top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảAn Trương

Dopamine liên quan gì đến chuyện "ngoại tình là bản năng, chung tình là bản lĩnh"?

Từ bài trước, chúng ta đã tìm hiểu về Tình yêu dưới góc nhìn khoa học & tâm lý học, vậy khi một trong hai người hết yêu thì sao? Chuyện thay lòng cũng thường bị "dán nhãn" là một hành động bạc bẽo mang tính bản năng và người thay lòng mặc nhiên bị xem là kẻ phản bội. Thế nhưng, đối với những khái niệm đầy cảm tính kể trên, liệu có cơ chế nào cụ thể liên quan đến khoa học thần kinh và tâm lý học hay không? Hormone dopamine có thể là một câu trả lời.



Khi ta yêu đến mất ăn mất ngủ


Hãy nghĩ về lần cuối cùng bạn gặp một người mà bạn thấy lòng mình dấy lên những xúc cảm bồi hồi khôn xiết. Có thể bạn đã thấy lòng bàn tay chảy đầy mồ hôi, mắt không thể nhìn thẳng về phía người ấy, thậm chí bạn đã nói điều gì đó cực kỳ ngớ ngẩn mà nó không giống với sự sắc sảo của bạn thường ngày...


Trong nhiều thế kỷ, chúng ta luôn cho rằng tình yêu và nhiều cảm xúc khác được xuất phát từ trái tim, nhưng trên thực tế, rất nhiều nghiên cứu khoa học hiện đại đã dần chứng minh tình yêu cũng là biểu hiện của những phản ứng trong não bộ.

Các nghiên cứu chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) đã phát hiện ra rằng khi những người đang yêu được xem ảnh của "người thương", não bộ của họ sẽ xuất hiện nhiều điểm gia tăng kích hoạt trong các vùng não liên quan đến việc điều chỉnh cảm xúc (1).


Như LeLa Journal đã từng nhắc tới, theo kết luận từ nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Helen Fisher tại Đại học Rutgers, khi ta rơi vào lưới tình, các chất dẫn truyền thần kinh trong não hoạt động theo một cơ chế gồm 3 giai đoạn, gồm có ham muốn (lust), thu hút/hấp dẫn (attraction) và gắn kết (attachment) (2). Mỗi giai đoạn được gắn liền bởi một bộ hormone riêng, với testosterone và estrogen thúc đẩy ham muốn; dopamine, norepinephrine và serotonin tạo ra sự hấp dẫn; cuối cùng là oxytocin và vasopressin đóng vai trò chính trong giai đoạn gắn kết.


Như vậy, nếu một người thay lòng khi yêu thì phải chăng là người đó không còn thấy nửa kia hấp dẫn nữa, còn cơ thể người đó cũng đã gia tăng dopamine vì... người khác?

Câu trả lời là đúng, có thể nói là như vậy. Trong giai đoạn 2 của tiến trình yêu thương, sự hấp dẫn chính là biểu hiện của mức độ cao của dopamine và norepinephrine, bên cạnh đó là mức độ thấp của serotonin (3). Trong đó, norepinephrine cũng là chất được tổng hợp từ dopamine (4), còn serotonin lại được biết đến nhiều hơn với vai trò là hormone có liên quan đến hệ tiêu hóa, cảm giác thèm ăn và điều chỉnh tâm trạng (5).



Trong bài viết này, chúng ta tập trung đề cập đến những tác động làm tăng dopamine (chất dẫn truyền thần kinh khiến con người khao khát và nỗ lực để đạt được một mục tiêu nhất định) thay vì giảm serotonin (chất liên quan tới duy trì thói quen).


Dopamine và sự hấp dẫn trong một cuộc tình


Khi đạt được mục tiêu, hay là khi ta đã có được "nửa kia", não bộ sản sinh ra dopamine như một phần thưởng giúp cơ thể cảm thấy dễ chịu và thôi thúc được lặp lại cảm giác đó. Điều này đồng nghĩa với việc trong tình yêu, sự thay lòng của một người đôi khi đến từ tình trạng khó duy trì lượng dopamine cần thiết để họ luôn cảm thấy nửa kia hấp dẫn. Vào những lúc lượng dopamine trong não suy giảm, chúng ta có thể thấy nhàm chán và mất động lực khi phải sánh đôi cùng nhau.


Và như một lẽ tự nhiên là khi bắt gặp một đối tượng mới, sự mới lạ mà họ mang lại cũng đủ thu hút ta, khiến ta sản sinh dopamine, phát ra động lực muốn tiến về phía "vật lạ" kia.

Có thể thấy, sự chung thủy - được nhìn từ góc độ sinh lý học thần kinh - cũng mang đậm tính bản năng chứ không chỉ là bản lĩnh, vì để hai người có thể phát triển tới mức độ gắn kết thì họ cần bảo đảm được lượng dopamine cần thiết để cảm giác bị thu hút bởi nửa kia.


Dĩ nhiên, chung thủy cũng là một phẩm chất được định nghĩa phụ thuộc vào ý chí của mỗi người và nó liên quan đến quan điểm của từng người đối với các giá trị về niềm tin, phẩm chất, đạo đức hoặc tín ngưỡng. Nhưng có lẽ khi ta thực sự yêu một người, hiếm khi nào mà ta muốn rời xa.


Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta cũng nên có những hành động thể hiện sự nỗ lực để duy trì tình yêu của mình, và ở góc độ khoa học, đây là hành động cụ thể để gia tăng sự sản sinh dopamine của nhau.



Làm sao để dopamine vẫn ở mức "đều đều" sau nhiều năm yêu nhau?


Một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Stony Brook ở bang New York đã cho thấy rằng: con người có thể yêu một người điên cuồng sau nhiều thập kỷ chung sống, như là sau 20, 30 năm sau (6). Nhóm nghiên cứu đã thực hiện quét MRI đối với các cặp vợ chồng đã kết hôn trung bình 21 năm.


Kết quả cho thấy cường độ hoạt động ở những vùng não giàu dopamine của họ cũng giống như ở não của những đôi tình nhân mới yêu nhau.


Nghiên cứu gợi ý rằng sự phấn khích của sự lãng mạn có thể vẫn còn, trong khi sự e ngại đã mất đi. Về điều này, Tiến sĩ Schwartz cho biết: "Một cuộc điều tra hiện đại về tình yêu đã lần đầu tiên xác nhận rằng mọi người không hề nói dối khi chia sẻ rằng sau 10 đến 30 năm chung sống, họ vẫn yêu người bạn đời của mình một cách điên cuồng." Có thể thấy, một mối quan hệ bền vững cần có sự bầu bạn, thỏa hiệp, đồng thời yêu cầu cả hai cùng cố gắng, hay nói cách khác, chính là hội tụ đủ ba yếu tố của một tình yêu viên mãn là sự đam mê, thân mật và cam kết.


Vậy làm thế nào để họ giữ được mức độ dopamine cần thiết?



Khi đã hiểu về cơ chế của dopamine, có lẽ mỗi cặp tình nhân sẽ có những cách thức riêng tư để duy trì cảm giác yêu như những ngày đầu. Bởi hơn ai hết, chính chúng ta mới là người hiểu rõ nhất sức hấp dẫn của mình ở đâu và chúng ta yêu người còn lại bởi giá trị gì.


Tuy nhiên, LeLa Journal đã tổng hợp lại 3 cách "kinh điển" có thể làm nhằm tăng dopamine cho một mối quan hệ, mà bạn và nửa kia có thể tham khảo, cụ thể như sau:

  • Duy trì sự tương tác: Duy trì các hoạt động gắn kết, thường xuyên cùng nhau tham gia các hoạt động mới mẻ, thú vị như vẽ tranh, thủ công... để tạo ra các khoảnh khắc kỷ niệm đầy ngọt ngào và hạnh phúc, qua đó kích thích dopamine sản sinh.

  • Giữ sự thân mật: Viết thiệp và ghi chú, ôm và hôn, chia sẻ hy vọng và ước mơ của bạn, đồng thời chia sẻ sự sẵn sàng đồng hành, chia sẻ và hỗ trợ để đối phương cảm nhận rõ sự hiện diện của tình yêu và cảm giác được yêu.

  • Song song duy trì các "khoảng trời riêng": Nếu bạn là kiểu người hay ghen tuông, thích kiểm soát, hãy dành thời gian cho cuộc sống của riêng mình và đồng thời cho người ấy những không gian riêng, khiến họ cảm nhận được sự tôn trọng và tin tưởng.



Tình yêu cũng là biểu hiện của các hoạt động của hormone và mỗi người đều có thể có "phản ứng hóa học" với bất kỳ ai, tuy nhiên, bên cạnh góc nhìn khoa học thần kinh đơn thuần, tình yêu không chỉ là câu chuyện của một vài hormone, mà còn là sự kết hợp của nhiều trách nhiệm, cảm xúc, mong muốn, giá trị... Chính vì vậy, chuyện "thay lòng đổi lạ", phân vân đi-hay-ở... cũng có thể xảy đến, nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Lo lắng về nó thì chi bằng chúng ta hãy cứ tận hưởng hạnh phúc trong hiện tại.



Comments


bottom of page