Tuổi thọ trung bình của loài chó chỉ vào khoảng 10 đến 14 năm. Một số chú chó có thể sống lâu một cách tự nhiên, trong khi những con khác lại có thể mắc những căn bệnh làm giảm tuổi thọ. Vậy, liệu có cách nào giúp chó sống khỏe, sống lâu hơn?
Loài chó có tuổi thọ cao nhất
Những giống chó nhỏ thường có tuổi thọ dài nhất, lên đến 16 năm hoặc hơn, trong khi tuổi thọ của các loài chó cỡ trung bình đến lớn là gần 10 đến 13 năm. Nếu bạn mong muốn gắn bó lâu dài với chú chó của mình thì không nên chọn các giống chó to, bởi chúng hiếm khi sống lâu hơn 8 năm.
Một số ví dụ về các giống chó có tuổi thọ cao:
Chihuahua: 12-20 năm.
Dachshund: 12-16 năm.
Toy Poodle: 10-18 năm.
Jack Russell Terrier: 13-18 năm.
Shih Tzu: 10-16 năm.
Maltese: 12-15 năm.
Yorkshire Terrier: 13-16 năm.
Pomeranian: 12-16 năm.
Shiba Inu: 13-16 năm.
Chó chăn cừu Úc: 12-16 năm.
Con người và loài chó có nhiều điểm tương đồng về di truyền, bao gồm cả khuynh hướng mắc bệnh ung thư do tuổi tác (1). Điều này có nghĩa là những yếu tố giúp con người khỏe mạnh và sống lâu hơn cũng có thể áp dụng với loài chó. Bằng cách quan sát và chăm sóc cẩn thận ngay từ đầu, bạn sẽ giúp chó sống khỏe, sống lâu.
Ba lưu ý quan trọng để giúp chó sống khỏe, sống lâu
1. Thừa cân ảnh hưởng đến tuổi thọ
Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh là yếu tố quan trọng liên quan đến tuổi thọ của nhiều loài (2). Vì thế, đảm bảo chó của bạn tiêu thụ mức calorie phù hợp và không bị thừa cân sẽ mang lại nhiều lợi ích. Không chỉ tốt cho việc duy trì tuổi thọ lâu dài, nó còn giúp ngăn ngừa tác động của các bệnh như viêm xương khớp.
Một nghiên cứu tiến hành trong 20 năm và được công bố trên Journal of Veterinary Internal Medicine đã so sánh tuổi thọ của hơn 50.000 con chó trưởng thành đa dạng giống loài. Họ chia chúng thành hai nhóm: chó có tình trạng cơ thể bình thường và chó thừa cân. Các nhà nghiên cứu phát hiện những chú chó với trọng lượng bình thường có nguy cơ tử vong thấp hơn theo thời gian, do đó tuổi thọ cũng dài hơn, so với những con chó thừa cân.
Tuổi thọ trung bình của chó có cân nặng bình thường cao hơn chó thừa cân là từ 6 tháng đến hơn 2 năm (3).
Nghiên cứu khác kéo dài hơn một thập kỷ cũng kết luận chó có cân nặng bình thường không chỉ sống lâu hơn (từ 18-24 tháng) mà còn khỏe mạnh hơn trong thời gian dài. Việc tránh tình trạng béo phì ở chó sẽ giúp trì hoãn các triệu chứng của nhiều căn bệnh mãn tính (4).
Hãy theo dõi và kiểm soát trọng lượng của chó nhà bạn thông qua việc cho chó cân thường xuyên hoặc ghi chú điểm số về tình trạng cơ thể. Kết hợp cả hai phương pháp này sẽ giúp bạn thấy rõ sự thay đổi cân nặng, từ đó điều chỉnh chế độ ăn uống khi cần thiết (5). Biết chính xác lượng thức ăn cho chó cũng là một cách để dễ quản lý. Cân thức ăn của chúng thay vì chỉ cho ăn theo ước lượng bằng mắt sẽ mang lại độ chính xác cao hơn (6).
Dinh dưỡng tốt có thể giúp cho quá trình lão hóa của chó lành mạnh hơn (7). Chế độ dinh dưỡng tốt sẽ khác nhau đối với mỗi chú chó, nhưng hãy đảm bảo lựa chọn những thực phẩm an toàn và cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng mà chó của bạn cần.
Chó là loài động vật ăn tạp, nghĩa là ăn cả động vật lẫn thực vật giống như con người. Vậy nên, chúng cần nhận đủ chất dinh dưỡng từ cả hai nguồn này. Bạn có thể đọc thêm bài "Nếu có sự lựa chọn, chó sẽ ăn gì?" để hiểu chi tiết về chế độ dinh dưỡng của cún cưng.
AAFCO (Hiệp hội các quan chức kiểm soát thức ăn của Mỹ) đã thiết lập các hướng dẫn cơ bản về mức độ carbohydrate, protein, các loại vitamin và khoáng chất cần có trong chế độ ăn uống cho chó. Chọn các thực phẩm được AAFCO công nhận cũng là một cách khoa học để chế độ ăn của chó có đầy đủ chất dinh dưỡng. Đồng thời, hãy đọc kỹ nhãn thông tin trên bao bì thực phẩm để tránh các thành phần không tốt như phụ phẩm từ thịt, hàm lượng đường cao và các chất phụ gia không cần thiết.
2. Hoạt động thể chất, tinh thần và sự gắn bó
Tập thể dục tác động tích cực lên sinh lý và tâm lý của cả chó và con người (8). Hoạt động thể chất giúp chó kiểm soát trọng lượng cơ thể và cũng có tác dụng chống lão hóa ở các loài tương tự về mặt di truyền (9), (10). Tập thể dục không chỉ giúp đốt cháy calo mà còn tăng cường cơ, hoạt động tuần hoàn, cải thiện chức năng tim và não cho thú cưng.
Ngoài ra, bạn có thể dạy chó những thủ thuật mới để não bộ chúng duy trì hoạt động tốt. Phương pháp này đã được chứng minh sẽ duy trì cho não bộ và cơ thể của chó trẻ hơn (12). Trò chơi mùi hương là một ví dụ. Hãy hướng dẫn chúng sử dụng mũi của mình để tìm đồ vật, thủ thuật đơn giản này sẽ giúp chó rèn luyện cả về thể chất lẫn tinh thần (13).
Giống như các loài vật đồng hành với con người, chó luôn có một sự gắn bó rõ ràng với người chăm sóc của chúng (14). Tình bạn có thể phát sinh giữa chó với người và thường con người cũng xem chó như một thành viên trong gia đình mình. Khi sự gắn kết giữa chó và chủ ngày một nhiều, mối quan hệ trở nên tốt hơn và thậm chí mang lại lợi ích giảm căng thẳng cho cả hai. Điều này đặc biệt tốt cho chó, bởi nghiên cứu đã chỉ ra rằng những con chó dễ lo lắng sẽ có nhiều biến chứng về sức khỏe cũng như tuổi thọ ngắn hơn (15).
3. Xác định sớm các vấn đề sức khỏe
Y học thú y hiện đại có nhiều cải tiến đáng kể trong việc phòng ngừa và chữa trị các vấn đề sức khỏe đáng lo ngại ở chó. Những chương trình tiêm phòng và kiểm soát ký sinh trùng thành công đã góp phần làm giảm tỷ lệ mắc bệnh ở cả chó và người như bệnh giun đũa chó và bệnh dại (16), (17), (18).
Đặc biệt là sức khỏe răng miệng, đây là vấn đề phổ biến do việc chăm sóc không thường xuyên và không đúng cách. Sự tích tụ của vi khuẩn trong miệng có thể hình thành mảng bám và làm suy yếu răng. Vi khuẩn đường miệng cũng có khả năng gây nhiễm trùng thận và dẫn đến các bệnh về van tim. Phát hiện bệnh sớm sẽ giúp việc điều trị diễn ra hiệu quả và chữa được dứt điểm. Giữ liên lạc với bác sĩ thú y cũng giúp bạn thảo luận và điều chỉnh về phương pháp điều trị cho chó dễ dàng hơn.
Với những chú chó già, đi thăm khám định kỳ hai lần một năm là điều được Hiệp hội Bệnh viện Động vật Hoa Kỳ (AAHA) tích cực khuyến nghị (21). Bác sĩ sẽ tiêm phòng đầy đủ và lấy máu xét nghiệm cho chó của bạn để đảm bảo các vấn đề sức khỏe được xác định kịp thời và không trở thành mãn tính.
Comments