top of page
Tìm kiếm

Múa cột (pole dance): Bộ môn thể thao không giới hạn


Uyển chuyển, nóng bỏng và quyến rũ là những cụm từ thường thấy khi nhắc đến vũ công múa cột. Múa cột không hẳn là múa hay xiếc. Người nghệ sĩ múa cột cần vận dụng đa dạng nhóm cơ như cơ bụng, cơ mông, cơ đùi, cơ cánh tay... với sự kết hợp đầy đủ kỹ năng của nhiều bộ môn như múa, nhào lộn, yoga...


Múa cột xuất phát từ đâu?


Keiko Takemoto, nhà vô địch thế giới ở hai hạng mục múa cột, là thành viên của Liên đoàn Mallakhamb Nhật Bản.

Múa cột (Pole dance) ngày nay là một biến thể được phát triển từ bộ môn Mallakhamb của Ấn Độ vốn dĩ ban đầu chỉ dành cho nam, sau đó chấp nhận thêm phái nữ.


Rajesh Amrale, một trong 7 đồng sáng lập trang Mallakhambindia, người lọt vào vòng chung kết Indas Got Talent mùa 1 và biểu diễn qua hơn 12 quốc gia, cho biết bộ môn nghệ thuật này đã tồn tại hơn 2 thế kỷ, tuy vẫn chưa có văn bản chính thức nào ghi chép lại chính xác nguồn gốc và thời điểm của nó (1).


Có 3 trường phái trong nghệ thuật biểu diễn Mallakhamb (2):


1. Mallakhamb cột: Vũ công sẽ biểu diễn trên một cột gỗ thẳng đứng, làm bằng gỗ Teak hoặc Sheesam được đặt cố định dưới đất. Cột được bôi dầu thầu dầu, giúp giảm ma sát quá mức khi cơ thể tiếp xúc với cột.


2. Mallakhamb treo: Cột gỗ được treo lên cao và không cố định dưới đất.


3. Mallakhamb dây: Vũ công biểu diễn trên một sợi dây treo từ trên cao.


Cuộc đấu tranh để được công nhận



Hầu hết mọi người thường đánh giá múa cột như thú vui giải trí được trả tiền ở những tụ điểm bar, club hoặc những nơi tế nhị khác. Tuy nhiên, cô Katie Coates, 41 tuổi, Chủ tịch của Liên đoàn Múa cột Thể thao Quốc tế (International Pole Sports Federation - IPSF) lại không nghĩ vậy.


Năm 2006, Katie Coates bắt đầu chiến dịch đưa bộ môn này vào Thế vận hội Olympic và thu hút 10.000 chữ ký. Sau 11 năm đấu tranh không mệt mỏi, Hiệp hội Liên đoàn Thể thao Quốc tế Toàn cầu (Global Association of International Sports Federations - GAISF) đã xác nhận múa cột là môn thể thao chuyên nghiệp và được xem xét đưa vào thi đấu ở các giải lớn trên toàn thế giới (3).


Ủy ban Olympic quốc tế cho rằng, Mallakhamb trông giống như một hình thức yoga hoặc thể dục dụng cụ, nhào lộn trên không với dụng cụ hỗ trợ là cây cột thẳng đứng. Tuy nhiên, về tính chất cốt lõi, Mallakhamb là hình thức tập luyện võ thuật cổ xưa của các đô vật và chiến binh cổ đại.


"Malla" theo nghĩa đen có nghĩa là "đấu vật" và "khamb" là "cột".

Môn thể thao này dần được biết đến nhiều hơn và lan rộng trên toàn cầu. Giải vô địch thế giới Mallakhamb lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2019 với hơn 150 vận động viên từ hơn 15 quốc gia đến Mumbai để tham gia (4).


Môn múa cột (Pole dance) ngày nay



Nhiều nơi trên thế giới đã biến thể bộ môn Mallakhamb thành múa cột hiện đại ngày nay. Bộ môn đặc trưng với những động tác uốn dẻo uyển chuyển đẹp mắt, những bộ trang phục ở trạng thái tối thiểu để tạo ma sát giữa cơ thể và cột, nhưng có sự đầu tư hơn về kiểu dáng và màu sắc.


Tuy nhiên, múa cột là bộ môn không hề dễ dàng. Nó đòi hỏi sự khổ luyện nghiêm túc, phối hợp nhịp nhàng giữa sức mạnh và sự dẻo dai của toàn bộ nhóm cơ bắp.

Không có con đường nào trải đầy hoa hồng, không có một người nghệ sĩ nào vốn dĩ dễ dàng thực hiện những động tác đáng kinh ngạc. Trên cơ thể họ, đôi khi vẫn còn đó những vết bầm tím và đầy chai sạn khi trải qua hàng trăm giờ khổ luyện vất vả.


Ngày nay, múa cột đã trở thành bộ môn phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới, không giới hạn tuổi tác, giới tính cũng như ngoại hình của người tham gia. Mục đích khi tham gia múa cột cũng rất đa dạng như luyện tập sức khỏe, giảm cân, hoặc đơn giản là đam mê. Sau khi đạt đến trình độ cao, học viên có thể trở thành huấn luyện viên, đi diễn, thi đấu giải hoặc đóng MV hay TVC quảng cáo…


Trò chuyện với giáo viên dạy múa cột Dương Hoàng Lan


LeLa Journal đã có buổi phỏng vấn với Dương Hoàng Lan - giáo viên dạy múa cột tại Dream Studio quận 3, Tp.HCM, người không chỉ đam mê múa cột, theo đuổi múa cột lâu bền mà còn muốn truyền lửa đến những người bạn đồng điệu.


Dương Hoàng Lan.

Chào Lan, bạn đã học múa cột từ khi nào và mất bao lâu để trở thành huấn luyện viên?


Mình bắt đầu học múa cột từ năm 2015 và trở thành huấn luyện viên vào năm 2019, tính đến nay đã theo đuổi bộ môn này gần 7 năm.


Môn múa cột có đòi hỏi người tham gia về ngoại hình, sức khỏe hay nền tảng rèn luyện nào trước đó?


Múa cột cũng giống như bất kỳ môn thể thao nào khác, mình nghĩ yêu cầu duy nhất chính là sự kiên trì. Còn tất cả những yếu tố khác đều có thể rèn luyện và cải thiện trong quá trình tập. Tất nhiên, những bạn đã có nền tảng tốt về mặt thể lực, độ dẻo dai, hoặc từng tiếp xúc với nhiều hoạt động thể thao khác thì sẽ có lợi thế và tập luyện nhanh hơn các bạn khác.


Đôi khi, ngoài luyện tập múa cột, nhiều bạn cũng sẽ yêu thích và tham gia thêm những bộ môn khác để bổ trợ như nhảy múa và yoga...


Một buổi tập thường diễn ra như thế nào?


Mình thường dành 15-20 phút để làm nóng cơ thể, ép dẻo, sau đó tập các động tác với cột. Tùy vào thể trạng, trình độ mỗi học viên mà mình có bài tập, kỹ thuật khác nhau cho phù hợp.


15-20 phút khởi động đầu tiên sẽ có 2 phần là làm nóng toàn thân và ép dẻo giãn cơ.


Làm nóng thường bắt đầu bằng những động tác như khởi động, xoay các khớp cơ (xoay cổ, cánh tay, cổ tay, hông, cổ chân, đầu gối...) cho tới vận động nhẹ toàn thân (chạy bước nhỏ, vừa nhảy vừa đánh tay lên xuống...).


Sau khi cơ thể đã nóng dần, mình chuyển qua phần giãn cơ như nghiêng lườn, ép dẻo lưng, xoạc ngang, dọc....). Đây là nền tảng cho những động tác múa.


Tiếp theo, với những người mới, mình cho các bạn làm quen với cột, những tư thế đơn giản ở vị trí thấp nhất, qua quá trình luyện tập sẽ nâng dần độ cao và kỹ thuật lên.


Mất bao lâu để chúng ta làm chủ được cột và những bài múa?


Điều này phụ thuộc rất nhiều vào nền tảng và cơ địa mỗi người. Bạn nào nhanh và có nền tảng tốt sẵn thì tầm 1-3 tháng, với người chậm thì mất nhiều thời gian hơn.

Mình sẽ lên giáo án phù hợp vào nền tảng, cơ địa, thể chất của từng người tập, không có một mẫu số chung nào cả vì 10 người tập luyện sẽ là 10 cơ thể, 10 sự khác nhau về cân nặng, thể chất, độ dẻo dai, thể lực và mục tiêu,...


Ví dụ: Một bạn có nền tảng tốt về thể lực và độ dẻo dai, từng tập yoga lâu năm thì trong buổi đầu đã có thể hoàn thành tốt một combo nối ghép nhiều động tác.


Còn một học viên chưa bao giờ tập luyện bất kỳ môn thể thao nào và có thể trạng nặng nề thì tuần đầu tiên sẽ chỉ là những bài tập làm quen, tiếp xúc với cột dưới mặt đất, tập cảm giác ở lực tay, khoá chân,...


Hoặc một bạn chưa tập gì nhưng cơ thể nhẹ nhàng thì buổi đầu sẽ có thể hoàn thành tốt 1-2 động tác cơ bản trên cột.


Nhiệm vụ của người giáo viên hướng dẫn là tìm ra được giáo án tốt nhất và phù hợp với nhu cầu, thể trạng của người tập.


Theo bạn, người tập múa cột thường gặp phải khó khăn nào?


Khó khăn đầu tiên có lẽ là định kiến về bộ môn này tại Việt Nam. Vào năm 2019, Hiệp hội Liên đoàn Thể thao Quốc tế đã công nhận múa cột là môn thể thao thuần tuý và đang xem xét để đưa bộ môn này vào thi đấu chính thức tại Olympics 2024. Ở thế giới là vậy nhưng tại Việt Nam, thẳng thắn mà nói, múa cột vẫn chưa được mọi người đón nhận với cùng quan điểm như trên. Thậm chí nhiều người xem múa cột là cái gì đó vô cùng phản cảm và không đứng đắn.


Khó khăn tiếp theo chính là bạn phải chịu đựng những cơn đau nhức, bầm tím trong thời gian đầu mới tập luyện.


Múa cột là môn thể thao mà người tập luyện cần thực hiện các kỹ thuật, động tác trên cột. Muốn làm được những điều đó, bắt buộc các bộ phận tiếp xúc với cột phải chịu một lực tác động rất lớn từ việc cầm, nắm, khoá, siết cột để duy trì động tác.

Thời gian đầu do chưa thành thạo nên người tập sẽ phải làm đi làm lại rất nhiều lần. Tập luyện nhiều gây ra đau nhức và tạo vết bầm tại các vị trí bộ phận tiếp xúc với cột, thường mất tầm 1-2 tuần để hết vết bầm (tuỳ cơ địa có thể lâu hoặc nhanh hơn). Sau này, khi đã tập luyện thành thạo động tác, bạn có thể làm một cách nhanh chóng dễ dàng và không còn bị bầm, tuy nhiên nó sẽ lại xuất hiện khi bạn tập một động tác mới.


Không phải ai cũng bị bầm người khi tập với cột, hoặc phải tập đến khi bầm tím cả người. Tuy nhiên, nếu không dồn hết công sức và chịu đựng vài cơn ê ẩm thì chắc khó có thể thành công với bộ môn này. Cũng như khi còn nhỏ, nếu không một lần chịu đau té ngã, làm sao chúng ta biết được cách đạp xe. Đối với dân tập múa cột chúng mình, mỗi vết bầm giống như một niềm tự hào, càng vất vả thì sự sung sướng khi thực hiện thành công động tác đó càng nhân đôi.


Những người có vấn đề sức khỏe nào sẽ được khuyến cáo không nên tham gia?


Chỉ cần sự yêu thích với tập luyện thể thao là bạn có thể tham gia tập múa cột. Chiều cao cột ở studio vào khoảng 2,5m - 3,5m nhưng học viên chỉ cần tập ở độ cao 1m nên sẽ không giới hạn những người sợ độ cao. Với những bạn sợ chóng mặt thì chỉ cần tập cột cố định không xoay.


Lợi ích toàn diện và hạn chế lớn nhất của bộ môn múa cột là gì?


Múa cột giúp bạn cải thiện đáng kể thể lực, độ dẻo dai, săn chắc cơ thể… Múa cột cũng hỗ trợ giảm cân nếu bạn kết hợp với chế độ ăn uống một cách lành mạnh, khoa học.


Hạn chế lớn nhất chính là bạn phải chấp nhận những cơn đau nhức và phải thật sự kiên trì trong thời gian dài mới mang lại kết quả.


Chúng ta nên áp dụng chế độ dinh dưỡng ra sao khi tập luyện?


Múa cột thiên về môn thể thao nghệ thuật hơn là hình thể. Hình thể gọn gàng, cân đối là lợi ích mà môn múa cột mang lại, chứ không phải tiêu chí để bạn bắt đầu. Vì vậy, đến với môn này, bạn không cần phải ăn theo chế độ khắt khe nào như một số bộ môn chuyên về hình thể khác.


Tùy vào mục đích từng người khi tập múa cột, có người chỉ vì yêu thích, có người vì muốn giảm cân. Tùy vào nhu cầu của mỗi người, không có chế độ cụ thể hay bắt buộc nào cả. Nếu muốn kết hợp giảm cân, bạn có thể xem xét ăn theo phương pháp Keto, giảm thấp lượng carbohydrate, tăng protein và chất béo, uống nhiều nước lọc. Chúng ta nên liên hệ với các chuyên gia dinh dưỡng để thiết kế riêng thực đơn Keto phù hợp với độ tuổi, thể trạng và mục đích giảm cân. Bên cạnh đó, bạn cần tập luyện múa cột đều đặn để tăng cơ, giảm mỡ hiệu quả.


Lưu ý, dù có mục đích giảm cân hay không, bạn cũng không nên ăn quá no trước khi tập luyện và cần ăn cách giờ tập ít nhất 1 tiếng rưỡi.

Chi phí học là bao nhiêu và người tập nên đầu tư cho những gì?


Hiện tại mức học phí trung bình của môn múa cột là khoảng 1.200.000/khóa 8 buổi. Chi phí này được dùng để chi trả cho giáo viên, phòng ốc, cột và các cơ sở vật chất khác,…


Ngoài ra, học viên đến với bộ môn múa cột thường cần đầu tư vào trang phục tập luyện. Đến phòng tập, ngoài việc rèn luyện thể thao, gặp gỡ bạn bè và thực hiện các tư thế đẹp thì diện những bộ trang phục dễ thương, xinh xắn cũng là một đam mê bên lề, tăng thêm sự hào hứng tập luyện của các bạn nữ.


Song song đó, những bạn nào có nhu cầu tự tập luyện thêm ở nhà sẽ tự bỏ tiền ra để lắp đặt cột.


Vật liệu chế tạo cột phổ biến nhất hiện tại vẫn là chrome, với nhiều mức giá cho bạn lựa chọn.

- Cột chuyên nghiệp Xpole: hơn 10 triệu VND/ cây

- Cột 5pole trong nước: tầm 7 triệu VND/ cây

- Cột trung quốc: khoảng 3-5 triệu VND/ cây (tuy nhiên chất lượng cột sẽ kém hơn và dễ trơn tuột hơn 2 loại trên)


Có những môn thể thao nào khác được dùng để bổ trợ cho múa cột?


Bất kỳ môn thể thao nào cũng giúp bổ trợ qua lại cho nhau. Tuy nhiên, bạn có thể cân nhắc tập thêm yoga, gym, ép dẻo, nhảy múa. Nếu bạn chưa từng thử qua những bộ môn đó, khi đến với múa cột, bạn sẽ được trải nghiệm tất cả. Vóc dáng của bạn sẽ thay đổi rất nhanh theo hướng tích cực.


Bộ môn này có giới hạn độ tuổi, giới tính, cân nặng hay không?


Mình có thể tự hào khẳng định một điều rằng múa cột là môn thể thao dành cho tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác, giới tính, ngoại hình. Trong suốt hơn 3 năm đứng lớp, học viên nhỏ nhất của mình là 7 tuổi, lớn nhất là gần 50 tuổi, nặng nhất là 80kg và có khá nhiều bạn nam.


Với vai trò là một giáo viên, bạn thường gặp những khó khăn gì khi dạy về múa cột?


Khó khăn nhất chính là làm sao để truyền được lửa đam mê và giúp cho học viên mình yêu thích, kiên trì với bộ môn này. Đồng thời động viên các bạn vượt qua giai đoạn đầu khi tiếp xúc với múa cột. Đó luôn luôn là giai đoạn khó khăn nhất, vì chúng ta thường dễ nản chí và bỏ cuộc.


Mình không ngại học viên chưa biết gì hoặc tập yếu, mình chỉ ngại những bạn không chăm chỉ và sợ đau, muốn có thể múa đẹp nhưng lại không chịu bỏ thời gian và công sức tập luyện.

Comments


bottom of page