top of page
Tìm kiếm

Ngủ 2 tiếng mỗi ngày mà vẫn phây phây, chắc chỉ có... hải cẩu voi

Con người thường ngủ từ 7-9 tiếng mỗi đêm để nạp lại năng lượng, động vật cũng cần đến giấc ngủ như một cơ chế sinh tồn. Chắc hẳn chúng ta đã từng trải nghiệm cảm giác khó chịu, uể oải khi mất ngủ hoặc ngủ thiếu giấc, vậy mà một số loài chỉ cần chợp mắt trong hai tiếng mỗi ngày.


Một khám phá thú vị gần đây cho thấy, những chú hải cẩu voi phương Bắc có thể đạt được kỳ tích ngủ ngắn ấn tượng này và thường xuyên ngủ trong lúc "chìm sâu dưới đáy đại dương".



Thời lượng ngủ ít không phải là điều thường thấy trong thế giới động vật. Những chú lười - loài động vật được mệnh danh là lười nhất thế giới - ngủ 16 tiếng một ngày (1). Gấu túi Koala dành gần hết ngày cho việc ngủ, từ 18-22 tiếng (2). Những vật nuôi quen thuộc với chúng ta như chó ngủ khoảng 9-14 tiếng/ngày (ngủ theo từng đợt 45 phút), mèo ngủ trong 13 tiếng (mỗi đợt 78 phút) (3).


Chỉ một số động vật có vú sống trên cạn ngủ rất ngắn, chẳng hạn bò và ngựa ngủ từ 3-4 tiếng/ngày, hươu cao cổ ngủ trung bình 4,6 tiếng và đặc biệt là voi châu Phi với số giờ ngủ ngắn nhất chỉ trong 2 tiếng (4), (5).


Mới đây, các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu đầu tiên về giấc ngủ của động vật biển có vú và phát hiện ra loài hải cẩu voi phương Bắc sống ở vịnh Monterey, California (Hoa Kỳ) đã sánh ngang vị trí "kỷ lục ngủ ngắn nhất" của voi châu Phi - với số giờ ngủ chỉ 2 tiếng mỗi ngày trong suốt nhiều tháng (6).


Hải cẩu voi phương Bắc từng được cho là đã tuyệt chủng vào những năm 1800 - thời điểm con người săn bắt hải cẩu đến bờ vực tuyệt chủng, nhằm lấy mỡ của chúng để làm dầu đốt. Khi ấy, hàng trăm nghìn con hải cẩu voi sống ở Thái Bình Dương chỉ còn lại ít hơn 100. Nhờ sự trợ giúp của chính phủ Mexico và Hoa Kỳ, quần thể sống sót đã phục hồi và trở lại hùng mạnh với số lượng ngày nay là 160.000 con (7).


Hải cẩu voi dành khoảng 7-9 tháng trong năm ở đại dương, phần lớn thời gian lặn dưới nước với độ sâu từ 305m đến 762m, thậm chí có khi xuống tới 1.529m. Những bậc thầy thợ lặn này rất chăm chỉ đầu tư cho những chuyến tìm kiếm thức ăn dưới đáy biển sâu, chủ yếu để bắt mực và cá. Hải cẩu voi chỉ nổi lên mặt nước một đến hai phút để thở, nạp lại năng lượng cho phổi, vì vậy mà chúng ta vẫn chưa biết được chúng ngủ như thế nào, ở đâu.



Để tìm hiểu điều này, nhóm nghiên cứu đã "chế tạo" một hệ thống theo dõi và giám sát phức tạp - chiếc mũ trùm đầu bằng cao su tổng hợp, có khả năng thực hiện điện não đồ (bản ghi hoạt động não), điện tâm đồ (công cụ theo dõi nhịp tim), ghi lại độ sâu khi lặn và chuyển động của con vật. Thiết bị này gắn cùng một loại cảm biến sử dụng khi nghiên cứu giấc ngủ ở người, đồng thời chịu được áp suất nước lớn, đủ nhạy để phát hiện sóng não qua lớp mỡ dày trên đầu hải cẩu.


Kendall Bar, nhà thám hiểm địa lý và tác giả chính của nghiên cứu nhận thấy hải cẩu voi không ngủ theo chu kỳ 2 giờ một lúc, thay vào đó chia làm nhiều giấc ngủ ngắn kéo dài 20 phút.


Bắt đầu lặn từ bề mặt đại dương, hải cẩu voi mất 10 phút để đi xuống độ sâu từ 92m đến 305m. Lúc này chúng bước vào giai đoạn đầu tiên của giấc ngủ, hay giấc ngủ sóng chậm (slow wave sleep, một phần của giấc ngủ NREM). Thế nhưng sau một thời gian, thân hình nặng khoảng 2 tấn bắt đầu bất động, "rơi xuống" và quay 360 độ theo hình xoắn ốc, như một chiếc lá đang rời khỏi thân cây. Hải cẩu voi chìm dần cho đến khi nằm ngửa mặt trôi nổi dưới đáy biển. Tại đây, chúng bước vào giấc ngủ REM, giai đoạn ngủ sâu gắn liền với những giấc mơ sống động nhất thường thấy ở con người. Sau vài phút sảng khoái, hải cẩu voi sẽ "bừng tỉnh" và ngoi lên mặt nước để thở.


Kiểu ngủ này thoạt trông khá nguy hiểm đối với các nhà khoa học, vì hải cẩu voi ngủ toàn bộ não (không giống như chim, cá heo và cá voi… những loài vật có một bên bán cầu não ngủ trong khi bên còn lại thức, cho phép chúng theo dõi môi trường xung quanh để canh phòng các mối đe dọa). Tuy nhiên, đây lại là cơ chế phòng vệ giúp hải cẩu voi tránh những kẻ săn mồi lớn như cá voi sát thủ và cá mập trắng lớn.


Giấc ngủ sâu bất động thường bắt đầu bên dưới vùng ánh sáng mặt trời chiếu tới (photic zone). Về lý thuyết, cá voi sát thủ và cá mập trắng lớn có thể lặn xuống độ sâu này, nhưng chúng thường săn những con mồi sống trên bề mặt đại dương nhiều hơn - nơi tầm nhìn của chúng rõ ràng nhất. Do đó, vùng nước "tối tăm" mà hải cẩu voi trú ngụ lại khá an toàn.

Bên cạnh yếu tố sinh tồn, hải cẩu voi phương Bắc còn tận dụng kiểu nghỉ ngơi khắc nghiệt này để tiêu hóa con mồi. Trong khi "vừa lặn vừa ngủ", cơ thể chúng tập trung dòng máu và oxy cho đường tiêu hóa xử lý thức ăn, thay vì sử dụng chúng để tự đẩy mình trong nước đi kiếm con mồi như mọi khi. Những loài động vật lặn dưới nước chỉ có một lượng oxy hữu hạn trong cơ thể cho mỗi lần lặn, chúng cần học cách "thích nghi và phân bổ" hiệu quả.


Vẫn còn là bí ẩn về việc làm sao hải cẩu voi sống sót trong đại dương mênh mông khi ngủ quá ít. Nhưng may mắn là, loài vật này không chỉ "định cư" dưới biển, chúng vẫn sinh sống trên đất liền một khoảng thời gian ngắn trong năm. Và trong lúc đó, những chú hải cẩu voi dành đến 10 tiếng mỗi ngày để ngủ - một lối sống kép linh hoạt và thú vị, gần như chưa từng có (8).




Comments


bottom of page