top of page
Tìm kiếm

"Liking gap": Nỗi lo đằng sau sự tự ti không được ai yêu mến

"Độ chênh lệch của lòng yêu mến" hay "lỗ hổng cảm tình" (liking gap) là khi bạn tự ti trong cuộc trò chuyện vì lo ngại đối phương không thích mình, đang phán xét mình, thầm chỉ trích mình... Vậy ảnh hưởng của nó lớn tới đâu và bạn có thể làm gì để thu hẹp khoảng lệch này?



"Liking gap" là gì?


"Độ chênh lệch của lòng yêu mến" (liking gap) là một ảo tưởng của chúng ta về việc mọi người đánh giá thấp (theo cách có hệ thống) về mức độ mà người đối thoại yêu mến chúng ta cũng như tận hưởng thời gian, trải nghiệm cùng nhau (1).


Hay nói cách khác, "liking gap" có thể được hiểu là "khoảng cách cảm tình" hoặc "lỗ hổng của lòng yêu mến", khi chúng ta có một "điểm mù" và bị "hổng" kiến thức về cách người khác nhìn nhận về mình, trong trường hợp là họ yêu mến ta nhưng ta lại nghĩ là họ... "hổng" yêu mến chút nào.

Giao tiếp là phương thức tương tác và trao đổi thông tin cơ bản trong một đời sống xã hội. Tuy nhiên, trò chuyện với những người mới quen nhiều khi lại là một thách thức không nhỏ, nhất là với những người không dễ cởi mở hay không sẵn sàng trải nghiệm. Phải trò chuyện với người lạ, những khó khăn và thắc mắc lớn của chúng ta thường là: "Liệu người ta thực sự nghĩ về mình?", "Họ có thích nói chuyện với mình và thích tới đâu?", "Có muốn tiếp tục tương tác hay không?", "Họ còn muốn nói chuyện thêm trong tương lai?"...


Trong các nghiên cứu về liking gap, tiêu biểu nhất là nhóm nguyên cứu được đứng đầu bởi Tiến sĩ Erica J. Boothby thuộc Khoa Tâm lý, Trường Đại học Cornell (Hoa Kỳ). Ảo tưởng về độ chênh của lòng yêu mến có thể liên quan tới các chủ đề phổ biến trong Tâm lý học Xã hội, như là tương tác liên cá nhân, nhận thức xã hội, tương tác xã hội...


Điều này có nghĩa là ảo tưởng này gần như luôn xuất hiện khi chúng ta tương tác xã hội với người khác và trong những cuộc trò chuyện đó, người đối diện thường yêu mến chúng ta nhiều hơn những gì ta nhận thấy.

Câu hỏi mà nhiều người đặt ra, bao gồm chính các nhà nghiên cứu, là tại sao lại có ảo tưởng này?



Tại sao lòng yêu mến lại bị "chênh" và ảnh hưởng của nó là gì?


Có tới 3 lý do đằng sau ảo tưởng về độ chênh của tình cảm (1). Đầu tiên, chúng ta cũng giống như những "nhà phê bình nội tâm" gay gắt. Điều này vừa giúp bản thân chúng ta phát triển nhưng cũng vừa ngăn ta nhận ra sự tích cực ở mình và cách người khác đón nhận, đánh giá mình. Thứ hai, chúng ta đòi hỏi bản thân phải đạt được chuẩn mực cao hơn người khác. Cuối cùng, chúng ta đang đánh giá quá cao mức độ thể hiện cảm xúc của mình ở nơi công cộng - chính xác hơn là trong khi nói chuyện xã giao.



Ảo tưởng này có thể phát sinh sau các cuộc trò chuyện giữa các nhóm nhỏ, tiếp tục tồn tại trong các nhóm cùng làm việc trong một dự án và có thể liên quan đến khả năng phối hợp cùng nhau của các nhóm người trưởng thành đang đi làm (2).


Độ chênh dường như "phát triển" lớn nhất trong các mối quan hệ cùng trang lứa (chẳng hạn như bạn cùng học hoặc người cùng làm). Nguyên nhân chính của điều này tới từ việc con người thường quá tập trung vào hai khía cạnh, gồm: ấn tượng tích cực mà người cùng trang lứa tạo dựng trong tương tác, song song với đó là ấn tượng tiêu cực mà bản thân tạo dựng.


Khi quá tập trung vào hai khía cạnh này, chúng ta có xu hướng bỏ qua các thông tin về sự tiêu cực của người khác hay sự tích cực của mình, tạo nên sự tương phản trong nhận định của ta.

Ảo tưởng về "độ lệch" này có thể tác động đáng kể đến cách nhân viên hình thành các mối quan hệ, tác phong làm việc nhóm, cảm nhận của nhân viên về công việc và nơi làm việc...



Bên cạnh đó, con người là những sinh vật xã hội (social beings). Chúng ta không chỉ muốn dành thời gian cho nhau mà còn muốn được người khác yêu thích, bắt nguồn từ nhu cầu cơ bản là được tham gia vào một cộng đồng bất kỳ.


Tuy nhiên, mối quan tâm quá lớn của chúng ta với sự đánh giá của người khác về mình, kết hợp với ảo tưởng rằng người khác không thích mình, có thể làm hỏng các mối quan hệ từ trước khi chúng thực sự bắt đầu. Vì vậy, sự chênh lệch này sẽ dẫn tới sự tự ti và tệ hơn là cảm giác luôn muốn rút lui khỏi tương tác xã hội (3).


Để tránh được những ảnh hưởng này, chúng ta có thể tương tác và trao đổi rõ ràng hơn để xóa "điểm mù" và sau đó là "đập bỏ" ảo tưởng rằng người khác không yêu mến mình.



Nhà tâm lý học xã hội Zick Rubin đã đề xuất thang đo lòng yêu mến (liking scale) để đo lường mức độ mà một người bị hấp dẫn bởi một người khác, thường có liên quan tới khả năng sẵn lòng cùng dành thời gian, cũng như việc đánh giá cao các đặc điểm tính cách. Thang đo này đã được giới thiệu lần đầu vào năm 1970. Song song với đó là thang đo tình yêu, cũng được giới thiệu bởi Rubin (4), (5).


Tuy hai thang đo về lòng yêu mến và tình yêu này có nhiều điểm tương đồng và thậm chí là mối tương quan thuận chiều, nhưng chúng ta cũng có thể tham khảo các câu hỏi từ các thang đo để kiểm chứng xem suy nghĩ của chúng ta về sự thù ghét của đồng nghiệp, bạn bè... là thật hay chỉ là ảo tưởng, từ đó thu hẹp độ chênh về lòng yêu mến.

Comments


bottom of page