top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảMinh Đức

Nghiên cứu mới: Dùng tế bào ung thư để điều trị ung thư

Thoạt nghe, việc sử dụng tế bào ung thư để điều trị ung thư được xem như là một ngành khoa học... viễn tưởng. Bởi mặc dù có cơ sở để thực hiện "dĩ độc trị độc" nhưng để tiến hành lại cần nhiều điều kiện mà các nhà nghiên cứu chưa thể đáp ứng được. Tuy nhiên, trong báo cáo mới đây, các nhà khoa học tại Đại học Stanford (Hoa Kỳ) đã đạt được một bước tiến mang tính đột phá.


Tại sao lại khó điều trị ung thư?



Ung thư là một nhóm bệnh lớn, xảy ra khi các tế bào bình thường trở thành tế bào ung thư, sau đó phân chia và lan rộng. Có 4 điểm khác biệt lớn giữa tế bào bình thường và tế bào ung thư (1):


  1. Các tế bào bình thường phân chia và nhân lên một cách có kiểm soát, còn tế bào ung thư nhân lên không kiểm soát.

  2. Các tế bào bình thường được "lập trình" để chết, còn tế bào ung thư thì bỏ qua tiến trình "tự hủy" này.

  3. Các tế bào bình thường thuộc các cơ quan nội tạng trong cơ thể thường ở nguyên vị trí, như là tế bào phổi thì chỉ ở phổi, còn các tế bào ung thư có xu hướng di chuyển khắp nơi, tạo nên tình trạng di căn.

  4. Tế bào bình thường không phát triển nhanh như tế bào ung thư.


Sự phân chia, nhân lên và tích tụ của tế bào ung thư có thể lấn át các tế bào bình thường và gây nguy hiểm cho cơ thể. Bình thường, tế bào T (T cell) của hệ miễn dịch nhận diện và bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh. Thế nhưng, tế bào ung thư dường như "tàng hình" khỏi hệ thống này.


Nghiên cứu mới tại Đại học Stanford (Hoa Kỳ) đã tập trung vào yếu tố đó.

Tế bào T và APC: Chìa khóa trong việc tiêu diệt tế bào ung thư



Tế bào T còn được gọi là lympho T. Đây là một loại bạch cầu có vai trò chính là bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh như vi rút, tế bào ung thư và tế bào nhiễm khuẩn bằng cách giết chúng hoặc kích thích các tế bào khác trong hệ thống miễn dịch hỗ trợ hoạt động này (2).


Bên cạnh đó, cơ thể con người còn có tế bào trình diện kháng nguyên APC (antigen presenting cells). Đây là một loại tế bào trong hệ thống miễn dịch giữ chức năng quan trọng trong việc gợi mở các phản ứng miễn dịch (3).


​​Khi một tế bào APC gặp một tác nhân gây bệnh như vi rút hoặc vi khuẩn, nó sẽ nuốt chửng và xử lý tác nhân này để tạo ra các mảnh kháng nguyên. Sau đó, tế bào APC sẽ trình diện những mảnh kháng nguyên này trên bề mặt của nó, gọi là MHC (Major Histocompatibility Complex). Sau đó, tế bào T tiếp xúc với tế bào APC và nhận biết kháng nguyên trình diện này thông qua MHC, nó sẽ tạo ra một phản ứng miễn dịch để bảo vệ cơ thể.


Thế nhưng, tế bào APC không nhận biết và loại bỏ được tế bào ung thư. Đây chính là điều làm đau đầu các nhà nghiên cứu từ trước đến nay.

Bước đột phá: Biến tế bào ung thư thành APC


Dùng tế bào ung thư để điều trị ung thư

Trong một nghiên cứu được công bố ngày 1/3/2023 trên tạp chí Cancer Discovery, Tiến sĩ, Giáo sư huyết học Ravi Majeti - một trong những tác giả của nghiên cứu - cho biết: "Đây là phương pháp có thể mở ra một hướng trị liệu hoàn toàn mới để điều trị ung thư" (4).


Phương pháp đặc biệt này tiến hành dựa trên giả thuyết rằng có thể biến tế bào ung thư thành một dạng APC, sau đó "huấn luyện" các tế bào T nhận biết ung thư thông qua APC. Từ đó, tế bào T sẽ đưa ra một cuộc "tổng tấn công" toàn diện vào những tế bào ung thư đang "lẩn tránh" khỏi hệ miễn dịch (5).

Trong nghiên cứu hiện tại, các nhà nghiên cứu đã "lập trình" các tế bào ung thư bạch cầu ở chuột để một số trong số chúng có thể được tạo ra để tự biến đổi thành APC. Khi họ thử nghiệm chiến lược vắc xin ung thư trên hệ thống miễn dịch của chuột, kết quả thành công mỹ mãn, tức là những con chuột đã lành bệnh. Tiến sĩ Ravi Majeti cho biết thêm:


"Lần đầu tiên nhìn thấy dữ liệu cho thấy khả năng loại bỏ bệnh bạch cầu ở những con chuột có hệ thống miễn dịch đang hoạt động, chúng tôi đã rất ngạc nhiên. Chúng tôi không thể tin được là nó lại có tác dụng mạnh như vậy" (4).

Source/Nguồn: Stanford.edu
Tiến sĩ Ravi Majeti chia sẻ thông tin nghiên cứu với báo chí (Nguồn: Stanford.edu)

Nghiên cứu mở ra hướng tiếp cận mới trong điều trị ung thư trong tương lai


Nhiều người trong chúng ta vốn biết rằng điều trị ung thư là một tiến trình rất tốn kém và "năm ăn năm thua", phụ thuộc rất nhiều vào những yếu tố bên ngoài. Vậy nên, trong cuộc chiến với căn bệnh này, thế cục vẫn đang không nghiêng về phía chúng ta. Với 200.000 ca mắc ung thư mới ở Việt Nam và 20 triệu người trên thế giới, đây vẫn là những thách thức mà cá nhân cũng như nhiều gia đình và xã hội tiếp tục phải đối mặt (6).


Thế nhưng, như Tiến sĩ Ravi Majeti đã chia sẻ, nghiên cứu này mở ra một phương pháp điều trị ung thư mới, đỡ tốn kém hơn những phương pháp trước đây rất nhiều như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, liệu pháp hormone…


Bởi vì phương pháp này sẽ giải quyết vấn đề ung thư ở phần lõi - tức là giúp tế bào T trong cơ thể tự nhận biết và tiêu diệt dứt điểm ung thư. Nó là một phương pháp can thiệp rất "tự nhiên", an toàn và được xem là ít tốn kém nhất dành cho căn bệnh hiểm nghèo này.

Vậy nên, nghiên cứu trên đang được đầu tư để tiếp tục tiến hành mở rộng các thí nghiệm cần thiết. Hy vọng trong một tương lai không xa, ung thư - như nhiều căn bệnh khác đã tìm ra thuốc chữa - sẽ không còn cơn ác mộng của loài người nữa.



Комментарии


bottom of page