Ô nhiễm rác thải đang là một trong những vấn đề nan giải được quan tâm hàng đầu, đặc biệt ở những quốc gia đang phát triển. Vấn nạn này không chỉ tác động lên môi trường, chất lượng cuộc sống, xã hội... mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe cá nhân. Muốn có một bầu không khí xanh-sạch-đẹp thì mỗi người đều cần chung tay góp sức, tùy theo khả năng và chuyên môn nghề nghiệp của bản thân. Tái chế rác thải tuy không phải là công việc chính của các nhà thiết kế nhưng nhờ sự sáng tạo của họ, nghệ thuật tái chế đã ra đời
Với ý niệm cơ bản là "hô biến" những vật phẩm không còn giá trị sử dụng (hoặc không muốn sử dụng nữa) trở nên có ích hơn, nghệ thuật tái chế có thể khiến cho một món đồ đã yên vị trong thùng rác trở nên đẹp mắt, hợp lý hơn. Không có bất kỳ quy tắc nào về các loại vật liệu có thể được sử dụng, miễn sao nó phù hợp với tiêu chí là “chất thải”. Bạn có thể dùng hộp nhựa, kim loại, ly giấy hoặc bất cứ thứ gì mà bạn có thể tìm thấy, vì nghệ thuật là không giới hạn (1).
Tạo bức tranh nghệ thuật đầy màu sắc từ rác thải hằng ngày
Bước vào thế giới sáng tạo của Stéphanie Kilgast, người xem không khỏi ngạc nhiên như đang bước vào một thế giới ảo mộng, siêu thực và đầy màu sắc. Không u ám, không thô sơ, chỉ là những vật dụng hằng ngày bị vứt bỏ lại phía sau, nữ nghệ sĩ người Pháp đã khéo léo tạo ra một thế giới thu nhỏ, nơi mà ai nấy nhìn vào cũng thấy được sự liên kết giữa thiên nhiên và con người theo một cách riêng biệt đầy cuốn hút.
Bén duyên với nghệ thuật gần 20 năm, Kilgast đã được nhiều người biết đến với tư cách là nghệ sĩ thiết kế mô hình các món ăn từ đất sét polymer. Những tác phẩm của cô chân thực và rực rỡ đến khó tin nên thường được những người sưu tầm búp bê yêu thích, đặt mua làm phụ kiện cho những ngôi nhà búp bê của họ.
Năm 2015, Kilgast bắt đầu dự án Daily Mini Veggie. Thông qua mô hình này, Kilgast khuyến khích mọi người hãy ăn nhiều rau thay vì thức ăn từ động vật, bởi vì ngành chăn nuôi đang là một trong những tác nhân lớn gây ô nhiễm và biến đổi khí hậu. Cô giải thích: “Vấn đề môi trường là một trong những thách thức lớn nhất con người phải đối mặt trong thời đại này. Tôi nghĩ nếu chúng ta nhận ra được là mỗi thói quen của mình tác động đến môi trường như thế nào thì ắt hẳn chúng ta phải làm mọi thứ theo chiều hướng có lợi ích hơn, có đúng không?”.
Hai năm sau đó, dự án Discarded Objects ra đời. Bắt đầu từ vài chiếc hộp sắt cũ, Kilgast đã để cho các loài sinh vật, thực vật nảy nở, lớn lên từ những đồ bỏ đi ấy trong một lớp áo sặc sỡ và siêu thực. Chúng rõ ràng là nấm, là hoa, là sinh vật trên Trái đất nhưng trông không giống hoàn toàn mà có đôi nét kỳ dị và đáng sợ.
KIlgast hào hứng kể lại: "Công việc của tôi là đề cao sự sống. Tôi sử dụng những món đồ không còn ai để ý, các đồ vật cũ hoặc sách báo và biến chúng thành khởi nguồn sự sống của thực vật, nấm mốc và cả động vật. Sự kết hợp hoang dã này đã khiến những rác thải xấu xí trở nên sống động hơn nhiều" (2).
Nữ nghệ sĩ đã tạo ra các tác phẩm tái chế từ vật dụng bỏ đi của chính mình hoặc những gì cô tìm được từ những cửa hàng đồ cũ trong khu phố. Đôi khi là những hộp sữa, đôi khi là chiếc đĩa vô tình làm vỡ, khi lại là chiếc máy ảnh hỏng…
Những đồ vật cũ có một cuộc sống mới từ đất sét polymer và bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ.
Tác phẩm của cô diễn tả vận mệnh của đồ vật khi bị vứt ra thiên nhiên: chúng sẽ dần trở thành một phần của thiên nhiên và tự nhiên sẽ làm việc của mình là tạo ra sự sống ở đó. Khác chăng là trong tác phẩm của Kilgast, sự sống ấy khiến người ta suy nghĩ khi nhìn tới chứ không lờ đi như khi thấy tự nhiên đặt “tác phẩm” của mình bên một lề đường nào đó.
Tác phẩm tác chế của nữ nghệ sĩ này như một bài thơ về cuộc đời nơi cây cối, nấm, động vật giao thoa với vật chất, tạo ra những vòng xoáy đầy màu sắc của sự đa dạng. Cô cho biết: "Sự phát triển bất thường từ những vật dụng ta bỏ đi hằng ngày chính là cuộc đối thoại giữa loài người và tự nhiên”.
Để tạo ra sự mới mẻ trong các tác phẩm, Kilgast thường xuyên đọc đi đọc lại lịch sử vạn vật và thu thập mọi thông tin liên quan tới chúng. Miễn là hình ảnh có vẻ thú vị hoặc truyền cảm hứng cho người xem thì cô sẽ sẽ bắt đầu ghi nhớ phác thảo: “Tùy thuộc vào những gì mà tôi nhặt được, tôi sẽ suy nghĩ là nên biến chúng thành cái gì, chứ tôi không có sắp xếp trước. Tôi thích mọi thứ thật tự nhiên và cố gắng học hỏi để mình luôn tràn đầy năng lượng sáng tạo, để khi bắt gặp một vỏ chai lăn trên đường tôi cũng biết nên làm gì với nó” (3).
Kilgast luôn cố gắng đưa những vấn đề môi trường vào các tác phẩm của mình theo một cách tích cực và tươi sáng vì theo cô, sự tái chế rác thải cũng giống như một bức tranh tươi sáng về ngày tận thế "mỉm cười trước tuyệt vọng, tươi đẹp trước bình minh". Tuy nhiên, nữ nghệ sĩ nhấn mạnh rằng vẫn có một chút u tối trong các thiết kế này vì cô muốn người xem phải suy ngẫm. "Cuối cùng thì đây vẫn là rác thải do con người tạo ra và thiên nhiên đang phải gồng mình với lượng rác ấy. Chúng ta đang vứt ra quá nhiều rác thải mà phần lớn là rác không tái chế hay phân hủy được, khiến cho môi trường ô nhiễm", cô bộc bạch.
Con người thường dễ ngao ngán trước những hành động tàn phá môi trường nhưng rồi lại chẳng làm gì. Vì lẽ đó, nữ nghệ sĩ tái chế rác thải mong muốn mọi người nhận ra họ có thể làm gì đó có ích bằng chính lối sống của mình. Kilgast chia sẻ: "Tôi muốn mọi người bắt đầu để tâm hơn đến vấn đề ấy. Và tôi cho rằng sẽ dễ dàng khích lệ mọi người bằng những điều vui vẻ, tươi sáng và những nụ cười từ những tác phẩm tái chế hơn là sự phiền muộn. Hy vọng là thứ khiến chúng ta tiến về phía trước".
Một số tác phẩm khác của Stéphanie Kilgast:
(Ở nơi tuyệt vọng nhất nở một đóa hoa xinh đẹp nhất trần đời)
Comments