top of page
Tìm kiếm

Học thêm kỹ năng mới: "1 nghề cho chín, còn hơn 9 nghề"?

Dù đang có ý định thay đổi công việc, hay đơn giản chỉ là muốn phát triển bản thân, thì việc tích lũy kiến thức, trau dồi kỹ năng mới là rất cần thiết để thúc đẩy tiềm năng của chính mình, cũng như nắm bắt được nhiều cơ hội mới. Đặc biệt là trong thời đại hiện nay, có những kỹ năng có thể ứng dụng đa dạng như viết lách, lập trình, khả năng nói chuyện trước đám đông, thuyết phục khách hàng hoặc giao tiếp nhiều ngoại ngữ... Nhưng chúng ta nên học hỏi chuyên sâu một lĩnh vực hay càng đa dạng càng tốt, bởi dù sao có câu nói rằng "1 nghề cho chín, còn hơn 9 nghề"?


Chọn đúng kỹ năng phù hợp với bản thân


Để bắt đầu xác định xem nên học thêm kỹ năng gì, hãy thử lấy một tờ giấy và suy nghĩ về các câu hỏi:

  • Tôi muốn đạt được điều gì trong cuộc sống?

Dành thời gian nghiền ngẫm và viết ra câu trả lời cụ thể giúp chúng ta có hình dung rõ ràng hơn về mong muốn sâu thẳm của mình. Có thể bạn muốn mở một doanh nghiệp được vinh danh trong các giải thưởng danh giá, hoặc viết một cuốn sách bán chạy về lĩnh vực mình yêu thích, hay trở thành một giảng viên tận tâm… Hãy viết ra bất cứ điều gì bạn muốn đạt được cho sự nghiệp tương lai. Nếu gặp khó khăn trong quá trình tìm kiếm ý tưởng, bạn có thể tham khảo các câu hỏi gợi ý sau đây:

  • Bạn ngưỡng mộ những ai? Họ làm các công việc gì?

  • Bạn muốn có lối sống giống người nào?

  • Bạn thích làm gì khi còn nhỏ?

  • Những chủ đề nào thu hút sự tò mò và gợi nên cảm hứng của bạn?

  • Hoạt động nào giúp bạn cảm thấy có ý nghĩa và xứng đáng với thời gian bỏ ra?


Ảnh: Kelly Sikkema

Chúng ta nên viết tất cả những điều mình thực sự mong muốn, rồi suy xét xem đâu là các mục tiêu thực tế và khiến bản thân thấy hào hứng nhất. Sau đó, hãy nhìn lại các mục tiêu của mình và liệt kê ra các kỹ năng cần có tương ứng để đạt đến.


Để chọn được kỹ năng phù hợp hơn với mình, thử cân nhắc:

  • Kỹ năng này có hỗ trợ bạn tạo ra thu nhập không? Chúng ta nên chọn thứ có giá trị với thị trường và người khác sẵn sàng trả tiền để bạn tạo ra sản phẩm. Tuy nhiên điều này không phải lúc nào cũng đúng. Với sức lan tỏa của Internet hiện nay, bạn có thể theo đuổi các ngành ít người biết đến hoặc chưa được khai thác mà vẫn tạo ra nhiều giá trị.

  • Việc phát triển kỹ năng có phù hợp với điều kiện thời gian & khả năng của bạn? Nếu mục tiêu của bạn là ngành luật hoặc y khoa, con đường truyền thống học nhiều năm trên trường là lựa chọn phù hợp nhất. Nhưng nếu bạn đã đi làm và cần mở rộng chuyên môn, chúng ta nên chọn cách tiếp cận đơn giản hơn, đó là tìm các kỹ năng mà bạn có thể tự phát triển được khi có thời gian rảnh rỗi.

  • Bạn có thật sự thích nó không? Chỉ có niềm yêu thích mới giúp chúng ta kiên nhẫn vượt qua những lúc nản chí để phát triển kỹ năng đến một trình độ cao nhất định. Sẽ khó gắn bó lâu dài nếu bạn không có hứng thú tìm hiểu lĩnh vực đó, hoặc cảm thấy nó không giúp ích gì cho bạn. Một dấu hiệu để bạn nhận biết mình có niềm yêu thích với một lĩnh vực nhất định chính là chọn những thứ bạn cảm thấy dễ thực hiện nhưng người khác lại xem là thử thách.


Ảnh: Cristofer Maximilian

Sau khi đã xác định rõ ràng, hãy chọn ra khoảng 3 đến 5 kỹ năng yêu thích, lưu chúng lại và học từng thứ ở từng thời điểm. Điều đó giúp chúng ta tập trung hơn và tối đa hóa kết quả thu được. Nếu chưa hình dung được kỹ năng cụ thể, bạn hãy tham khảo một số ví dụ dưới đây:

  • Marketing: Lợi thế của lĩnh vực này là phát huy được ở hầu hết mọi ngành. Bởi marketing tạo ra lợi nhuận nhờ việc phân tích thị trường và sử dụng quảng cáo, từ đó gia tăng hình ảnh thương hiệu và doanh số bán hàng. Chúng ta có thể học marketing trên các nền tảng online phổ biến như Udemy, Coursera, Skillshare, edX

  • Lập trình: Những người sở hữu kỹ năng này thường kiếm được mức lương cao vì đây là lĩnh vực cần thiết để một công ty vận hành tốt, bắt kịp với các xu hướng công nghệ. Codecademy là một nguồn học miễn phí lý tưởng để bạn học cách viết mã (coding) khi mới bắt đầu.

  • Ngôn ngữ thứ hai: Nền kinh tế toàn cầu hóa khiến các chủ doanh nghiệp chú trọng hơn những nhân tài thông thạo nhiều thứ tiếng, chẳng hạn như tiếng Anh, Trung, Pháp, Nhật… Việc học thêm nhiều ngoại ngữ giúp nhân viên tự tin hơn, giao tiếp hiệu quả với đối tác nhiều nước, đồng thời giúp ích nhiều cho sự phát triển não bộ của mỗi cá nhân. Italki hay Duolingo là một số ứng dụng tự học ngôn ngữ phổ biến được nhiều người lựa chọn.

  • Viết: Khả năng diễn đạt rõ ràng suy nghĩ bằng câu chữ mang lại giá trị lớn cho cá nhân và cộng đồng, cho dù bạn quyết định theo đuổi ngành nghề nào. Viết giúp chúng ta trình bày hiệu quả các ý tưởng lớn, tạo điều kiện dễ dàng cho quá trình thực thi. Bạn có thể học nhiều dạng viết khác nhau như viết blog, viết tiểu thuyết, viết báo hay viết nghiên cứu trên các nền tảng mạng xã hội hiện nay.


Học chuyên sâu hay là hiểu biết rộng?


Chúng ta nên học một kỹ năng trong nhiều năm cho đến khi cực kỳ thành thạo, hay là biết mỗi thứ một ít sẽ tốt hơn? Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào ý muốn và định hướng cuộc sống của bạn. Bạn muốn trở thành một chuyên gia hàng đầu trong một lĩnh vực hay là người thông thạo nhiều thứ để cung cấp giá trị cho nhiều thị trường khác nhau?


Chuyên gia nổi tiếng thường nhận được mức lương rất cao, tùy thuộc vào mức độ chuyên môn của họ (như các bác sĩ hoặc lập trình viên đứng đầu trong ngành). Nhưng điểm hạn chế là chúng ta chỉ có duy nhất một con đường sự nghiệp để dồn hết nỗ lực. Sẽ thế nào nếu chúng ta không thể duy trì tay nghề theo thời gian hoặc các công nghệ tiên tiến xuất hiện và vượt trội hơn con người với chi phí thấp hơn? Đối với những người hiểu biết nhiều lĩnh vực, dù hạn chế của họ là không đủ chuyên môn sâu như một chuyên gia, nhưng họ lại thích nghi với các biến đổi tốt hơn để phù hợp với nhu cầu chung của thị trường.


Mỗi phương cách đều có lợi ích và hạn chế khác nhau, tuy vậy chúng ta có thể kết hợp và đưa ra một lựa chọn khác, đó là trở thành “chuyên gia tổng quát” (generalized specialist). Thuật ngữ này được doanh nhân Shane Parrish định nghĩa như sau: “Trong khi một nhà tổng quát chỉ có mức độ kiến thức gần giống nhau ở các lĩnh vực, thì chuyên gia tổng quát sở hữu một lĩnh vực chuyên sâu và một vài lĩnh vực chỉ dừng ở mức độ cơ bản. Họ phát triển năng lực cốt lõi, đồng thời xây dựng hiểu biết nền tảng về các kiến thức liên ngành”.


Ảnh: Antoni Shkraba

Điều đó nghĩa là, chúng ta chọn một kỹ năng chính và phát triển nó đến mức hiểu biết sâu sắc, sau đó tập trung vào xây dựng tập hợp các kỹ năng phụ đa dạng, bổ sung cho chuyên môn của bạn. Cách học hỏi này giúp chúng ta có lợi thế cạnh tranh khác biệt, vì đã kết hợp được một bộ kỹ năng độc đáo, không dễ sao chép trên thị trường. Ví dụ như vừa là một bác sĩ giỏi nhưng vừa là một diễn giả nổi tiếng về sức khỏe, hoặc trở thành một nhà văn tốt và thông thạo cả kỹ năng thiết kế bìa, vẽ minh họa và marketing để quảng cáo cho quyển sách của mình.


Như vậy, việc học thêm kỹ năng không chỉ bổ trợ thêm cho chuyên môn chính mà còn giúp chúng ta mở ra nhiều cơ hội khám phá, thử sức với các lĩnh vực mới.


Comments


bottom of page