Thú chơi cá cảnh dù khá công phu và tốn thời gian nhưng lại được các nhà khoa học nhiệt tình ủng hộ. Bằng chứng là đã có rất nhiều nghiên cứu chứng minh nuôi cá không chỉ là hoạt động giải trí, mà còn có thể cải thiện sức khỏe của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là người lớn tuổi. Trong bài viết hôm nay, LeLa Journal chia sẻ đến bạn đọc những nghiên cứu thú vị đó, cũng như gợi ý cách làm hồ cá tại nhà từ những người đam mê lâu năm với thú chơi này.
Mối liên hệ giữa nuôi cá và sức khỏe người cao tuổi
1. Tốt cho tim mạch: Việc tiếp xúc với môi trường thiên nhiên mang lại sự dễ chịu cho con người đã được các nhà khoa học xác nhận từ lâu, không chỉ vậy họ cũng cho thấy rằng những lợi ích này có thể lớn hơn ở những khu vực có độ phong phú loài cao hơn. Trong một nghiên cứu năm 2016, Deborah Cracknell cùng các cộng sự đã tiến hành thí nghiệm tự nhiên để kiểm tra hành vi, sinh lý và tâm lý của con người trước sự gia tăng mức độ sinh vật trong một bể Thuỷ cung qua ba giai đoạn: Không có sinh vật, ít sinh vật nhiều sinh vật.
Tác giả nhận thấy rằng mức độ sinh vật tăng lên có liên quan đến việc ngắm bể cá một cách lâu hơn, nhịp tim giảm nhiều hơn, tâm trạng tích cực hơn (người xem tự báo cáo) và mức độ quan tâm lâu hơn (1).
Qua đó, họ đưa ra kết luận rằng một bể cá với mức độ sinh học cao hơn có thể gia tăng lợi ích sức khỏe và phúc lợi quan trọng, đặc biệt là với người cao tuổi.
2. Giúp xoa dịu nỗi lo lắng: Một điều có thể nhận thấy là bể cá thường gắn liền với nỗ lực xoa dịu bệnh nhân trong phòng khám bác sĩ và phòng chờ nha khoa (2).
Tác động của bể cá đối với những bệnh nhân sắp trải qua một thủ tục y tế căng thẳng đã được phân tích bởi Trung tâm Tương tác Con người-Động vật tại Đại học Virginia Commonwealth (Hoa Kỳ). Bốn mươi hai bệnh nhân được luân chuyển giữa các phòng có và không có bể cá trong khi chờ điều trị. Kết quả cho thấy những người này đã giảm mức độ lo lắng trung bình 12% trước khi làm thủ thuật (3).
3. Kích thích việc ăn uống của người cao tuổi: Vào năm 2009, Giáo sư điều dưỡng Nancy Edwards đã theo dõi 60 cá nhân sống trong các trung tâm chăm sóc riêng biệt về bệnh Alzheimer tại ba viện dưỡng lão ở Indiana (Hoa Kỳ).
Cô phát hiện ra rằng những bệnh nhân tiếp xúc với bể cá dường như thoải mái và tỉnh táo hơn, đồng thời họ ăn nhiều hơn tới 21% so với trước khi có bể cá (4).
Qua đó, có thể thấy việc nuôi cá gián tiếp tăng cường sức khỏe thể chất của họ, giúp họ bớt phải sử dụng các thực phẩm chức năng và bổ sung hơn. Cũng trong nghiên cứu trên, Giáo sư Nancy Edwards cho biết cho biết: "Khi lắp đặt bể cá nhiều màu sặc sỡ, các tác giả nhận thấy tín hiệu tích cực là các trường hợp và thời gian thực hiện các hành vi như đi lang thang, đi tới đi lui, la hét và gây hấn giảm đi đáng kể".
Không chỉ người lớn tuổi mà trẻ nhỏ sinh hoạt trong không gian sống có bể cá cũng nhận được những lợi ích như: ham học hỏi, kích thích trí tưởng tượng và sáng tạo, giúp giải quyết những cảm xúc tiêu cực...
Trong một đánh giá tổng quát vào năm 2019 về 19 nghiên cứu từ trước tới nay liên quan đến việc nuôi cá kiểng và sức khỏe con người, các nhà khoa học đã đưa ra kết luận rằng: "Việc tương tác với cá trong bể nuối có tiềm năng mang lại lợi ích cho con người, mặc dù nhiều nghiên cứu về chủ đề này hiện còn nhiều hạn chế. Nghiên cứu trong tương lai nên nhằm mục đích giải quyết những vấn đề về bằng chứng, chẳng hạn như liệu loại tương tác giữa con người và cá có thể ảnh hưởng đến mức độ hạnh phúc hay không và như thế nào?" (5).
Cách nuôi cá đơn giản mà hiệu quả
Mặc dù nhiều ích lợi và nhiều người thích thú, thế nhưng không phải ai cũng sẵn thời gian hoặc tài chính cho cá kiểng - vật nuôi nhiều thứ hai sau chó và mèo này. Lê la khắp các hội nhóm của những người đam mê nuôi cá, LeLa Journal gặp được anh Trần Trọng Nhân, một người cực kỳ khéo tay và có nhiều kinh nghiệm nuôi cá cảnh và cây thuỷ sinh. Với kiến thức của mình, anh Nhân chia sẻ rằng: "Nuôi cá thì có nuôi trong nhà hoặc ngoài trời, nuôi trong nhà thì thường là bể kính, còn nuôi ngoài trời thì nhiều loại hơn (từ thùng xốp, lu chứa nước, hồ đất, hồ xi măng...) nơi nào có nước là nuôi được hết". Anh Nhân giải thích thêm rằng:
"Cái gây nghiện ở việc nuôi cá và cây thủy sinh là nước trong, cây đẹp, chứ cá với nước như ngày xưa thì xấu, và khi nó đi kèm cả hệ sinh thái nhỏ như vậy thì cá và cây đều khoẻ. Phân cá phân huỷ ra thì nuôi cây, cây lại cung cấp oxi cho cá, chỗ trú ẩn cho cá con, tạo thành một vòng tuần hoàn nhỏ. Việc này không chỉ khỏe cho người nuôi về lâu dài mà còn tốt cho cá, bởi nuôi mỗi cá không thì cá dễ bệnh do cá nào bơi trong bể phốt hoài được".
Điều mà anh Nhân chia sẻ hoàn khớp với các nghiên cứu ở trên vì nhiều nhà khoa học cũng chỉ ra rằng việc nuôi cá trong môi trường đa dạng sinh thái thì hấp dẫn và có nhiều lợi ích hơn. Khi được hỏi thêm về những bước cơ bản để tự nuôi cá và cây thủy sinh, anh Nhân không những chia sẻ với LeLa Journal một cách tỉ mỉ và còn gửi thêm một "chiếc" clip dễ thương về quá trình anh cùng vợ con tự xây dựng một hồ cá thủy sinh rất đẹp ngay trong vườn nhà mình (để ở cuối bài). Trước hết hãy cùng tìm hiểu những vấn đề quan trọng mà theo anh Nhân, người mới nuôi cần phải nắm được.
Nuôi cá ở đâu: Khi bắt đầu thì phải tính trước là nuôi trong nhà hay ngoài trời (ngoài trời thì phải có che phủ vì thời gian đầu rất dễ lên rêu, tảo). Sau đó tính toàn thể tích bể để mua bơm và lọc phù hợp.
Rải nền trồng cây: Sang thì dùng phân nền bán ở shop, tiết kiệm thì dùng cát, không có cát có thể dùng đất nhưng đất dễ vàng và đục nước. Vậy nên độc gải cần rải một lớp cát hoặc đá nham thạch mịn lên trên, hoặc xỉ than tổ ông đập mịn càng tốt.
Lựa chọn cây thủy sinh: Trồng cây theo sở thích, rồi bơm nước vào, gắn lọc, châm vi sinh đợi nước ổn định thì thả cá là xong.
Để nước được trong vắt: Để làm được điều này thì hệ vi sinh là tối quan trọng, có nhiều thương hiệu vi sinh bán trên thị trường mà độc giả có thể kiếm, và một khái niệm nữa là "nhà" cho vi sinh.
"Nhà" cho vi sinh: Đây là những vật liệu có diện tích bề mặt lớn (cấu trúc rỗng, nhiều lỗ li ti...) như đá nham thạch, matrix, sứ lọc, xốp lọc... những vật liệu lọc này có thể đặt vào trong hệ thống lọc cho vi sinh phát triển hoặc rải lên nền trong bể, vừa giúp vi sinh phát triển vừa trang trí.
Dòng chảy: Trong bể cần tạo thành dòng chậm giúp vi sinh di chuyển (vì vi sinh làm gì bơi được). Dòng chảy không cần quá mạnh, khi hệ vi sinh ổn định thì nó tự khắc phân huỷ phân cá rất nhanh, nước trong, và hạn chế rất nhiều rêu tảo.
Chi phí: Một cái hay của việc nuôi cá và cây thủy sinh là nó không tốn nhiều chi phí và công chăm sóc. Theo anh Nhân thì chi phí đầu tư dao động từ 300.000 đến vài triệu tùy cá, loại bể, kích thước. Còn chi phí duy trì là tiền thức ăn và tiền điện thì chỉ hết đâu đó 50.000đ.
Hình ảnh bể cá tự xây sau vườn nhà anh Nhân
Chi phí bỏ ra ít nhưng lợi ích mang lại từ bể cá là vô cùng lớn. Bạn đọc có thể "rủ rê" các thành viên trong gia đình cùng tham gia như một hoạt động để làm nhân dịp nghỉ lễ này, giống như cách mà anh Nhân cùng vợ con đã ghi lại trong clip dưới đây.
Comments