Tự học bất kỳ kiến thức mới hoặc kỹ năng phụ trợ mà không cần đến trường lớp và không có sự hướng dẫn của giảng viên. Thoạt nghe tưởng không dễ, nhưng lại dễ không tưởng! Ngoài ý định và quyết tâm, chúng ta còn nên xem xét đến các yếu tố khác như: mục tiêu, tài nguyên, thời gian học... Hãy cùng LeLa Journal tìm hiểu cách tự học hiệu quả cùng một số lời khuyên hữu ích đến từ những nhân vật nổi tiếng về tự học trên khắp thế giới.
Khả năng tự học của cá nhân quan trọng đối với kinh tế xã hội
Hiện nay, tự học không còn là một nét văn hóa hoặc trào lưu mà đang ngày càng trở nên cần thiết để phát triển kinh tế xã hội. Vì kiến thức mới phát sinh ngày một nhiều, các ngành công nghiệp cũng thay đổi nhanh chóng, con đường học tập truyền thống tuy đem lại một nền tảng vững chắc nhưng không thể bắt kịp hết tất cả xu hướng của thời đại. Chỉ khi các cá nhân liên tục trau dồi kiến thức để nâng cao tay nghề, xã hội mới có thể phát triển bền vững và tạo thêm nhiều phát minh, tiến bộ mới trong mọi lĩnh vực.
Nhà giáo dục Malcolm Knowles, người nổi tiếng với phương pháp đào tạo cho người lớn, định nghĩa "tự học" như sau: “Đây là một quá trình học tập tự định hướng, qua đó các cá nhân chủ động trong việc xác định nhu cầu học, xây dựng mục tiêu, tìm kiếm nguồn nhân lực và tài liệu, đồng thời được lựa chọn triển khai chiến lược phù hợp và tự đánh giá kết quả học tập”.
Tự học phát huy tốt nhất khi chúng ta tiếp cận việc trau dồi, học hỏi mới bằng tư duy phát triển (growth mindset). Nó khác với cách giáo dục truyền thống thường vô tình khiến người học mang tư duy cố định (ví dụ như học sinh có năng khiếu bẩm sinh với một môn học là yếu tố tiên quyết và điểm số sẽ phản ánh được điều này). Một người học có tư duy phát triển sẽ luôn ý thức rằng họ có khả năng cải thiện, tạo ra thay đổi và tiến bộ trong những thứ họ chọn học, ngay cả khi kiến thức hoặc kỹ năng đó không dễ dàng tiếp thu.
Tiếp cận tự học với tư duy này chính là bước đầu để chúng ta tự tin thiết kế chương trình học cho mình và tự tin vào khả năng tiếp thu kiến thức của bản thân, từ đó có xu hướng đạt kết quả tốt hơn.
Tự học như thế nào?
Liệt kê những mục tiêu: Trước khi bắt đầu xây dựng chiến lược học tập, chúng ta cần nắm rõ mình muốn học gì và lý do tại sao mình cần học nó. Khi tham gia lớp học truyền thống, giáo viên thường là người thiết kế lộ trình và đích đến cho chúng ta. Vì thế, nếu muốn tự học hiệu quả, chúng ta cũng cần phải hoạch định rõ ràng về đường hướng cho mình. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về cách chọn những kỹ năng phù hợp với bản thân để trau dồi và học nâng cao tại đây.
Nếu đã có mục tiêu cụ thể trong đầu, chẳng hạn như vượt qua một kỳ thi ngoại ngữ, chúng ta sẽ biết được nên học những gì để chuẩn bị cho nó. Nếu chỉ học vì hứng thú, hãy xác định xem những điều bạn tò mò là gì, câu hỏi nào khiến bạn muốn đi tìm lời giải đáp.
Tìm hiểu nguồn tài liệu uy tín về một kỹ năng/môn học: Để tìm được thông tin khoa học và đúng sự thật, hãy chọn lọc cẩn thận những thứ bạn tiếp thu. Bởi các nguồn kiến thức hiện nay rất đa chiều và khó nhận biết đúng sai. Một số lựa chọn phù hợp có thể là: đọc sách, đọc nghiên cứu trên Google Scholar, xem video giáo dục đa dạng chủ đề trên TED, tìm kiếm thông tin bổ ích qua phim tài liệu Netflix, tham khảo các khóa học trên Coursera, edX (miễn phí) và MasterClass, Udemy (trả phí), hoặc thử các ứng dụng với nhiều phương pháp dạy sáng tạo như Duolingo, Eggbun…
Khi tìm tài nguyên học, nên xem các trang web của tổ chức uy tín, những nơi được chứng nhận chuyên môn, tránh dựa hoàn toàn vào các blog cá nhân và diễn đàn. Bạn cũng cần tìm kiếm nhiều nguồn khác nhau để xác minh kiến thức.
Xác định thời gian và phương pháp học: Khi đã xác định mục đích và tìm hiểu các nguồn tài nguyên, bạn sẽ có một cái nhìn tổng thể về những thứ cần học, hoặc đã tham khảo được những phương pháp, lộ trình hay từ những người có kinh nghiệm. Hãy dành thời gian tìm ra cách thức tối ưu nhất để bạn tiếp thu kỹ năng/môn học đó, sau đó tiến hành thử nghiệm trong một khoảng thời gian nhất định.
Nếu chưa đưa ra được phương án tốt nhất, bạn có thể tham khảo hoặc làm theo giáo án truyền thống của các giáo viên (từ trường học hoặc các khóa học trực tuyến) để biết những vấn đề cần tìm hiểu là gì và thứ tự học hợp lý. Sau đó, hãy lên thời gian biểu cho những mục tiêu nhỏ cần đạt, giả sử như học mục nào trong tài liệu vào một ngày cụ thể.
Đó đều là những bước cơ bản cần thiết để bắt đầu quá trình tự học. Vậy nếu muốn đạt thành tích tốt và thành công như những người tự học cả đời nổi tiếng trên thế giới, chúng ta sẽ cần lưu ý điều gì? Hãy tham khảo một số phương pháp hay nhất được chắt lọc để giúp bạn học hiệu quả sau đây.
Quy tắc 5 giờ
Mỗi người đều có 24 giờ giống nhau. Những gì chúng ta làm trong một ngày tùy thuộc vào công việc, lối sống và sở thích cá nhân... Tuy nhiên, mỗi người đều có thể có ít nhất một hoặc vài giờ dư ra cho việc giải trí.
Quy tắc 5 giờ yêu cầu chúng ta dành ít nhất 1 giờ mỗi ngày (5 giờ mỗi tuần) để học hỏi, thử nghiệm và suy ngẫm.
Đây là một thủ thuật thường được những người giàu và thành công trên thế giới sử dụng, điển hình là Benjamin Franklin. Ông dành ít nhất 1 giờ mỗi ngày để học điều gì đó mới, cụ thể là dậy sớm để đọc và viết. Ngày nay Elon Musk, Bill Gates, Oprah Winfrey, Warren Buffett và Mark Zuckerberg đều áp dụng một số phiên bản của quy tắc này.
Cố gắng dồn hết việc học vào một vài ngày sẽ khiến chúng ta quên nhiều kiến thức. Mạng lưới thần kinh của não bộ cần thời gian để xử lý thông tin mới, vậy nên việc giãn cách thời gian học giúp chúng ta ghi nhớ tài liệu khó tốt hơn (1).
Học tập tích cực (active learning)
Phương pháp này giúp chúng ta chủ động tương tác với tài liệu, tránh tiếp nhận thông tin một cách thụ động, từ đó kích thích não bộ, mở rộng các liên kết giữa thông tin mới và cũ. Người học sẽ hiểu rõ hơn về tài liệu và biết khi nào nên áp dụng kỹ năng nào.
Học tập tích cực có thể dễ dàng hơn với các kỹ năng ứng dụng thực tế như vẽ, làm vườn hoặc môn toán. Vậy đối với các kiến thức khoa học hoặc lịch sử, những thứ chúng ta học chủ yếu qua sách thì sao?
Bill Gates đã ứng dụng học tập tích cực khi đọc sách chuyên môn bằng cách ghi chú vào lề quyển sách như đang có một cuộc tranh luận với tác giả. “Khi đọc sách, đặc biệt là những quyển phi hư cấu (non-fiction), bạn cần đảm bảo rằng mình đang thực sự tập trung vì chúng ta đang lấy thông tin mới gắn vào những kiến thức sẵn có. Đối với tôi, ghi chép giúp đảm bảo rằng tôi đang thực sự suy nghĩ kỹ về những gì tác giả viết”.
Quy tắc 80/20
Quy tắc 80/20 bắt nguồn từ nhà kinh tế học người Ý Vilfredo Pareto vào đầu thế kỷ 20, khi ông phát hiện ra 20% dân số nước Ý sở hữu đến 80% số lượng đất đai ở đây.
Nguyên lý này cho rằng 80% kết quả đạt được sẽ xuất phát từ 20% hành động của bạn.
Những người học tự định hướng thường dùng quy tắc này để phân loại ưu tiên cho thời gian học, đó là chỉ tập trung vào 20% hành động mang lại nhiều kết quả nhất.
Ví dụ, nếu muốn học làm đồ gỗ, bạn không cần tìm hiểu lịch sử về gỗ từ thời nguyên thủy để làm ra một món hàng (dù điều này có vẻ cũng hấp dẫn). Thay vào đó, chúng ta cần dành thời gian cho những giờ thực hành, thử nghiệm, thất bại liên tục và tiến bộ từ từ.
Comments