Trí tuệ cảm xúc được vận dụng như thế nào trong công việc? Các nhà quản lý nhân sự và nhân viên nên làm gì để tạo ra một môi trường làm việc lành mạnh nhờ thúc đẩy trí tuệ cảm xúc?
Mối quan tâm về khái niệm trí thông minh cảm xúc bắt đầu lan rộng từ khi quyển "Trí tuệ xúc cảm" của Daniel Goleman xuất bản vào năm 1995. Trong cuốn sách, Goleman cho rằng trí tuệ cảm xúc rất quan trọng để dự đoán thành công trong cuộc sống, đồng thời đóng vai trò đặc biệt trong môi trường công việc. Ông đã chỉ ra mặc dù trí thông minh truyền thống gắn liền với khả năng lãnh đạo, nhưng như vậy chưa đủ. Những người thành công thường không chỉ thông minh mà còn có chỉ số EQ cao hơn người khác.
Điều này nhanh chóng thu hút sự quan tâm của công chúng, trong đó có các nhà quản lý nhân sự và lãnh đạo doanh nghiệp. Bởi trí tuệ cảm xúc ảnh hưởng đến cách nhân viên trong công ty tương tác với nhau, khả năng quản lý căng thẳng và xung đột tại công sở, cùng đó là mức độ hài lòng mà người lao động đạt được.
Một cuộc khảo sát cho thấy gần 75% nhà tuyển dụng nói rằng họ đánh giá cao chỉ số EQ hơn là IQ của người ứng tuyển (1).
Sự khác biệt của nhân viên sở hữu trí tuệ cảm xúc và nhân viên thiếu kỹ năng này có thể mô tả sơ lược như sau:
Những người có trí tuệ cảm xúc (EQ) cao | Những người thiếu kỹ năng quản lý trí tuệ cảm xúc |
Đưa ra quyết định và giải quyết vấn đề tốt hơn | Đóng vai nạn nhân hoặc trốn tránh việc nhận lỗi |
Giữ thái độ bình tĩnh khi đối mặt với áp lực | Phong cách giao tiếp thụ động hoặc có vẻ khó chịu |
Có khả năng giải quyết xung đột | Từ chối làm việc nhóm |
Có sự đồng cảm. Biết lắng nghe, suy ngẫm và phản hồi những lời chỉ trích mang tính xây dựng | Chỉ trích quá mức hoặc bác bỏ ý kiến người khác |
Môi trường công ty thường xuất hiện căng thẳng vì nhiều lý do, có thể vì nhân viên phải đối mặt với sự chỉ trích dữ dội từ cấp trên, cạnh tranh vị trí giữa các đồng nghiệp hay áp lực từ mục tiêu định kỳ,... Hãy thử đặt câu hỏi để kiểm tra mức độ cần thiết của trí thông minh cảm xúc ở nơi bạn làm, ví dụ như:
Người quản lý có tỏ ra cứng rắn vì họ sợ rằng thể hiện từ bi và cảm thông đồng nghĩa với sự yếu đuối?
Nhân viên có ủ rũ và mất tinh thần khi đi làm vì họ cảm thấy không được đánh giá cao?
Công ty có đang đặt các chỉ số đo lường hiệu quả công việc lên đầu, khiến cấp dưới bị căng thẳng, áp lực về mặt tinh thần?
Đồng nghiệp có đang nói xấu nhau hoặc bàn chuyện lặt vặt mà không có hướng giải quyết vấn đề hiệu quả?
Trí thông minh cảm xúc không chỉ dành riêng cho CEO hay quản lý cấp cao. Đây là phẩm chất quan trọng ở mọi cấp độ nghề nghiệp, từ sinh viên đang tìm việc thực tập đến những nhân viên dày dặn kinh nghiệm. Nếu chúng ta muốn thành công trong nghề nghiệp hoặc tạo ra một môi trường làm việc lành mạnh, trí tuệ cảm xúc là một yếu tố cần phải quan tâm và trau dồi.
Cách làm việc thông minh hơn bằng trí tuệ cảm xúc
Để tăng cường trí thông minh cảm xúc, hãy thử làm theo những lưu ý sau đây. Chúng sẽ giúp bạn cải thiện cả năm thành phần của EQ, bao gồm tự nhận thức, tự điều chỉnh, kỹ năng xã hội, đồng cảm và động lực.
Hoạt động thể chất: Dành 20 phút tập thể dục một đến hai lần mỗi ngày sẽ giúp chúng ta bổ sung thêm năng lượng, sự nhạy bén, kiên nhẫn, tính linh hoạt và sáng tạo để xử lý công việc. Tập thể dục được chứng minh là cải thiện sức khỏe tâm thần bằng cách giảm thiểu lo lắng, trầm cảm, tâm trạng tiêu cực và nâng cao chức năng nhận thức (2).
Hỏi thăm về cảm xúc: Mọi người cần cảm thấy an toàn khi chia sẻ cảm xúc của họ với bạn. Chúng ta thường nói sự thật với những người không phán xét, giữ được sự bình tĩnh và biết giữ bí mật. Quan tâm và tôn trọng cảm xúc của đồng nghiệp sẽ giúp họ cảm thấy được đồng cảm, giúp quá trình làm việc chung tốt hơn.
Thiết lập ranh giới: Dù chúng ta nên quan tâm lẫn nhau, nhưng sự thân mật quá mức với sếp hay đồng nghiệp sẽ làm mất tính khách quan và gây ra sự bất bình, chia rẽ nội bộ. Bạn nên thiết lập ranh giới cảm xúc để quan tâm có chừng mực nhưng không lấn sâu vào đời tư của người khác và có sự phân biệt đối xử.
Suy nghĩ trước khi quyết định: Suy nghĩ và giữ bình tĩnh trước khi phản ứng là điều quan trọng để ứng phó một cách hữu ích. Cảm xúc có thể khiến bạn choáng ngợp và đưa ra hành động thiếu suy nghĩ nhất thời. Chấp nhận rằng bạn không thể kiểm soát mọi thứ và dành thời gian cân nhắc các giải pháp sẽ tránh việc làm vấn đề tệ đi.
Bắt đầu phê bình bằng một nhận xét tích cực: Người được góp ý có khả năng hiểu và đồng cảm hơn khi bạn bắt đầu sự nhận xét bằng thái độ biết ơn và đưa ra góp ý với mong muốn hợp tác, giúp họ hiểu ra vấn đề để hiệu quả công việc được cải thiện.
Bày tỏ những gì bạn cảm thấy quan trọng: Khi bạn đang có một vấn đề nào đó nhức nhối trong đầu và làm phiền bạn nhiều ngày, việc chờ đợi và kìm nén quá lâu có thể khiến cảm xúc tích tụ, dẫn đến sự bùng nổ tiêu cực vào một lúc nào đó. Bày tỏ rõ những vấn đề bạn đang cảm thấy khúc mắc giúp tâm trí nhẹ nhàng hơn, kể cả khi bạn không nhận được phản hồi hoặc những thay đổi mà bạn muốn.
Lắng nghe tích cực: Không nên lắng nghe một cách thụ động mà cần lắng nghe tích cực với sự tập trung và đồng cảm. Điều đó bao gồm việc thể hiện sự chú ý, đặt câu hỏi và đưa ra phản hồi. Dù bạn là người quản lý hay thành viên trong nhóm, việc lắng nghe tích cực cho thấy bạn có hứng thú và quan tâm đến các dự án công việc, sẵn sàng cùng hợp tác để đạt mục tiêu.
Thử nhìn từ quan điểm người khác: Đôi khi đây sẽ là một thách thức nếu bạn cảm thấy người kia đã sai. Nhưng thay vì để những bất đồng tích tụ thành xung đột lớn, hãy thử dành thời gian nhìn câu chuyện từ góc độ của người khác. Đó là bước đầu tuyệt vời để tìm ra điểm giống nhau giữa những sự đối lập.
Tránh thị phi văn phòng: Cố gắng hết sức để tránh bàn bạc những chuyện thị phi vụn vặt mà không giải quyết được vấn đề. Điều này làm mất thời gian và gây rắc rối cho bạn về sau. Tuy nhiên, không phải xung đột nào cũng có thể tránh được. Khi đó, bạn cần tập trung lắng nghe và tìm hướng giải quyết để giảm thiểu căng thẳng.
Chú ý đến cách bạn phản hồi: Bạn có cho đồng nghiệp cơ hội để thể hiện ý kiến không? Bạn có thừa nhận sự đóng góp của họ, kể cả khi bạn không đồng ý? Phản hồi với sự tôn trọng khi giao tiếp sẽ khiến người khác có xu hướng sẵn sàng hợp tác hơn.
Tập trung vào những gì bạn yêu thích trong công việc: Một yếu tố quan trọng của EQ là tự tạo động lực nội tại (nội lực). Bạn có thể thích và ghét nhiều điều trong công việc của mình, nhưng hãy cố gắng tập trung vào những phần mà bạn yêu thích, chẳng hạn như cảm giác hài lòng khi hoàn thành một dự án, giúp khách hàng đạt mục tiêu. Lấy cảm hứng từ những điều này giúp bạn có động lực để tiếp tục duy trì hạnh phúc trong công việc.
Trí tuệ cảm xúc mang lại nhiều lợi ích khác nhau trong cuộc sống như cải thiện sức khỏe tổng thể, gia tăng mức độ hài lòng và hạnh phúc, nhưng điều này cũng đặc biệt quan trọng tại môi trường công việc (3).
Đối với nhân viên: Việc chấp nhận lời chỉ trích mang tính xây dựng mà không tranh luận tiêu cực có thể cải thiện hiệu quả công việc đáng kể. EQ giúp nhân viên tiến xa hơn khi làm việc vì họ sẽ ít đưa ra những quyết định nóng vội dựa vào cảm xúc, dẫn đến chất lượng công việc giảm sút (4). Ngoài ra, khả năng quản lý căng thẳng và giải quyết vấn đề phức tạp là những điều không thể thiếu khi đối mặt với thử thách hàng ngày.
Đối với lãnh đạo: Những người sở hữu trí thông minh cảm xúc có khả năng giám sát và quản lý mọi người với thái độ phù hợp, dễ gần, có sức ảnh hưởng và quyết đoán. Trí tuệ cảm xúc trong việc lãnh đạo là khả năng giải quyết các tình huống căng thẳng mà không lớn tiếng và đổ lỗi cho nhân viên. Điều này vô cùng quan trọng để thúc đẩy tinh thần mọi người, tạo ra môi trường làm việc khuyến khích sự tiến bộ và thành công. Những nhà lãnh đạo vừa có chỉ số IQ tốt vừa sở hữu EQ cao sẽ giúp công ty xây dựng nhiều thành tích và khiến cho nhân viên cảm thấy hạnh phúc khi đi làm, từ đó cải thiện năng suất công việc.
Comments