top of page
Tìm kiếm

Chia tay cũng giống... cai nghiện: 6 bước để cai thành công

Có lẽ ai trong chúng ta cũng đều có lúc tan nát cõi lòng. Khi một người kết thúc một mối quan hệ tình cảm, đặc biệt là khi đã trải qua nhiều kỷ niệm và cảm xúc, việc đối diện với khoảng thời gian hậu chia tay cũng tương tự như việc cai nghiện, theo đúng nghĩa đen mà khoa học đã chứng minh được. Nếu vậy, làm sao để chúng ta có thể cai nghiện thành công đây?



Mối tương đồng giữa cơn nghiện và chuyện chia tay


Có thể nói rằng não bộ con người về cơ bản là "nghiện" tình yêu, và việc đột ngột bị cắt đứt khỏi nguồn vui thú và thoải mái có thể giống như cai nghiện một chất kích thích, tương tự như nicotine hoặc cocaine (1).


Khi chia tay, bạn có thể trải qua một cảm giác sự thiếu hụt và khao khát về người kia. Bạn có thể cảm thấy nhớ về những khoảnh khắc tốt đẹp và cảm xúc đã chia sẻ với nhau. Có thể sau khi chia tay, bạn cần tìm kiếm sự thay thế cho mối quan hệ đã kết thúc, tương tự như việc người nghiện thường tìm kiếm thay thế cho chất gây nghiện.


Có thể nói rằng chúng ta không hoàn toàn nghiện tình yêu, nhưng nhìn vào "triệu chứng" thì cũng gần như vậy (2), tức là tình yêu có thể được xem như một... chất gây nghiện mà thiếu đi thì chúng ta dễ đau lòng (3).


Các nghiên cứu sử dụng MRI chức năng hoặc quét não của những người thất tình đã cho thấy các vùng não được kích hoạt của họ phản ứng giống như những vùng não được kích hoạt trong quá trình cai nghiện (4), (5). Tương tự như khi cai nghiện, giai đoạn sau chia tay có thể gây ra các triệu chứng vật lý và tâm lý như mất ngủ, mất cân bằng cảm xúc, lo lắng, căng thẳng và thậm chí khiến trạng thái tinh thần lẫn thể chất suy kiệt (6).


Bên cạnh đó, việc cắt đứt mối quan hệ cũng đòi hỏi năng lượng và ý chí mạnh mẽ. Bởi việc duy trì quyết tâm để không liên lạc với người cũ, đôi lúc, khá khó khăn. Bạn có thể trải qua các cảm xúc bất ổn, dao động giữa tình trạng vui vẻ, hạnh phúc và cảm giác trống rỗng, buồn bã. Sau một thời gian, bạn bắt đầu giai đoạn hồi phục, thích nghi với cuộc sống mới mà không có người kia, đồng thời tập trung vào bản thân. Lúc này, dần hồi phục về mọi mặt một cách ổn định, từ đó duy trì một cuộc sống trọn vẹn khi phải đối diện với nỗi đau (7).



6 bước để... cai nghiện thành công


Các nhà nghiên cứu đã gợi ý nhiều cách đối phó với việc "cai nghiện" hậu chia tay, dù là một mối tình hay một cuộc hôn nhân (6), (8), (9), gồm 6 bước đã được LeLa Journal tổng hợp như sau:


1. Đừng quá kìm nén nỗi đau mà hãy dần chấp nhận nó. Hãy thử coi cuộc chia tay như một cơ hội để được phát triển cá nhân nhiều hơn nữa, từ đó có cơ hội phát triển thêm các mối quan hệ tích cực trong tương lai. Để thực hiện bước này, chúng ta có thể thử thiền tập.


2. Bên cạnh đó, hãy tận dụng những điểm mạnh và nguồn lực sẵn có của bạn để "đối phó" với chuyện chia tay.


Chẳng hạn, công việc của bạn liên quan tới việc cập nhật và đánh giá các sự kiện văn hóa, giải trí hằng tuần. Khi vừa chia tay, hãy tranh thủ thời gian trống để tham gia các sự kiện mà bạn cảm thấy hữu ích và thú vị.


3. Tuy nhiên, đừng kỳ vọng rằng mọi thứ bạn làm sẽ lập tức "có kết quả", nghĩa là không đặt ra kỳ vọng quá lớn rằng mọi việc bạn làm sẽ khiến bạn vui lên. Ở phần này, chúng ta hãy quay về với bước đầu tiên nhé.


4. Loại bỏ "chất gây nghiện", nói cách khác là luôn nhớ rằng bạn không việc gì phải "nhốt" mình vào một chiếc lồng khóa kín hoặc dậm chân mãi trên một lối mòn.


Thay vì "nghiện" mối tình cũ thì chúng ta có thể để dành cho... mối tình "happy ending" kế tiếp rồi "nghiện" một đời luôn cũng được.


5. Khi đã quyết định rằng mình phải hướng tới tương lai và cụ thể là một mối tình mới, hãy cẩn trọng với các quyết định của bạn. Không chỉ như vậy, đừng vội vàng ra quyết định trong thời gian này nếu bạn chưa đủ "tỉnh táo" để cân nhắc nó.


Chẳng hạn, đừng vội chuyển chỗ sang một thành phố mới ngay lập tức chỉ vì bạn vừa thất tình. Hãy dành thời gian tìm việc làm, tìm chỗ ở, liên lạc với bạn bè ở thành phố đó trước đã.

6. Hãy cẩn thận để không sa vào những cái bẫy như là đổ lỗi cho bản thân, nghi ngờ bản thân... Tất nhiên, khi bạn buồn và ngồi xuống để phản tư, bạn sẽ có xu hướng tìm ra những điểm chưa tốt ở bản thân, nhưng đừng "sa lầy" vào đó nhé.





Opmerkingen


bottom of page