top of page
Tìm kiếm

Làm sao dạy mèo đi dạo với dây dắt?

Huấn luyện mèo đi dạo bằng dây không chỉ mang đến mục đích giải trí mà còn có lợi cho sức khỏe tinh thần và thể chất của mèo. Dưới đây là những điều mà bạn cần biết trước khi dắt mèo ra ngoài.



Lợi ích của việc dắt mèo đi dạo


Việc đi dạo phá vỡ sự nhàm chán và đơn điệu trong thói quen sinh hoạt của mèo. Đây là cách để kích thích tinh thần mèo, yêu cầu chúng làm những việc mà có thể chúng sẽ không thường làm, cũng như thúc đẩy mối quan hệ tình cảm giữa người và mèo. Dẫn mèo đi dạo bằng dây dắt cũng giúp mèo duy trì trọng lượng cơ thể lành mạnh. Mèo nhà thường có nguy cơ béo phì cao do chúng không quá quan tâm đến việc rèn luyện hàng ngày. Thật dễ dàng để mua đồ chơi tương tác cho mèo, nhưng sau một thời gian, có thể chúng sẽ rơi vào tình trạng “chơi chán" và trở nên lười biếng.


Những chú mèo có dấu hiệu buồn chán và căng thẳng như hung hăng, phá hoại, liếm lông quá mức có thể hưởng lợi từ việc đi dạo ngoài trời. Tuy nhiên, nếu chú mèo nhà bạn thường tránh né khu vực cửa ra vào, không quan tâm đến bất cứ hoạt động ngoài trời nào hay thậm chí sợ ra ngoài, bạn cũng không nên ép chúng ra khỏi “vùng an toàn” của mình. Nhiều chú mèo đơn giản thoả mãn với việc ngồi bên cửa sổ và ngắm nhìn thế giới trôi qua.



Các vấn đề sức khỏe cần cân nhắc trước khi dắt mèo đi dạo


Nếu muốn dắt mèo đi bộ ngoài trời, hãy đảm bảo rằng bạn đã thực hiện các biện pháp ngăn ngừa rủi ro về mặt sức khoẻ sau đây:

  • Tiêm vắc xin cho mèo: Việc tiêm phòng là bắt buộc để giữ cho mèo nhà bạn an toàn khỏi các tác nhân gây hại đến từ những loại động vật và môi trường xung quanh.

  • Phòng chống bọ chét và ve: Việc đưa mèo ra ngoài khiến chúng có khả năng tiếp xúc nhiều hơn với các loại ký sinh trùng không mong muốn, bao gồm bọ chét, ve và thậm chí là giun tim. Bạn nên trò chuyện với bác sĩ thú y để được tư vấn về các loại thuốc ngăn ngừa ký sinh trùng ở mèo.

  • Cân nhắc việc triệt sản đối với mèo trưởng thành: Nếu mèo cái nhà bạn không được triệt sản, chúng có nguy cơ bị tấn công bởi những con mèo đực hoang. Ngược lại, mèo đực của bạn sẽ tìm cách chạy trốn nếu bạn đưa chúng ra ngoài.

Ngoài ra, không thiếu những cây cảnh và hợp chất gây hại cho mèo xuất hiện ở trên đường phố. Vậy nên, chúng ta cần trông chừng mèo thật kỹ và không nên cho mèo liếm hoặc nhai bất cứ thứ gì trong quá trình đi dạo để giảm thiểu rủi ro nhất có thể.



Chọn lựa dây đai dạng yếm và xích cho mèo


Vòng cổ có thể thuận tiện trong mục đích nhận dạng và đeo chuông cho mèo, nhưng đây không phải là lựa chọn hợp lý khi gắn với dây dắt thú cưng. Mèo có cấu tạo và hành vi khác với chó, chúng sẽ tìm cách “tuột" khỏi vòng cổ khi vòng cổ được gắn với dây xích. Việc sử dụng dây đai dạng yếm cho mèo sẽ an toàn và chắc chắn hơn nhiều, đặc biệt là khi bạn mới huấn luyện mèo.


Một quy tắc khi chọn lựa dây đai dạng yếm cho mèo là không quá chật và cũng không quá rộng. Bạn có thể đảm bảo quy tắc này bằng cách luồn hai ngón tay vào giữa mèo và dây đai. Nếu nhét được ít hoặc nhiều hơn hai ngón tay, có thể nó đang quá chặt hoặc quá lỏng. Đây là bước quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian làm quen với việc đeo dây đai của mèo. Bạn càng cẩn thận thì khả năng mèo cảm thấy thoải mái trước vật dụng mới này càng cao.


Ngoài ra, bạn nên bắt đầu từ việc tìm mua dây xích nhẹ, dài từ 120 - 180cm vì đây là lựa chọn lý tưởng cho mèo ở mọi kích cỡ khác nhau. Sau khi mèo đã quen với việc đi dạo bằng dây bên ngoài, bạn có thể thu ngắn và kéo dài dây xích theo ý muốn của mình.



Giúp mèo thích nghi với dây đeo dạng yếm và xích


Chìa khóa giúp mèo làm quen với dây đeo dạng yếm là biến nó trở thành trải nghiệm tích cực đối với mèo. Bạn có thể bắt đầu bằng cách đặt dây đeo bên đĩa thức ăn của mèo hoặc đơn giản là cầm dây đeo để mèo đánh hơi và sau đó hãy thưởng cho chúng ít đồ ăn vặt. Một số con mèo có thể nhạy cảm với âm thanh mới, vì vậy, bạn hãy dành một chút thời gian tháo ra và gắn lại khoá dây đeo để chúng làm quen với tiếng động này.


Khoảng thời gian để mèo thích nghi với dây đeo dạng yếm sẽ khác nhau ở mỗi cá thể mèo. Mèo nhà bạn có thể sẽ chẳng quan tâm đến việc có dây đeo trên người chút nào, hoặc phải mất vài giờ hay vài ngày để làm quen với nó. Độc giả không nên đeo dây lâu hơn vài phút nếu chúng quá sợ hãi, nhưng hãy cố gắng tăng thời gian lên dần sau mỗi lần đeo dây. Ngoài ra, nếu mèo nhà bạn “đóng băng", không chịu đi lại trong vài lần đeo dây đầu tiên, đây là chuyện hoàn toàn bình thường. Chỉ là mèo chưa bao giờ trải nghiệm cảm giác có gì đó trên lưng và sẽ mất một khoảng thời gian ngắn để làm quen.


Sau khi mèo đã đi lại bình thường với dây đeo dạng yếm, bạn có thể dẫn chúng đến một khu vực rộng rãi trong nhà và gắn xích vào trên dây đeo. Ở những lần đầu tiên, bạn nên cầm lỏng xích và để mèo tự do đi lại. Khi mèo đã cảm thấy thoải mái với dây xích, bạn có thể dùng lực nhẹ lên dây xích để gọi mèo lại với bạn. Khi mèo làm theo, hãy thưởng cho chúng một ít đồ ăn, lặp lại cho đến khi mèo hiểu việc bạn tì lên dây xích là dấu hiệu của việc chuyển hướng.



Một số lưu ý khi dắt mèo ra ngoài


Nếu hiểu biết duy nhất của mèo nhà bạn với môi trường tự nhiên bên ngoài là thông qua cửa sổ, có khả năng chúng sẽ trở nên cảnh giác cao độ khi bạn đưa chúng ra ngoài trong những lần đầu tiên. Vì thế, tốt hơn hết là nên bắt đầu với những địa điểm gần nhà, rộng rãi và yên tĩnh. Một lưu ý quan trọng khác là nên bế mèo cưng ra ngoài thay vì để chúng tự đi ra khỏi cửa, để giảm thiểu khả năng mèo tự ý lao ra khỏi cửa khi không có dây xích để rồi bị lạc.


Ngoài ra, việc dắt mèo đi dạo rất khác so với dắt chó đi dạo. Về cơ bản, mèo như thể đang dắt bạn đi dạo. Chúng có thể vui vẻ di chuyển cùng bạn trong những chuyến đi dài, nhưng nhiều khả năng chúng sẽ chậm rãi đánh hơi xung quanh và gật gù dưới ánh sáng mặt trời. Nhà nghiên cứu hành vi loài mèo Jackson Galaxy chia sẻ: “Không giống với những bài tập thể dục nhịp điệu mà bạn có thể rèn luyện mỗi khi dắt chó đi dạo, dắt mèo đi dạo là một trải nghiệm chậm rãi hơn, và mang tính chiêm nghiệm nhiều hơn.” (2)


Comments


bottom of page