top of page
Tìm kiếm

Lược sử ngắm trăng: "Nhan sắc" chị Hằng qua từng thời kỳ

Không ngoa khi nói rằng con người từ cổ đại đến hiện đại đều ám ảnh với Mặt trăng. Từ những sáng chế liên quan tới vũ trụ, kính viễn vọng, những bức vẽ trên hang đá... có thể thấy một việc quan trọng khi con người ngắm nhìn bầu trời hay dự đoán thiên văn chính là vẽ hoặc chụp lại Mặt Trăng. Nhân dịp Trung Thu năm nay, LeLa Journal mời bạn đọc tìm hiểu về lược sử thưởng trăng của con người từ xưa đến nay.


Ắt hẳn nhiều người còn nhớ về tấm ảnh Neil Armstrong và Edwin "Buzz" Aldrin đặt chân lên Mặt Trăng trong nhiệm vụ Apollo 11. Sự kiện con người đặt chân lên Mặt trăng vào năm 1969 đó cũng chỉ là một cột mốc về niềm khát khao chinh phục vệ tinh của Trái đất. Có thể nói rằng con người từ cổ chí kim luôn "ám ảnh" với trăng, thậm chí, lịch sử ngắm trăng của chúng ta đã kéo dài tới hơn 50.000 năm (1).


Từ những đĩa đồng, hình vẽ trên đá, đến astrolabe (thước trắc tinh), kính viễn vọng, tàu Apollo... Mặt trăng gần như đã thu hút mọi người và khiến người ta si mê điên cuồng (lunatic). Tới độ, khi không có bằng chứng về vệ tinh này, người ta liền gán cho nó những thần thoại hay đồn thổi nên những viễn cảnh giả tưởng về Mặt trăng (2).


Ngay cả từ "điên cuồng" trong tiếng Anh là "lunatic", cũng bắt nguồn từ "luna" trong tiếng Latin, nghĩa là "Mặt Trăng" (3).

Vì sao con người mê Trăng


Trăng tháng nào cũng tỏ, đều đặn như vậy suốt hàng nghìn năm. Vậy mà con người từ xa xưa cho đến hiện đại đều mê mẩn chốn ở của chị Hằng. Phần vì vầng trăng thơ mộng, phần vì vệ tinh của Trái Đất gắn liền với gần như mọi khía cạnh của đời sống (thủy triều, mùa màng, sức khỏe...). Hơn thế nữa, sự biến đổi về màu sắc của ánh trăng còn phản ánh các hiện tượng thiên văn và thời tiết. Sau đây là những sắc màu của trăng mà con người "u mê".


Nguồn: NASA

Trăng xanh

Hiện tượng này xảy ra khi ánh trăng đi qua bầu không khí đầy bụi và khói. Vào năm 1883, núi lửa Krakatoa ở Indonesia phun trào dẫn đến sự kiện hy hữu mặt trăng có màu xanh lục xuất hiện trong khu vực đó suốt gần hai năm (4). Ngoài ra, trong tiếng Anh, còn có thành ngữ "once in a blue moon" (tạm dịch: thỉnh thoảng mới có mỗi lần Trăng xanh) để nói về những kiện việc/sự kiến hiếm khi xảy ra, ngàn năm có một.


Trăng đỏ

Đôi khi, Mặt trăng có màu hồng hoặc đỏ — hiện tượng được gọi là "Trăng máu". Sự thay đổi màu sắc này là kết quả của nguyệt thực toàn phần, khi Trái đất nằm giữa Mặt trăng và Mặt trời, chặn phần lớn ánh sáng truyền về phía Mặt trăng. Ánh sáng tới Mặt trăng trước tiên sẽ đi qua bầu khí quyển Trái đất và ánh sáng có bước sóng ngắn hơn, như xanh lam và tím, sẽ tán xạ trước khi tới Mặt trăng. Điều này để lại những màu có bước sóng dài hơn, như màu đỏ phản chiếu lại vào hành tinh của chúng ta.


Trăng nâu - cam

"Trăng mùa", "Trăng thu hoạch" là tên gọi của trăng màu vàng hoặc cam, thường xuất hiện vào cuối hè hoặc đầu thu. Trăng mùa thường xuất hiện khi Trăng ở gần đường chân trời, nghĩa là ánh sáng phản chiếu từ Mặt trăng phải truyền qua nhiều lớp khí quyển hơn để đến được mắt chúng ta. Giống như nguyệt thực toàn phần, các màu có bước sóng ngắn, như màu xanh lam, sẽ tán xạ đi mất và chúng ta chỉ nhìn thấy các màu có bước sóng dài hơn như cam và vàng.


Và để ghi lại những biến đổi về màu sắc của Trăng, nhằm dự đoán mùa màng, thiên văn, số mệnh con người trong tương lai..., con người không ngừng phát triển các công cụ để thưởng trăng ngoài khả năng nhìn của mắt người.


Thời cổ đại: những huyền thoại và đĩa trăng


Con người thuộc các văn hóa cổ đại đã biết về chu kỳ chuyển động của Trăng và khắc họa nó lên đá, đồ gốm, vách hang động... Song, người cổ đại không đơn thuần chỉ dựa vào mắt nhìn, mà còn sử dụng công cụ, chẳng hạn như đĩa trăng Nebra sau đây:


Nguồn: Juraj Lipták/State Office for Heritage Management and Archaeology Saxony-Anhalt

Đĩa Trăng là công cụ thiên văn lâu đời nhất thế giới, khắc họa bầu trời đêm với 32 ngôi sao vàng. Trong đó gồm có chòm sao Thất Nữ, một quả cầu vàng tượng trưng cho mặt trời hoặc trăng tròn và một hình trăng lưỡi liềm. Đĩa trăng đóng vai trò như một công cụ nhắc nhở về thời điểm cần phải đồng bộ cho năm âm lịch và năm dương lịch khớp với nhau bằng cách chèn tháng nhuận. Hiện tượng này xảy ra khi mặt trăng ba ngày rưỡi tuổi—mặt trăng lưỡi liềm trên đĩa—được nhìn thấy cùng lúc với Thất nữ.



Tương tự như đĩa trăng, người cổ đại còn sáng chế ra một công cụ tiên tiến hơn là thước trắc tinh (astrolabe) để quan sát chuyển động và vị trí của Mặt trăng, Mặt trời và các hành tinh so với Trái đất.


Một bản khắc Mặt trăng ở vùng tây bắc Cộng hòa Séc, có niên đại khoảng năm 1500 trước Công nguyên. Nguồn: Sepia Time/ National Geographic

Bên cạnh đĩa trăng, người xưa còn có một cách để tự nhắc nhở bản thân ngắm trăng là qua các niên giám gấp gọn (folding almanac) – một cuốn cẩm nang bỏ túi ghi chép lại những hiểu biết về chiêm tinh, lịch đại, nghi thức và đồng thời cũng là bàn lễ.


Nguồn: Wild Wonders Of Europe, Nature Picture Library

Nguồn: Welcome Collection




Ngoài các công cụ, con người cổ đại còn xây dựng các công trình kiến trúc – như những vòng tròn đá thời kỳ đồ đá mới ở Scotland và các kim tự tháp ở Mexico – để tôn thờ và thưởng ngoạn khối cầu rực rỡ trong bầu trời đêm.


Nguồn: Jesus Lopez, Nat Geo Image Collection

Cuối thời kỳ phục hưng: Khoa học và giai thoại trộn lẫn


Sự ra đời của kính thiên văn vào năm 1608 đánh dấu cột mốc mới cho chứng ám ảnh mặt trăng của nhân loại (5).


Thưởng trăng theo cách khoa học


Đến năm 1609, nhà khoa học Thomas Harriot thử đưa mắt nhìn vào một chiếc ống có gắn thấu kính hội tụ và phân kỳ. Phát minh của ông chính là nguyên mẫu của kính thiên văn mà Galileo Galilei sử dụng 4 tháng sau đó để quan sát bầu trời đêm và đưa ra bằng chứng ủng hộ Thuyết Nhật tâm (Heliocentrism theory) rằng Mặt trời là trung tâm.


Bên dưới là bản vẽ mà Harriot ghi lại từ những gì mà ông nhìn thấy bằng chiếc kính thiên văn khi ngắm trăng non vừa được 5 ngày tuổi trong chu kỳ. Bản vẽ của ông tuy sơ khai, nhưng vẫn thể hiện được biển nham thạch Mare Crisium đã nguội lạnh trên Mặt trăng.


Bản vẽ của Thomas Harriot về Mặt Trăng dựa trên hình ảnh trên kính viễn vọng vào ngày 26/07/1609. Nguồn: Max Alexander, Lord Egremont, Science Source
Bản đồ Mặt Trăng, Thomas Harriot, 1612 - 1613. Nguồn: Max Alexander, Lord Egremont, Science Source


















Trước khi có kính thiên văn, tàu thăm dò và các phi hành đoàn, Mặt trăng trong trí tưởng tượng của con người còn khá mơ hồ. Con người ngày xưa xem mặt trăng như một quả cầu hoàn toàn nhẵn, không tì vết. Việc phát minh ra kính thiên văn và những đường vẽ cực kỳ chính xác của Galileo Galilei, cũng như Thomas Harriot, đã thay đổi hoàn toàn quan niệm của con người về hình dạng của trăng.


Nguồn: "Two Drawings of Waxing Moon, in Siderius Nuncius (The Starry Messenger)" (1610), Galileo Galilei

Những giai thoại


Điều thú vị là trong khi vẫn cực lực phản đối Thuyết Nhật tâm, giáo hội và con người cổ đại lại chấp nhận rằng sự sống có thể tồn tại ở ngoài Trái đất. Những nhà nghiên cứu sau này đề ra không ít giả thuyết về thế giới mới - ở nơi cung trăng kia. Họ cho rằng vùng tối của Mặt trăng là đại dương đen – sau này khoa học chứng minh rằng vùng tối đó chỉ là lưu vực tác động chứa đầy dung nham đông đặc. Đó là lý do vì sao mà người xưa dùng những cái tên hàm nghĩa "nước" để gọi vùng tối mặt trăng như "oceanus", "mare", "đại dương đen", "đại dương tĩnh lặng"...


Robert Hooke FRS đã diễn giải về địa chất Mặt trăng trong cuốn sách có tựa đề Micrographia của ông, xuất bản vào năm 1665 (6). Trong đó, Hooke chia sẻ rằng ông xây dựng các mô hình đất sét dựa trên những quan sát Mặt trăng của chính mình, sau đó, mô phỏng lại các miệng núi lửa.


Observation LIX và Observation LX, Robert Hooke trích từ sách Micrographia (1665). Nguồn: Royal Society

Suy đoán về sự sống tiềm năng trên Mặt trăng tiếp tục là đề tài được quan tâm trong suốt vài thế kỷ tiếp theo. Tiêu biểu là một tác phẩm từ những năm 1760 có tên Pumpkins Used as Dwellings to Secure against Wild Beasts (tạm dịch: Bí ngô chống lại thú dữ) của Filippo Morghen. Trong đó, tác giả Morghen tưởng tượng cung trăng không phải là những cánh đồng cây bụi và núi hoang vắng, mà có những sinh vật đầm lầy sống trong những quả bí ngô khổng lồ.


Trong khi Mặt trăng đang được nghiên cứu kỹ hơn thì một thế giới mới khác đã xuất hiện đối với người châu Âu: châu Mỹ.


Bí ngô chống lại thú dữ, Filippo Morghen

Thưởng trăng thời kỳ Victoria: Nhiếp ảnh thiên văn bùng nổ


Sự phát minh kỹ thuật chụp ảnh Daguerreotype (Kỹ thuật đage) vào năm 1831 và hoàn thiện quy trình vào năm 1839 đã tạo ra một cuộc chạy đua về không gian (7). Vào tháng 3 năm 1840, Tiến sĩ John William Draper của Đại học New York (Hoa Kỳ) tuyên bố rằng ông đã thành công trong việc "tái hiện bề mặt Mặt trăng bằng phép chụp ảnh Daguerreotype".


Sự ra đời của nhiếp ảnh thiên văn


John Adams Whipple đã chụp được trăng tròn vào năm 1849. Ông sử dụng kỹ thuật chụp ảnh daguerreotype qua kính thiên văn tại Đài thiên văn Đại học Harvard tại Cambridge MA, với sự cộng tác của William Cranch Bond và George Phillips Bond. Bản vẽ daguerreotype về Mặt trăng của Whipple sau đó đã được trưng bày tại Triển lãm lớn năm 1851 với sự hoan nghênh của giới phê bình.


Một trong những bức ảnh chụp Mặt Trăng đầu tiên của John William Draper.

John Phillips FRS (1800-1874) đã chụp được trăng liềm vào năm 1853 bằng cách sử dụng phát minh về nhiếp ảnh bảng ướt (collodion process) trên kính Frederick Scott Archer.


Thưởng trăng, 1852, John Adams Whipple

Nghiên cứu Mặt Trăng, 1853, John Phillips. Nguồn: The Royal Society

Khi phụ nữ cũng thích ngắm chị Hằng


Là người cùng thời với Robert Hooke, nữ nghệ sĩ kiêm nhà thiên văn học người Đức Maria Clara Eimmart đã tạo ra những bức minh họa về các hiện tượng liên quan đến Mặt trăng, hỗ trợ cho những quan sát thiên văn của cha cô.


Nhiếp ảnh gia đầu tiên Thereza Dillwyn Llewelyn tiếp nối mối quan tâm của Maria đối với minh họa thiên văn, khi cùng cha là John Dillwyn Llewelyn FRS tham gia khám phá nhiếp ảnh thiên thể. Từ đài thiên văn của họ ở phía Nam Wales, trong khuôn viên dinh thự của gia đình ở Penllergare, hai cha con Llewelyn đã chụp ảnh thành công Mặt trăng vào năm 1858.


Thereza Dillwyn Llewelyn. Nguồn: National Museum of Wales

Thời hiện đại: cuộc đua thăm nhà chị Hằng bắt đầu


130 năm sau khi nhiếp ảnh thiên thể ra đời, nhân loại bắt đầu có thể tận mắt trông thấy và đặt chân lên Mặt trăng. Một trong những hình ảnh quan trọng nhất thu được từ các sứ mệnh lên Mặt trăng của nhân loại, không phải về Mặt Trăng mà là về Trái đất. Bức ảnh mang tên Earthrise (tạm dịch: Trái đất mọc), do phi hành gia William Anders của tàu Apollo 8 chụp, đã cho thấy một phiên bản khác lạ chưa từng thấy của hành tinh xanh: đầy đủ màu sắc, một phần bị bóng tối che phủ.


Trái Đất mọc, 1968. William Anders

Năm 1966, tàu vũ trụ Luna 9 của Liên Xô trở thành phương tiện đầu tiên hạ cánh an toàn trên bề mặt Mặt trăng. Được trang bị các thiết bị khoa học và truyền thông, tàu vũ trụ nhỏ đã chụp ảnh toàn cảnh bề mặt Mặt trăng.


Nguồn: For All Moonkind - Moon Registry

Vào ngày 20/7/1969, Neil Armstrong và Edwin "Buzz" Aldrin đặt chân xuống Biển Lặng (Sea of Tranquility) của Mặt trăng bằng tàu đổ bộ Eagle trong chuyến du hành mặt trăng Apollo 11.


Nguồn: NASA History Division

Tiếp sau đó là liên tiếp những cuộc đổ bộ lên mặt trăng thuộc sứ mệnh Apollo của Mỹ. Lúc này, Mặt trăng xem như đã được con người chinh phục (nhưng chưa khám phá hết). Tàu Luna-24 phóng lên cung trăng vào năm 1976 là chuyến du hành cung trăng không người lái cuối cùng, mãi cho đến thế kỷ sau (8).


Đến năm 2009, Tàu Trinh sát Quỹ đạo Mặt trăng đã chụp được bản đồ bề mặt mặt trăng có độ phân giải cao (9).


Nguồn: NASA/GSFC/Đại học bang Arizona

Vào tháng 1/2019, tàu đổ bộ Yutu-2 của Trung Quốc đã tạo nên lịch sử là thiết bị phóng đầu tiên chạm đến bờ xa (farside) của Mặt Trăng (10).


Nguồn: CNSA

Bên cạnh đó, sau thất bại của tàu Chandrayaan-2 hồi năm 2017 thì vào ngày 14/7/2023, tên lửa Chandrayaan-3 của Ấn Độ đã được phóng thành công lên Mặt trăng. Vào ngày 23/8/2023, tàu đổ bộ Vikram đáp thành công lên Mặt trăng và bắt đầu sứ mệnh do thám vệ tinh của Trái đất.


Một trong những tấm ảnh đầu tiên mà tàu đổ bộ Vikram của Ấn Độ gửi về sau ngày đổ bộ. Nguồn: ISRO

Dự án Artemis: Tham vọng đưa con người trở lại cung trăng của NASA


Nguồn: NASA

NASA đang lên kế hoạch trở lại Mặt Trăng đầy tham vọng của riêng mình. Chương trình Artemis của cơ quan này, một chương trình kế thừa của dự án Apollo, nhằm mục đích đưa người phụ nữ đầu tiên lên mặt trăng vào năm 2024. Xương sống của Artemis là tàu vũ trụ Orion của NASA, hiện đang được phát triển và hợp tác với các công ty tư nhân.


Nếu dự án Artemis diễn ra suôn sẻ, thì viễn cảnh du lịch cung trăng không còn trong trí tưởng tượng nữa.


Nhưng khi chưa thể lên cung trăng được thì nhân dịp Trung thu trăng tròn, chúng ta hãy thưởng trăng thôi.


Bên cạnh đó, nếu ngắm trăng không là chưa đủ, chúng ta có thể tham khảo một số sản phẩm giải trí sau:


- Phim ảnh:

  • Phim hoạt hình Despicable Me (2010) với tên tiếng Việt là Kẻ cắp Mặt trăng. Từ thành công của bộ phim về nhân vật có tham vọng cướp Mặt trăng này, hãng Illumination Entertainment đã tiếp tục sản xuất cả một series hoạt hình ăn khách với những chú minion màu vàng vui nhộn.

  • Phần ba thuộc series Transformers mang tên Transformers: Dark of the Moon (2011) với tên tiếng Việt là Robot Đại Chiến: Vùng Tối Của Mặt Trăng. Đây là một bộ phim hành động giải trí rất phù hợp cho một tối cuối tuần.

  • Bộ phim của đài TVB mang tên Gia Hảo Nguyệt Viên (2008) với nội dung về một đại gia đình bán bánh trung thu, chính là lựa chọn đáng cân nhắc trong mùa trăng rằm tháng tám.


- Âm nhạc:

  • Fly me to the Moon được trình bày bởi Kaye Ballard (1954) và Frand Sinatra (1964)

  • To the Moon & Back của Savage Garden (1997)

  • Talking to the Moon của Bruno Mars (2010)

  • Bản Sonata Ánh trăng của Ludwig van Beethoven (1801)



Comments


bottom of page