỉ có ba người, kể cả anh chủ.


"Speakeasy khác gì hidden à?" chủ quán lặp lại câu hỏi của tôi rồi tự trả lời. "Làm gì có quán bar nào là hidden, vì nếu đã muốn ẩn mình thật sự thì làm sao kinh doanh, làm sao khách tìm đến được? Ở đây, chúng tôi gọi là núp hẻm thôi. Speakeasy bar là quán bar để nói chuyện, bởi chúng tôi không bán rượu mà bán câu chuyện".

Gọi gì khi đến speakeasy bar?



Quán không có menu, nhưng khách gọi gì thì quán cũng có đủ rượu để làm, thậm chí có cả những chai mà bạn khó có thể bắt gặp ở các quán khác. Bạn chỉ có thể chọn rượu dựa trên một ít hiểu biết, hoặc không thì bằng cảm xúc và câu chuyện của mình.


Khách lần đầu đến thường mô tả vị và hương mà họ muốn thử, tương tự như cách họ đi mọi quán bar khác. Song ở sol, chủ quán lại hỏi khách rằng: "Hôm nay bạn có câu chuyện gì và muốn dùng gì?"

Điều này nói lên hai mong đợi của người chủ quán bar speakeasy rằng, khách đã có vốn liếng về rượu và kho tàng câu chuyện. Về vốn rượu, bạn thích vị cay nồng và trầm lắng của các thùng gỗ và quả mọng whiskey; mùi đường mía cháy của rượu rhum Jamaica; vị the đầu lưỡi của các loại rượu chiết xuất từ hạt; cái ngọt hậu của cây ngải cứu khi "bắt tiên xanh"? Hoặc bạn muốn thử rượu mận-đào tự tay anh chủ phối trộn, được phục vụ nóng trong ấm trà đất nung?


Còn về vốn câu chuyện, chủ quán cho rằng chuyện kể ra sẽ xác định màu sắc, cảm giác uống, tầng vị nào cần được đẩy mạnh... nói chung là cách nhấn nhá các thành phần rượu.


Giống như khi buồn, bạn sẽ thấy chỉ thấy tổ hợp campari absinthe đắng mà thôi, thế nên, anh chủ sẽ cân bằng lại vị bằng một chút prosecco hoặc sweet vermouth.

Uống vào tâm trạng, thở ra câu chuyện



"Chúng ta nói chuyện khi đi speakeasy bar" – đó là câu trả lời của anh chủ cho tiền đề ban đầu mà tôi đặt ra cho quán và cũng là cho đề bài này.

Cocktail, sau cùng, cũng chỉ là sự phối trộn của các thành phần theo một công thức nào đó, trong khi điều níu giữ chúng ta gắn bó với một địa điểm, một hương vị, một thứ rượu nào đó lại là những câu chuyện.


Mỗi ly cocktail là một câu chuyện – chuyện của chủ, lẫn chuyện của khách được chủ quán diễn giải lại. Không ly nào trùng lặp hương vị ly nào, kể cả chính chủ pha lại cũng không được. Bởi mọi thứ ở sol đều được cân đo đong đếm theo chất liệu câu chuyện, thay vì theo định lượng.


Như có lần, tôi gọi một ly Penicilin, trong tâm trạng phơi phới kể về những trò chơi tuổi thơ. Thế là anh bạn tôi làm ra một ly Penicilin không khác gì xu xoa Quảng Ngãi. Hay có lần khác, tôi cùng hai người bạn nữa được thưởng ly Long Island "ngon nhất từng được uống" đậm đà hương hoa cháy, gỗ sồi và bia gừng, mà cho đến nay anh chủ quán sol vẫn chưa pha lại được, vì câu chuyện của ngày đó khác ngày hôm nay.


Đó là điều tôi thích nhất ở sol, dù không có mấy ly tôi ưng được cách pha của anh, nhưng tôi thích những câu chuyện được kể ở sol.

Chúng tôi uống gì ở sol?


Có đoạn chúng tôi nói về thời hoàng kim của quán. Đã từng có lúc sol "dung chứa" tận 14, 15 đứa trẻ to xác, gần như chả có không khí để thở, nhưng căn phòng chưa đến 30 mét vuông lại chất đầy những câu chuyện của những đứa trẻ 95.


Đó cũng là lúc ly Last Words được dọn đến trước mặt chúng tôi.

Last Words (Niệm khúc cuối) tại sol

Last Words luôn là ly mà quán rượu cực kỳ "hòa đồng" này (dù sao cũng là social club mà) gợi ý cho khách mới ghé chơi lần đầu. Bởi theo anh chủ, ở sol, sự kết thúc của những chiếc mặt nạ hay bản dạng xã hội mà khách phải đeo trong giờ hành chính cũng là sự khởi đầu, mở ra căn tính thật của khách.


Chúng tôi đến sol bằng những con người thật (rượu cũng thật), nên chúng tôi chỉ muốn bắt gặp những câu chuyện thật.

Last Words có vị chua nhẹ của rượu chanh, vị the mát của rượu anh đào và hậu ngọt của Chartreuse xanh, rất hợp để khai vị, cũng như để nhập hội (chuyện quan trọng phải nhắc lại, chúng tôi là social club). Khoác nhẹ một ít tinh dầu chanh, sự sảng khoái giúp vị khách lạ bàn bên hòa nhập hơn và bắt đầu "tung ra" câu chuyện của cá nhân chị.


Tôi thì vẫn như thường lệ, trung thành với absinthe vì đó là thứ rượu duy nhất mà tôi không dị ứng với rễ, hạt. Không màu mè với bộ dụng cụ "bắt tiên", chủ quán sol mỗi lần pha absinthe cho tôi đều nhìn sắc diện mà nghĩ công thức. Đêm nay có vẻ yêu đời, anh làm cho tôi một cặp absinthe đậu biếc.


hidden bar
Cặp absinthe đậu biếc: Bạn chọn red pill hay blue pill?

Ly xanh thiên về nốt hương thảo mộc, cay nồng, nghe rất rõ vị chai Pastis Des Terres Rouges và rượu mùi curacao, trong khi ly đỏ thì thiên về vị trái mọng với rượu mận, đậu biếc, rượu đắng.


Và một lần nữa, tôi vẫn chưa tìm thấy món absinthe ưng ý từ anh. Chắc sẽ thử lại vào lần sau vậy.


Đoạn sau thấy hơi lạnh bụng, ba người chúng tôi đổi sang dùng món nóng. Cốc trà đại hồi "pha-ke" nóng hổi được trình bày trong một bộ chung trà hai tầng cực kỳ độc đáo.


Nhìn lại đồng hồ cũng đã hơn 1 giờ khuya, Old Pal được mang ra như ly kết chuyện của buổi tối nay. Chúng tôi hay nói rằng, luồng thưởng thức cứ ngược thế nào, vì càng về cuối, chuyện càng đậm thì rượu càng nồng và mạnh.


Old Pal (Cố nhân) tại sol

Old Pal đỏ dành tặng cho những người bạn thân lâu ngày gặp lại khi sắp sửa lại chào tạm biệt nhau. Tiền vị đắng và chua nhẹ, tựa như bao tâm sự chất chứa mà bấy lâu chưa có dịp kể. Để rồi, dần dà theo dòng câu chuyện, cái dư vị ngọt hậu của whiskey càng rõ dần, đọng lại và kéo dài trong cuống họng. Đó chẳng phải là cách để tâm sự cùng bằng hữu hay sao? Nhưng hơi chếnh choáng đó, "bạn già" ạ.


Định bụng chỉ cà kê thêm tầm nửa giờ rồi về, nào ngờ ngoảnh lại thì đồng hồ đã điểm 3 giờ sáng. Thôi đành phải khép lại cánh cửa hội quán hòa đồng này, chúng tôi tiễn nhau ra khỏi hang cùng ngõ chung của khu tập thể rồi ai nấy tự về. Còn anh chủ nghêu ngao hát bài Thấy chưa của Ngọt band, như thể mỗi lần gặp chưa phải là lần sau chót và chuyện buồn hôm nay sẽ là chuyện cười ngày hôm qua.


Tôi tản bộ một vòng quanh con đường Nguyễn Thành Ý trước khi bắt xe về, hơi thở đượm mùi whiskey và absinthe đến độ có thể tự tạo ra một ly sazerac trong không khí.

Cánh cửa nhà khu tập thể đã khép, hội quán hòa đồng sol.social club cũng đóng, duy chỉ những câu chuyện vẫn còn vang vọng đâu đó trong tôi.


***


Vậy nên, nếu bạn hỏi chúng ta nói gì khi đi speakeasy bar, tôi và những người ở sol chỉ biết trả lời rằng chúng ta nói chuyện và uống. Uống sao cho dễ nói, dễ nghe.


Muốn gia nhập hội hòa đồng chúng tôi chứ? Hit us up!




Comments


bottom of page