top of page
Tìm kiếm

Những tựa sách hay giúp hiểu về tâm trí con người được Thạc sĩ Tâm lý khuyến đọc

Hiện nay có khá nhiều người muốn tìm hiểu về tâm lý học để "biết người biết ta" nhằm áp dụng cho các vấn đề gặp phải trong cuộc sống nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu. Một phần cũng là do những tin tức trôi nổi tràn lan gây hoang mang, hiểu nhầm mà đa phần là tin giả khoa học, giả tâm lý học kiểu như "mẹo hay tâm lý, lời khuyên của chuyên gia tâm lý…”. Bên cạnh đó, tâm lý học vốn là một lĩnh vực nếu không nắm chắc những kiến thức cơ bản thì dễ dẫn đến nhiều ngộ nhận.


Nhằm đi tìm lời khuyên cho những tựa sách hay về tâm lý học, Lela Journal đã có một cuộc nói chuyện với anh Võ Nhật Huy, hiện đang là nghiên cứu sinh ngành Tâm lý học tại Đại học La Trobe (Úc). Anh từng là giảng viên tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM và có thời gian làm Quản lý Thư viện khoa Tâm lý học của trường. Với kinh nghiệm chuyên môn và niềm yêu thích cho sách vở đã lâu, anh chia sẻ: "Nếu như độc giả đang muốn tìm hiểu về tâm lý học, thì một số cuốn sách sau sẽ rất bổ ích.


Tác phẩm "vỡ lòng" mà mọi người có thể dùng làm điểm khởi đầu đó là cuốn "Tâm lý học và đời sống" của Richard J.Gerrig và Philip G.Zimbardo.



Cuốn sách lật ngược lại những quan niệm tâm lý sai lầm


Điểm đặc biệt và thú vị trong cuốn sách này này không phải là những kiến thức phổ quát mà mọi người thường hình dung khi tiếp cận một lĩnh vực mới, vì trên thực tế, những thông tin mang nặng tính "sách giáo khoa" sẽ không hấp dẫn được đông đảo bạn đọc. Điều khiến người đọc thích thú khi cầm trên tay cuốn sách này chính là được cung cấp những công trình khoa học đáng tin cậy để lật ngược lại những quan niệm tâm lý sai lầm trong cuộc sống.


Đây cũng chính là một trong những mục đích ban đầu mà nhiều người tìm đến tâm lý học. Bởi lẽ, một trong những lý do thường nhật khiến chúng ta khổ tâm chính là những suy nghĩ miên man mà không có lời giải đáp thấu đáo. Nguyên nhân cho những mâu thuẫn này phần lớn dựa trên những quan niệm truyền thống phi khoa học, những khái niệm võ đoán làm cho mọi người hiểu sai bản chất của vấn đề. Nếu bạn đọc quan tâm đến điều này thì có thể tìm đọc rõ hơn trong sách, ở chương 13 "Tìm hiểu tính cách con người" và chương 14, 15 "Rối loạn tâm lý - Các cách trị liệu".


Theo tác giả Richard J.Gerrig và Philip G.Zimbardo chia sẻ: "Thay đổi các quan niệm sai lầm sẽ giúp thay đổi các hành vi trong cuộc sống. Khi hành vi thay đổi, các thói quen cũng dần thay đổi theo và làm cho chất lượng cuộc sống của chúng ta được cải thiện hơn. Đây chính là lý do giải thích tại sao quan niệm đúng đắn lại đóng vai trò quan trọng trong hạnh phúc của mỗi người".

Các cuốn sách thú vị khác được anh Võ Nhật Huy chia sẻ


Một số cuốn sách nữa cũng khá thú vị và phù hợp với những người mới bắt đầu tìm hiểu về tâm lý học đó là cuốn "How Psychology Works - Hiểu hết về tâm lý học" của tác giả Jo Hemmings và cuốn "Phân tâm học nhập môn" của Sigmund Freud - cha đẻ của tâm lý học hiện đại.



Vào đầu thế kỷ XX, một học thuyết tâm lý đã ra đời và làm thay đổi hoàn toàn khái niệm của bộ môn này từ trước đến giờ, đó chính là "phân tâm học". Công trình nghiên cứu nổi tiếng của Sigmund Freud đã đặt ra những cách tiếp cận mới về "thế giới trong tâm trí con người" thông các khái niệm thú vị như "cái tôi", "vô thức", "cơ chế phòng vệ"... Cho đến nay, mặc dù những khái niệm này ra đời đã lâu nhưng vẫn còn đóng một vai trò quan trọng đối với thời hiện đại.


Trong cuốn "Phân tâm học nhập môn", Sigmund Freud đã khéo léo khơi gợi sự tò mò của người đọc bằng cách xây dựng những cuộc đối thoại chặt chẽ, dựa trên những sự kiện thực tế trong đời sống và từ kinh nghiệm lâm sàng của ông. Qua việc liên tục đặt ra các câu hỏi và phản biện lại các luận điểm của mình, ông đã thúc đẩy người đọc muốn khám phá thêm và đi sâu hơn vào lý thuyết này.

Mặc dù có nhiều cuộc thảo luận và tranh cãi xung quanh "Phân tâm học nhập môn" của Sigmund Freud, thế nhưng đến nay đây vẫn là một cuốn sách rất đáng để đọc, đặc biệt là với những người mới "chân ướt chân ráo" tìm hiểu về lĩnh vực này.


Tương tự như phân tâm học, nhiều trường phái tâm lý đã được ra đời sau đó nhằm mục đích giải thích, đưa ra các cách tiếp cận khác để giải quyết những hiện tượng tâm lý trong đời sống. Cuốn "How Psychology Works - Hiểu Hết Về Tâm Lý Học" của Jo Hemmings chính là "cuốn từ điển" gói gọn tương đối đầy đủ những học thuyết đó.


Trong cuốn sách này, bạn đọc sẽ khám phá được hầu hết các học thuyết và trường phái khác nhau về tâm lý học, cũng như cách các nhà tâm lý giải thích về hành vi và tâm trí con người. Tác giả sẽ giải đáp những câu hỏi mang tính tò mò, chẳng hạn như: "Tại sao mình lại có hành vi, suy nghĩ và cảm xúc như vậy", "Các phức cảm này bắt nguồn và kết thúc ra sao, cũng như nó có ảnh hưởng đến hạnh phúc của chúng ta thế nào"? Ngoài ra, cuốn sách còn trang bị các giải pháp giúp bạn đọc vượt qua tác động tiêu cực của những hành vi, suy nghĩ và cảm xúc mà nhiều người đang đối mặt.


Theo Thạc sĩ Tâm lý học Võ Nhật Huy, khi đọc xong ba cuốn sách này, chúng ta có thể nắm bắt một cách đầy đủ, khách quan và đúng đắn nhất các khái niệm cơ bản của lĩnh vực này. Lúc này, có lẽ "một chân trời mới" sẽ được mở ra vì chúng ta đã có nhiều công cụ hữu ích hơn để hiểu về tâm trí muôn màu của bản thân.


Anh Huy chia sẻ thêm rằng: "Đến đây, tâm lý học đã bắt đầu chia nhánh rồi, tuỳ thuộc và mục đích nghiên cứu hay sử dụng của mỗi người mà sẽ có những cuốn sách để phù hợp với các chuyên ngành khác nhau. Ví dụ như muốn tìm hiểu về sự phát triển của con người thì có thể đọc thêm các sách chuyên về Developmental Psychology (Tâm lý học Phát triển), cần hiểu sâu hơn về nhận thức thì đọc Cognitive Psychology (Tâm lý học Nhận thức), trị liệu thì đọc Psychopathology (Tâm bệnh học), tham vấn thì đọc Personality Psychology (Tâm lý Nhân cách học), Counseling Theories (Học thuyết Tư vấn) và nếu để áp dụng trong tổ chức, quản lý nhân sự thì đọc về Industrial/Organizational Psychology (Tâm lý học Tổ chức Nhân sự/Tâm lý học nghề nghiệp)".



Đôi nét về anh Võ Nhật Huy:


Opmerkingen


bottom of page