top of page
Tìm kiếm

Vì sao nói "thiên tài chỉ dựa vào 1% năng khiếu, còn 99% đều do khổ luyện"?

Đâu là nhân tố quyết định để bạn trở nên thành thạo với một công việc đòi hỏi kiến thức uyên bác và trình độ nhận thức sâu rộng? Đâu là sự khác biệt giữa những "thiên tài" và người bình thường trong một lĩnh vực? Hai nhà tâm lý học K. Anders Ericsson và Jerad H. Moxley phát hiện ra không phải nhờ tài năng bẩm sinh, mà chính việc dồn hết năng lực và tâm ý vào những gì quan trọng đã tạo ra sự xuất sắc hiếm thấy ở các cá nhân thành công. Họ gọi điều kỳ diệu này là "sự thực hành có chủ đích".


Khi tâm trí được đào sâu và phát triển


Cal Newport, tác giả quyển sách Deep Work đã tóm tắt khái niệm thực hành có chủ đích (deliberate practice) của Ericsson và Moxley như sau (1):

  • Toàn tâm toàn ý dồn sức vào một kỹ năng cụ thể mà bạn đang cố gắng nâng cao hoặc một ý tưởng mà bạn đang cố gắng nắm bắt.

  • Đón nhận phản hồi để tự sửa đổi phương pháp của mình, từ đó tập trung vào những đầu việc mang lại hiệu suất cao.


Khác với thực hành thường xuyên một kỹ năng nào đó (regular practice) - thứ chỉ đòi hỏi việc lặp đi lặp lại mà không cần suy nghĩ, gần như tự động hóa - thực hành có chủ đích nhấn mạnh vào sự tập trung chú ý và mục tiêu cải thiện hiệu suất.


Trong quyển The Intellectual Life, triết gia Antonin Sertillanges đã lập luận, nếu muốn nâng cao tầm hiểu biết trong lĩnh vực của mình, chúng ta phải trải qua quá trình phát triển và đào sâu tâm trí để nắm được các chủ đề một cách có hệ thống, khám phá ra những sự thật ẩn sâu đằng sau mỗi ý tưởng (2). Và để làm được điều đó, ông cho rằng, "chúng ta cần tập trung cao độ khi học hỏi".


Đây có lẽ là thử thách khó khăn nhất trong việc thực hành có chủ đích nhưng cũng là yếu tố không thể thiếu để đạt đến sự xuất sắc trong bất kỳ lĩnh vực nào. Các nhà khoa học thần kinh đã củng cố cho lập luận này qua việc nghiên cứu myelin - một lớp mô mỡ bao bọc xung quanh các nơ-ron (neuron, tế bào thần kinh) (3).


Khi trau dồi một kỹ năng mới, bộ não sẽ đồng thời tạo ra myelin bao quanh các nơ-ron, giúp mạch não (brain circuit) liên quan đến kỹ năng đó đốt cháy dễ dàng và hiệu quả (các kỹ năng dù về trí tuệ hay thể chất cuối cùng đều quy về mạch não) (1). Duy trì trạng thái tập trung cao độ đồng nghĩa với việc thúc đẩy quá trình đốt cháy này và giúp bộ não sản xuất thêm nhiều myelin có ích, từ đó củng cố hiệu quả kỹ năng đang học.


Ngược lại, khi cố học một thứ phức tạp theo cách hời hợt hoặc kém tập trung (chẳng hạn như bị phân tâm bởi mạng xã hội), chúng ta đang đốt cháy bừa bãi quá nhiều mạch cùng lúc để có thể tăng cường nhóm nơ-ron liên quan đến kỹ năng muốn trau dồi.

Không chỉ lặp lại những thứ thường làm



Có mặt và chú tâm trong lúc thực hiện một hành động giúp chúng ta trở nên thành thạo và thậm chí cảm thấy hạnh phúc. Tuy nhiên, trong thực hành có chủ đích, bạn còn cần chú ý đến mục tiêu cải thiện hiệu suất, nghĩa là làm sao để thử thách bản thân và tốt hơn một chút mỗi ngày.


Vì bộ não có xu hướng chuyển đổi các hành vi lặp đi lặp lại thành thói quen tự động, nên chúng ta thường hành động trong vô thức nếu đã quen thuộc với quy trình thực hiện một kỹ năng nào đó (4).

Thế nhưng điều này không đủ để mang lại sự tiến bộ vượt trội, bỏ công sức ngày đêm làm việc khác với dành thời gian trau dồi một số kỹ năng cần thiết và quan trọng nhất. Rất dễ để đánh đồng việc lặp lại những thứ thường làm (củng cố thói quen) với việc cải thiện và tích lũy kinh nghiệm.


Thực hành thông thường có nghĩa là:

  • Viết cùng một chủ đề hoặc cùng một cấu trúc mà không có sự đổi mới.

  • Tìm một công thức nấu ăn có sẵn và làm món đó trong thời gian dài.

  • Thử sức với một bộ môn thể thao như võ thuật, đánh tennis, boxing… mà không có phản hồi (feedback), hướng dẫn trực tiếp từ người có chuyên môn (huấn luyện viên).

  • Làm nhiều bài tập khi học ngoại ngữ nhưng không kiểm tra xem lỗi sai/điểm yếu của mình nằm ở đâu.

  • Nghĩ ra giải pháp cho một vấn đề nhưng không thử nghiệm để biết bạn có thể cải thiện tình hình như thế nào.


Kiểu thực hành này không phải là cách tối ưu để thử thách bản thân. Nghiên cứu cho thấy, khi một người đã đạt đến trình độ có thể chấp nhận (acceptable) hoặc có thể tự động hóa một kỹ năng (automaticity), luyện tập thêm nhiều năm chưa chắc sẽ dẫn đến sự cải thiện (5).



Học hỏi và liên tục thử nghiệm


Thực hành có chủ đích tuân theo một khuôn mẫu: chia toàn bộ quá trình thành nhiều phần (chia nhỏ kỹ năng tổng thể thành các kỹ năng phụ để luyện tập một cách chuyên sâu); xác định điểm yếu (cần nhận thức rõ bạn đang làm gì, nên cải thiện ở đâu, có thể đo lường bằng cách ghi lại tiến độ mỗi ngày hoặc nhận phản hồi từ mentor); thử nghiệm các chiến lược mới cho từng phần của kỹ năng đang học.


Một ví dụ điển hình về luyện tập có chủ đích chính là Benjamin Franklin. Từ khi còn rất trẻ, ông đã hiểu tầm quan trọng của việc luyện tập và nuôi ước mơ trở thành một người có chữ nghĩa. Khi hầu hết thanh thiếu niên đồng trang lứa đang đi chơi, Franklin lại thích tranh luận với người bạn thân có cùng sở thích đọc sách. Tuy vậy, các bài viết của Franklin khi ấy thường bị cha ông chỉ trích vì khả năng viết kém.


Franklin bắt đầu nghiêm túc cải thiện văn phong của mình bằng cách tìm một ấn phẩm ông yêu thích của tác giả giỏi nhất thời đại ấy. Ông đọc kỹ và ghi chú lại ý nghĩa của từng câu, sau đó lần lượt viết lại bài báo theo cách của mình và so sánh với phiên bản gốc. Mỗi lần như vậy, Franklin phát hiện nhiều lỗi sai trong cách viết và tìm cách sửa chữa chúng. Ông nhận ra chính từ vựng là thứ ngăn cản mình viết tốt, từ đó tập trung cao độ vào khía cạnh này, tìm những giải pháp đa dạng và sáng tạo hơn để nâng cao khả năng ngôn ngữ của mình.



Cách luyện tập của Franklin có thể tóm gọn lại như sau:

  • Tìm kiếm những chuyên gia thành công trong lĩnh vực bạn cần học hỏi.

  • Tìm hiểu lý do vì sao họ lại có những tài năng/sản phẩm xuất sắc như vậy.

  • Thiết kế cho mình các phương pháp thực hành có chủ đích và điều chỉnh, sửa đổi liên tục đến khi đạt được mục tiêu bạn mong muốn.


Thực hành có chủ đích đòi hỏi ở chúng ta khả năng tập trung, cam kết và sự can đảm để thử những điều chưa chắc chắn. Tuy nhiên, những gì trông giống như thất bại, gây ra cảm giác buồn chán, tưởng như không có tiến bộ nào lại có thể là cơ hội để phát triển, trưởng thành và khám phá ra những năng lực, sức mạnh tiềm ẩn bên trong con người bạn.

Comentários


bottom of page