top of page
Tìm kiếm

Đọc sách kinh điển để khám phá thế giới, khai mở chính mình

Đã đến lúc bạn nên nhấc cuốn sách kinh điển bám bụi ra khỏi kệ và bắt đầu khám phá những câu chuyện xuyên thời đại, xuyên văn hóa, từ đó khơi mở tâm trí.


Nhà văn Mark Twain từng châm biếm: "Một tác phẩm kinh điển là thứ mà mọi người đều ước mình đã đọc, nhưng không ai thực sự muốn đọc" (1). Dù đã biết giá trị của những cuốn sách lâu đời, vì sao chúng ta lại không có hứng thú nhấc chúng ra khỏi kệ?


đọc sách, đọc sách kinh điển, sách kinh điển, thói quen đọc sách

Lý do trước hết là vì sách hiện đại cho phép chúng ta cập nhật thông tin, kết nối với những người cùng thời và tiếp xúc với tác giả, trong khi những tác phẩm lâu đời lại miêu tả những xã hội, nhân vật và câu chuyện xa vời trong quá khứ. Thế nhưng, nhận định rằng sách kinh điển không phù hợp với nhận thức và bối cảnh hiện tại là hoàn toàn sai lầm, bởi chính danh hiệu "kinh điển" đã khẳng định những giá trị bất tử mà chúng mang lại.


Không phải một thể loại, "kinh điển" là một tấm huy chương


Một tác giả khi chắp bút có toàn quyền quyết định thể loại sách mình muốn viết, bất kể là kinh dị, trinh thám, lãng mạn, viễn tưởng hay phi hư cấu. Thế nhưng, không nhà văn nào có thể tự mình ghi danh cho đứa con tinh thần vào nhóm "kinh điển", bởi đó là chiếc huy chương danh giá mà chỉ thời gian và độc giả mới có thể trao.


Theo từ điển tiếng Việt, từ Hán-Việt "kinh điển" vốn được dùng để chỉ những "tác phẩm có giá trị mẫu mực, tiêu biểu; có ảnh hưởng lớn đến một học thuyết, một chủ nghĩa hoặc một tôn giáo" (2). Đối chiếu với tiếng Anh, một trong những tầng nghĩa chính của từ "classic" là "xuất sắc, đã được thừa nhận qua một thời gian dài" (3). Theo một khảo sát của Guardian, có đến 66% người định nghĩa tác phẩm kinh điển là những cuốn sách đã "đậu" bài kiểm tra của thời gian và được nhiều hơn một thế hệ yêu thích (4).


đọc sách, đọc sách kinh điển, sách kinh điển, thói quen đọc sách

Bên cạnh thời gian, chiếc huy chương "kinh điển" còn phụ thuộc vào tính nghệ thuật cũng như sức hấp dẫn và khả năng tác động đến độc giả từ nhiều nền văn hóa cũng như thế hệ khác nhau của một tác phẩm (5). Dưới đây là một số tựa sách kinh điển đa dạng về thể loại, bối cảnh và thông điệp hướng đến, đã chinh phục trái tim của hàng triệu độc giả toàn thế giới (6):

  • Sử thi Iliad và Odyssey - Homer

  • Hamlet (1601) - William Shakespeare

  • Don Quijote (1605) - Miguel de Cervantes

  • Hồng lâu mộng (thế kỷ XVIII) - Tào Tuyết Cần

  • Hồn ma đêm Giáng sinh (1818) - Charles Dickens

  • Đồi gió hú (1847) - Emily Bronte

  • Những người khốn khổ (1862) - Victor Hugo

  • Chiến tranh và hòa bình (1865) - Lev Nikolayevich Tolstoy

  • Gatsby vĩ đại (1925) - F. Scott Fitzgerald

  • Giết con chim nhại (1960) - Harper Lee

Một số tựa sách Việt Nam sau đây cũng đã được nhiều thế hệ độc giả đón đọc qua năm tháng:

  • Truyện Kiều (1820) - Nguyễn Du

  • Lục Vân Tiên (Thế kỷ 19) - Nguyễn Đình Chiểu

  • Việt Nam phong tục (1915) - Phan Kế Bính

  • Dế mèn phiêu lưu ký (1941) - Tô Hoài

  • Đất rừng phương Nam (1957) - Đoàn Giỏi

  • Nỗi buồn chiến tranh (1987) - Bảo Ninh

Sách xưa dạy người nay bài học gì?

  • Biết người biết ta

Cả những câu hỏi hiện sinh như "tôi là ai?", "tôi sống vì lẽ gì?" lẫn các vấn đề thời đại như tôn giáo, sắc tộc, chủ nghĩa,... mà chúng ta băn khoăn mỗi ngày thực chất đều đã được người xưa đề cập và phân tích trong các tác phẩm kinh điển. Nối liền giữa các thế hệ là một mạch tri thức và kinh nghiệm phong phú, liên tục được bồi đắp trong những nghiên cứu, ghi chép và truyện kể.


đọc sách, đọc sách kinh điển, sách kinh điển, thói quen đọc sách

Đâu đó, độc giả có thể bắt gặp hình ảnh của mình trong tuổi dậy thì bất cần của chú Dế Mèn (trong Dế Mèn phiêu lưu ký) hay ý chí bất khuất của ông lão Santiago khi đương đầu với con cá kiếm khổng lồ (Ông già và biển cả). Hơn cả vậy, sách cho phép chúng ta thoát ra khỏi sự hạn hẹp của cuộc sống thường nhật để chứng kiến lịch sử đổi dời và bước vào đôi giày của những con người đến từ một nền văn hóa, một thời đại khác.

  • "Nhìn thấu" xã hội hiện đại

Tác phẩm kinh điển vẫn có thể nêu ra những quan điểm lạc hậu, thậm chí phản cảm, bởi nhận thức của tác giả luôn bị chi phối sâu sắc bởi văn hóa và trí tuệ tập thể trong xã hội thuở sinh thời. Trên thực tế, định kiến và nhận định chủ quan, xuất phát từ các trải nghiệm cá nhân, ít nhiều đã trở thành một phần cố hữu trong nhận thức của con người. Có thể một thế kỷ sau, những thế hệ tiếp nối sẽ lại nhìn vào các tác phẩm ngày nay bằng đôi mắt nghi ngờ và phán xét.


Từ một góc độ, mầm mống độc hại trong sách kinh điển cũng là lời nhắc nhở độc giả luôn giữ tâm trí cởi mở, tránh để sự chủ quan và thói ỷ lại bào mòn óc tinh khôn. Đọc về những quan điểm sai lầm của người xưa không có nghĩa là học theo hay cổ vũ cho nó, mà là cách để chúng ta tiếp thu kiến thức, mở rộng tầm nhìn tiến bộ theo phương hướng đúng đắn.


đọc sách, đọc sách kinh điển, sách kinh điển, thói quen đọc sách

Giảng viên Triết học tại đại học Yale Jeffery Brenzel tôn vinh các tác phẩm kinh điển vì "giá trị của sự xa lạ". Đọc những tác phẩm lâu đời là cách ông du hí năm châu. Khi "trở về" từ một nền văn hóa khác, chúng ta học được thái độ cẩn trọng và cởi mở cần thiết cả với những quan điểm mới mẻ lẫn tri thức quen thuộc (7).


Bên cạnh những bài học quá khứ, sách kinh điển còn có khả năng… tiên đoán tương lai, dựa trên những tri thức tập thể và bản chất sâu xa của nhân loại. Cuộc tranh đấu giữa người với máy móc nhân tạo mà chúng ta lo sợ thực chất đã từng được nhà văn Mary Shelley khắc họa trong tác phẩm Frankenstein năm 1818, và cả sự lệ thuộc ngày một tăng của con người vào các phương tiện truyền thông cũng đã được bàn đến trong tác phẩm 451 độ F xuất bản năm 1953 của tác giả Ray Bradbury.

  • Tham gia vào luồng hội thoại nghìn năm

Tiểu thuyết gia C.S.Lewis - tác giả của Biên niên sử Narnia - từng ví việc chỉ đọc những cuốn sách hiện đại cũng giống như nhảy vào cuộc hội thoại giữa chừng. Bạn vẫn có thể trò chuyện và tương tác với mọi người, nhưng không thể nắm được toàn bộ diễn biến. Vậy đâu là điểm bắt đầu của những luồng hội thoại nghìn năm? Không gì khác ngoài sách kinh điển.


Trước khi nhà soạn kịch William Shakespeare viết vở Macbeth - bi kịch tướng Macbeth sát hại vua Duncan, tội sát nhân đã xuất hiện trong Kinh Thánh - khi Cain giết em trai Abel của mình và bị tội lỗi xé nát tâm can. Sau Macbeth, tội sát nhân lại lần nữa được phơi bày dưới ngòi bút của nhà văn Fyodor Dostoyevsky trong cuốn Tội ác và trừng phạt (8). Như vậy, một luồng đối thoại về những mâu thuẫn nội tâm và hình phạt dành cho phạm nhân đã được hình thành, và chắc chắn còn tiếp diễn.


đọc sách, đọc sách kinh điển, sách kinh điển, thói quen đọc sách

Cách đây một nghìn năm, một trăm năm, các nhà văn cũng chiêm nghiệm về những câu hỏi mà chúng ta đến giờ vẫn suy ngẫm. Dựa trên những ghi chép và đúc kết được lưu lại trong sách kinh điển, độc giả có thể hiểu sâu sắc thêm những vấn đề thời đại và tham gia vào luồng hội thoại bằng những kiến giải của riêng mình.


Lắng nghe "lời mời gọi" từ sách kinh điển


Sách kinh điển sẽ mãi nằm im trên kệ nếu chúng ta xem nó như một gánh nặng danh dự, minh chứng cho tri thức hay đề thi cần vượt qua. Để thay đổi góc nhìn, bạn có thể xem việc đọc những cuốn sách này giống một loại hình giải trí, hoặc một cuộc trò chuyện sâu sắc. Tiếp đó, bạn nên lựa chọn những tựa sách phù hợp với sở thích và năng lực của chính mình, còn những bảng xếp hạng trên mạng chỉ mang tính chất gợi ý.


đọc sách, đọc sách kinh điển, sách kinh điển, thói quen đọc sách

Để đảm bảo một "chế độ đọc" cân bằng, bạn có thể xen kẽ giữa sách hiện đại và sách cổ điển để vừa cập nhật thông tin, vừa mở mang trí óc. Tác giả C.S. Lewis đã chia sẻ một quy luật đơn giản, đó là cứ ba cuốn sách thì hãy đọc một cuốn kinh điển (9). Đôi khi, một cuộc phiêu lưu đến những vùng đất mới với nền văn hóa và thời đại khác cũng rất thú vị và đáng để thử, nhất là khi bạn chỉ cần ngồi trên ghế và mở sách ra.



1 Comment


Guest
May 15, 2023

Tác giả nên giới thiệu đầu sách của nước nhà thì độc giả dễ tiếp cận hơn. Bài viết quá ưu tiên tác phẩm nước ngoài trong khi văn hoá khác nhau, dù Kinh điển nhưng cũng khoong nói lên được điều gì.

Like
bottom of page