top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảTuyết Nhi

Phải sai để biết sửa: Doanh nghiệp học được gì sau những thất bại?

Khoa học đã rút ra kết luận rằng 15% là tỷ lệ thất bại hợp lý để dẫn tới thành công, nhưng dường như nhiều người vẫn cảm thấy khó khăn để chấp nhận rằng đôi khi chúng ta nên cho phép bản thân được thiếu sót và thậm chí là thất bại. Vậy làm sao để chúng ta có thể "cập nhật" bản thân, từ phiên bản mắc sai lầm lên phiên bản đầy lợi thế?



"Sai lầm lớn nhất mà bạn mắc phải trong đời là liên tục sợ rằng mình sẽ phạm sai lầm" - Elbert Hubbard, nghệ sĩ và triết gia nổi tiếng tại Hoa Kỳ.

Nghiên cứu của Giáo sư Taly Reich tại Đại học Yale và các cộng sự đã chứng minh rằng đôi khi sẽ tốt hơn khi chúng ta thừa nhận những thiếu sót của mình (1). Giáo sư Taly Reich cho biết: "Mọi người thường cho rằng sai lầm là điều không tốt và việc để người khác nhìn thấy những sai lầm đó sẽ khiến bạn trở nên kém cỏi trong mắt họ. Nhưng tôi lại quan tâm đến mặt trái của sai lầm: Liệu mọi người có thể tận dụng được gì từ những sai lầm của mình?". Bên cạnh đó, việc thừa nhận sai lầm trong một số trường hợp nhất định có thể khiến một tổ chức, doanh nghiệp có nhiều cơ hội đạt được mục tiêu của họ và để lại ấn tượng tích cực đối với công chúng.


Họ đã thực hiện một loạt nghiên cứu để kiểm chứng điều này. Đầu tiên, các khách thể được thông báo về Best Scoops - một công ty kem nổi tiếng chỉ cung cấp vani chất lượng cao. Sau đó, một nhóm được thông báo rằng khi nhà cung cấp của Best Scoops chuyển sang các loại đậu chất lượng thấp hơn, Best Scoops đã tìm một nhà cung cấp mới để đề phòng rủi ro về chất lượng sản phẩm. Nhóm thứ hai được thông báo rằng Best Scoops đã sử dụng nhầm hạt đậu chất lượng thấp hơn, sau đó họ nhận ra và nhanh chóng sửa đổi. Kết quả nghiên cứu cho thấy khách thể thuộc nhóm hai cho rằng Best Scoops có nhiều cơ hội đạt mục tiêu hơn. Các nghiên cứu tương tự cũng cho thấy khách hàng có khả năng chi tiền nhiều hơn cho những thương hiệu đã từng mắc lỗi và biết sửa lỗi kịp thời hơn là những công ty chỉ phòng tránh sai lầm đơn thuần.


Các tập đoàn, công ty, nhãn hiệu... lớn trên thế giới đều từng mắc sai lầm,

nhưng họ vẫn có thể vươn tới thành công


Thất bại cũng là một loại... thành công


Một trong những giá trị cốt lõi của Amazon trong suốt diễn trình hoạt động là cách họ chấp nhận thất bại và sai lầm. Điều này đã góp phần đưa Amazon trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến. Hầu hết các doanh nghiệp đều cố gắng tránh sai lầm, nhưng tại Amazon, nhân viên có thể mắc sai lầm để được học hỏi và phát triển (2).


Chấp nhận thiếu sót và đúc kết bài học từ những sai lầm là cách tốt nhất để biết những trải nghiệm tiêu cực thành tích cực. Bằng cách đối mặt với sai lầm, đúc kết bài học cho bản thân, bạn có thể tránh lặp lại sai lầm và tiến bộ hơn trong tương lai. Người từng mắc sai lầm khi gặp phải vấn đề tương tự có thể giữ bình tĩnh trước áp lực, tăng sự tự tin vào bản thân.



Bạn sai lầm một lần không có nghĩa là cả hành trình đều thất bại. Chỉ khi mắc sai lầm rồi bạn mới có thể hiểu và mang những bài học kinh nghiệm vào các quyết định trong tương lai.


Đây cũng chính là tôn chỉ làm việc của Jeff Bezos - Chủ tịch Tập đoàn Amazon. Ông sẵn sàng trả giá cho sự thất bại vì ông biết rằng ông sẽ tìm thấy những ý tưởng thành công về lâu dài sau những sai lầm. Cũng giống như Thomas Edison nói về những thất bại đã giúp ông phát minh ra bóng đèn điện: "Tôi không hề thất bại 10.000 lần trước đó. Tôi chỉ đang thành công trong việc tìm ra 10.000 cách làm không hiệu quả mà thôi" (2).


Vậy làm thế nào để biến những sai lầm thành lợi thế?


Nghiên cứu của Giáo sư Taly Reich đã chỉ ra một vài nguyên tắc khi đối mặt với sai lầm. Đầu tiên, hãy tập trung vào bản chất của sai lầm khi chúng ta lần đầu tiên mắc phải nó. Liệu sai lầm này là do những yếu khách quan không thể kiểm soát hay do sự thiết sót trong hành động. Phân tích sai lầm một cách chi tiết có thể giúp bạn đảm bảo không phạm sai lầm đó một lần nữa (3).


Một bước không thể thiếu là ghi nhận ý kiến đóng góp từ xung quanh và đúc kết bài học xương máu cho mình. Chỉ khi được đúc kết thành bài học kinh nghiệm thì sai lầm của bạn mới mang lại giá trị về sau.


Một điều then chốt cũng giúp bạn biến sai lầm trở thành lợi thế là công khai nhận trách nhiệm và giải thích chi tiết về cách bạn giải quyết sai lầm. Khi lỡ phạm sai lầm, hãy cố gắng thừa nhận điều đó ngay khi có thể và xin lỗi nếu cần. Điều này cho thấy bạn tôn trọng những người trong cuộc bị ảnh hưởng. Lời xin lỗi cũng cho thấy rằng bạn hối hận về sai lầm của mình, sẵn sàng chịu trách nhiệm và xem nó như một cơ hội để cải thiện bản thân (4).



Nhận trách nhiệm với đúng người, đúng thời điểm sẽ giúp bạn giành lấy cảm tình từ mọi người.

Từ đó, những nỗ lực cải thiện sai lầm của bạn sẽ dễ được đón nhận và cảm thông hơn. Người khác sẽ dễ dàng ghi nhận nỗ lực của một người biết sửa chữa sai lầm, khắc phục thiếu sót hơn là người chỉ phòng tránh sai lầm, vì công cuộc giải quyết sai lầm luôn mất nhiều thời gian và công sức hơn.


Chính vì vậy, bạn càng phải để người khác biết mình đã nỗ lực khắc phục sai lầm như thế nào. Ví dụ, trong các cuộc phỏng vấn với nhân sự, ứng viên có thể đưa một bài học về sai lầm trong quá khứ và cách họ khắc phục nó. Sai lầm và bài học kinh nghiệm đó sẽ giúp ứng viên có khả năng ghi điểm hơn rất nhiều.


Ngày nay, nhiều doanh nghiệp, khi đứng trước khủng hoảng truyền thông, sẽ cố gắng học cách biến khủng hoảng trở thành cơ hội để chứng minh uy tín và chất lượng của mình trước công chúng. Đó chính là thời điểm thương hiệu nhận được nhiều sự chú ý nhất, nên những lời xin lỗi, giải thích về sai sót và quá trình sửa lỗi sẽ dễ truyền đạt đến số đông, giúp tăng độ nhận diện với công chúng hơn.

Vào năm 2016, các sản phẩm Galaxy Note 7 của Samsung liên tục gặp sự cố cháy nổ do pin. Samsung ngay lập tức ra thông báo thu hồi sản phẩm, khắc phục sự cố, bảo đảm quyền lợi của người dùng. Nhờ vào động thái này, giá trị của thương hiệu Samsung thậm chí đã tăng tới 9%, khi người dùng cảm thấy họ có thể tiếp tục tin tưởng vào các sản phẩm công nghệ của tập đoàn tới từ Hàn Quốc (5).


Poster chính thức của bộ phim Mắt Biếc (2019)

Trong khoảng nửa cuối năm 2019, khi bộ phim Mắt Biếc đang trong giai đoạn quảng bá rộng rãi, nam chính của bộ phim bỗng trở thành tâm điểm hứng chịu chỉ trích vì những vấn đề đời tư. Đứng trước nguy cơ bộ phim bị tẩy chay, nam chính đã lên tiếng nhận lỗi và chia sẻ rằng anh hy vọng khán giả không vì chuyện cá nhân của riêng anh mà tẩy chay công sức của toàn thể ê-kip thực hiện bộ phim. Nhờ đó, khán giả mới tiếp tục ủng hộ Mắt Biếc, tạo nên cơn sốt phòng vé cuối năm 2019, giúp bộ phim đạt được tổng doanh thu là 180 tỷ đồng - thuộc Top 5 phim Việt có doanh thu cao nhất, tính tới thời điểm này (6).


Tương tự như vây, nếu doanh nghiệp biết xử lý sai lầm thỏa đáng thì có thể biến khủng hoảng thành cơ hội ngàn năm có một để giành lấy tình cảm và sự ủng hộ từ công chúng. Đây là điều mà thương hiệu đôi khi phải bỏ rất nhiều chi phí marketing, truyền thông để có được.

Commentaires


bottom of page