top of page
Tìm kiếm

Micro-cheating: Chuyện bé mà "xé" toang chuyện tình

Những hành động nhỏ nhưng có thể phá huỷ một mối quan hệ - đó có thể là những hành vi micro-cheating. Trong một mối quan hệ, bất cứ khi nào bạn cảm thấy "không ổn" với hành động của bản thân hay của đối phương, hãy xem đó có phải là hành vi micro-cheating không nhé.



Mời độc giả học thêm các bài viết thuộc chủ đề này, đã được đăng tải trên LeLa Journal như sau: Dopamine liên quan gì đến chuyện "ngoại tình là bản năng, chung tình là bản lĩnh"?



Micro cheating là gì?


Khi bạn thấy người yêu đang hôn môi người khác thì hành vi đó rõ ràng là ngoại tình. Nhưng trong trường hợp mà người yêu của bạn chỉ đang nhắn tin với đồng nghiệp về những chuyện ngoài công việc, thật khó để nói rằng đó là một sự bội ước/bội tín trong tình yêu. Thế là từ đó, định nghĩa micro-cheating ra đời.

Nhà tâm lý học và cố vấn người Úc, Melanie Schilling trong một buổi nói chuyện với FEMAIL đã định nghĩa "micro-cheating" (tạm dịch là: sự bội ước tinh vi) là những chuỗi hành động mà trông có vẻ nhỏ và bình thường, nhưng lại cho thấy đối phương đang để ý tới một người khác, về mặt cảm xúc hoặc tình dục, mặc dù đang trong một mối quan hệ (1). Xét theo các màu cờ trong mối quan hệ, micro-cheating là biểu hiện của việc chiếc cờ xanh dương (blue flag) đang "bay phấp phới".


Một số ý kiến cho rằng micro-cheating là một "phạm trù ngoại tình" bao gồm các hành vi tán tỉnh trực tuyến, từ việc đăng biểu tượng cảm xúc hình trái tim lên một bức ảnh, đến nhắn tin riêng tư với người yêu cũ (2).


Trên thực tế, ranh giới giữa hai điều trên rất khó được phân định, nó cũng tùy thuộc vào nhận thức của mỗi cá nhân. Theo nhà trị liệu cho các cặp vợ chồng có trụ sở tại Maryland, Lindsey Hoskins, micro-cheating được xem là "một chuỗi hành vi đứng giữa lằn ranh của sự chung thuỷ và không chung thuỷ" (3).


Hoskins cũng cho rằng gần như là không thể định nghĩa rõ ràng xem đâu là hành vi micro-cheating, bởi lằn ranh này của mỗi người là khác nhau và ngay trong mỗi mối quan hệ cũng khác nhau (3).

Rachel Sussman, chuyên gia về mối quan hệ, nhà trị liệu tâm lý thực hành và tác giả của cuốn Thánh kinh Chia tay (The Breakup Bible) chia sẻ rằng: "Điều tôi được nghe nhiều nhất là 'Tôi không được thoả mãn trong hôn nhân này'. Điều này có nghĩa là cả hai người đều cảm thấy họ không thể kết nối cảm xúc - thứ mà họ tìm kiếm ở người bạn đời" (4).


Nếu xét về bản chất thì micro-cheating có thể không đến mức đáng lo ngại. Nó chỉ đáng lo ngại khi đối phương vượt qua lằn ranh mà chúng ta đã nhắc tới ở trên. Jayson Dibble, Phó Giáo sư Truyền thông tại Cao đẳng Hope chia sẻ rằng: "Cuối cùng thì bản chất của con người cũng chỉ muốn tìm một nửa kia tiềm năng. Rất khó để không chú ý đến những người hấp dẫn ngoài kia, khi điều đó đã thuộc về bản năng con người" (5).


Phó Giáo sư Dibble cũng chia sẻ việc tán tỉnh nhiều người khi đang trong mối quan hệ có thể vô hại. Có thể người đó chỉ muốn thỏa mãn cái tôi cá nhân hoặc muốn tìm sự kích thích hơn là thực sự quan tâm đến đối phương. Thậm chí, các nghiên cứu nhiều lần còn chứng minh được rằng ngay cả khi người ta quan hệ tình dục, họ cũng có thể tưởng tượng ra những người khác ngoài người bạn đời của họ (5).


Một số nguyên nhân khác có thể dẫn đến micro-cheating là vấn đề về mặt cảm xúc. Dường như các vấn đề tình cảm ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại. Điều đó ít nhiều tới từ sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số và phương tiện truyền thông xã hội (6).


Công nghệ ngày nay thậm chí còn hỗ trợ việc chúng ta giữ liên lạc với người yêu cũ hoặc có những cuộc trò chuyện đêm khuya vượt quá giới hạn mà không cần gặp mặt thực tế (6).

Nghiên cứu của Phó Giáo sư Dibble thậm chí còn cho thấy rằng trong các mối quan hệ, những người giữ liên lạc và giao tiếp với "người thứ ba" – những người bạn tình tiềm năng trong tương lai – có thể không làm tổn hại đến mối quan hệ của họ. Thậm chí, những người đang yêu có thể tiếp tục giữ được sự cam kết trong mối quan hệ bền chặt, mà vẫn liên lạc với "người dự phòng" ngoài mối quan hệ (7).


Những hành động được gọi là micro-cheating


Một nghiên cứu năm 2015, được công bố trên Tạp chí Trị liệu Tình dục và Hôn nhân, đã dựa trên các cuộc phỏng vấn với bảy chuyên gia tư vấn cho các cặp vợ chồng tại Anh Quốc. Kết quả đã phát hiện ra rằng bất cứ điều gì, từ nhắn tin gạ gẫm cho đến nói dối để được quan hệ tình dục, đều có thể bị coi là lừa dối, tùy thuộc vào thái độ của mỗi người.


Cuối cùng, các tác giả kết luận rằng con người chúng ta đưa ra rất nhiều định nghĩa mâu thuẫn lẫn nhau về khái niệm "chung thuỷ" (8).


Dưới đây chỉ là một số hành vi đã được nhiều chuyên gia đánh giá là biểu hiện của micro-cheating. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng những điều này có thể không hoàn toàn phù hợp với quan điểm của tất cả mọi người. Cụ thể như sau:

  • Hành vi tán tỉnh: Tham gia vào các cuộc trò chuyện chứa đầy "ẩn ý", giao tiếp bằng mắt hoặc ngôn ngữ cơ thể với những người khác...

  • Khen ngợi và tặng quà: Trong trường hợp đây là những hành vi mà nửa kia ít thực hiện với người ngoài, bạn nên cẩn trọng với điều này.

  • Chia sẻ mang tính riêng tư và thân mật: Những việc rất nhỏ nhặt như chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ, mong muốn với một ai đó mà không phải người tình đều cho thấy đối phương đang không có sự kết nối cảm xúc trong mối quan hệ này.

  • Tiếp xúc vật lý

  • Ăn mặc khác lạ khi gặp người thứ ba

  • Tương tác mờ ám bằng mạng xã hội: Gửi tin nhắn văn bản mơ hồ hoặc tham gia vào các tương tác truyền thông xã hội như like hoặc bình luận về bài đăng của ai đó.


Việc micro-cheating trên mạng xã hội đã thể hiện đúng tính chất "tinh vi" của dạng phản bội này. Chỉ thông qua hành động thả một emoji, bạn rất khó nhận ra đối phương đang có hành vi micro-cheating. Một số biểu hiện của việc micro-cheating trên mạng xã hội có thể bao gồm việc thả tim những tấm ảnh cũ, dùng những ký hiệu mờ ám, giữ liên lạc với người yêu cũ, thường xuyên đăng những tấm ảnh gợi cảm hoặc nội dung "mập mờ" chuyện nhung nhớ, vẫn còn giữ những app hẹn hò...



Cứu vãn cuộc tình thế nào khi người ấy đã có những "biểu hiện"?


Các chuyên gia trong lĩnh vực tình yêu điều cho rằng khi bạn phát hiện những dấu hiệu của micro-cheating, hãy thẳng thắn nói chuyện với đối phương.


Nhà trị liệu Lindsey Hoskins cho rằng: "Nếu bạn là người có hành vi micro-cheating, hãy trung thực, cố gắng lắng nghe một cách khách quan những lo lắng của đối phương và xem xét để có thể suy nghĩ chín chắn hơn trong tương lai" (3).


Cả hai có thể cùng ngồi lại và bàn bạc về những vấn đề quan trọng, ví dụ như phân tích lý do tại sao micro-cheating lại xảy ra ngay từ đầu rồi cùng nhau khắc phục điều thiếu sót. Chúng ta có thể sử dụng một số câu mở đầu như "Anh/em thấy điều đó hấp dẫn ở chỗ nào?" hay "Anh/em có cảm giác gì khi thực hiện điều đó?", "Nếu đó là nhu cầu chưa được đáp ứng trong mối quan hệ của chúng ta, liệu chúng ta có thể làm gì?", "Chúng ta có thể thêm cảm giác, thêm sự nhiệt tình đó vào mối quan hệ của chúng ta không?"


Điều quan trọng là thiết lập ranh giới của mối quan hệ này. Hãy đồng ý đâu là hành vi chấp nhận được và ngược lại.

Tuy nhiên, micro-cheating không hoàn toàn là dấu mốc cho thấy mối quan hệ của bạn đã kết thúc. Claudia de Llano, một nhà trị liệu hôn nhân và gia đình và là tác giả của cuốn sách Bảy định mệnh của tình yêu, cho rằng điều này có nghĩa là người trong cuộc cần giữ trách nhiệm, bù đắp và cố gắng kết nối lại với nhau (9).



Comments


bottom of page