top of page
Tìm kiếm

Đằng sau thuyết âm mưu "thao túng thế giới": Mèo có tội hay vô tội?

Có một nghịch lý về mèo là chúng càng lạnh lùng và thờ ơ bao nhiêu, con người càng yêu thương và gần gũi với chúng bấy nhiêu (1). Điều này làm dấy lên nghi vấn phải chăng mèo đã... thao túng tâm trí con người? Các nhà khoa học đã chứng minh được rằng: ĐÚNG, các "boss mèo" đang thao túng "đám con sen".



Trong khi vật nuôi khác cố "lấy lòng" chủ thì mèo lại chẳng mảy may hao tốn chút tâm sức nào vì chúng có thể tác động tới con người. Vậy các nhà khoa học đã lý giải cho hiện tượng này như thế nào?


Chuyện sinh vật có thể xâm nhập, bám trụ và làm đảo lộn tâm lý loài khác không phải là điều xa lạ. Chẳng hạn, sán lá gan mũi mác (dicrocoelium dendriticum) sở hữu khả năng gây ra hành vi tự sát ở loài kiến (2). Những con kiến bị ký sinh thường trở nên điên cuồng, bất chấp tất cả để bò lên và ngoạm lấy ngọn cỏ cho đến khi bị con bê nuốt chửng.


Sán lá gan mũi mác chỉ tấn công côn trùng và các loài động vật không xương sống và việc tác động đến não bộ con người là điều quá sức với sinh vật đơn bào này. Tuy nhiên, với Toxoplasma gondii (T. gondii) - một loại ký sinh trùng nội bào lây nhiễm cho chim và động vật có vú - thì hoàn toàn có thể (3). Đặc biệt, T. gondii chỉ có thể sinh sản hữu tính trong cơ thể mèo, tạo ra căn bệnh Toxoplasmosis cho các loài khác tiếp xúc với mèo (4). Từ đây, mèo chính là vật trung gian truyền bệnh (reservoir), giúp ký sinh trùng T. gondii thâm nhập vào hệ thần kinh trung ương của loài khác, kéo cả thế giới rơi vào mối "tai bay vạ gió" (5).



Khi chuột không sợ mèo


Từ khoảng 10 năm trước, khi nghi ngờ những con chuột bị nhiễm khuẩn T. gondii, nhà ký sinh trùng Dominique Soldati-Favre và cộng sự đã cho phép các "bệnh nhân chuột" tự do khám phá căn phòng có bốn loại mùi hương gồm mùi của chuột, linh miêu, cáo và chuột lang (6). Kết quả vô cùng đáng ngạc nhiên là những con chuột này đã không có bất kỳ phản ứng nào với linh miêu - kẻ thù tự nhiên của chúng.


Hàng loạt bằng chứng khoa học liên quan được công bố sau đó cũng chứng minh được một sự thật: chuột bị nhiễm bệnh thường ít cảm nhận được mối nguy và khao khát khám phá thế giới với tâm thế cởi mở hơn bao giờ hết (7), (8), (9). Chúng thích lại gần nước tiểu của mèo, cởi mở với các loài săn mồi khác, tự tin ngao du khắp chốn... và quan trọng nhất là tốc độ phản ứng của chúng chậm hơn hẳn bình thường.


Hiển nhiên, kết cục của những con chuột nhiễm T. gondii này là trở thành bữa ăn của các con vật kể trên hoặc thậm chí là tử vong do... tai nạn giao thông.


Từ kết quả thu được, nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Geneva do Soldati-Favre chủ nhiệm đã đưa ra kết luận rằng phản xạ tự nhiên lúc bấy giờ của chuột đã chịu sự tác động của các u nang T. gondii trên vỏ não. Đây là cơ sở thay đổi hành vi nhận thức ở các loài gặm nhấm. Kết quả điều tra cho thấy số lượng u nang và mức độ viêm não do T. gondii gây ra tương ứng với mức độ thay đổi hành vi ở chuột (10).


Như vậy, T. gondii không giết chết vật chủ ngay lập tức, mà thay vào đó, lại làm suy giảm khả năng chiến đấu của vật chủ và làm lu mờ ranh giới giữa tinh thần mạo hiểm và cái chết.

Bằng T. gondii, mèo đã thanh trừng chuột dễ dàng mà chẳng hề tạo nên bất kỳ nghịch lý nào đối với thuyết chọn lọc tự nhiên hay bảo tồn đa dạng sinh học, nhưng điều quan trọng nhất là T. gondii không chỉ dừng lại ở chuột, mà còn tìm được địa bàn cư trú mới - hệ thần kinh con người.


"Nạn nhân" đầu tiên của mèo được xác định là một xác ướp từ thời Ai Cập cổ đại, được chôn ngay bên cạnh tác nhân gây bệnh. Đến nay, số người được cho là nhiễm bệnh T. gondii đã tăng lên và chiếm… một phần ba thế giới (11).

Bản án từ... "đao phủ mèo"


Tiến trình phát triển của T. gondii diễn ra như sau: Đầu tiên, nó được sinh sản tại ruột mèo - nơi được cho là giàu axit linoleic, thành phần thiết yếu để ký sinh trùng giao hợp (12). Sau đó, hợp tử theo phân ra khỏi cơ thể mèo và bắt đầu phân tán nhiều nơi như bên trong nguồn nước, thực phẩm, đồ chơi, khay vệ sinh... Tương tự như cách lây truyền cho chuột, não là điểm ký sinh cuối cùng mà T. gondii tìm kiếm.


Trên thực tế, bộ não con người có cấu tạo phức tạp nên ký sinh trùng tạo được ít u nang hơn và khối lượng viêm nhiễm cũng nhỏ hơn. Nếu không làm xét nghiệm, chúng ta gần như không thể xác định được rằng mình có phải là nạn nhân của "bí thuật" xâm chiếm tâm trí này hay không.


Ngoài triệu chứng thông thường là cảm cúm hoặc viêm kết mạc, biến đổi lớn chỉ được biểu hiện ở khía cạnh tâm lý. Dường như khi bị nhiễm T. gondii, chúng ta... yêu mèo hơn, nhưng đây vẫn là một điều mà các nhà nghiên cứu về Toxoplasmosis lẫn T. gondii chưa thể kết luận 100%.


T. gondii ảnh hưởng tới con người ra sao?


Khi nhiễm T. gondii, tương tự như chuột, con người chúng ta cũng sẵn sàng đối mặt với những rủi ro, thách thức liều lĩnh.

Theo một thống kê với 370 người ở Thổ Nhĩ Kỳ và gần 600 người ở Cộng Hòa Séc có kết quả dương tính với T. gondii, họ được dự đoán là có nguy cơ bị tai nạn ô tô nhiều hơn thường lệ (13), (14). Điều này có thể tới từ việc tốc độ phản ứng và xử lý của não người nhiễm T. gondii chậm hơn bình thường. Đặc biệt, nghiên cứu về tai nạn xe hơi cũng đã chỉ ra rằng u nang mà ký sinh trùng này trên tạo ra sẽ tồn tại trong não người vĩnh viễn, đưa con người vào trạng thái liều lĩnh hơn.


Sự xuất hiện của các khối u này làm tăng gia sản xuất dopamine, chất truyền tin hóa học trong não có ảnh hưởng đến việc tính toán rủi ro và hệ quả (15). Không ít chuyên gia cho rằng đây là nguồn cơn của một số bệnh tâm thần phân liệt (16). Người nhiễm bệnh có khả năng mắc chứng rối loạn bùng phát gián đoạn (intermittent explosive disorder) cao gấp hai lần người bình thường.


Toxoplasmosis đặc biệt nguy hiểm với người nhiễm HIV và bệnh nhân ung thư. Phụ nữ mang thai cần cẩn trọng bởi ký sinh trùng này là một trong những nguyên nhân gây sẩy thai hoặc dị dạng đối với thai nhi (17). Trẻ mắc bệnh bẩm sinh dễ gặp vấn đề về não, mắt, động kinh và chậm phát triển (18). Đây là một phần lý do mà phụ nữ mang thai cần giữ khoảng cách với mèo và không được đụng vào chậu cát mèo.


Để giữ sức khỏe và tinh thần ổn định, chúng ta cần rửa tay trước khi chế biến thức ăn, đảm bảo thực phẩm trong gia đình được vệ sinh kỹ lưỡng, đeo găng tay khi tiếp xúc với đất, vườn, chuồng trại… là cách thức cơ bản. Nếu không an tâm về chất lượng thực phẩm, bạn có thể hạn chế các món ăn tươi sống. Bởi lẽ, bất kỳ động vật nào bị nhiễm ký sinh T. gondii sẽ chứa các nang mô trong suốt phần đời còn lại của nó. Hơn hết, để có thể chắc chắn về sức khỏe của "boss mèo", hãy đưa mèo đến bác sĩ thú y để kiểm tra.





Commentaires


bottom of page