Bước qua những năm tháng tuổi trẻ rực rỡ trong vai trò tác giả sách best-seller, nhà văn Iris Cao giờ đây đang khởi đầu một chương sách mới đầy ý nghĩa ở độ tuổi 30 - đó là hành trình của một người mẹ. Cô đã cùng người chồng ngoại quốc chăm lo từng chút khi con chào đời, dạy con học cả hai thứ tiếng Anh-Việt và tạo nên những khoảnh khắc hạnh phúc ngập tràn cho gia đình. Đối với Iris Cao, bài học giá trị nhất chính là được thử sức bản thân trong vai trò làm mẹ và có thể sống trong tuổi thơ tươi đẹp của con mỗi ngày.
Hiện Iris Cao đang sống cùng anh Minh (tên thân mật bằng tiếng Việt cô đặt cho chồng) và bé Thỏ (năm nay hơn 2 tuổi) trong một ngôi nhà bình yên ở ngoại ô miền Đông nước Mỹ. LeLa Journal đã trò chuyện cùng nhà văn Iris Cao để lắng nghe những chia sẻ chân thành từ hành trình làm mẹ của cô, từ đó đúc kết lại một số bí quyết nuôi dạy con để độc giả tham khảo.
Chị có nghĩ môi trường sống gần gũi với thiên nhiên hiện tại là một nơi lý tưởng giúp con phát triển trong những năm tháng đầu đời?
Vợ chồng tôi rất thích cho con gần gũi, khám phá thiên nhiên, thật may mắn là nơi tôi sống có một khoảng sân vừa đủ rộng để Thỏ có thể chạy nhảy thỏa thích. Bên cạnh đó cứ mỗi dịp Hè, cả nhà lại tranh thủ đi cắm trại, câu cá hay dắt nhau vào rừng đi bộ. Những bài học từ thiên nhiên được Thỏ trải nghiệm bằng cách nhìn, sờ, ngửi, nếm, nghe, khiến cho hành trình tìm hiểu thế giới của Thỏ thêm phần thực tế và thú vị.
Vừa rồi Thỏ cũng có 4 tháng quay về Sài Gòn thăm gia đình bên Ngoại và trải nghiệm cuộc sống thành phố. Phải nói rằng cha mẹ ở thành phố nuôi con cực hơn nhiều, vì với những gia đình hạn chế cho con tiếp xúc với các thiết bị điện tử thì phải nghĩ ra rất nhiều hoạt động vui chơi cho các bạn nhỏ trong một không gian đô thị bề bộn.
Tôi thì không quá khắt khe với việc cho con xem tivi. Mỗi ngày Thỏ vẫn có một quỹ thời gian dành cho tivi, 20 phút buổi sáng và 20 phút buổi chiều. Các chương trình Thỏ xem sẽ được tôi chọn lọc kỹ càng để phù hợp với biểu đồ phát triển, tư duy cũng như sở thích của Thỏ. Kỹ năng hiện tại của Thỏ đang học là “ngôn ngữ kí hiệu”.
Với một gia đình có ba và mẹ đến từ hai quốc gia, hai nền văn hóa khác nhau, chị dạy ngôn ngữ cho con như thế nào và làm sao để con hiểu thêm về đất nước của cả ba và mẹ?
Trước khi có con, tất cả mọi việc trong gia đình tôi đều được lên kế hoạch cẩn thận. Chúng tôi đã thảo luận với nhau rất kỹ về định hướng và cách nuôi dạy bé Thỏ. Khi nuôi bé trong môi trường đa ngôn ngữ như thế này, ba sẽ nói ngôn ngữ của ba và mẹ vẫn nói ngôn ngữ của mẹ. Có nghĩa là tôi sẽ hạn chế giao tiếp bằng tiếng Anh với con. Lúc bé còn nhỏ, chưa biết chính xác khi nào nên nói tiếng Việt, khi nào nên nói tiếng Anh, tôi sẽ giả vờ “không hiểu” để con nói ra được câu đó bằng tiếng Việt với mình. Nếu con chưa biết từ nào, tôi sẽ giải thích nghĩa của từ đó bằng tiếng Việt cho con.
Bây giờ Thỏ được 27 tháng, Thỏ giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Anh với ba và tiếng Việt với mẹ mà không bị nhầm lẫn. Nếu Thỏ gặp một người lạ mà chưa biết ngôn ngữ của họ, Thỏ chỉ cần đối thoại vài câu là sẽ xác định chính xác ngôn ngữ mình cần sử dụng.
Có một số gia đình cho con nói tiếng Anh hoặc tiếng Việt hoàn toàn trước rồi sau đó mới dạy ngôn ngữ khác cũng là điều bình thường, bởi rất nhiều cha mẹ sợ con bị rối loạn ngôn ngữ (chuyện này rất thường xảy ra với các bé lớn lên trong môi trường đa ngôn ngữ). Cá nhân tôi sau khi có con mới nhận ra rằng trẻ em học cách quan sát hành vi, thu nạp kiến thức mới và ghi nhớ thông tin "nhanh chóng một cách thần kỳ". Đối với người lớn, để có thể học thành thạo một ngôn ngữ mới sẽ mất rất nhiều năm, nhưng với một đứa bé đang tập nói thì đó lại là một chuyện không mấy khó khăn. Vì giai đoạn này, não bộ bé đang phát triển rất nhanh, vậy nên khả năng ghi nhớ, xoay sở để phân tích, sử dụng từ ngữ cực kỳ nhạy bén. Tôi khuyến khích các gia đình có con nhỏ nên học song song cả hai ngoại ngữ nếu có điều kiện.
Về văn hóa, tuy Thỏ còn khá nhỏ nhưng bất cứ dịp lễ tết nào của Việt Nam, tôi đều giới thiệu, kể chuyện và cho Thỏ thưởng thức các món ăn đặc trưng. Như vừa rồi, Thỏ rất hào hứng với Tết Trung thu, dù không có lồng đèn nhưng Thỏ được ăn bánh và được nghe sự tích Trung thu. Còn những ngày lễ của Mỹ thì thường có gia đình anh Minh tham dự nữa, ông bà Nội là những người rất tỉ mỉ kể cho Thỏ nghe về những ngày lễ đó. Sự giao thoa giữa hai nền văn hóa phần nào giúp Thỏ dễ thích ứng với những môi trường khác nhau, nhờ đó tiếp xúc với mọi người dạn dĩ hơn và kích thích trí tò mò của Thỏ khi được khám phá nhiều lễ hội truyền thống đa dạng.
Khi sinh con ở nơi xa nhà như vậy, chị có phải đối mặt với khó khăn nào không?
Tôi nghĩ những cặp vợ chồng mới có con đầu lòng mà không có sự giúp đỡ từ gia đình chắc sẽ gặp rất nhiều thử thách trong giai đoạn đầu, nhất là khi tôi lại đang ở đất khách quê người.
Thậm chí, lúc Thỏ còn nhỏ (khoảng 2 tháng tuổi), tôi đã rơi vào trầm cảm nặng và cảm thấy bị chới với. Bởi khi đứa bé ra đời, mình chẳng biết làm gì với nó. Tôi đọc nhiều sách về cách chăm sóc trẻ sơ sinh, nhưng nó chỉ giúp được một phần. Việc nuôi dạy bé là cả một kho kiến thức bao la mà mỗi cha mẹ đều phải học từng ngày.
Trước khi sinh con, tôi đã cảm nhận được mình sẽ rơi vào trường hợp một người mẹ trầm cảm. Vì kế hoạch ban đầu là mẹ tôi sẽ sang Mỹ để phụ giúp, thành ra tôi rất dửng dưng và không lo lắng gì. Nhưng sau đó dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, nên mẹ không thể đi đâu được, và tôi chính thức thấy rối bời vì không biết phải xoay sở thế nào.
Căn bệnh trầm cảm sau khi sinh có chiều hướng trở nặng nên tôi đã đi gặp bác sĩ tâm lý và điều trị bằng thuốc. May mắn thay sau một khoảng thời gian thuốc phát huy tác dụng và bản thân tôi cũng dần thích nghi hơn với công việc làm mẹ, nhờ vậy mà tôi vượt qua được trầm cảm.
Những ngày mệt mỏi nhất có lẽ là lúc phải bơm sữa. Tôi nghĩ đa phần các bà mẹ sẽ có chung tâm lý đó khi ngồi vào máy bơm sữa trong thời gian dài, nghe tiếng máy bơm ọt ẹt liên tục, trong lúc cơ thể mệt mỏi rã rời, đôi khi còn kèm thêm tiếng con khóc đằng xa. Bác sĩ khuyên tôi không cần phân biệt sữa mẹ với sữa công thức, không nên cân nhắc nhiều rằng cái nào tốt hơn, mà quan trọng nhất là ở tâm lý người mẹ. Nếu mẹ ổn, mẹ vui thì con sẽ khỏe, sẽ vui. Nếu không thể bơm sữa thì cứ cho con uống sữa công thức. Mới đầu tôi cho con uống sữa công thức, nhưng tự dưng lúc nhìn con ngủ, tình mẹ trong tôi trỗi dậy, thế là tôi lại lôi cái máy bơm sữa ra bơm. Tôi hay nói vui là vì con mà tôi bơm sữa vượt qua luôn cơn trầm cảm. Vậy nên Thỏ được uống sữa mẹ đến gần một tuổi, sau khi tròn một tuổi thì Thỏ chuyển qua sữa tươi nguyên chất.
Chị đã luyện ngủ cho con mình bằng cách nào?
Như nhiều bậc cha mẹ, thời gian ngủ của gia đình tôi cũng bị đảo lộn. Tôi không nghĩ có người mẹ nào trên đời ngủ được đủ giấc, đặc biệt là 3 tháng đầu tiên. May mắn là tôi đã luyện ngủ được cho Thỏ để con có giấc ngủ dài, hai vợ chồng cũng từ đó quay lại được thời gian biểu bình thường.
Tôi nghiên cứu rất cẩn thận về giấc ngủ của trẻ sơ sinh vì nó cực kỳ quan trọng. Khi trẻ ngủ dài và ngủ sâu là lúc não bộ phát triển nhiều nhất, các bạn có thể quan sát thấy một đứa bé được ngủ đủ giấc thường linh hoạt và vui vẻ hơn những đứa bé khác.
Luyện ngủ hiện nay có rất nhiều phương pháp, tùy vào mỗi gia đình và tùy vào tính cách của từng bé để lựa chọn phương pháp phù hợp. Gia đình tôi chỉ có hai vợ chồng, không sống cùng ông bà, cô chú nên cũng tự do hơn trong việc quyết định phương pháp luyện ngủ nào.
Thường khi em bé khóc, quán tính bình thường là mọi người sẽ chạy ào vào dỗ nhưng tôi đã sử dụng nút chờ theo tháng tuổi. Nghĩa là khi Thỏ khóc tôi không bước vào phòng ngay, mà dựa theo tháng tuổi của Thỏ để tôi cân chỉnh thời gian chờ trước khi bước vào phòng để hỗ trợ Thỏ. Tôi bắt đầu với nút chờ 1 phút, 3 phút, 5 phút cứ thế tăng dần lên.
Khi còn bé, tất cả tâm tư tình cảm, các nhu cầu về ăn, ngủ, khó chịu, sợ hãi, đau ốm… đều sẽ được phát ra bằng một âm thanh duy nhất đó là tiếng khóc. Khi hiểu được về tiếng khóc của trẻ sơ sinh thì chúng ta sẽ biết cách để giúp con.
Quay lại với phương pháp luyện ngủ, việc Thỏ khóc khi thức dậy là do Thỏ đã chấm dứt một chu kỳ ngủ (chu kỳ ngủ của trẻ sơ sinh chỉ từ 30-45 phút) và Thỏ còn quá nhỏ để học cách nối giấc. Vậy nên việc áp dụng nút chờ theo tháng tuổi sẽ cho Thỏ thời gian để trấn an bản thân mà không cần sự trợ giúp của ba mẹ. Khi đã biết cách trấn an bản thân, Thỏ sẽ học được cách nối giấc để có giấc ngủ dài hơn.
Lúc đầu tôi cũng có chút hoài nghi, vì khi mình đứng chờ thì trong phòng con cứ liên tục gào thét. Có nhiều lúc vừa xót con, vừa mất ngủ nên tôi cũng muốn bỏ cuộc, nhưng may có anh Minh đồng lòng nên hai vợ chồng lại cố gắng. Đến một ngày, hai đứa vẫn đứng chờ con khóc, đến khi định mở cửa bước vào thì bỗng dưng Thỏ im bặt. Tôi vẫn nhớ được cảm xúc lúc đó của hai vợ chồng, hai đứa bịt miệng, nhẹ nhàng đóng cửa đi ra ngoài sân để la hét như mới trúng độc đắc.
Những kiến thức về trẻ nhỏ tôi biết được cũng nhờ đọc sách và tham gia nhiều hội mẹ bỉm sữa để học hỏi kinh nghiệm. Tôi thuộc kiểu đọc đa kiến thức. Trước khi sinh tôi có đọc nhưng đến khi đẻ con, đối diện với đứa nhỏ mới thấy không phải cái nào cũng phù hợp với con mình. Vậy nên khi xảy ra vấn đề nào đó, tôi lại “điên cuồng” đọc sách, giải quyết vấn đề hiện tại đang xảy ra, có rất nhiều kiến thức hay ho tôi lấy từ quyển The Secrets of Baby Whisperer.
Nói tóm lại, mẹ sẽ là người hiểu con mình nhất. Khi áp dụng bất kỳ phương pháp nào chỉ cần nhớ rằng phải nắm rõ về phương pháp đó trước, đến khi áp dụng rồi thì nhất quán, nhẫn nại. Tin tưởng vào bản thân và tin tưởng vào con mình nữa.
Chặng đường làm mẹ, xây dựng tổ ấm gia đình này đã và đang đem đến những điều quý giá gì cho chị?
Người ta nói lấy nhau là một chuyện, có một đứa con xuất hiện lại là chuyện khác, bởi nó thay đổi cuộc đời của chúng ta mãi mãi. Từ khi có bé Thỏ, chúng tôi đã hạnh phúc lại càng hạnh phúc hơn. Nhờ có bé Thỏ mà tôi lại thấy thêm một khía cạnh tuyệt vời của bạn đời tôi khi trở thành một người cha. Đôi khi ngắm nhìn Thỏ, tôi thấy một phần của anh Minh trong con, nên bản thân cảm thấy “hạnh phúc dã man”.
Chúng tôi luôn đối xử với nhau dựa trên sự tôn trọng và lắng nghe ý kiến của đối phương. Ngay cả chuyện nuôi dưỡng con cũng vậy, khi thống nhất nuôi con theo cách nào thì cả hai sẽ cùng đồng lòng, hỗ trợ nhau và không có thêm ý kiến trái chiều sau đó.
Khi chỉ có hai vợ chồng vừa nuôi con nhỏ, vừa đi làm, tự nhiên đôi khi mình cũng đặt mình vào vị trí của đối phương để thông cảm, thấu hiểu những nỗ lực của người kia cho gia đình nhỏ. Từ đó mình học cách bao dung, nhẫn nại hơn khi có vấn đề gì xảy ra.
Đối với tôi, cuộc đời của mỗi người đều có những giai đoạn khác nhau để tận hưởng và khám phá cuộc sống. Tuổi trẻ tôi từng trải qua là một tuổi trẻ rực rỡ, khi xem lại những hình ảnh cũ tôi vẫn rất vui và có phần tự hào về bản thân. Nhưng khi đóng lại trang sách này, thì sẽ có một trang sách khác được mở ra. Trang sách hiện tại của tôi là một trang sách nhiều hạnh phúc khi được làm vợ, làm mẹ.
Qua cách nói chuyện, có thể thấy chị rất tận hưởng niềm vui khi làm một người phụ nữ của gia đình và không còn màng tới việc xông pha ra ngoài xã hội?
Có lẽ không sai khi nói rằng: “Đứa con là kỳ quan của một người mẹ.”
Từ lúc mang thai, ốm nghén, từ những cú đạp đầu tiên trong bụng, đến hàng giờ đồng hồ vật lộn trong phòng sinh với cơn đau đẻ kinh hoàng. Rồi khi được ôm con vào lòng, đút con từng giọt sữa đầu tiên, nhìn con lớn lên biết nói, biết cười. Đối với tôi đó là cuộc hành trình vô giá và đẹp đẽ nhất.
Tôi nghĩ mỗi người đều có hai tuổi thơ. Tuổi thơ đầu tiên là tuổi thơ của chính bản thân mình, ở tuổi thơ này mình sẽ đóng vai trò thụ động trong việc quyết định hạnh phúc và nỗi buồn. Thế nên một số người có tuổi thơ thật đẹp nhưng ký ức tuổi thơ của một số khác lại vương màu u buồn.
Tuổi thơ thứ hai là khi chúng ta có con. Tuổi thơ này chúng ta sẽ sống qua lăng kính của con mình. Những món đồ chơi yêu thích, những chuyến dã ngoại đầu tiên, những câu hỏi tò mò về thế giới, những tiếng cười vang vang cả một vùng ký ức sẽ được một lần nữa soi chiếu lại qua sự hồn nhiên, trong sáng của đứa bé giống hệt mình. Và ở tuổi thơ này, chúng ta lại hoàn toàn chủ động trong việc quyết định về mặt cảm xúc, buồn vui hạnh phúc đều do chúng ta. Vậy nên dù tuổi thơ đầu tiên có thể nào đi chăng nữa thì hãy làm hết sức để vun đắp những mảnh ký ức thật đẹp cho tuổi thơ thứ hai. Vì nó sẽ là hành trang vô giá của mỗi đứa trẻ khi bước ra đời sau này.
Mỗi hành trình đều có sứ mệnh riêng của nó. Nếu chúng ta biết cách sống đúng, hưởng thụ một cách trọn vẹn thì hành trình đó sẽ rất xứng đáng. Tôi không có lời khuyên gì to tát đối với những người đang làm mẹ hay chuẩn bị làm mẹ. Chỉ có lời nhắn rằng mọi người hãy cứ bình tĩnh, bởi hành trình tiếp theo sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời và đáng nhớ nhất cuộc đời.
Dù chắc chắn sẽ có khó khăn, mệt mỏi, có những lúc mình muốn gục ngã, buông xuôi. Nhưng ngày thì dài, tháng năm lại ngắn. Hãy cố gắng tận hưởng khoảng thời gian ngọt ngào này.
Đối với tôi, quãng đường huy hoàng của tuổi trẻ đã khép lại, một quãng đường khác đang rộng mở đón tôi. Trong tương lai tôi vẫn có dự định ấp ủ tiếp tục xuất bản những quyển sách mới và lần này nó không chỉ về tình yêu ngây khờ của những năm 20 tuổi, mà sẽ có thêm những góc nhìn về hôn nhân, gia đình và con cái. Đa phần độc giả theo chân tôi cũng trưởng thành chung với tôi, các bạn đã có gia đình, có con nên tôi hy vọng những quyển sách mới này sẽ phù hợp và được nhiều người đón nhận.
Xin chân thành cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện này!
Ảnh: NVCC
Comments