top of page
Tìm kiếm

"Minimalism": Chủ nghĩa tối giản thời bão giá

Tiếp nối bài viết trước về lối sống "zero waste", LeLa Journal giới thiệu một góc nhìn khác về lối sống tối giản (minimal lifestyle) - phong cách sống hạn chế tối đa sự xuất hiện của hầu hết vật dụng. Thay vào đó, chúng ta lựa chọn sử dụng đồ vật hoặc thiết bị đa năng, tiết kiệm hoặc tối ưu hóa diện tích và chỗ chứa, thân thiện với môi trường (1). Lối sống này gắn với chủ nghĩa tối giản (minimalism) – một thái cực đối lập của chủ nghĩa trọng vật chất (materialism) vốn đã "ăn sâu bám rễ" trong tư duy của người tiêu dùng thời kinh tế hàng hóa lên ngôi.



Phong cách sống tối giản: Khi "bớt đi" chính là "thêm dư dả"


"Tối giản" vốn đã là một trào lưu, trường phái nghệ thuật. Để được đánh giá là mang tính tối giản, đồ vật, tác phẩm cần có hình thức đẹp, có sự hòa hợp với không gian, màu sắc đơn giản, hữu dụng... (2), (3), (4). Nhưng cũng cần lưu ý rằng đây không phải những công thức cố định. Các phong cách tối giản cũng có đôi chút phá cách, như là thiết kế Scandinavia thường được so sánh, xếp chung vào nhóm phong cách tối giản, cũng "cho phép" ngôi nhà của bạn có một vài món đồ nổi bật như điểm nhấn (5).



Nhật Bản là cái tên hàng đầu trong danh sách những quốc gia phát huy lối sống tối giản.

Điều đáng nói là Nhật Bản là quốc gia có mức giá bất động sản ở các thành phố lớn như Tokyo và Osaka cao hàng đầu châu Á và thế giới. Người dân tại xứ sở hoa anh đào từ lâu đã quen với việc "tinh giản" không gian sống của mình thông qua các hình thức "danshari", tức là điều chỉnh lối sống, lược bỏ những đồ vật và chi tiết mà họ cho là không cần thiết trong khi bài trí phòng ốc. Từ đó, họ trân trọng sự giản đơn, với khái niệm "shibumi", tức là "vẻ đẹp giản dị, không phô trương" (6), (7).


Chúng ta có thể kể tới một số "influencer" Nhật Bản nổi tiếng với phong cách sống tối giản (minimalist) là Marie Kondo với sự nghiệp "dọn dẹp" và đã có những series thành công trên Netflix mang tên Dọn nhà cùng Marie Kondo (2019) và Marie Kondo: Thắp lên niềm vui (2021) (8), (9). Bên cạnh đó, còn có cả biên tập viên Sakaki Fumio với cuốn sách Lối sống tối giản của người Nhật (2017) (10). Từ đó, chúng ta có thể thấy rõ sự lan rộng của lối sống tối giản trên toàn thế giới. Những video và bài viết chia sẻ của các minimalist đã và đang truyền cảm hứng để nhiều người trẻ noi theo, hướng đến một phong cách sống bền vững mang dấu ấn "less is more", tạm dịch là "bớt lại chính là dư ra" (11), (12).


Vậy lối sống tối giản thực sự "quyền năng" tới mức nào trong thời đại này?



Sống tối giản giữa thời bão giá: Lối sống thân thiện với… túi tiền và tinh thần


Năm 2019 tới nay là giai đoạn thách thức tài chính của thế hệ Millennials-Gen Y và Gen Z – hai nhóm làm nên lực lượng lao động chủ chốt trong xã hội. COVID-19 và suy thoái kinh tế đã khiến chúng ta "lâm vào cảnh" mức lạm phát cao, vật giá leo thang... còn thu nhập bình quân thì gần như không tăng.


Trong hoàn cảnh này, nhiều người đã chuyển sang thắt chặt chi tiêu bằng cách thực hành lối sống tối giản.

Các nghiên cứu và khảo sát đã chứng minh rằng: lối sống tối giản giúp tiết kiệm các khoản chi phí cho những mặt hàng không đóng góp nhiều lợi ích trong đời sống. Đồng thời, những người theo lối sống tối giản có xu hướng chi tiền thận trọng trong mức ngân sách cụ thể, nhằm tránh rơi vào cảnh "chi nhiều hơn thu" và giảm áp lực từ các khoản nợ thẻ tín dụng (13).



Ngay từ trước năm 2019, nhiều người cũng đã quan tâm tới chủ đề này. Một khảo sát do OnePoll tổ chức tại Hoa Kỳ vào năm 2018 đã cho thấy rằng trung bình mỗi tháng, mỗi người dân tại quốc gia này chi trung bình 1.497 đô la (hơn 36 triệu đồng) cho những khoản chi không cần thiết, tương đương với gần 18.000 đô la (hơn 400 triệu đồng) lãng phí mỗi năm (14).


Dễ nhận thấy rằng nếu thực hiện lối sống tối giản, mỗi người sẽ tiết kiệm được một khoản đáng kể để chi tiêu cho những thứ thiết thực hơn. Ví dụ, nếu thuê căn hộ một phòng ngủ thay vì căn hai phòng ngủ, chúng ta không chỉ giảm được chi phí thuê nhà, mà nhu cầu mua đồ nội thất để "lấp đầy" phòng cũng giảm xuống (15).


Hơn nữa, lối sống này cũng khiến không gian đỡ chật chội hơn, giúp tinh thần và tâm trạng của chúng ta được thoải mái hơn, cụ thể là hạnh phúc và an lạc hơn (16), (17), (18) và đặc biệt là giảm chứng u uất, trầm cảm (19).

Từ đó, chúng ta cũng có thời gian và tâm trạng để tập trung vào những thứ thực sự quan trọng với mình, hay như cách nói của Marie Kondo là để chúng ta được "spark joy", nghĩa là được thắp lên niềm vui, hạnh phúc...



Thực hành lối sống tối giản: Mách bạn 5 mẹo hiệu quả


Nhiều tấm gương theo đuổi phong cách sống "less is more" đã cho thấy việc sống tối giản không hề khó như chúng ta thường nghĩ. Điều quan trọng nhất là sự thay đổi trong nhận thức của người tiêu dùng về sự cần thiết của những đồ vật mình bỏ tiền ra mua.


LeLa Journal giới thiệu đến độc giả 5 mẹo dưới đây để bạn thực hành sống tối giản một cách vừa "lợi túi tiền" vừa "vui tinh thần" nhé.


1. Đánh giá tầm quan trọng của đồ vật: Thay vì mua cho thỏa thích, bạn hãy cân nhắc xem bản thân có thật sự cần những thứ mình muốn mua không. Hãy thử đặt ra câu hỏi "Nếu không mua món này thì cuộc sống mình của mình có bị ảnh hưởng gì không?" Khi câu trả lời của bạn là không, hoặc ảnh hưởng không đáng kể thì hãy tạm gác món đồ lại kệ đã.


Nhưng, tất nhiên, thi thoảng chúng ta vẫn nên có một số ngoại lệ để làm cuộc sống thêm hào hứng nhé.


2. Sử dụng những đồ vật có nhiều công năng hoặc có thể gấp gọn: Một đồ vật đóng nhiều vai trò trong căn nhà sẽ tiết kiệm không gian đáng kể. Một chiếc bàn dạng gấp có thể cố định vào tường, tủ đựng quần áo tích hợp tại gầm giường, nồi đa năng để chế biến thực phẩm theo nhiều kỹ thuật, hốc để đồ ẩn trong giường thay cho kệ... là những lựa chọn hay.


Bên cạnh đó, thực tế là cũng có nhiều người theo phong cách tối giản không ưa việc "ghép" chức năng này lắm, bởi cũng có một quan điểm phổ biến là "mọi thứ cần có chỗ của riêng nó". Với mục đích này, chúng ta có thể tập trung vào việc "giấu" đồ và làm rộng không gian, như là tủ âm tường, ghế có ngăn ẩn bên dưới, hoặc sản phẩm tùy chỉnh kích cỡ, như bàn ăn tám chỗ có thể gấp gọn còn bốn chỗ.


3. Lựa chọn những sản phẩm có tuổi thọ dài và thân thiện với môi trường: Do lối sống tối giản hướng đến sự bền vững trong sinh hoạt, bạn nên lưu ý mua những món đồ làm từ nguyên liệu xanh, có thể tái chế và có độ bền, dù giá thành thường cao hơn so với sản phẩm thông dụng.


4. Dành một khoảng thời gian nhất định trong tuần/tháng để sắp xếp đồ đạc: Công việc và gia đình thường "ngốn" kha khá thời gian của chúng ta. Hãy quy định một khung thời gian hằng tuần hoặc hằng tháng, tốt nhất là vào cuối tuần, để sàng lọc những món đồ không cần thiết và chuyển đổi mục đích sử dụng của chúng.


Bên cạnh đó, việc xếp gọn một vài đồ vật lại có thể giúp chúng ta gọn hơn nữa. Chẳng hạn, khi trên sàn quá nhiều đồ thì bạn khó có thể sử dụng robot hút bụi, nhưng chỉ cần cất gọn một vài món đi thì robot hút bụi có thể dễ dàng dọn dẹp sàn nhà cho bạn.


Việc làm này rất đúng với tinh thần "less is more" mà chúng ta đang hướng tới.


5. Tặng lại những món đồ còn tốt cho người thực sự cần: Có những thứ bạn không còn cần nữa nhưng lại vô cùng thiết thực đối với cuộc sống của những người kém may mắn hơn... Hãy thử vệ sinh sạch sẽ, bọc kín, gấp gọn những món đồ còn giá trị để ủng hộ cho mọi người, như là sách cũ, quần áo cũ, thậm chí là đồ ăn còn hạn sử dụng... Ngoài ra, việc gửi các loại rác có thể tái chế được như vỏ nhựa, vỏ hộp sữa, giấy vụn... đến các cơ sở hoạt động bảo vệ môi trường và nhà máy xử lý rác thải theo công nghệ xanh cũng là một hoạt động giúp lối sống tối giản của bạn thêm phần hiệu quả.


Có thể nói là chiến thuật "cũ người mới ta" này chưa bao giờ lỗi thời, cũng giống như phong cách tối giản, sau bao nhiêu năm vẫn luôn là lối sống đáng để chúng ta theo đuổi.


Comments


bottom of page