top of page
Tìm kiếm

Dọn nhà đón Tết: Phối màu trang trí nhà ở với quy tắc 60-30-10

Năm hết Tết đến, nhiều người rục rịch sơn sửa nhà cửa để trang hoàng "tổ ấm" đón Xuân. Đây cũng là lúc bạn đọc của LeLa Journal băn khoăn không biết nên lựa chọn phong cách trang trí, phối màu thế nào để ngôi nhà vừa hợp thời, vừa hợp ý bản thân. Nếu sơn tường màu nâu thì sẽ mua rèm và thảm màu gì để căn nhà không bị “lạc tông", hoặc nếu chọn bộ sofa tối màu thì có làm mất đi vẻ tươi sáng của không gian sống hay không?


Quy tắc 60-30-10 là gì?


Chỉ cần nắm rõ các tông màu, bạn cũng có thể tự trang trí cho căn phòng của chính mình trở nên rực rỡ

60-30-10 là một quy tắc thiết kế nội thất đơn giản mà các kiến trúc sư và chuyên gia trang trí nhà ở đã sử dụng trong nhiều thập kỷ. Kỹ thuật này bắt nguồn từ nguyên lý màu sắc và được ứng dụng để tạo ra một bảng màu cân bằng hoàn hảo cho không gian tổng thể.


Theo đó, màu chủ đạo (thường là các màu trung tính, nhạt) được dùng cho 60% diện tích căn nhà (cụ thể là sàn nhà, tường, trần, các bộ ghế/giường cỡ lớn), màu trang trí dành cho 30% không gian nội thất cơ bản (bao gồm rèm cửa, tủ, sofa cỡ nhỏ), còn màu điểm nhấn sẽ được lựa chọn cho 10% phần diện tích còn lại (nơi trưng bày tranh ảnh, đèn, nến, thảm) (1).

Ý tưởng đằng sau quy tắc 60-30-10 là tông màu trung tính sẽ tạo phông nền cho đồ nội thất và phụ kiện, trong khi màu đậm sẽ giúp kết nối tất cả lại với nhau. Các màu điểm nhấn sẽ tạo thêm sự sống động và cung cấp độ tương phản so với những màu sắc còn lại trong căn nhà.


Dễ dàng tạo ra màu sắc như ý


1. Những bảng màu có sẵn


Nếu chưa có ý tưởng gì trong việc kết hợp các màu sắc lại với nhau thì đây là gợi ý dành cho bạn (2):

  • Màu trắng là màu chủ đạo, màu xám là màu phụ và màu đỏ là điểm nhấn.

  • Màu xám là màu chủ đạo, màu trắng là màu phụ và màu gỗ là điểm nhấn.

  • Màu xanh là màu chủ đạo, màu trắng là màu phụ và màu đỏ là điểm nhấn.

  • Màu vàng là màu chủ đạo, màu xanh lá cây là màu phụ và màu trắng là điểm nhấn.

  • Màu nâu làm chủ đạo, màu trắng làm màu phụ và màu đen làm điểm nhấn.

  • Màu xám làm chủ đạo, màu xám nhạt làm màu phụ và màu trắng làm điểm nhấn.

  • Màu trắng làm chủ đạo, gỗ tự nhiên làm màu phụ và màu xanh lam làm điểm nhấn.

  • Màu xanh nhạt làm chủ đạo, màu kem làm màu phụ và màu xanh đậm làm điểm nhấn.

  • Màu xám là màu chủ đạo, màu trắng là màu thứ hai và màu hồng là điểm nhấn.

  • Màu vàng làm chủ đạo, gỗ tự nhiên làm màu phụ và màu trắng làm điểm nhấn.

  • Màu be là màu chủ đạo, màu nâu là màu phụ và màu ngọc lam là điểm nhấn.


Nếu muốn căn nhà của mình mang cảm giác bình yên, êm dịu, bạn có thể chọn các tông màu đất và màu cây cối, thực vật, vân gỗ... để áp dụng quy tắc 60-30-10.


Ảnh: Lisa Dawson

Ví dụ như ở bức ảnh trên, nhà thiết kế Lisa Dawson (Anh) kết hợp màu nâu chocolate, xanh ô-liu nhạt và trắng kem trong một dự án của mình. Theo đó, xanh ô-liu là màu chủ đạo, được sử dụng trên cửa và phào chỉ (tên gọi chung của các loại vật liệu thạch cao, gỗ, nhựa tổng hợp hoặc xi măng được ốp nổi trên tường), còn sắc nâu là màu phụ đạo. Ngoài ra, cô bổ sung màu đỏ ở chân đèn ngủ và phụ kiện để tạo điểm nhấn xuyên suốt. Thảm trải sàn với hoạ tiết bàn cờ cũng phù hợp với tông màu của rèm cửa.


2. Sử dụng những màu nổi bật trên nền trắng


Ảnh: Courtney King

Nếu bạn muốn căn nhà của mình nổi bật với những món nội thất, hãy chọn màu trắng làm chủ đạo cho tường và sàn. Đây là cách cân bằng màu sắc mà các nhà thiết kế của SG2 (Australia) đã lựa chọn. Màu vàng của sofa nổi bật nhất trong phòng, tiếp theo là màu xanh lá cây của cầu thang và cuối cùng là điểm nhấn của chiếc ghế màu đỏ.


Cách kết hợp này khiến phòng khách ấn tượng hơn với những gam màu rực rỡ, gợi cảm hứng sáng tạo.


3. Tạo cảm giác bình yên với những gam màu biển


Ảnh: Brooke Copp Barton

Đôi khi, ba màu bạn chọn có thể làm toát lên không khí của một địa điểm, vùng đất mà bạn yêu thích. Như khi nhắc đến Hội An, mọi người sẽ nghĩ ngay đến màu vàng đặc trưng, hoặc Đà Lạt là màu xanh của rừng cây, Nha Trang là xanh ngọc của biển…


Nhà thiết kế Brooke Copp Barton (Anh) đã sử dụng bộ ba màu sắc trang nhã của vùng biển và áp dụng lý thuyết 60-30-10: “Với những bức tường có màu xanh nước biển hay xanh lá cây, chúng tôi đã chọn màu gỗ để kết hợp, nhằm tạo ra một phông nền mang lại cảm giác êm dịu và lãng mạn. Cá nhân tôi đặc biệt yêu thích đường viền màu đỏ rất nhỏ trên ghế và đèn tường gắn trên giá sách - đôi khi chính những chi tiết nhỏ nhất cũng tạo nên sự khác biệt”.


4. Tạo sự tương phản


Ảnh: Luke Weller

Phân chia màu sắc theo quy tắc tương phản là một cách cơ bản nhưng chưa bao giờ lỗi thời để tạo ra sự nổi bật trong không gian nội thất. Ở căn bếp này, nhà thiết kế của Mitchell + Corti Architects đã chọn hai màu tương phản là đen - trắng và dành màu cam làm điểm nhấn. Có thể thấy điểm nhấn cánh cửa và các vật dung bếp đều màu cam đã kết hợp tốt với hai màu đen - trắng, từ đó mang lại độ bão hòa và độ sáng cho không gian.


Ngoài ra, bạn cũng có thể dành 60% diện tích để sử dụng phần nền trung tính bằng các màu trầm (hồng nhạt, nâu nhạt, xanh nhạt...) vì chúng hấp thụ ánh sáng tốt. 30% là màu tối hơn để tạo sự tương phản và 10% còn lại là các màu độc lạ, có thể dễ dàng thay đổi theo thời gian (hoặc các dịp trang trí theo mùa như lễ Tết) để mang lại cảm giác mới mẻ cho căn phòng.


5. Phối hợp các màu lạnh và ấm


Ảnh: Alecia Neo/Neon Studio

Nhà thiết kế Elizabeth Hay (Singapore) cho biết cô thích sự tươi mát của màu trắng trên nền xanh đậm. Khi sử dụng các màu tối hơn, cô sẽ kết hợp với một màu tươi sáng hoặc màu trắng để không tạo cảm giác quá tối và nặng nề.


Theo cách này, bạn có thể chọn màu lạnh (xanh lá, xanh lam, tím...) là màu chủ đạo và màu ấm (đỏ, cam, vàng, nâu...) là điểm nhấn hoặc ngược lại. Trong căn bếp này, màu xanh đậm chiếm 60%, màu trắng chiếm 30% để tạo ra sự tươi sáng và cuối cùng là 10% đến từ màu gỗ tăng cảm giác ấm áp.


6. Sử dụng bảng màu trung tính


Ảnh: New Works
Bạn có thể tạo bảng phối màu trung tính từ quy tắc 60-30-10 với bộ ba màu dịu như xám, kem, nâu. Bảng màu này sẽ giúp không gian có được sự thanh bình và yên tĩnh.

Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng các tông màu trầm để kết hợp với các sắc thái màu kem mềm mại. Trong khi đó, các màu rực rỡ như màu vàng hổ phách, đỏ đất hoặc xanh đậm nên dùng làm điểm nhấn và chỉ chiếm 10% tổng thể không gian. Nhờ vậy, không gian vừa có sự hài hòa và ấm áp, vừa thu hút thị giác.



Comments


bottom of page