top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảJason Aquila

Màu sắc ảnh hưởng tâm lý trẻ em như thế nào?

Lý thuyết về ảnh hưởng của màu sắc đến tâm lý và hành vi của con người là đề tài nhận được rất nhiều quan tâm nghiên cứu. Chúng ta có thể tìm thấy vô vàn tài liệu được xuất bản từ thập niên 1800 đến nay.



Cơ bản về lý thuyết màu sắc


Nhìn chung, lý thuyết màu sắc đều cho rằng tâm lý con người có thể bị tác động bởi chúng. Các nghiên cứu thường kết luận chúng ta sẽ trải nghiệm cảm xúc tích cực như vui, bình yên, và thanh thản khi tiếp xúc những gam màu sáng, bao gồm màu vàng, xanh dương, xanh lá cây, cam, và màu hồng. Khi con người mang cảm xúc tiêu cực như buồn, lo lắng, hoặc chán nản thì việc tiếp xúc những gam màu sáng có thể giúp họ quay về tâm trạng vui hơn, bình tĩnh hơn, có động lực hơn và ổn định hơn (1) (2).


Để chứng minh lý thuyết này, một nghiên cứu chỉ ra rằng nếu trẻ em rơi vào trạng thái lo âu trước khi gặp bác sĩ nha khoa thì việc tiếp xúc màu xanh dương và màu hồng sẽ khiến bé bình tĩnh hơn. Do đó, chuyên gia khuyên rằng phòng khám nha khoa trẻ em nên sử dụng tường có màu xanh và màu hồng (3).



Ngược lại, lý thuyết màu sắc luận chứng rằng con người có thể trải nghiệm những "cảm xúc tiêu cực" khi tiếp xúc màu tối như đen, xám, và nâu. Giả sử, nếu bên trong chúng ta đang chất chứa nỗi buồn thì việc nhìn tone màu tối có khả năng khiến ta buồn hơn.


Tuy nhiên, cũng có những màu kích hoạt cả hai thái cực cảm xúc của con người. Chẳng hạn, màu đỏ có thể vừa mang đến cảm xúc yêu thương và giận hờn, can đảm và sợ hãi, đam mê và chán nản, hưng phấn và mệt mỏi.


Vì sao màu sắc có khả năng ảnh hưởng đến cảm xúc?


Để hiểu rõ nguyên nhân xuất hiện mối tương quan giữa màu và cảm xúc, những nghiên cứu chuyên sâu không chỉ dừng lại ở việc xác định màu gì tạo cảm giác gì mà còn đào sâu lý do vì sao màu sắc và cảm xúc của trẻ lại có sự liên kết.


Một nghiên cứu tâm lý trẻ em tại trường California State University cho thấy tác động của màu sắc lên cảm xúc có thể xuất phát từ ký ức vui hay buồn. Khi hỏi một bé gái lý do vì sao màu vàng mang đến cảm xúc buồn (trái ngược với đa số trẻ em thấy màu vàng mang đến niềm vui), cô bé trả lời: "Vì mẹ nói con mặc áo màu vàng không đẹp!" (4) Sau đó, một bé gái khác chia sẻ: "Màu đỏ khiến con buồn vì mỗi khi nhìn nó, con lại nhớ đến hình ảnh đổ máu của Chúa Giê-su khi ngài bị đóng đinh trên cây thánh giá." (5) Liên quan đến cảm xúc tích cực, một vài bé trai đưa ra câu trả lời khác với phần lớn đứa trẻ khác, chẳng hạn: "Màu đen gợi cảm giác hưng phấn vì con thường mặc quần áo màu đen khi học môn võ karate." (6)


Nghiên cứu trên cũng cho thấy màu sắc ảnh hưởng đến cảm xúc vì có sự tác động từ việc "giới tính hóa màu sắc" xuất phát từ văn hóa và tập quán đặc thù.

Khi được hỏi vì sao màu nâu gợi cảm xúc buồn, một bé gái tham gia cuộc nghiên cứu trả lời: "Vì bố mẹ con bảo rằng con gái không được mặc quần áo màu nâu." (7) Câu trả lời này cho thấy một mâu thuẫn như sau: cô bé chưa từng nghĩ màu nâu mang lại cảm giác buồn cho đến khi bố mẹ "nam hóa" màu nâu và cũng có thể trong lần đầu tiên chọn quần áo màu nâu, những suy nghĩ tích cực của cô bé về vẻ đẹp của sắc màu này đã bị dập tắt bởi ý kiến của cha mẹ.


Màu sắc mà cha mẹ sử dụng trong căn nhà có thể ảnh hưởng lên tâm lý của trẻ.

Quá trình trẻ em phát triển ý nghĩ liên kết màu sắc với cảm xúc được hình thành qua thời gian và chủ yếu bị chi phối bởi sự lựa chọn màu sắc của cha mẹ ngay sau khi em bé chào đời, màu sắc mà cha mẹ sử dụng trong căn nhà, hoặc màu sắc được sử dụng trên truyền hình và trong những hoạt động cộng đồng khác...


Để trẻ em tự do phát huy tính sáng tạo và quan điểm về cái đẹp, cha mẹ không nên áp đặt những quy định về cách sử dụng màu sắc, ví dụ không nên nói rằng con trai không mặc áo màu tím hoặc con gái không mặc áo màu đen.


Quan điểm của người lớn về màu sắc có thể hoàn toàn khác với trẻ nhỏ. Vì thế, việc áp đặt con phải chấp nhận lựa chọn của cha mẹ thường mang đến ký ức buồn, từ đó khiến trẻ dễ nảy sinh ý nghĩ liên kết màu sắc với cảm xúc tiêu cực.

Comments


bottom of page