top of page
Tìm kiếm

Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi: Đầu tư nghệ thuật khôn ngoan giữa vấn nạn tranh giả

Trong cuộc chơi nghệ thuật, mỗi nhà sưu tập sẽ dần phải định hình phong cách bộ sưu tập hay thậm chí dấn thân vào con đường đầu tư tài chính. Tuy nhiên, giữa vấn nạn tranh giả bão bùng như hiện nay, không ít nhà sưu tập rơi vào thế khó. LeLa Journal đã thực hiện một cuộc phỏng vấn sâu sắc với nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi để nhờ ông bóc tách những vấn đề này.


Trong cuộc chơi nghệ thuật, mỗi nhà sưu tập sẽ dần phải định hình phong cách bộ sưu tập hay thậm chí dấn thân vào con đường đầu tư tài chính. Tuy nhiên, giữa vấn nạn tranh giả bão bùng như hiện nay, không ít nhà sưu tập rơi vào thế khó. LeLa Journal đã thực hiện một cuộc phỏng vấn sâu sắc với nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi để nhờ ông bóc tách những vấn đề này.

Chào nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi! Theo ông, đến giai đoạn nào thì một nhà sưu tập nên ý thức định hình bộ sưu tập? Vì sao ý thức định hình bộ sưu tập nghệ thuật lại quan trọng?


Khi nhà sưu tập cảm thấy đủ đam mê để có thể bỏ ra kinh phí nào đó cho một dòng tranh yêu thích, đó là giai đoạn mà họ có ý thức định hình cho bộ sưu tập của mình.


Điều này quan trọng vì tính chuyên môn trong bộ sưu tập mà mình sở hữu sẽ quyến định giá trị của nó. Một ví dụ nhỏ, với một người yêu mến tranh sơn mài, họ sẽ tìm đến chất liệu này để gom lại những tiêu chuẩn mà họ định ra, và chỉ sưu tập theo tiêu chuẩn ấy. Dần dần, sẽ có những tác phẩm độc đáo mà chỉ riêng trong bộ sưu tập của mình mới có, điều này quan trọng về giá trị nghệ thuật cũng như giá trị kinh tế.


Ông có thể gợi ý những cách định hình bộ sưu tập nghệ thuật? Công việc này cần đi theo những nguyên tắc nào và điều kiện cụ thể ra sao?


Có rất nhiều phong cách, điều này tùy theo đam mê và khả năng tài chính mỗi người. Nguyên tắc phổ thông nhất là phân tích rạch ròi dòng chảy nghệ thuật, chia ra những yếu tố khác nhau, chủ đề khác nhau. Ví dụ về dòng tranh Đông Dương: Sơn dầu, lụa, sơn mài, khóa học thời đầu, "bộ tứ trời Âu (Phổ, Thứ, Lựu, Đàm)", bộ tứ "Trí, Lân, Vân, Cẩn", bộ tứ "Nghiêm, Liên, Phái, Sáng", tranh kháng chiến,... Tranh các họa sĩ Pháp đạt giải thưởng Đông Dương, tranh các họa sĩ viễn hành đến Đông Dương,…


Tranh Gia Định, tranh miền Nam, dòng tranh Mỹ nghệ, gốm Biên Hòa, gốm Lái Thiêu, gốm Thủ Dầu Một, gốm Cây Mai,…


Nguyên tắc này lớn dần theo khả năng của mỗi người. Hiện nay niềm khao khát của các nhà sưu tập là có đủ bộ tranh của các họa sĩ xuất thân từ trường Mỹ thuật Đông Dương, ít nhất là mỗi họa sĩ một tác phẩm. Nhưng điều này khó có thể thực hiện được, vì vẫn còn một số họa sĩ dù cũng xuất thân từ trường Mỹ thuật Đông Dương nhưng chưa được nhắc đến do thiếu dữ liệu, hoặc chưa tìm ra tranh, ví dụ vài cái tên như Vũ Đăng Bốn, Phạm Hữu Khánh,...


Vấn đề này cũng nói lên rằng trong một bộ sưu tập, giá trị quý hiếm của tác phẩm chưa chắc là giá trị mỹ thuật, và tranh đẹp chưa phải là tranh đắt tiền nhất. Sự tương đồng và quán nhất sẽ quyết định giá trị của bộ sưu tập.


Nhà sưu tập thường tiếp cận giám tuyển hay nhà nghiên cứu mỹ thuật như ông để định hình bộ sưu tập nghệ thuật như thế nào?


Câu hỏi thường xuyên được đặt ra nhiều nhất là: "Với khả năng như thế này, tôi có thể sưu tập tranh gì?" Từ đó, chúng tôi có thể đặt ra những câu hỏi để xem nhà sưu tập có ý niệm gì về mỹ thuật, kiến thức của họ và điều qua trọng là đam mê của họ như thế nào. Tôi có quen một nhà sưu tập tranh Đông Dương nổi tiếng ở Sài Gòn tâm sự rằng: "Anh biết không, tôi ăn uống vì tranh Đông Dương, ngủ nghê cũng có tranh Đông Dương trong đầu." Điều đó có nghĩa là dòng chảy tranh này là sức sống của họ, đủ thấy sự đam mê lớn rộng đến chừng nào!


Chúng tôi cũng thường mang đến cho họ một ý niệm, không cần phải phân tích tỉ mỉ, về các dòng tranh và lợi thế của nó. Mỗi nhà sưu tập đều có sở thích khác nhau, ví dụ họ yêu thích tranh lụa hơn thì sẽ nghiêng về dòng tranh này nhiều hơn là tranh sơn dầu, nếu có điều kiện chọn lựa.


Trong cuộc chơi nghệ thuật, mỗi nhà sưu tập sẽ dần phải định hình phong cách bộ sưu tập hay thậm chí dấn thân vào con đường đầu tư tài chính. Tuy nhiên, giữa vấn nạn tranh giả bão bùng như hiện nay, không ít nhà sưu tập rơi vào thế khó. LeLa Journal đã thực hiện một cuộc phỏng vấn sâu sắc với nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi để nhờ ông bóc tách những vấn đề này.

Một nhà sưu tập từng chia sẻ rằng: "Để 'kiếm lời tài chính' từ nghệ thuật không phải là chuyện đơn giản muốn mà được. Điều này đòi hỏi tiềm lực kinh tế lớn, sự am hiểu sâu sắc về hội họa và thị trường hội họa, sự bài bản, chuyên nghiệp trong việc tạo lập thị trường…" Ông có thể lý giải thêm về điều này, trong trường hợp một nhà sưu tập mong muốn đầu tư tài chính từ nghệ thuật ngay từ đầu?


Đối với một số người, đầu tư vào mỹ thuật là một việc làm chân chính. Tôi đồng ý với việc này! Nhưng thực ra đây không phải là chuyện dễ dàng. Vào thời kỳ khó khăn, lúc chưa có nhiều người đầu tư vào cái mà thiên hạ gọi là "mỹ thuật", các giao dịch mỹ thuật thời gian ấy có thể mang đến cho chủ đầu tư ngày hôm nay một lợi nhuận không tưởng nếu chúng ta có thứ mà người Pháp gọi là "flaire" (thính mũi), nhất là về tranh Đông Dương. Ngày nay, câu chuyện trở nên phức tạp hơn!


Hiện nay, người nào sưu tập tranh Đông Dương tại Việt Nam được cho là nhà sưu tập đẳng cấp nhất, nhưng điều này đồng nghĩa với việc chủ đầu tư cần phải có tiềm lực kinh tế mạnh mẽ. Không nói đến sự hiểu biết về mỹ thuật cũng như am tường thị trường, chỉ cần biết rằng tự tranh Đông Dương đã là một tiếng vang và một thế đứng vững chắc trên thị trường quốc tế.


Một nhà sưu tập muốn đầu tư ngay từ đầu phải lên một kế hoạch vừa tầm tay với. Đối với tình hình hiện nay, tranh Đông Dương ngày càng hiếm, một ngày nào đó sẽ vào tay các nhà sưu tập kỳ cựu và dòng tranh này sẽ dần dần không còn lưu chuyển trên thị trường, hoặc hiếm hoi lắm, thảng hoặc một vài bức với một mức giá sẽ lên rất cao.


Chúng ta sẽ có trên thị trường tranh hậu hiện đại, rồi tranh đương đại, với mức giá vẫn còn có thể chạm đụng được.


Theo quy luật đào thải, cuối cùng chỉ còn tranh đương đại, với các họa sĩ trẻ vẫn còn sáng tác, điều này giúp chúng ta giao dịch với sự hiện diện của giấy chứng nhận, tránh những thẩm định sai lầm. Công việc của giám tuyển cũng như các nhà nghiên cứu nghệ thuật là cho các nhà sưu tập biết rằng trong số các họa sĩ đương đại, tác giả nào có tiềm năng.


Ngoài ra, còn phải nói đến chữ "duyên". Trên con đường sưu tập với muôn ngàn lối dẫn, mọi cuộc "tao ngộ" giữa tác phẩm và nhà sưu tập tùy thuộc rất nhiều vào duyên phận, như có một bàn tay vô hình đưa đẩy tác phẩm ấy, vào thời điểm nhất định nào đó, vào tay người này nhưng không vào tay người kia, dù rằng tiềm lực kinh tế của họ ngang ngửa nhau.

Ông có thể chia sẻ rõ hơn về chữ "duyên" này?


Tôi xin kể một câu chuyện có thật về một bức tranh giả của Mai Trung Thứ với tên "Chị em", được đưa lên sàn đấu giá Authentic Art Auction, Florida, ngày 21/5/2021.


Hôm ấy, tôi nhận được tin nhắn của một nhà sưu tập quen biết tại Hà Nội: "Anh ơi, nhờ anh xem hộ em bức tranh này với". Sau khi xem tranh, tôi trả lời: "Đối với anh tranh này có vấn đề!" Ngay lập tức, tôi nhận được câu trả lời "ôi may quá!"


Sau khi tìm hiểu, tôi mới biết câu chuyện đằng sau. Bức tranh giả nói trên được gõ búa với giá 18.000 USD, nhưng người đấu thắng cuộc không hiểu vì lý do gì mà chấp nhận mất tiền cọc và không lấy tranh (phải chăng bỏ của chạy lấy người?). Nhà đấu giá bèn liên hệ với người trả giá cao tiếp theo với lời đề nghị bức tranh nay thuộc về ông. Đây chính là nhà sưu tập quen biết tại Hà Nội nói ở trên. Nhờ vào một tin nhắn với tôi mà họ đã từ chối đề nghị của nhà đấu giá, không mất gần 18.000 USD một cách oan uổng. Định mệnh thật trớ trêu!


Trái: tranh giả, phải: tranh thật.


Biết rằng trong trong thời đại nghệ thuật thật-giả lẫn lộn này, một người sưu tập nghệ thuật theo kiểu đầu tư tài chính sẽ cần đến sự hỗ trợ của giám tuyển và nhà nghiên cứu nghệ thuật, đặc biệt như trường hợp trên mà ông chia sẻ. Ngoài ra, theo ông, họ còn cần lưu ý những gì?


Trong mọi chiến dịch, có một câu nói luôn đúng, "biết người biết ta, trăm trận trăm thắng".

Bởi vì bạn đang đề cập đến thật giả, nên tôi sẽ chia sẻ đến sự hiểu biết về thị trường cũng như kiến thức về mỹ thuật sẽ giúp đỡ chúng ta như thế nào, nhất là trong thế giới nhập nhằng "lập lờ đánh lận con đen" như hiện nay.


Như chúng ta đã biết, chỗ nào có lợi nhuận, chỗ đó sẽ phát sinh gian thương! Một tác phẩm lúc nào cũng có lịch sử của nó, nhất là những tác phẩm có tiếng thường để lại những vết tích, như giấy chứng nhận, ngoài ra còn những bài báo,… Càng có nhiều những tài liệu này, tác phẩm càng minh bạch, giá trị vật chất càng cao.


Vì vậy, nhà sưu tập cần có kiến thức để tự bảo vệ mình, nhất là trên thị trường hiện nay đang bão bùng sóng gió vì nạn tranh giả. Họ cần có sự cố vấn của giám tuyển cũng như các nhà nghiên cứu, hỗ trợ họ trước những nghi vấn dù rất nhỏ.

Cụ thể, vừa rồi tôi được mời đến thẩm định một bức tranh. Đây là một bức tranh xưa, rõ ràng qua nhận định về sắc giấy cũng như độ màu, và đây cũng là một bức tranh đẹp, qua kỹ thuật điêu luyện và bố cục vững vàng. Xuất xứ bức tranh cũng đến từ một nhà sưu tập danh tiếng tại Hà Nội, và tranh đã được minh họa trên một tạp chí mới đây. Vấn đề của bức tranh này nằm ở chữ ký, và ngày tháng năm ghi trên tranh. Nét bút tuy rất cũ, nhưng thời gian và nơi chốn ghi trên tranh là lúc tác giả không có ở đó, tôi biết được điều này qua những nghiên cứu tỉ mỉ của mình. Tôi đưa ra kết luận, đây là một bức tranh xưa, không có chữ ký, chỉ ghi nơi chốn và ngày tháng, người ta thêm tên tác giả, nhưng lại vô tình không biết rằng vào thời điểm đó tác giả không có mặt nơi chốn ghi trên tranh! Vì vậy, họ cần truy xét lại phần tác giả.


Cũng là một trường hợp cụ thể khác, họ mời tôi thẩm định bức tranh nhưng xuất xứ được bịa đặt ra một cách mơ hồ, tạo một lịch sử giả để chứng minh rằng đây là tranh có "câu chuyện để nói" vì được tác giả X tặng cho một người quen biết Y trong một thời điểm Z nhất định nào đó. Tất cả những điều này cần được kiểm chứng bằng giấy tờ cụ thể, chứ không thể qua lời nói. Ai cũng có thể nói được, và nên nhớ rằng "lời nói bay đi, chỉ có chữ viết là còn lại".


Lại có những cám dỗ, chiêu trò, bằng vật chất cũng như bằng nhiều hình thức khác, để những giám tuyển hay những nhà nghiên cứu thông đồng với họ hòng bán ra một bức tranh nhiều nghi vấn với một lợi nhuận khổng lồ. Vì thế, chúng ta lúc nào cũng phải cẩn trọng. Riêng về phần tôi, tôi luôn luôn phải tự nhủ lòng rằng chỉ cần đi sai một bước là tất cả những gì gầy dựng từ trước sẽ sụp đổ, và điều quan trọng không phải là danh tiếng của mình, mà là tộc phả phía sau.


Cảm ơn nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi về những chia sẻ đắt giá!

Comentarios


bottom of page