top of page
Tìm kiếm

Những câu chuyện đằng sau các biểu tượng Giáng sinh: Cổ tích ngoài đời thật

Cây thông, vòng hoa, đôi tất, nến hay kẹo que - những biểu tượng không thể thiếu trong lễ Giáng sinh tưởng chừng chỉ dùng để trang trí, nhưng ít ai biết đằng sau mỗi món đồ ấy lại là một câu chuyện ý nghĩa mang tính lịch sử từ thời xa xưa.



Giáng sinh được xem là một ngày lễ truyền thống của Kitô giáo (Cơ Đốc giáo) và tổ chức lần đầu vào năm 336 sau Công nguyên (1). Kể từ đó, phong tục ăn mừng lễ Noel ngày càng được lan rộng và hưởng ứng trên khắp địa cầu, bất kể bạn thuộc tôn giáo nào. Cứ mỗi dịp Giáng sinh, chúng ta đều thấy trên đường phố những ánh đèn lung linh, cây thông treo đầy thiệp và đủ món đồ trang trí đẹp mắt. Thế nhưng, có bao giờ bạn tự hỏi những biểu tượng nổi bật này mang ý nghĩa gì? Vì sao chúng lại làm nên không khí Giáng sinh?


Thay vì đơn thuần bày trí, có lẽ chúng ta cũng nên tìm hiểu căn kẽ hơn về những biểu tượng Noel vô cùng quen thuộc này. Có thể nó sẽ càng khiến bạn thêm yêu quý các món đồ và cảm nhận sâu sắc hơn về truyền thống Giáng sinh.


Vòng hoa: Chữa lành, hy vọng và chiến thắng


Theo Bách khoa toàn thư Britannica, vòng hoa là một biểu tượng đã có từ thời Hy Lạp và La Mã cổ đại, thể hiện sự trân trọng hoặc đại diện cho các nghi lễ (2). Người La Mã đội vương miệng vòng nguyệt quế do chính trị gia trao tặng để chứng tỏ quyền lực, còn người Hy Lạp chiến thắng trong giải đấu Olympic cũng nhận được những vòng hoa đầy vinh dự này.


Trong lễ Giáng sinh, vòng hoa truyền thống là một hình tròn không có điểm bắt đầu và cũng không có điểm kết thúc, mang nhiều ý nghĩa đối với cả những người theo đạo và không theo đạo. Ý nghĩa của vòng hoa tượng trưng cho (3):

  • Chu kỳ của các mùa, từ Xuân-Hạ-Thu-Đông rồi lại sang Xuân.

  • Tình yêu vô tận của Chúa Giê-su (Jesus) đối với tất cả nhân loại.

  • Niềm hy vọng về sự sống vĩnh cửu của Đấng cứu rỗi.

  • Sự chữa lành, khả năng chính phục nỗi đau, tồn tại qua những thời điểm khó khăn.


Những người theo đạo Cơ đốc cũng tin rằng vòng hoa này đại diện cho vương miện gai Chúa Giê-su đội khi ngài bị treo trên thập tự giá. Ngày nay, nó chính là biểu hiện của tinh thần hào phóng, sự cho đi và không khí đoàn tụ sum họp gia đình trong mùa lễ.



Kẹo que: “Gậy dẫn dắt” của Chúa


Truyền thuyết kể rằng, vào năm 1670, một người điều khiển dàn hợp xướng tại nhà thờ ở Đức đã đưa những que kẹo bạc hà (món ăn phổ biến vào thời điểm đó) cho trẻ em để giữ cho chúng im lặng trong suốt buổi biểu diễn Living Creche. Anh nhờ người thợ làm kẹo uốn chúng thành hình móc câu như cây gậy của người chăn cừu để nhắc nhở bọn trẻ Chúa Giê-su là một người chủ chăn hiền lành, luôn giữ an toàn cho đàn con chiên của mình (4).


Loại kẹo đặc trưng của Noel có hình dáng giống chữ J trong tên Jesus của Thiên Chúa. Ban đầu kẹo que chỉ có màu trắng, những sọc đỏ đã được thêm vào từ những năm 1900. Được biết, các sọc đỏ trên kẹo tượng trưng cho sự hy sinh của Chúa Kitô và màu trắng đại diện cho sự thuần khiết của Ngài.


Vớ Giáng sinh: Chứa đựng lòng tốt của Thánh Nicholas


Câu chuyện phổ biến nhất về những chiếc vớ treo quà xoay quanh một người đàn ông mới góa vợ, có hoàn cảnh gia đình khó khăn và phải kiếm sống ngày qua ngày. Ông có ba cô con gái xinh đẹp nhưng lại vô cùng lo lắng về việc tìm những người chồng phù hợp với họ, bởi ông không đủ tiền để trao của hầu môn hậu hĩnh và lo rằng tình trạng nghèo khó sẽ khiến các con không thể kết hôn.


Thánh Nicholas (Ông già Noel) - một giám mục Kitô giáo luôn giúp đỡ người nghèo và bệnh tật - khi ấy đang đi lang thang trong thị trấn nơi người cha sống và tình cờ nghe được cảnh ngộ của họ. Ông muốn giúp đỡ nhưng biết rằng người cha giàu lòng tự trọng không muốn nhận bất kỳ sự bố thí nào.


Thay vào đó, Thánh Nicholas tự mình trượt xuống ống khói của gia đình người đàn ông và đổ đầy tiền vàng vào những chiếc vớ đang được phơi khô bên lò sưởi (5). Từ đó, chiếc vớ trở thành nơi chứa đựng những món quà đầy bất ngờ từ Ông già Noel dành cho trẻ em và thường được treo trên lò sưởi ở nhiều ngôi nhà trên khắp thế giới.



Ánh sáng từ đèn, nến: Thắp lên nguồn sáng giữa tối tăm lạnh giá


Trước khi phát minh ra điện, người ta dùng nến để mang lại ánh sáng cho ngôi nhà trong những dịp Giáng sinh. Ánh nến chính là biểu tượng cho ánh sáng của Chúa Kitô vì Ngài từng nói: “Ta là đường đi, sự thật và ánh sáng” (6). Trong nhiều thế kỷ, nến mang lại cho loài người sự tươi sáng và ấm áp, tựa như ánh sáng của những ngôi sao đã xuất hiện khi Thiên Chúa giáng sinh.


Ở nhiều nơi trên thế giới, Noel đến vào thời điểm khá tối tăm và lạnh giá, vậy nên việc thắp sáng mọi thứ bằng nến và các loại đèn sẽ khiến bầu không khí trở nên rực rỡ, lung linh và ấm áp hơn hẳn. Trang trí bằng đèn để làm sáng bừng không gian là một việc làm rất có ý nghĩa, kể cả khi chúng ta không mấy để ý đến câu chuyện đằng sau nó. Đối với những người theo đạo Cơ Đốc, ánh sáng này tượng trưng cho địa vị quan trọng của Chúa Giê-su trên thế gian và cách Ngài cứu rỗi mọi người khỏi bóng tối lạnh lẽo.



Cây thông Noel: Minh chứng cho sự sống và phát triển


Biểu tượng không thể thiếu này của Giáng sinh bắt nguồn từ Martin Luther - một linh mục người Đức, người sáng lập cuộc cải chính Tin lành ở thế kỷ XVI. Khi đó, ông đi dạo trong rừng và bắt gặp một loại cây màu xanh giữa bầu trời đầy sao cực kỳ ấn tượng. Martin Luther chặt một cây, mang về nhà và trang trí bằng nến để tái hiện lại khung cảnh ban nãy cho gia đình, động viên vợ con vượt qua mùa Đông lạnh giá.


Ông cho rằng, cây thông (một trong các loại cây thường xanh) tượng trưng cho tình yêu vĩnh cửu của Chúa và sự kiên định trong đức tin của những người theo đạo. Ánh sáng từ những ngọn nến mà ông trang trí là biểu tượng của các ngôi sao đã dẫn những nhà thông thái đến với Chúa Kitô (7), (8).


Ngoài ra, cây thông còn mang ý nghĩa của sự sống và phát triển. Người theo đạo Cơ Đốc thời xưa đã trang trí những nơi tôn nghiêm của họ bằng các cành thông như một lời hứa về cuộc sống mới tươi đẹp. Màu xanh lục - màu của các loại cây thường xanh giữ lá suốt mùa Đông như cây thông, cây ô rô, cây tầm gửi - gợi cho người ta nhớ đến sự tồn tại mãi mãi của Chúa Giê-su.



Comments


bottom of page