top of page
Tìm kiếm

Gốm raku & nghệ thuật trà đạo: Vẻ đẹp an lạc trong bộ chén trà

Vẻ xù xì tự nhiên của gốm raku và sự chuẩn tắc ở nghệ thuật trà đạo đã làm nên một sự kết hợp hoàn hảo. Đây là một trải nghiệm độc đáo để chúng ta có thể hiểu thêm về một nét văn hóa truyền thống Nhật Bản.


Bộ bình và tách trà gốm raku (Nguồn: Facebook Duong pottery gốm thủ công).
Bộ bình và tách trà gốm raku (Nguồn: Facebook Duong pottery gốm thủ công)

Gốm Raku: Nghệ thuật nung gốm truyền thống Nhật Bản


Raku là một loại gốm truyền thống của Nhật Bản được phát minh vào khoảng những năm 1580. Theo phương pháp của Nhật Bản, vật thể điêu khắc được nung trong thời gian ngắn ở nhiệt độ thấp, được lấy ra đúng lúc lò nung ở mức cao điểm và sau đó là được để nguội ngoài trời. Sản phẩm thu được chính là những món đồ gốm raku độc bản.


Tên "raku" được đặt theo họ của gia đình nghệ nhân đầu tiên sáng tạo ra loại gốm này (1). Đồng thời, tên gốc "raku-yaki" (楽焼) gồm từ "raku" là "lạc" - tức sự vui vẻ, hứng khởi (2), (3) và "yaki" là "hành động dùng lửa trực tiếp tác động lên đồ vật để tạo hình (đồ gốm), nướng đồ ăn..." (4).


Có thể nói rằng vẻ đẹp của raku chính là vẻ đẹp của sự an lạc, hạnh phúc.

Raku của Nhật Bản khác với kỹ thuật nung gốm raku của phương Tây, mặc dù đây là kỹ thuật mà phương Tây tiếp nhận từ người Nhật.


Tại đất nước mặt trời mọc, lò nung raku truyền thống được đặt ở nhiệt độ thấp, với gốm raku đỏ chỉ ở mức 900 - 1200°F (500 - 650°C) và lò nung bằng nhiên liệu than (5), (6). Trong khi đó, với kỹ thuật nung raku tại phương Tây, lò nung ở 1830°F (1000°C) đã được coi là mức cao nhất. Tuy nhiên, đây vẫn được tính là nhiệt độ thấp so với các kỹ thuật nung gốm khác (7). Hơn nữa, các kỹ thuật nung gốm sứ thường thấy có thể nung gốm nhiều lần thay vì chỉ một lần.


Gốm raku là sự sáng tạo của các nghệ nhân gốm tài hoa, thông qua áp dụng kỹ thuật nung cháy tự do. Quá trình này tạo ra các biến thể màu sắc và họa tiết không thể dự đoán được. Các yếu tố quan trọng làm nên tính độc bản của raku là loại đất sét được sử dụng, loại men, không khí trong lò... (8).


Mỗi sản phẩm gốm raku là một tác phẩm nghệ thuật riêng biệt, có một không hai. Nhiều người xem gốm raku như sự phản ánh triết lý "wabi-sabi" - tức là tìm kiếm vẻ đẹp trong sự không hoàn hảo và vô thường.


Những lọ hoa raku mới ra lò (Nguồn: Facebook Duong pottery gốm thủ công).
Những lọ hoa raku mới ra lò (Nguồn: Facebook Duong pottery gốm thủ công)

Gốm raku và trà đạo: Nghệ thuật kết hợp vẻ xù xì tự nhiên với quy tắc mỹ học


Được các bậc trà sư đánh giá cao về độ tổng thể màu sắc, hình dáng và kết cấu, gốm raku đã trở thành một yếu tố không thể thiếu trong nghi lễ trà đạo của xứ sở hoa anh đào.


Khi kết hợp với nghệ thuật trà đạo, gốm raku tạo nên một sự hòa quyện hoàn hảo giữa vẻ đẹp tự nhiên và những quy tắc mỹ học trên "bàn trà". Trong không gian yên bình của phiên trà, từ cách bài trí phòng trà, cách cầm ấm, rót trà cho đến việc thưởng thức từng ngụm trà, mọi chi tiết nhỏ nhất đều được chú trọng và tỉ mỉ.


Dưới đây là một số cách sử dụng gốm raku trong nghệ thuật trà đạo:

- Bát trà: Trong các buổi lễ trà đạo, bát trà raku (chawan) được sử dụng để pha trà. Sự đơn giản và tự nhiên của bát trà raku làm nổi bật màu xanh sống động của bột trà matcha, tạo nên một hình ảnh đẹp mắt và thư giãn (9).


- Chén trà: Chén trà bằng gốm raku thường được sử dụng, như là gốm đỏ (redware) hoặc gốm đen (blackware).


- Quy tắc thiền trà: Những chén raku không chỉ phục vụ cho việc thưởng thức trà, mà mỗi chén còn là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo để người thưởng thức ngắm nhìn, suy tư, thiền tọa trong một không gian yên bình và tĩnh lặng.


Như vậy, gốm raku không chỉ là một phần quan trọng trong nghệ thuật trà đạo nói riêng, mà còn là một công cụ giúp con người tiếp cận với đạo nói chung, cũng như tìm kiếm sự bình yên trong tâm hồn.

Những sản phẩm không chỉ phục vụ cho việc thưởng thức trà, mà còn là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo (Nguồn: Facebook Duong pottery gốm thủ công).
Những sản phẩm không chỉ phục vụ cho việc thưởng thức trà, mà còn là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo (Nguồn: Facebook Duong pottery gốm thủ công)

Gốm raku tại Việt Nam: Từ hành trình nghệ thuật đến lan tỏa yêu thương


Gốm raku chưa được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam, nhưng cũng đã có một số nơi bắt đầu khám phá và áp dụng nghệ thuật gốm truyền thống này.


Một trong số đó là Duong Pottery Studio, nơi tổ chức các lớp học gốm nhỏ, chỉ với 2 - 3 học viên mỗi lớp. Chị Thùy Dương, người sáng lập Studio, chính là người trực tiếp hướng dẫn các học viên.

Bên cạnh đó, mô hình du lịch "raku tour" cũng đã được ra mắt tại xưởng gốm Hope Center (Trung tâm Hy vọng - ngôi nhà chung của những người khuyết tật, số 20 đường Nhật Lệ, TP. Huế). Đây là một cách thú vị để du khách có thể trải nghiệm và hiểu rõ hơn về nghệ thuật gốm raku cũng như chia sẻ và tạo việc làm cho những người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (10).


Hình ảnh về mô hình du lịch "raku tour" tại Huế (Nguồn: Facebook Hope Centerhue).
Hình ảnh về mô hình du lịch "raku tour" tại Huế (Nguồn: Facebook Hope Centerhue)

Opmerkingen


bottom of page