top of page
Tìm kiếm

Nhu cầu uống nước của trẻ sơ sinh: Hiểu đúng và làm đủ

Uống đủ nước là hoạt động cần thiết nhằm tối ưu hóa sức khỏe thể chất và tinh thần. Đối với trẻ sơ sinh, điều này càng đáng được quan tâm vì đây là giai đoạn tỷ lệ nước trong cơ thể con người cao nhất (chiếm tới khoảng 70-80%) (1). Cha mẹ cần hiểu đúng và đủ về nhu cầu uống nước của trẻ như thế nào để nuôi con một cách khoa học? Bài viết này sẽ lý giải những thắc mắc trên.



Nước đóng vai trò quan trọng, giúp vận chuyển các chất dinh dưỡng đi khắp hệ tuần hoàn, bôi trơn các khớp, điều chỉnh tiêu hóa và cân bằng nhiệt độ cho cơ thể. Khi trưởng thành, chúng ta thường đáp ứng nhu cầu cung cấp nước cho cơ thể thông qua lượng nước uống mỗi ngày. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh lại đáp ứng nhu cầu này bằng một phương thức khác.


Nhu cầu uống nước của trẻ nhiều hay ít?


Không thể phủ nhận rằng cơ thể trẻ sơ sinh cần rất nhiều nước, đặc biệt là với trẻ dưới sáu tháng tuổi. Tuy nhiên, lượng nước bé cần chủ yếu đến từ sữa mẹ hoặc sữa công thức chứ không đến từ các nguồn cung cấp nước khác. Như vậy, không nên cho trẻ sơ sinh uống thêm quá nhiều nước từ bên ngoài.


Thoạt nghe, nhiều mẹ bỉm khá lo lắng vì sợ con mình thiếu nước, nhưng các nhà khoa học đã lý giải cụ thể vì sao không nên cho trẻ sơ sinh uống nước như sau (2):

  1. Trong giai đoạn sơ sinh, các cơ quan nội tạng của trẻ vẫn chưa phát triển toàn diện, cụ thể như dạ dày và thận chưa thể thực hiện đầy đủ các chức năng vốn có. Tại thời điểm này, dạ dày trẻ chỉ chứa được một - hai thìa cà phê (tương đương 5 - 10 ml nước) và được cấu tạo để tiêu hóa sữa mẹ nhanh chóng. Nếu mẹ cho bé uống thêm nước bên ngoài thì dạ dày không còn chỗ chứa cho những vitamin, khoáng chất, chất béo và calorie quan trọng.

  2. Lượng nước có thể lấp đầy diện tích dạ dày và khiến bé không chịu bú sữa. Đây là nguyên do làm giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng thiết yếu từ sữa mẹ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của bé.

  3. Khi bổ sung quá nhiều nước, thận không thể xử lý hết, lượng nước thừa sẽ đi vào mạch máu, làm loãng máu và nồng độ của các chất điện giải bên trong cơ thể, đặc biệt là natri. Trẻ có nguy cơ bị hạ natri máu.

  4. Bên cạnh đó, vì não của trẻ sơ sinh vẫn đang trong giai đoạn phát triển nên tình trạng sưng phù có thể xảy ra dễ dàng hơn ở trẻ bị hạ natri máu so với người lớn.


Vậy trẻ sơ sinh uống nước thế nào?


Theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia nhi khoa, sữa mẹ chứa 87% nước, 1% protein, 4% lipid và 7% carbohydrate. Do đó, bất cứ khi nào người mẹ cảm thấy con mình khát, mẹ có thể cho con bú. Điều này sẽ thỏa mãn "cơn khát" của bé và bảo vệ bé khỏi các nguy cơ nhiễm trùng (3).

Theo nghiên cứu của National Perinatal Association (Hiệp hội Chu sinh Quốc gia Hoa Kỳ), sữa mẹ còn chứa các yếu tố có hoạt tính sinh học giúp tăng cường hệ thống miễn dịch non nớt của trẻ sơ sinh, bảo vệ trẻ khỏi các bệnh nhiễm trùng, đồng thời giúp tiêu hóa và hấp thu tốt chất dinh dưỡng.


Đối với trẻ chỉ uống sữa công thức, lượng nước cần thiết nhìn chung vẫn được đảm bảo. Sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh thường có ba dạng là dạng bột, dạng lỏng cô đặc và sữa bột pha sẵn (không cô đặc). Một số loại sữa công thức đã tích hợp sẵn nước nên không cần pha thêm, riêng đối với những loại dạng bột hoặc cô đặc, phụ huynh chỉ cần pha theo đúng lượng nước được hướng dẫn trên bao bì.


Các chuyên gia cho rằng sữa công thức thường chứa nhiều muối hơn, thế nên cho bé uống thêm một ít nước sẽ giúp việc bài tiết dễ dàng. Tùy vào thể trạng từng bé mà bố mẹ bỉm sữa cần tham khảo ý kiến bác sĩ cũng như chuyên gia dinh dưỡng.


Làm thế nào để nhận biết trẻ đang thiếu nước?


Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, những dấu hiệu mất nước ở trẻ sơ sinh bao gồm (4):


Khi trẻ mất nước từ mức độ nhẹ đến trung bình:

  • Ít hoạt động hơn bình thường.

  • Ít nước bọt hoặc môi nứt nẻ.

  • Ít nước mắt hơn khi khóc.

  • Trên đầu xuất hiện một điểm mềm trũng.


Khi trẻ mất nước nghiêm trọng (bao gồm các dấu hiệu được liệt kê bên trên cộng thêm các dấu hiệu sau đây):

  • Mắt trũng sâu, quấy khóc khi buồn ngủ.

  • Bàn tay và bàn chân lạnh, đổi màu.

  • Da nhăn.

  • Khô lưỡi và miệng.

  • Không có nước mắt khi khóc.


Bố mẹ bỉm sữa cần lưu ý


Khi pha sữa công thức cho trẻ, cần lưu ý về nguồn nước sử dụng: Phụ huynh phải kiểm tra xem nguồn nước đã được lọc kỹ hay chưa, có chứa các tạp chất như fluoride (florua) hay không. Để giảm rủi ro, các bậc cha mẹ nên sử dụng nước đóng chai tiệt trùng hoặc nước đã qua hệ thống máy lọc.


Thời điểm cho trẻ uống nước từ các nguồn khác ngoài sữa mẹ: Các tổ chức y tế trên thế giới khuyên mẹ nên đợi đến khi bé bắt đầu ăn dặm (khoảng sáu tháng tuổi). Tại thời điểm đó, mẹ có thể cung cấp thêm một lượng nhỏ nước đun sôi để nguội, nhưng không nên xem đây là nguồn thay thế sữa mẹ. Bé vẫn nên được cho bú mẹ tiếp tục mà theo khuyến cáo của WHO là kéo dài đến 24 tháng để trẻ được phát triển toàn diện (5).


Chuyên gia khuyến nghị: Mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa nếu có bất kỳ bối rối, lo ngại nào về việc hydrat hóa của bé hoặc tìm ra một thời điểm tốt nhất để bắt đầu bổ sung nguồn nước lọc cho trẻ. Tùy thuộc vào việc trẻ sinh non hay có một số tình trạng sức khỏe nhất định, thời gian uống nước của trẻ cũng sẽ khác nhau. Song song đó, mẹ cũng nên tôn trọng nhu cầu sinh học của con. Nghĩa là, chỉ cho trẻ uống nước khi bé thật sự sẵn sàng (6).



Comments


bottom of page