Trí tuệ nhân tạo (AI) đã tiến thêm một bước nữa trong việc thấu hiểu con người. Khả năng đọc tâm trí người khác giờ đây không còn là đặc quyền của các nhà thần kinh học hay chuyên gia tâm lý, bởi nó đã được thực hiện nhờ sự hỗ trợ của AI. Sẽ ra sao khi "biên giới" riêng tư cuối cùng của loài người là não bộ cũng bị phá vỡ? Việc AI đọc được suy nghĩ và nắm bắt ngôn ngữ của chúng ta mang đến viễn cảnh như thế nào? Đâu là những tia sáng tích cực của công nghệ mới này?
Bạn đang đọc bài viết này bằng cách nào? Hay nói đúng hơn, điều gì giúp bạn đọc và suy ngẫm về vấn đề trên? Đó là nhờ não bộ con người - một cỗ máy tư duy hiệu quả và toàn diện hơn nhiều loài vật khác. Chính nhờ lợi thế tiến hóa ưu việt này mà loài người có thể thống trị hành tinh. Chúng ta đặc biệt giỏi trong việc bày tỏ suy nghĩ phức tạp, sáng tạo câu chuyện để gắn kết hội nhóm và hơn hết là khả năng tích góp thông tin qua nhiều thế hệ, vượt trội hơn so với bất kỳ loài nào trên Trái đất.
Trong quyển Siêu trí tuệ, triết gia Nick Bostrom chia sẻ về quan điểm trên như sau: "Ưu thế nhỏ này về trí tuệ dẫn đến việc chúng ta phát triển ngôn ngữ, công nghệ và tổ chức xã hội phức tạp. Ưu thế đó tích tụ dần theo thời gian, vì mỗi thế hệ lại kế thừa thành quả của những người đi trước. Nếu ngày nào đó chúng ta chế tạo ra những bộ não máy tính vượt qua được não người về trí tuệ tổng quát (general intelligence), thì thứ siêu trí tuệ này có thể trở nên vô cùng mạnh mẽ" (1).
Không còn là khoa học viễn tưởng
Ý tưởng về việc tiếp cận suy nghĩ riêng tư trong não bộ con người không còn là khoa học viễn tưởng. Các nhà khoa học hiện nay đang dạy trí tuệ nhân tạo cách tái tạo lại những gì xảy ra trong não chúng ta thông qua việc phân tích dữ liệu từ máy fMRI (chụp cộng hưởng từ chức năng).
Trước đây, chúng ta chỉ có thể giải mã suy nghĩ trong đầu bằng cách cấy điện cực vào não, sử dụng thuật toán đọc hoạt động đang diễn ra và chuyển thành văn bản trên màn hình máy tính. Cách tiếp cận này mang tính xâm lấn vì phải phẫu thuật và chỉ phù hợp với một số đối tượng (2). Sau đó, giới nghiên cứu tiếp tục tìm kiếm những kỹ thuật tiên tiến hơn, không cần đến cấy ghép. Chúng đủ tốt để giải mã trạng thái cơ bản trong não như mệt mỏi hoặc những cụm từ ngắn, tuy nhiên chỉ giới hạn đến đó (3).
Những tiến bộ đột phá trong AI - trong đó bao gồm sự ra đời của các mô hình ngôn ngữ lớn như Chat GBT (sản phẩm chatbot được đào tạo bởi OpenAI, sở hữu kho dữ liệu khổng lồ nhờ tích trữ lượng lớn văn bản chữ viết của con người, có khả năng cung cấp câu trả lời chi tiết ở đa dạng lĩnh vực) - chính là bước đệm cho việc giải mã ngôn ngữ liên tục trong não, giúp người khác nắm được nội dung chính trong đầu bạn kể cả khi bạn không thốt ra từ nào.
Trong thí nghiệm mới đây của Đại học Texas (công bố vào tháng 5/2023), các nhà khoa học đã cho 3 tình nguyện viên nằm trong máy quét và nghe podcast suốt 16 tiếng để ghi lại mối liên hệ giữa từ ngữ và hoạt động não bộ (đo lưu lượng máu trong não theo diễn biến câu chuyện họ đang nghe, với mục đích "huấn luyện" AI dự đoán não từng người sẽ phản ứng thế nào khi nghe một chuỗi từ) (4).
Sau đó, những người tham gia tưởng tượng đang kể một câu chuyện trong đầu hoặc xem một bộ phim không có lời thoại khi nằm trên máy quét fMRI. Dựa theo dữ liệu thu thập được của từng cá nhân trước đó, kết hợp với bản ghi hoạt động não mới, bộ giải mã AI đã hiểu ý chính câu chuyện và chuyển thành văn bản. Nó mô tả khá chính xác những suy nghĩ diễn ra trong tâm trí người xem hoặc những sự kiện mà mọi người đã thấy trên phim, dù không đúng từng từ và một số câu vẫn bị sai.
Chẳng hạn, khi người tham gia nghe một diễn giả nói "Tôi chưa có bằng lái xe", suy nghĩ của họ được dịch thành "Cô ấy thậm chí còn chưa bắt đầu học lái xe". Trong một trường hợp khác, dòng chữ "Tôi không biết nên hét lên, khóc hay bỏ chạy, nên tôi chỉ nói hãy để tôi yên" được giải mã là "Bắt đầu la hét và khóc, sau đó cô ấy chỉ nói: Tôi đã bảo mọi người để tôi yên" (5).
Dù chúng ta có thể cố tình suy nghĩ khác đi để "đánh lừa" AI và thí nghiệm này còn tốn thời gian cho việc cá nhân hóa (không thể áp dụng một bộ giải mã duy nhất cho tất cả mọi người vì não mỗi người phản ứng khác nhau), nhưng đây vẫn là một bước đột phá vượt xa những gì công nghệ đọc não trước đây làm được.
Không chỉ chuyển ý nghĩ thành văn bản, hai tháng trước, các nhà nghiên cứu tại đại học Osaka (Nhật Bản) đã chuyển dữ liệu thu được từ fMRI khi người tham gia xem hình ảnh thành các bản tái tạo AI mới (6). Cột bên trái là hình ảnh gốc ban đầu, các cột khác là bản dựng lại của AI từ những người tham gia khác nhau, minh chứng cho việc AI có thể nhìn thấy những gì chúng ta nhìn thấy (hoặc tưởng tượng) bằng cách phân tích hoạt động não bộ. Nguồn: Yu Takagi và Shinji Nishimoto, đại học Osaka.
Những "bộ não thông minh" sở hữu dữ liệu của chúng ta
Công nghệ đọc ý nghĩ (mind reading) đem lại nhiều lợi ích cho vô số lĩnh vực. Khi các nhà khoa học có quyền truy cập vào dữ liệu não bộ, họ sẽ hiểu hơn về rối loạn chức năng não, từ đó phát triển phương pháp điều trị mới cho bệnh nhân tâm thần (7). Quân đội Hoa Kỳ đã đầu tư nghiên cứu thiết bị đọc suy nghĩ trong nhiều năm, với mục đích tạo ra công nghệ giúp đỡ người bị tổn thương não, đồng thời cho phép binh lính điều khiển máy bay không người lái và các thiết bị khác bằng ý nghĩ (8).
Trong hơn chục năm qua, những bệnh nhân bị liệt đã được cấy ghép não để thao tác hằng ngày như di chuyển con trỏ máy tính hoặc sử dụng cánh tay robot (9), (10). Một số tập đoàn công nghệ đang nghiên cứu giao diện não - máy tính (BCI) để một ngày nào đó chúng ta có thể điều khiển điện thoại và máy tính bằng chính não của mình (11).
Cũng như nhiều sự đổi mới khác, nó gây ra tranh cãi về mặt đạo đức. Bởi xét cho cùng, não bộ là biên giới riêng tư duy nhất mà con người có thể giữ lại cho mình. Đó là nơi chứa đựng bản sắc cá nhân, những ý tưởng độc đáo và chân thật nhất. Nếu không thể kiểm soát bộ não - hoặc có sự giám sát, điều khiển từ một thế lực bên ngoài - thì điều gì sẽ giúp phân biệt con người và những giống loài khác? Liệu chúng ta có còn giữ được bản chất và phong độ khi đã bị nắm bắt và thao túng bởi những “bộ não thông minh” sở hữu dữ liệu của chúng ta?
Phải còn nhiều năm nữa công nghệ đọc ý nghĩ không xâm lấn (không cấy ghép) với giá cả phù hợp và có tính linh động tiện lợi mới xuất hiện phổ biến trên thị trường. Mặc dù trí tuệ nhân tạo cho đến nay vẫn chưa thể kiểm soát thế giới vật chất, nhưng khá nhiều chuyên gia đã chia sẻ mối lo ngại AI có thể xung đột với lợi ích nhân loại. Hơn 1.000 nhà lãnh đạo và nhà nghiên cứu công nghệ (trong đó có tỷ phú Elon Musk và Yoshua Bengio - một trong những người đặt nền móng cho trí tuệ nhân tạo) đã ký vào bức thư kêu gọi ngừng đào tạo các siêu AI mạnh hơn GPT-4 ít nhất sáu tháng, cho đến khi xây dựng được bộ quy tắc giúp con người kiểm soát chặt chẽ và ngăn chặn những nguy cơ lạm dụng AI cho mục đích nguy hiểm (12).
Tuy vậy, AI vẫn đang mang lại nhiều cải thiện cho cuộc sống con người và hỗ trợ trong nhiều khía cạnh như giải quyết biến đổi khí hậu, bất bình đẳng trên thế giới, thay đổi cách mọi người học và làm việc, trở thành một "trợ lý cá nhân" giúp chúng ta nâng cao năng suất, tăng tốc đáng kể để có thêm những đột phá mới trong lĩnh vực y tế… (13).
Chúng ta nên cân bằng nỗi sợ hãi về những mặt trái của AI với lợi ích tân tiến mà nó đóng góp cho xã hội. Nếu bắt kịp tiến độ phát triển của AI và liên tục rèn giũa những phẩm chất không thể thay thế của con người, chúng ta có thể sẽ sẵn sàng hơn cho thời đại trí tuệ nhân tạo với đầy những cơ hội và trách nhiệm đi kèm.
Comments