top of page
Tìm kiếm

Độc lạ "phobia công sở": Những nỗi sợ không thể làm ngơ

Quan điểm nghề chọn người ngày càng được Gen Z chấp nhận rộng rãi bởi theo họ "chỉ có nghề chọn người, chứ là người thì đâu ai chọn... đi làm". Từ đó, rất nhiều chứng ám ảnh sợ hãi (phobia) ra đời trong hoàn cảnh này, từ sợ làm việc, sợ nghe điện thoại, sợ ngày thứ Hai và sợ luôn cả... sếp. Trong bài này, LeLa Journal sẽ đề cập đến một số trường hợp "đặc sắc". Kiểm tra ngay xem bạn và những người xung quanh có biểu hiện nào "khả nghi" không nhé.



Deuterophobia: Sợ ngày thứ Hai


Nỗi sợ này có lẽ đã không còn xa lạ với nhiều người, đặc biệt là dân văn phòng. Thứ Hai đánh dấu sự chấm dứt của chuỗi ngày nghỉ cuối tuần khi trở lại với công việc. Đây thật sự là một ngày đen tối và được các nhà khoa học qua tâm vì gắn liền với một loạt các vấn đề sức khỏe tinh thần như:

  • Liên quan đến mức độ căng thẳng cảm xúc cao nhất, tỷ lệ năng suất làm việc thấp nhất và tỷ lệ tự tử cao hơn đối với cả nam và nữ (1).

  • Liên quan đến sự gia tăng các kết quả tiêu cực về sức khỏe thể chất tại nơi làm việc, từ tai nạn cho đến đột quỵ và đau tim (2).

  • Có thể cho rằng ngày thứ Hai khét tiếng và nguy hiểm nhất là "thứ Hai sau mùa Xuân" (Spring Forward Monday) tại Hoa Kỳ - khi mà nhiều thành phố đổi múi giờ khiến người dân ngủ ít đi và chưa kịp làm quen với sự thay đổi về ánh sáng trong ngày. Các nghiên cứu thống kê chỉ ra rằng số vụ tai nạn ô tô gây tử vong trong thời gian này có thể tăng khoảng 6 - 8% (3).


Trên trang Twitter và giờ đây là X, Tổ chức Guinness đã trao tặng danh hiệu ngày tệ nhất tuần cho thứ hai.

Để giải quyết tình trạng này, nhiều người đã đưa ra đề xuất là nghỉ thứ Hai thay vì thứ Bảy, thế nhưng việc đó chỉ biến thứ Ba thành ngày tệ nhất tuần mà thôi. Ví dụ, trong các đợt nghỉ lễ dài với ngày thứ Hai nghỉ bù, chúng ta có thể sẽ chuyển sang... ngán ngẩm với thứ Ba.



Telephobia: Sợ nghe điện thoại


Đây chính là lý do nhiều bạn trẻ lựa chọn nhắn tin thay vì gọi điện, không chỉ trong công việc mà còn trong cả chuyện tình cảm. Từ tỏ tình cho đến chia tay, các bạn đã ưu tiên nhắn tin hơn gọi điện, mà "thủ phạm" chính là chứng sợ nghe điện thoại (telephobia). Một nghiên cứu từ CommBank and More đã chỉ ra rằng 9 trong số 10 bạn thuộc Gen Z thích nhắn tin hơn là nói chuyện điện thoại, một số người mô tả việc gọi điện thoại là "nỗi ám ảnh" của họ (4).


Chuyên gia giao tiếp Mary Janes Copps, người chuyên cung cấp cho khách hàng những phương pháp để cải thiện các cuộc trò chuyện đã chia sẻ trên tờ Fox News rằng đây là một xu thế có phần không tốt: "Mặc dù ngày càng ít người gọi điện thoại ở nơi làm việc hơn vì... sợ hoặc ngại, nhưng nhìn chung mọi người vẫn nên biết cách thực hiện chúng [các cuộc gọi]" (5).


Một nghiên cứu khác cũng đã chỉ ra rằng nghe giọng nói của nhau qua điện thoại sẽ tạo dựng niềm tin và mối quan hệ tốt hơn là nhắn tin (6).


Ergophobia: Sợ công việc


Nhiều người bước đến văn phòng với một trạng thái uể oải lười biếng, đây là điều dễ hiểu. Thế nhưng nếu bắt đầu công việc hằng ngày với một nỗi sợ "vô hình" thì có thể đây là biểu hiện của ergophobia. Những người mắc ergophobia trải qua sự lo lắng quá mức về môi trường làm việc ngay cả khi họ nhận ra nỗi sợ hãi của mình là phi lý (7).


Một điểm cần lưu ý là có nhiều người đổ lỗi cho chứng sợ công việc là do lười biếng, thế nhưng ergophobia vượt xa trạng thái lười biếng thông thường. Sự thật là chưa có một danh mục cụ thể trong Hướng dẫn Chẩn đoán và Thống kê các Rối loạn Tâm thần phiên bản thứ 5 (DSM-V), tuy nhiên, các tiêu chí để liệt yếu tố "sợ công việc" thành một dạng nỗi sợ (phobia) có thể tìm thấy ở phần "nỗi sợ hãi cụ thể" (specific phobia) trong DSM-V (8).


"Ergophobia" có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp "ergon" (công việc) và "phobos" (sợ hãi). "Ergo" cũng được sử dụng trong các từ ghép tiếng Anh khác là "ergometer" (công cơ kế) và "ergonomics" (công thái học). Nỗi sợ công việc rất phổ biến và dùng để chỉ chung cho tất cả các nỗi sợ liên quan đến chốn công sở như sợ thất bại (atychiphobia), sợ sự không hoàn hảo hoặc không đủ giỏi (atelophobia), sợ thuyết trình hay nói chuyện với đám đông (glossophobia) và thậm chí là sợ luôn cả sếp (bossophobia) (9).



Bossophobia: Sợ sếp


Sợ thứ hai là một nỗi sợ mà chúng ta chỉ phải đối diện một lần mỗi tuần, còn có một nỗi sợ mà nhiều người phải đối diện hằng ngày hằng giờ là sợ sếp (bossophobia). Nhiều ý kiến cho rằng Gen Z bây giờ rất "cứng" và hay cãi sếp, tức là không mắc nỗi sợ này, nhưng thật ra thì không.


Nhiều Gen Z vẫn sợ sếp như thường, chỉ là sợ thì sợ mà... cãi thì vẫn cãi.

Ảnh vui về cách phản ứng với sếp qua các thời kỳ (Nguồn: Weibo)

Sợ sếp là một nỗi sợ rất khó lý giải và có rất nhiều người đã đặt ra câu hỏi này trên khắp mạng xã hội. Nếu như sếp là một người cực đoan thì còn có thể dễ hiểu nhưng không, trong trường hợp họ rất hòa nhã thì việc bị gọi ra gặp mặt nói chuyện riêng cũng là một trải nghiệm đáng sợ với nhiều người. Brian de Haaff, Giám đốc Điều hành của Aha!, đã chia sẻ trong một bài đăng trên LinkedIn rằng:


"Công việc nào cũng có những giây phút căng thẳng riêng, nhưng không có công việc nào đáng để chúng ta phải hy sinh sức khỏe lâu dài" (10).

Nếu ai đó cảm thấy không thoải mái khi ở cạnh sếp - thậm chí là sợ hãi (bossophobia) - thì Brian de Haaff khuyên họ hãy lưu ý đến hai điều sau để vượt qua nỗi sợ, gồm có: Luôn nhớ rằng mình có giá trị riêng và nhắc nhở bản thân rằng mình xứng đáng được đối xử tôn trọng.



Comments


bottom of page