top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảNhư Thuyền

Dạy con từ thuở còn thơ: Nói sao cho trẻ chịu nghe?

Chắc hẳn trong hành trình dạy con, một trong những điều khiến cha mẹ trăn trở nhất là chuyện nói mà con không nghe, hoặc càng bảo "đừng" thì con lại càng làm. LeLa Journal sẽ cùng cha mẹ nới lỏng nút thắt đó bằng những phương thức dạy con tùy chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh gia đình, để tiếp tục hành trình cùng con trẻ học hỏi và khám phá.


Nối tiếp hai bài viết trước về chủ đề Lòng hiếu thảo của trẻ được khơi nguồn từ đâu?Đối thoại với trí tuệ nhân tạo: ChatGPT hiểu thế nào về chữ "hiếu"?, bài viết lần này của LeLa Journal sẽ tập trung vào một số cách thức cụ thể trong tương tác và giao tiếp với trẻ.



Cha mẹ và chuyện dạy con


Cần tới cả một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ (It takes a village to raise a child) - ngạn ngữ châu Phi.

Theo lý thuyết về bốn lối dạy con của Diana Baumrind và được mở rộng bởi Maccoby và Martin, các bậc cha mẹ áp dụng lối dạy con từ nghiêm (authoritative parenting) thường chú trọng vào việc phát triển tính tự chủ ở trẻ (1), (2), (3). Trong khi đó, cha mẹ có lối dạy con độc đoán (authoritarian parenting) lại tập trung yêu cầu trẻ phải kính trọng và thuận theo lời người lớn một cách hà khắc (4), gần như đi ngược với quan điểm về sự quan tâm, ấm áp của lối dạy con từ nghiêm.


Bốn lối dạy con theo lý thuyết của Baumrind, được mở rộng bởi Maccoby và Martin

Điều đáng lưu ý là, những bậc phụ huynh châu Á thường rất quan tâm giáo dục con cái biết nghe lời và xây dựng được sự hỗ trợ lẫn nhau trong xã hội (5).

Không khó để lý giải việc cha mẹ mong muốn con nghe lời, đặc biệt trong bối cảnh văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần cân nhắc về cách giáo dục để trẻ vâng lời mà không khiến trẻ cảm thấy bị cưỡng bách. Nỗi trăn trở này dựa trên kết quả từ một nghiên cứu khác, chỉ ra rằng lối dạy con phổ biến của cha mẹ phương Đông là lối dạy con độc đoán (6).


Lối dạy con từ nghiêm đem lại hiệu quả trong việc xây dựng sự tự tin, năng lực cạnh tranh và trách nhiệm của trẻ. Cha mẹ từ nghiêm đánh giá cao sự vâng lời của trẻ trước các yêu cầu của người lớn và cả sự độc lập của trẻ.


Khi dạy con theo lối từ nghiêm, cha mẹ sẵn sàng giải thích với trẻ lý do cần tuân theo các luật lệ/quy định; đảm bảo các quy định cần được tuân thủ nghiêm ngặt, nhưng vẫn chấp nhận những ngoại lệ chứ không cứng nhắc. Kết hợp giữa lòng quan tâm và sự nghiêm khắc, cha mẹ lắng nghe nhu cầu của trẻ nhưng không hoàn toàn nuông chiều mong muốn của trẻ (7).


Làm sao để cha mẹ nói, con nghe?


Lối dạy con là điều mà chúng ta khó có thể thay đổi một sớm một chiều, nhưng vẫn sẽ có những lưu ý mà cha mẹ có thể tham khảo để trẻ cảm thấy thoải mái hơn với những yêu cầu và tự nguyện vâng lời.



1. Đặt ra mong đợi rõ ràng cho trẻ và giải thích lý do


Trao đổi về những mong đợi rõ ràng và cụ thể cho trẻ, rằng bạn mong muốn trẻ hành xử như thế nào và gắn kèm với một lý do ngắn gọn.


Chẳng hạn như: đi chậm lại (mong đợi) – trượt chân ngã (lý do), dọn dẹp đồ chơi sau khi chơi (mong đợi) – phòng gọn gàng (lý do)...

Khi đưa ra bất kỳ một quy định nào cho trẻ, cha mẹ LUÔN phải cho trẻ thấy lý do vì sao trẻ cần tuân theo quy định đó. Trẻ có thể cảm thấy bị áp đặt bởi các quy định không được giải thích rõ ràng. Do đó, việc cha mẹ giải thích với trẻ sẽ giúp trẻ nhận thấy quy định được đặt ra dựa trên tình yêu, sự quan tâm, và ý muốn tốt từ cha mẹ; với mong muốn đem lại lợi ích cho trẻ và cho cả người khác.

Việc để trẻ hiểu được tại sao cần tuân theo mỗi nguyên tắc có hiệu quả với trẻ ở nhiều độ tuổi khác nhau. Khi được giải thích rõ lý do của từng quy tắc, trẻ ở độ 4 – 5 tuổi cũng hiểu được rằng các quy tắc đó là cần thiết vì chúng hướng tới mục đích cụ thể. Nghiên cứu cũng cho thấy trẻ vị thành niên thường tuân thủ quy định trong gia đình hơn khi chúng cảm thấy nền tảng của những quy định đó là sự quan tâm của bố mẹ đến sự phát triển của trẻ.


Việc hiểu được lý do đằng sau mỗi quy định cũng giúp trẻ hình thành lương tâm (conscience) – thứ khiến trẻ có động lực để làm những điều đúng đắn (8). Ngược lại, khi quy tắc không được giải thích rõ ràng, trẻ vị thành niên có thể sẽ phản kháng bởi chúng cảm thấy bị ép buộc phải nghe lời (9), (10).


Ví dụ, hãy thử nhớ lại, nếu ngày xưa bạn đã từng ngầm chống đối việc ngủ trưa khi bị người lớn ép buộc, liệu khi đó cha mẹ có giải thích rõ ràng cho bạn về lý do cần ngủ trưa hay không?


2. Tạo điều kiện thuận lợi để trẻ thực hiện các quy tắc đã được đặt ra


Thực tế là một số cha mẹ không thiết lập các ranh giới cho trẻ, mà để trẻ tự do làm mọi thứ để đạt được mục tiêu. Họ không cảnh báo trước cho trẻ những nguy cơ và hiếm khi đưa ra chỉ dẫn cho trẻ với nhận định rằng quá nhiều quy định, cảnh báo và chỉ dẫn sẽ hạn chế sự sáng tạo và tự tin ở trẻ.


Tuy nhiên, nguy cơ của việc không có các giới hạn rõ ràng về việc gì được phép và không được phép là trẻ có thể bị phụ thuộc hoặc bị nuông chiều quá mức, khi thiếu sự giám sát cũng như các cuộc "hội họp" gia đình nghiêm túc (11).

Sau khi đã nêu rõ các yêu cầu và giải thích cặn kẽ với trẻ, cha mẹ cần tìm cách hỗ trợ, để việc chúng ta yêu cầu trẻ thực hiện trở nên dễ dàng hơn với trẻ. Cụ thể, cha mẹ có thể chọn một trong ba cách dưới đây, hoặc để đạt hiệu quả tối ưu thì nên phối hợp tất cả:

  • Mô tả cụ thể hoặc thậm chí hướng dẫn/làm mẫu để trẻ thực hiện hành vi mà cha mẹ mong muốn ở trẻ;

  • Nêu các ví dụ về mẫu hành vi mong muốn;

  • Nói chuyện với người thứ ba về tiềm năng của trẻ trong việc thực hiện mẫu hành vi đó (có mặt trẻ ở đó).


Ví dụ, khi mong muốn trẻ dọn dẹp đồ chơi vào giỏ sau khi chơi, cha mẹ có thể nói "Sau khi chơi xong, con nên dọn đồ chơi gọn vào giỏ đồ chơi không bị thất lạc, như vậy con sẽ giữ đồ chơi được lâu hơn"; sau đó, cha mẹ trực tiếp cầm giỏ bỏ một món đồ chơi vào, rồi chuyển giỏ sang cho trẻ tự thu dọn. Hoặc khi cô hàng xóm sang chơi, cha mẹ có thể nói với cô hàng xóm rằng "Bé có thể tự dọn đồ sau khi chơi xong đó chị", rồi kết hợp hướng dẫn và làm mẫu cho trẻ như trên.

Đôi khi, việc bị yêu cầu làm một việc gì đó một mình khiến trẻ cảm thấy bị cô lập và nhận định rằng đó là một hình phạt, như là vì chơi bừa nên phải thu dọn. Cũng có lúc, trẻ có thể cảm thấy nhiệm vụ cha mẹ giao cho mình là quá sức, dù nó hoàn toàn nằm trong khả năng của trẻ. Những cảm giác này xuất hiện là bởi trẻ ưu tiên những việc khác, trẻ đã mệt mỏi, hoặc chỉ đơn giản là trẻ mong muốn có ai đó đồng hành với trẻ trong "nhiệm vụ" đó.


Do vậy, sự dẫn dắt của cha mẹ trong các "nhiệm vụ nhỏ" có thể tạo ra sự kết nối lẫn sự hứng thú của trẻ. Sự đồng hành có thể chỉ dừng lại ở những chỉ dẫn, cũng có thể là cha mẹ tham gia hoạt động cùng với trẻ.



3. Chuyển cách dùng từ khi đặt câu: "Đừng" thành "Hãy"


Cha mẹ hãy thử bỏ những câu yêu cầu, ra lệnh, sử dụng từ "Đừng", "Không được"... và theo dõi xem điều này đem lại hiệu ứng như thế nào; bởi lẽ, thực tế là trẻ cần phải suy nghĩ nhiều hơn khi chúng ta bảo trẻ ĐỪNG làm gì.


Khi nhận được một lời yêu cầu "đừng" hoặc "không được", trẻ buộc phải thực hiện tiến trình sau: (i) dừng hành động khiến cha mẹ không thoải mái lại, sau đó (ii) tiếp tục suy nghĩ nên làm gì để thay thế hành vi đó.

Ngược lại, nếu cha mẹ trực tiếp yêu cầu trẻ thực hiện hành vi mong muốn, hoặc đưa ra kết quả mong muốn cụ thể thì trẻ sẽ biết mình cần làm gì.


Trước khi có những thay đổi theo hướng tích cực trên hành trình giáo dục con, hãy chấp nhận rằng con trẻ đôi khi vô lý và bướng bĩnh. Trẻ có thể sẽ phớt lờ lời nói của cha mẹ, quấy khóc, đẩy cha mẹ ra xa và hành xử "ấu trĩ". Lý do đơn giản là bởi... chúng là trẻ nhỏ!


Bên cạnh đó, cùng với việc khéo léo hơn trong cách đưa ra yêu cầu hoặc đặt ra luật lệ cho trẻ, cha mẹ cũng cần tập luyện tính kiên nhẫn và lòng bao dung, để tiến trình nuôi dạy con là một hành trình đồng hành và cùng phát triển với con.





Comentários


bottom of page