top of page
Tìm kiếm

"Graphology": Chữ viết tay tiết lộ điều gì về bạn?

Ông bà ta có câu "nét chữ, nết người", cho thấy rằng chữ viết có thể phản ánh tính cách và phẩm chất của mỗi cá nhân. Trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, việc viết tay ít được sử dụng hơn, nhưng đây vẫn là một cách quan trọng giúp ta hiểu rõ hơn về người khác cũng như bản thân. Mỗi nét chữ, mỗi đường gạch, mỗi dấu chấm... đều mang theo nhiều thông điệp ẩn sau đó. Nhưng làm thế nào để "đọc" bản chất của một người thông qua chữ viết tay của họ? Đó là lúc bộ môn phân tích chữ viết tay, hay còn gọi là Bút tích học (Graphology) ra đời.



Bút tích học có phải là một môn khoa học hay không?


Sự quan tâm đến ý nghĩa đằng sau những nét chữ viết tay đã tồn tại từ thời cổ đại và trở nên phổ biến hơn vào thời Trung đại châu Âu. Ngay từ thế kỷ 17, chủ đề này đã được nghiên cứu và xuất hiện trong tác phẩm đầu tiên vào năm 1622 của Camillo Baldi, một giáo sư đại học người Ý, mang tên "The means of knowing the habits and qualities of a writer from his letters" (tạm dịch: Cách nhận biết biết thói quen và phẩm chất của một người viết thông qua những bức thư tay).


Đến thế kỷ 19, môn phân tích chữ viết tay hiện đại ra đời tại Pháp. Các nhà tiên phong trong lĩnh vực này bao gồm Jean-Hippolyte Michon và Jules Crépieux-Jamin. Năm 1982, Jean Michon xuất bản cuốn sách "The mysteries of handwriting and A system of graphology" (tạm dịch: Những bí ẩn về chữ viết tay và Hệ thống phân tích chữ viết).


Jean-Hippolyte Michon cũng chính là người đầu tiên đặt tên cho bộ môn này. Thuật ngữ "Graphology" được kết hợp bởi các từ Hy Lạp "grafo" (viết) và "lógos" (diễn đạt) (1).


Bút tích học, với những nguyên tắc được phát triển dựa trên quan sát thực tế, đã trở thành một lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng thú vị liên quan đến tính cách và tâm lý con người. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý rằng bút tích học chỉ có giá trị tham khảo, mà không hẳn là một bộ môn khoa học với đầy đủ bằng chứng và nghiên cứu chứng minh.


Chữ viết tay nói gì về tính cách của bạn?


Có rất nhiều yếu tố cần phân tích khi nghiên cứu về chữ viết tay, như là chữ viết ngay ngắn hay lộn xộn, kích thước lớn hay nhỏ, lực viết mạnh hay yếu… Ngoài ra, còn nhiều yếu tố khác cần xem xét như lề của trang, độ nghiêng của chữ (nghiêng trái, nghiêng phải, thẳng đứng), tốc độ viết, khoảng cách giữa các dòng, từ, chữ cái... Hơn nữa, nếu mở rộng khỏi phạm vi hệ chữ Latin để xét trong hệ chữ tượng hình hoặc tượng thanh âm tiết thì các ý nghĩa cũng có thể thay đổi hoàn toàn.


Do đó, bài viết này chỉ tập trung vào hệ chữ Latin mà người Việt đang sử dụng.

Một dòng viết tay thường được chia thành ba vùng: vùng trên, vùng giữa và vùng dưới.



Vùng trên chứa các phần trên của các chữ cái như b, d, f, h, k, l, t; cũng như dấu chấm của chữ i. Nếu một bản viết tay có vùng trên nhỏ hơn so với các vùng khác thì người viết có thể thiếu tương tác với cuộc sống hoặc có tính thụ động.


Vùng giữa chứa các chữ cái như a, c, e, m, n, o, r, s, u, v, w, x, z; cũng là phần trung tâm và bo tròn của các chữ b, d, g, p, q. Kích thước và lực viết trong vùng này càng lớn cho thấy người viết có nhu cầu thống trị càng cao và nếu ngược lại, có thể họ đang cảm thấy bị ức chế vì một vấn đề nào đó.


Vùng còn lại là vùng dưới của chữ cái, cũng là phần quan trọng nhất trong việc thể hiện cảm xúc. Nếu nét chữ ở vùng này rộng hơn và thấp hơn so với các vùng khác, cho thấy người viết có cảm xúc mạnh mẽ, sống theo bản năng và thường quyết định bằng trực giác. Ngược lại, khi nét chữ ở vùng này nhỏ hơn, người viết có thể rụt rè và thiếu tự tin, thường phụ thuộc vào người khác và cảm thấy khó khăn trong việc tự đưa ra quyết định cho riêng mình trong cuộc sống lẫn tình cảm (1).


Vậy phải chăng người viết chữ nhỏ sẽ ích kỷ và hẹp hòi? Sự thật là không.


Chữ viết nhỏ có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Nó có thể cho thấy sự thiếu tự tin hoặc suy nghĩ nhiều, hoặc biểu hiện của sự chú ý đến tiểu tiết và trí thông minh toán học. Ngoài ra, chữ viết nhỏ cũng có thể là dấu hiệu của sức khỏe thể chất yếu hoặc căng thẳng thần kinh.


Ngược lại, chữ viết lớn, nhanh, không ngắt quãng, không sửa đổi nhiều, đều đặn và áp lực vừa phải biểu hiện một người có sức khỏe tốt và tràn đầy sức sống (1).



Liệu dấu chấm của chữ "i" và đường gạch của chữ "t" có thật sự quan trọng?


Trong bút tích học, chữ "t" và chữ "i" có thể được xem như biểu trưng cho một số đặc điểm tính cách rất quan trọng. Chữ "t" biểu hiện cho ý chí và chữ "i" biểu hiện cho sự kết nối xã nội của một cá nhân (2). Jane E. Brewer, trong nghiên cứu của mình, đã chỉ ra những nét tính cách thông qua dấu chấm của chữ 'i' và đường gạch của chữ 't' như sau:


- Đường gạch của chữ 't':

  • Đường gạch cao và nghiêng về bên phải: Lãnh đạo và trí tuệ cao.

  • Đường gạch cao và thẳng đi xa khỏi thân chữ: Lãnh đạo và mong muốn kiểm soát.

  • Đường gạch thấp và nghiêng về bên phải: Khó tính và muốn kiểm soát mọi thứ.

  • Đường gạch nằm ở giữa và nghiêng về bên phải: Tham vọng cao và quyết tâm.

  • Đường gạch thẳng và dài với lực viết nhẹ: Thiếu tự tin và dễ bị thuyết phục.

  • Đường gạch hướng xuống mạnh: Có xu hướng phê phán và khó tính với người khác.


Source: Brewer JF (1999)

Kết quả phân tích đường gạch của chữ "t" trong nghiên cứu về Bút tích học của Brewer JF (1999) (1).


- Dấu chấm của chữ 'i':

  • Dấu chấm lệch bên trái: Thận trọng và lo sợ.

  • Dấu chấm lệch bên phải: Bốc đồng và háo hức.

  • Dấu chấm rất cao: Mơ mộng ban ngày, "đầu óc trên mây".

  • Dấu chấm cao hơn nhiều so với thân chữ: Nhận thức tâm linh mạnh mẽ.

  • Dấu chấm tròn: Mong muốn được nhìn nhận khác biệt.


Source: Brewer JF (1999)

Kết quả phân tích dấu chấm của chữ "i" trong nghiên cứu về Bút tích học của Brewer JF (1999) (1).


- Bên cạnh đó, cũng có một số lưu ý khi phân tích chữ viết tay, cụ thể như sau:

  • Cách viết trên một trang giấy không có ô li hay đường kẻ cũng có ý nghĩa trong việc phân tích tính cách. Người viết hướng lên trên thường là những người lạc quan và đầy hoài bão, với tầm nhìn hướng tới một tương lai tươi sáng hơn.

  • Nếu một người có nét chữ đều đặn và cẩn thận, họ có xu hướng kiểm soát chặt chẽ mọi khía cạnh trong cuộc sống của mình. Khoảng cách giữa các từ và chữ cái hẹp cho thấy người viết có thể đang thiếu những cảm xúc tích cực và cảm thấy rối bời.

  • Nét chữ cách điệu và có nhiều chi tiết phức tạp chứng tỏ chủ nhân là người cực kỳ sáng tạo và có trí tưởng tượng cao. Trong khi đó, những người bình tĩnh và kiên nhẫn thường có xu hướng viết thẳng hàng, đều đặn và đặt dấu câu ở vị trí chuẩn xác (3).



Ứng dụng của bút tích học


Bút tích học có thể là một công cụ hữu ích trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống.


1. Tâm lý học: Chữ viết tay có thể cung cấp thông tin hữu ích về tâm trạng, tính cách và tình hình tâm lý của một người. Phân tích chữ viết tay có thể giúp xác định tình trạng tâm lý căng thẳng. Các nhà tham vấn - trị liệu tâm lý có thể phân tích chữ viết tay để hiểu sâu hơn về thân chủ (4). Đặc biệt, việc này có thể có hiệu quả hơn nếu nhà trị liệu đã từng nhìn thấy chữ viết tay của thân chủ nhiều lần trước đó, tức là có "thước đo" để so sánh.


2. Tuyển dụng nhân sự: Một số công ty và tổ chức sử dụng phân tích chữ viết tay để đánh giá ứng viên trong tiến trình tuyển dụng. Chữ viết tay có thể tiết lộ nhiều thông tin về tính cách, khả năng lãnh đạo, và cả độ đáng tin cậy của một người.


Ngoài ra, phân tích chữ viết tay có thể giúp xác định sự tự tin, sự kiên nhẫn, và sự sáng tạo. Điều này đặc biệt hữu ích khi tuyển dụng cho các vị trí đòi hỏi kỹ năng cụ thể hoặc tính cách phù hợp (5).


3. Điều tra tội phạm: Phân tích chữ viết tay có thể giúp ích cho việc xác định tính chân thật của tài liệu và chữ ký, đặc biệt là trong các vụ án giả mạo và thất thoát tài sản. Khi cảnh sát hoặc các chuyên gia điều tra gặp phải vụ án hoặc tình huống phức tạp, việc phân tích chữ viết tay của các bức thư, ghi chú, hoặc tài liệu có thể cung cấp thông tin quý báu.


Chữ viết tay có thể giúp xác định người viết, hoặc ít nhất là loại trừ những người không có liên quan đến vụ án.


4. Giáo dục: Trong giáo dục, việc theo dõi tiến trình học viết tay của trẻ em có thể giúp giáo viên và phụ huynh nhận biết các khuyết điểm cần cải thiện, đồng thời giúp trẻ phát triển kỹ năng viết tay đúng cách (6). Cũng từ đó, một số người còn sử dụng phân tích chữ viết tay để nghiên cứu về bản thân, khám phá tính cách cá nhân và mục tiêu trong cuộc sống.



Tuy nhiên, như đã nhắc tới ở trên, chúng ta cần lưu ý rằng chữ viết tay không thể xác định chính xác 100% tính cách hay tình trạng hiện thời của một người.

Chữ viết tay của mỗi người thay đổi theo thời gian và tâm trạng, thậm chí là trong cùng một ngày. Do đó, bộ môn Bút tích học không được sử dụng với mục đích thay thế hoàn toàn các phương pháp phân tích khoa học khác.

Commentaires


bottom of page