Vai trò nguyên lý âm dương | Phân biệt âm - dương trong thực phẩm | Bảng phân định tính âm - dương | Tính âm dương thực phẩm đến hành vi con người
Nhà triết học Ohsawa quan niệm mỗi thực phẩm mà chúng ta tiêu thụ đều ảnh hưởng đến cách cảm nhận, suy nghĩ và hành vi. Trong thực dưỡng, yếu tố cân bằng trong thức ăn dựa trên nguyên lý âm dương rất quan trọng vì điều này liên quan trực tiếp đến sức khỏe và hành vi con người. Vậy chế độ ăn cân bằng âm dương là gì? Làm sao để biết thực phẩm nào âm hay dương?
Vì sao cần quan tâm nguyên lý âm dương?
Người Trung Hoa quan niệm rằng những thực phẩm dương sẽ làm tăng nhiệt độ cơ thể, từ đó nâng cao tốc độ trao đổi chất. Ngược lại, thực phẩm âm khiến nhiệt độ cơ thể giảm xuống, làm chậm quá trình trao đổi chất. Theo George Ohsawa, tiêu thụ thức ăn có quá nhiều âm hoặc quá nhiều dương sẽ dẫn đến tình trạng mất cân bằng, sinh ra bệnh tật.
Ví dụ, chế độ ăn nhiều muối sẽ bị dương quá mức. Nồng độ natri trong máu sẽ tăng khi ăn nhiều muối, cao hơn hẳn lượng natri trong nước của các tế bào thông thường. Điều này gây căng thẳng cho cơ thể vì nó phải giải phóng nước khỏi các tế bào để mang lại sự cân bằng. Đây cũng là lý do khiến ta thường cảm thấy khát khi ăn các gói snack nhiều muối. Quá trình này gây áp lực cho thận về lâu dài vì thận luôn phải thải natri dư thừa ra ngoài (1).
Thịt động vật được xem là thực phẩm cực dương, khiến chúng ta có cảm giác thèm ăn những thực phẩm cực âm như đường tinh luyện trong bánh quy và bánh ngọt. Các thực phẩm nghiêng về hai cực kiểu này tạo ra nhiều bệnh và khiến cơ thể mất cân bằng. Sự mất cân bằng sẽ làm tăng nồng độ axit trong máu, tạo ra một môi trường để bệnh tật phát triển mạnh. Các cơ quan của con người, đặc biệt là thận, cần làm việc nhiều hơn để duy trì pH của máu trong khoảng 7,35-7,45 (2).
Nếu để ý kỹ, chúng ta có thể dễ dàng nhận biết các vấn đề sức khỏe bằng quy tắc cân bằng âm dương. Ăn bất kỳ loại thực phẩm nào quá nhiều đều có tác động tiêu cực lên cơ thể.
Phân biệt âm dương trong thực phẩm
Về cơ bản, không có thực phẩm nào hoàn toàn âm hay hoàn toàn dương. Mọi thứ đều tương đối, giống như trong cuộc sống không có ai tốt hay xấu hoàn toàn. Một món ăn được chế biến có thể âm hơn so với món này, nhưng cũng có thể dương hơn so với món khác.Tuy nhiên, vẫn có những thực phẩm mang tính dương hoặc âm rất mạnh.
Các nguồn thức ăn dương, hay những thực phẩm có tính co rút, thường là muối, các loại hạt giống. Bạn sẽ nắm rõ hơn khi hình dung trạng thái cuối cùng của thực phẩm khi đã chế biến. Chẳng hạn như muối sẽ hút nước ra khỏi tế bào khiến chúng co lại, do đó muối nghiêng về dương. Một số thực phẩm nghiêng âm, hay những thứ thường nở ra, là đường, nước, trái cây...
Bảng phân định tính âm dương của thực phẩm (tương đối) (3):
Dương hơn | Âm hơn |
Muối biển | Chất làm ngọt |
Nước tương | Thức uống |
Miso | Sữa |
Trứng | Dầu ăn |
Thịt đỏ | Trái cây |
Thịt gia cầm | Quả hạnh (almond) |
Phô mai muối | Hạt (nuts) |
Cá | Đậu (pea) |
Ngũ cốc nguyên cám (whole grain) | Rong biển |
Ngũ cốc tinh chế (refined grain) | Rau củ |
Ít dương hơn | Ít âm hơn |
Dương | Âm |
Theo thành phần | |
Giàu natri | Giàu kali |
Khô hơn | Nhiều nước |
Nhiều chất đường phức hợp (complex carbs) | Giàu chất béo |
Theo màu sắc và vị | |
Đỏ, nâu, cam, vàng | Trắng, xanh lá, xanh dương, tím |
Màu đậm hơn | Màu nhạt hơn |
Vị đắng, mặn | Vị ngọt, chua, cay |
Theo sinh trưởng | |
Hướng xuống hoặc hướng vào trong | Hướng lên trên hoặc hướng ra ngoài |
Bò dọc dưới mặt đất | Bò dọc trên mặt đất |
Bò ngang trên mặt đất | Bò ngang dưới mặt đất |
Sinh trưởng chậm | Sinh trưởng nhanh |
Theo mùa | |
Mọc nhiều hơn vào mùa đông | Mọc nhiều hơn vào mùa hè |
Mọc nhiều ở xứ lạnh hơn (lớn và nhiều hơn ở phía Bắc) | Mọc nhiều ở xứ nóng hơn (lớn và nhiều hơn ở phía Nam) |
Theo phương thức sản xuất | |
Trồng hữu cơ | Trồng có phân hóa học |
Cần nhiều thời gian nấu hơn | Cần ít thời gian nấu hơn |
Thực phẩm toàn phần | Thực phẩm đã qua chế biến |
Theo kích thước, cân nặng và độ cứng | |
Nhỏ và lùn hơn | To và cao hơn |
Nặng và cứng hơn | Nhẹ và mềm hơn |
Chế độ ăn cân bằng âm dương trong thực dưỡng Ohsawa chủ yếu là gạo lứt, chiếm khoảng 50%-60%, kèm các loại rau tự nhiên không sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học, chiếm 25%-30%. 5% còn lại là súp hoặc các thực phẩm khác (4).
Thực dưỡng khuyến khích chúng ta tiêu thụ các thực phẩm nguyên hạt, chưa qua chế biến và không sử dụng hóa chất. Điển hình như ngũ cốc nấu chín nguyên hạt (gạo lứt và kê), các sản phẩm từ đậu, seitan, các loại hạt và đôi khi là cá, có thể dùng thêm gia vị và nước sốt để tăng hương vị và giá trị dinh dưỡng như miso, tekka. Ăn những loại thức ăn này giúp cân bằng cơ thể mà không gây cảm giác thèm ăn cực độ, giúp quá trình chuyển hóa thức ăn từ âm sang dương và ngược lại diễn ra suôn sẻ. Đặc biệt cần tránh các thức ăn quá âm hoặc quá dương để đạt sự cân bằng hài hòa.
Nhìn chung, cách nhận biết các loại thức ăn âm dương trong thực dưỡng có thể tóm tắt như sau:
Thực phẩm có tính dương thường ấm nóng, khô cứng và hay co rút.
Thực phẩm có tính âm thường mềm, nhiều nước và trương nở.
Thực phẩm cùng loại nào có trọng lượng nặng hơn sẽ có tính dương.
Ngũ cốc bao gồm các loại đậu và hạt có tính dương nhiều hơn rau củ và hoa quả.
Thứ tự màu sắc từ dương tới âm của thực phẩm: đỏ, cam, lục, lam, chàm tím và đen. Ví dụ, củ cải đỏ sẽ dương nhiều hơn so với củ cải trắng.
Các loại thực phẩm cần tránh trong chế độ ăn cân bằng âm dương:
Thịt gia cầm, các loại hải sản, trứng và các sản phẩm từ sữa.
Rượu, bia, thức uống có cồn hoặc caffeine.
Thức ăn đã qua chế biến như bánh mua tại cửa hàng hoặc bánh mì trắng.
Thực phẩm chứa các thành phần nhân tạo.
Đường và các thực phẩm ngọt.
Thực phẩm cay nóng, gia vị nhiều như tỏi, ớt, tiêu...
Các loại thực phẩm nên ăn trong chế độ ăn cân bằng âm dương:
Các loại ngũ cốc như gạo lứt, yến mạch, kiều mạch...
Các loại rau củ như bông cải xanh, rau má, xà lách, bồ ngót, cần tây, chùm ngây, cà rốt, củ cải, củ dền tím, su hào, bí đỏ...
Rong biển, tảo biển và các loại đậu như đậu đen, đậu hà lan, đậu đỏ, đậu gà...
Súp hoặc các loại nước chấm khác như súp miso, tamari, tekka, muối mơ…
Tính âm dương của thức ăn liên quan đến hành vi con người
Theo Ohsawa, những gì chúng ta ăn có thể ảnh hưởng đến tính cách và hành vi của chúng ta. Ví dụ, ăn quá nhiều thực phẩm cực dương thường dẫn đến cáu kỉnh và tức giận, tiêu thụ nhiều thực phẩm cực âm lại dẫn đến suy giảm năng lượng và trầm cảm.
Lựa chọn những thực phẩm không quá âm hoặc không quá dương sẽ giúp chúng ta duy trì nồng độ kiềm trong máu ở mức bình thường và giúp tâm trạng thoải mái, bình tĩnh hơn.
Bảng thực phẩm âm dương gắn liền với hành vi:
| Thức ăn | Hành vi |
Cực dương | Muối tinh luyện | Hung dữ |
| Các loại thịt | Hoạt động quá mức |
| Gia cầm | Giận dữ, cáu kỉnh |
| Cá (da xanh và đỏ) | Tấn công, không khoan nhượng |
| Phô mai mặn và cứng | Tự kiêu |
| | Giọng to, căng thẳng |
| | Căng cơ |
| | Da khô |
Cân bằng | Hạt | Quả quyết |
| Rau | Tích cực |
| Rong biển | Hài lòng, kiên nhẫn |
| Miso | Tích cực |
| Đậu | Hài lòng với cuộc sống |
| Hạt giống | Giọng dễ chịu |
| Quả hạch | Thư giãn cơ bắp |
| | Da mịn màng, sạch mụn |
Cực âm | Đường | Thụ động |
| Mật ong | Quá thoải mái |
| Mật rỉ đường | Chán nản, buồn |
| Cà phê, caffeine | Tiêu cực, rút lui |
| Sữa | Tủi thân |
| Kem | Giọng quá nhỏ, rụt rè |
| Sữa chua | Cơ bắp lỏng lẻo |
| | Da ẩm |
Mỗi người có thể biết chế độ ăn cá nhân đang nghiêng về âm hay dương trong từng giai đoạn để điều chỉnh phù hợp. Lắng nghe và quan sát cơ thể đang trong trạng thái nào là điều rất quan trọng. Ngoài ra, quan sát phân và nước tiểu cũng là một cách giúp chúng ta nhận biết dễ hơn.
Về phân:
Người ăn uống hài hòa sẽ có phân chặt, có khuôn, màu vàng sẫm, ít hôi thối và nổi trên mặt nước.
Ăn uống không lành mạnh thường có phân chìm xuống nước.
Biểu hiện các bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa là táo bón hoặc đi cầu trên hai lần/ngày.
Phân khô, cứng, màu nâu đậm là do hôm trước ăn nhiều đồ dương (ví dụ như ăn quá mặn hoặc nhiều món chiên, nướng). Phân nhão, lỏng, màu xanh là ăn nhiều đồ âm (ví dụ như ăn thiếu muối, nhiều nước, nhiều trái cây).
Phân đen là nguyên nhân của xuất huyết nội, do máu ở ruột và dạ dày hòa cùng.
Về nước tiểu:
Nước tiểu bình thường có màu vàng trong như rượu bia.
Theo tiêu chuẩn thực dưỡng, hệ tiết niệu hoạt động tốt khi một ngày người nam không tiểu quá 3-4 lần và nữ không tiểu quá 2-3 lần.
Nước tiểu màu nhạt hoặc trắng trong, loãng và nhiều là do thừa âm, thận bị giãn nở và có thể là triệu chứng của bệnh tiểu đường.
Bạn nên xem xét yếu tố âm dương trong các lựa chọn ăn uống hàng ngày để đảm bảo cân bằng cho cơ thể, cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần. Lưu ý, trong bữa ăn thực dưỡng, chúng ta nên nhai thật kỹ, ăn từng miếng nhỏ và tập trung hoàn toàn khi ăn. Điều này sẽ giúp bạn tiêu hóa và hấp thụ thực phẩm tốt hơn, đồng thời cảm thấy ngon miệng hơn khi tận hưởng bữa ăn lành mạnh một cách trọn vẹn.
Comentarios