top of page
Tìm kiếm

Phương pháp giúp chó mèo quen nhau

Nếu muốn nuôi nhiều loại thú cưng cùng lúc, bạn nên ưu tiên mang về nhà những con vật ngay khi chúng còn nhỏ để giúp "bọn trẻ" dễ dàng làm thân với nhau. Tuy nhiên, trong những trường hợp bất khả kháng, vẫn có cách để bạn dung hòa sự đối lập trái tính trái nết của các loài vật nuôi.



Động vật khi còn nhỏ nói chung (dưới 4 tháng tuổi) chưa định hình tính cách và kỹ năng đặc thù của giống nòi. Vì thế, chó con khi gặp mèo sẽ nghĩ bản thân mình là mèo, còn mèo con khi gặp chó sẽ nghĩ rằng chúng là chó.


Đây là bản chất của việc thuần hóa giúp động vật sinh tồn và không bị con mạnh hơn làm sát thương. Chó mèo không chỉ thuần hóa với con người, mà chúng cũng thuần hóa với nhau.



Nguyên lý này giúp bạn chọn lựa thú cưng phù hợp với hiện trạng gia đình. Nhưng đôi khi, tình yêu động vật thúc đẩy ta lựa chọn trái với nguyên lý đơn giản trên. Thấu hiểu điều đó, LeLa Journal sẽ giúp bạn vượt qua khó khăn này.


Nuôi mèo trưởng thành khi trong nhà đã có chó


Mèo trưởng thành thường có sẵn tính cách và hành vi đặc trưng của loài mèo. Chúng rất cẩn thận và dè chừng với mọi thứ mới lạ, vì vậy mèo cần thời gian để làm quen với môi trường sống mới. Nếu chưa có kinh nghiệm giúp mèo trưởng thành làm quen với nhà mới, bạn hãy đọc thêm tại đây.


Không chỉ làm quen với nhà mới, mèo trưởng thành sẽ phải làm quen với cả chú chó "chủ nhà". Trước khi nhận nuôi mèo, chúng ta cần hỏi bản thân: tôi có khả năng đào tạo chó? Vì trong trường hợp này, chỉ chú chó đã được huấn luyện mới có khả năng chào mừng mèo trưởng thành vào nhà.

Bạn cần huấn luyện chó thành thạo mệnh lệnh "không" để ngăn nó lấn át không gian của mèo, không giành thức ăn và không đánh nhau. Khi chó đã hiểu được mệnh lệnh "không", chúng sẽ ngừng mọi hành động trái ý chủ và cho phép bạn mèo có thời gian thích nghi cuộc sống mới.



Sau khi mèo đã quen môi trường sống mới, bạn hãy thả nó đi lại tự do trong nhà. Mỗi khi chạm mặt với chú chó "chủ nhà", mèo có thể dựng lông, gầm gừ, khè vài tiếng cảnh báo. Lúc này hãy yêu cầu chú chó giữ khoảng cách với mệnh lệnh không, tiến vào giữa hai con thú để ngăn chúng áp sát nhau, và chỉ tay yêu cầu chó di chuyển đến nơi bạn mong muốn. Việc này cần thực hiện liên tục trong tháng đầu tiên khi mèo trưởng thành về nhà. Qua thời gian, "mèo khách" sẽ dần chấp nhận cho "chó chủ nhà" lại gần.


Trong vài tuần đầu chó mèo chung sống với nhau, hãy tách chúng ra mỗi khi đến giờ cho ăn. Bạn có thể cho mèo ăn trong phòng riêng, hoặc ăn ở một vị trí cao hơn để chó không thể đến gần và cũng không giành được thức ăn mèo để lại. Đây là một giải pháp dài hạn để ngăn cản chó cướp đồ ăn của mèo.


Nuôi chó trưởng thành khi trong nhà đã có mèo



Khi nhận nuôi một chú chó lớn mà trong nhà bạn đã có mèo, việc đầu tiên chó sẽ làm là đuổi mèo ra khỏi không gian sống. Vì vậy, phương pháp tiếp cận đơn giản nhất cho mọi gia đình là cách ly hai loại thú cưng này trong những tuần đầu tiên về nhà.


Trong thời gian cách ly, chúng ta cần dạy chó mệnh lệnh KhôngNgồi Yên.


Hàng ngày, bạn nên cho chó mèo gặp nhau qua cửa kính, qua hàng rào (hoặc cũi trẻ em). Nếu chó bắt đầu sủa to, hãy yêu cầu nó ngừng lại bằng mệnh lệnh Không, sau đó yêu cầu nó Ngồi Yên nhìn bạn mèo.


Khi chó hoàn toàn bình tĩnh và ngồi yên bất động, bạn hãy buộc dây dắt chó và dẫn đến gần mèo. Qua thời gian, chúng sẽ quen nhau. Khi chó không còn những hành vi như gầm gừ, dựng lông, sủa dữ, bạn có thể cho chúng chơi cùng nhau mà không cần buộc dây dắt chó. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về cách dạy chó không tấn công động vật khác tại đây.


Phương pháp cho chó mèo ăn cũng tương tự như cách vừa nêu trên.


Tóm lại, để chó mèo có thể chung sống hòa bình, bất kể mức độ trưởng thành của cả hai loài, chúng ta cần học cách huấn luyện chó. Nếu có lựa chọn, hãy nhận nuôi chó mèo khi cả hai hoặc một trong hai con còn nhỏ.

Commentaires


bottom of page