top of page
Tìm kiếm

Thời đại "ai cũng có thể thành chuyên gia": Làm sao nhận biết chuyên gia thực thụ?

Trong thời đại mà việc chuyên môn hóa được tận dụng triệt để, cùng với sự tiếp cận dễ dàng của vô số thông tin về đủ mọi lĩnh vực, mỗi người sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc học hỏi và trau dồi kiến thức. Tuy nhiên, cũng chính vì vậy, chúng ta sẽ càng khó phân biệt được đâu là người có chuyên môn thực sự và đâu là những người chỉ tự tin nhất thời.


Người ta thường bảo, thời đại này cứ đi 3 bước sẽ gặp một "chuyên gia", cho dù chẳng biết "chuyên gia" đó được đào tạo bởi trường lớp chính quy nào. Việc thể hiện sự tự tin khi diễn đạt mà không dựa trên bất kỳ chuyên môn nào cũng tương đối dễ dàng, khiến chúng ta khó nhận biết ai mới là người có kiến thức thực sự (1).


Điều này dẫn đến tình trạng ai cũng có thể trở thành chuyên gia và tự tin thái quá vào việc đưa lời khuyên cho người khác, thậm chí là chia sẻ những thông tin sai lệch, phản khoa học.

Trong hơn 20 năm nghiên cứu về cách mọi người truyền đạt suy nghĩ của họ thông qua ngôn ngữ, Giáo sư ngôn ngữ học Thora Tenbrink đã phát hiện ra một số đặc điểm chung điển hình của một chuyên gia thực thụ và đưa ra các chỉ dấu dưới đây để giúp chúng ta phân biệt tốt hơn.



Không nói quá nhiều


Mỗi người có một cách giao tiếp khác nhau. Có người thường nói nhiều hơn người khác vì yêu thích cảm giác “thống trị” một cuộc trò chuyện. Cũng có người lắng nghe tốt, chỉ đưa ra ý kiến cá nhân khi đã có cơ sở. Nhìn chung, đặc điểm thường thấy của những chuyên gia là có thể lắng nghe một cách khiêm tốn, bởi điều đó sẽ giúp họ đánh giá được tình hình và đưa ra các hướng giải quyết. Chẳng hạn như trong môi trường y tế, một phong thái quan tâm, chu đáo - ưu tiên lắng nghe hơn là nói chuyện - sẽ dẫn đến sự hợp tác tốt hơn giữa bác sĩ và y tá, từ đó cải thiện được chất lượng chăm sóc bệnh nhân.


Đôi khi, những người trầm lặng và cẩn thận khi đưa ra quan điểm của mình là những người hiểu biết và có nhiều giá trị hơn các cá nhân nói không ngừng.

Trước khi để ý cách nói chuyện, chúng ta cũng cần lưu ý về xuất phát điểm nghề nghiệp, học vấn để có căn cứ xác thực hơn về chuyên môn của người này. Nếu cảm thấy không có thông tin lý lịch nào liên quan đến những ý kiến chuyên môn của họ, đó có lẽ là một dấu hiệu họ chỉ đang tự tin đưa ra quan điểm về một chủ đề.


Đi vào chiều sâu một vấn đề


Đưa ra những lời khuyên hoặc khẳng định chung chung thường dễ, nhưng cung cấp thông tin chi tiết về một lĩnh vực thì không phải ai cũng làm được. Những người chưa có đủ kiến thức thường chỉ giải thích ở mức độ hời hợt, lặp lại cùng một thông điệp đại khái mà không thể làm rõ và đưa dẫn chứng cụ thể, trong khi chuyên gia lại đi được vào ngóc ngách và đào sâu cốt lõi vấn đề (2).



Nếu một thông điệp được lặp đi lặp lại thường xuyên, cuối cùng chúng ta cũng sẽ tin vào nó. Điều này trở thành rắc rối tiềm ẩn cho xã hội khi một số người giả dạng chuyên gia trên mạng liên tục cung cấp thông tin sai sự thật mà không có bằng chứng khoa học. Ví dụ như trong đại dịch COVID-19 vừa qua, các nhà nghiên cứu đã khám phá ra rằng dân chúng thường tin vào những thông tin sai lệch nhưng được lặp đi lặp lại về dịch bệnh trên các kênh thông tin không chính thống hoặc mạng xã hội (3).


Hiểu về giới hạn của sự chắc chắn


Mọi sự việc trong cuộc sống đều bao hàm một số điều không chắc chắn nhất định (uncertainty), điển hình như những sự kiện chúng ta không tận mắt quan sát, những thứ chỉ xảy ra một lần trong các thí nghiệm hoặc đã diễn ra từ rất lâu trong quá khứ. Một chuyên gia sẽ thừa nhận rằng sự chắc chắn có những giới hạn riêng của nó, nghĩa là không phải điều gì cũng chắc chắn được một cách hoàn toàn (4). Điều này thể hiện qua việc sử dụng cụm từ “có thể” trong các tuyên bố của họ, tùy vào hoàn cảnh thích hợp.


Có một sự khác biệt nhỏ giữa “Tôi không chắc” (I am uncertain)“Điều đó không chắc chắn” (It is uncertain). Những người không phải chuyên gia sẽ đơn thuần bảo rằng họ không biết các dữ liệu sẵn có, nhưng chuyên gia có thể sẽ biết tất cả mọi thứ về một vấn đề và đưa ra khẳng định rằng sự việc này không chắc chắn. Trong một số trường hợp, chuyên gia còn dự đoán được khả năng xảy ra của vấn đề. Ví dụ, các chuyên gia khí hậu dù không thể dự đoán các hiện tượng thời tiết một cách chắc chắn, nhưng họ chứng minh được mức độ xảy ra của chúng đã tăng lên như thế nào trong quá khứ. Dựa trên cơ sở đó, họ sẽ cung cấp dữ liệu thống kê về khả năng xảy ra của các sự kiện (như bão, lũ lụt) trong tương lai (5).


Tóm lại, các chuyên gia có thể biết chính xác những gì họ không thể chắc chắn, trong khi những người “tự tin” sẽ khẳng định được những điều hoàn toàn vô nghĩa là chắc chắn đúng/chắc chắn xảy ra (nếu họ thực sự tin vào điều đó). Một số người thậm chí có khả năng truyền bá để hạ bệ những điều họ không tin tưởng, nhằm mục đích giúp ích cho sự nghiệp hoặc niềm tin cá nhân của họ.

Ảnh: Thirdman

Cung cấp thông tin một cách linh hoạt, có thể ứng dụng


Hãy tưởng tượng ra sự khác biệt về cách chỉ đường giữa một hệ thống định vị (như Google Maps) và một người bạn quen. Người đó sẽ chỉ ra đúng những gì bạn cần để đi đến địa điểm, cung cấp hướng dẫn chi tiết khi gặp các đoạn đường khó đi, nhưng có thể bỏ qua một số thứ mà họ biết bạn đã quen thuộc. Đây là sự linh hoạt về mặt cung cấp thông tin của người bạn đó. Các hệ thống tự động lại không thể làm vậy, chúng không phải “chuyên gia” (6). Thay vào đó, chúng chỉ trích xuất thông tin từ một cơ sở dữ liệu mà không có một nhận đinh sâu sắc hay thông minh nào, đồng thời thường lặp đi lặp lại một số cụm từ nhất định.


Chuyên gia thực sự sẽ dùng các khái niệm và thuật ngữ trong lĩnh vực của họ (hay biệt ngữ - jargon) một cách linh hoạt và dễ tiếp thu. Họ cũng có khả năng điều chỉnh ngôn ngữ của mình để đáp ứng nhu cầu người nghe (7).

Comentários


bottom of page