top of page
Tìm kiếm

Nhìn lại 4,5 tỷ năm của Trái đất: Nhân loại không phải loài duy nhất biết "xây dựng" thế giới

Sự sống vốn tồn tại mà không có loài người trong hơn 99,9% lịch sử Trái đất. Trong khi hành tinh chúng ta nay đã hơn 4,5 tỷ năm tuổi, giống người tinh khôn (danh pháp khoa học: homo sapiens) chỉ mới xuất hiện cách đây 300.000 năm. Không chỉ loài người mới có thể tạo nên các thành tựu lớn, mà những sự sống và các "nền văn minh phi nhân loại" khác như vi khuẩn, thực vật, động vật đã học được cách sinh tồn và tự xây dựng thế giới của riêng chúng từ hàng triệu năm trước.


Trong quyển sách Biocivilisations (tạm dịch: Các nền văn minh sinh học), nhà khoa học sinh học Predrag Slijepcevic đã khám phá sự sống theo một cách hoàn toàn mới (1). Ông ví sinh học như một nền văn minh đáng trân trọng và học hỏi, thách thức những giả định hàng thế kỷ về việc mô tả thế giới sự sống bằng thuật ngữ thuần túy - một thế giới bị chi phối bởi quá trình tiến hóa đặt con người lên đỉnh cao.


Slijepcevic đặc biệt hứng thú với những thành tựu đáng chú ý của các sinh vật mà con người thường xuyên "chê bai" là thiếu trí thông minh và khả năng kỹ thuật. Ông cho rằng vi khuẩn, thực vật, nấm, côn trùng, chim, cá voi và nhiều loài khác đều có hiểu biết trong các lĩnh vực như ngôn ngữ, kỹ thuật, khoa học, y học, nông nghiệp - tương tự như loài người.



Cá voi, thực vật, vi khuẩn đều thích "trò chuyện"


Được nhắc đến đầu tiên chính là cá voi, một loài có khả năng giao tiếp với nhau nhờ sử dụng tín hiệu codas (chuỗi âm thanh click được sắp xếp có chủ ý, giống như mã Morse). Cá nhà táng (thuộc bộ cá voi) dùng codas để xác định "người nhà" của mình, vì loại ngôn ngữ này tượng trưng cho bản sắc văn hóa của từng dòng tộc cá nhà táng ở Thái Bình Dương. Tất cả đều sử dụng codas để trò chuyện, nhưng codas của mỗi nhà mỗi khác. Cá voi con khi sinh ra chưa biết những điều này, chúng học bằng cách bắt chước thành viên khác trong bộ tộc và tín hiệu codas của mỗi bộ tộc thường nhất quán theo thời gian (2).



Trong khi cá voi dùng tín hiệu mật, thực vật lại giao tiếp bằng cách sử dụng các kích thích tố như jasmonate. Chúng giải phóng hormone này vào không khí khi gặp nạn (bị côn trùng tấn công). Sau đó các cây lân cận sẽ nhận lấy tín hiệu, phản ứng bằng cách chuẩn bị sẵn sàng, ví dụ như giải phóng chất độc ra để xua đuổi côn trùng (3), (4).


Vi khuẩn cũng nắm giữ khả năng đặc biệt này của con người và đã trò chuyện với nhau qua hàng tỷ năm. Chúng trao đổi các thông điệp hóa học thông qua phân tử giống với hormone, gọi là autoinducer. Hóa chất này được vi khuẩn dùng để đồng bộ hóa hành động. Chẳng hạn, vi khuẩn chỉ có thể xâm nhập một tế bào nếu có đủ vi khuẩn lân cận cùng giải phóng autoinducer.


Ong mật: Bậc thầy về tổ chức và sắp xếp


Ong có lẽ nên được ví như những "bậc thầy" trong ngành xây dựng với khả năng lên kế hoạch và tạo ra nơi trú ẩn phức tạp có cấu trúc tinh vi mà không cần tới bản vẽ. Tổ ong thường được xây dựng để dự trữ mật và thức ăn trong suốt mùa đông khi chúng không ra ngoài.


Điểm đặc biệt ở tổ ong là cấu trúc sáu cạnh được tạo hình để chứa mật ong hiệu quả. Hình dạng lục giác này giúp ong lưu trữ một lượng mật tối đa, vì về mặt toán học, hình tròn không thể chứa được nhiều mật như vậy. Những viền cong trên hình lục giác cũng cho phép mỗi ô được đặt ngay cạnh nhau và không có khoảng trống. Đây được xem là giải pháp hoàn hảo để không lãng phí không gian và sáp (nguyên liệu dùng để gắn kết các tế bào tổ ong).



Loài ong còn rất thông minh trong việc phân phối hàng nghìn con trong đàn đi tích lũy mật hoa. Thậm chí, một nhóm kỹ sư đã sử dụng thuật toán lấy cảm hứng từ mô hình kiếm ăn của ong mật trong hàng thập kỷ để giải quyết các vấn đề liên quan đến lưu lượng truy cập Internet (5).

Bác sĩ kiến ở châu Phi giúp giảm... 70% tỷ lệ tử vong của đồng loại


Nhiều người vẫn nghĩ kiến là côn trùng nhỏ bé không có gì đặc biệt, nhưng các nhà khoa học đã tìm ra loài kiến Megaponera analis ở châu Phi có khả năng chữa trị vết thương, cứu mạng đồng loại tương tự như những "bác sĩ phẫu thuật tài ba". Những con kiến chuyên đột kích tổ mối và các cuộc săn này luôn có nguy hiểm rình rập: kiến có thể bị mất chân, râu hoặc chết.


Thông thường sau mỗi đợt tấn công, kiến Megaponera analis sẽ vận chuyển mối và những người bạn bị thương của mình về tổ. Sau đó, những con kiến còn khỏe thay phiên nhau liếm chân bị đứt lìa của kiến bị thương (một kiểu điều trị vết thương hở). Điều này làm giảm đến 70% tỷ lệ tử vong bằng cách chống nhiễm trùng chỉ trong vài giờ (6).



Nhà nghiên cứu Erik Frank cho biết: "Những chú kiến này có thể không biết tại sao chúng lại làm những gì chúng đang làm và hệ thống y tế này thật phức tạp. Có lẽ vì chúng đã tiến hóa trong hàng triệu năm để chữa trị cho đồng loại, giúp những con kiến đó hồi phục, tham gia vào các cuộc tấn công trở lại và vẫn là thành viên của đoàn - một điều có lợi cho tất cả" (7).

Nấm "trồng" vi khuẩn như cách chúng ta làm nông nghiệp


Con người không phải loài vật duy nhất biết làm nông nghiệp, nấm Morchella crassipes cũng tham gia vào quá trình canh tác, thu hoạch, bảo quản, phân công lao động để nuôi vi khuẩn. Người nông dân chăm chỉ này có thể nghe trộm tín hiệu giữa các vi khuẩn để phát hiện số lượng vi khuẩn đã phát triển trước khi thu hoạch. Nấm Morchella crassipes còn có khả năng lưu trữ cacbon thu được từ vi khuẩn (giống như kho chứa lương thực của con người), sau đó sử dụng kho dự trữ chất dinh dưỡng này khi các nguồn bên ngoài bị khan hiếm (8).


Giống như sự phân công lao động trong xã hội loài người, các bộ phận của loại nấm này được chia ra để vừa có thể nuôi dưỡng vi khuẩn, vừa đủ khả năng để lưu trữ cacbon dùng trong tương lai. Hình thức này được các chuyên gia ví như hệ thống nông nghiệp của con người, nơi chúng ta thu hoạch thực phẩm từ cánh đồng để chế biến và đem bán lại cho các cửa hàng tạp hóa.



Một số ví dụ trên đã cho thấy sự đa dạng trong thế giới nơi các sinh vật sống tự tồn tại và phát triển theo cách riêng. Theo tác giả Predrag Slijepcevic, nền văn minh của con người chỉ là sự bổ sung gần nhất trong bối cảnh vạn vật luôn thay đổi. Học cách coi trọng những nền văn minh phi nhân loại này sẽ giúp chúng ta tận dụng trí tuệ đó để giải quyết các cuộc khủng hoảng mà nền văn minh của chính chúng ta đã gây ra (1).

Comentarios


bottom of page