Khám phá những quy tắc giao thiệp và ứng xử cần biết để bản thân trở nên tinh tế và lịch lãm hơn trên bàn tiệc.
Ở chuỗi bài viết trước, LeLa Journal đã giới thiệu những quy tắc cần phải chuẩn bị trước khi dự tiệc và đến nơi phải chào hỏi thế nào, bắt chuyện ra sao để có thể chiếm trọn cảm tình từ người đối diện. Tiếp nối chủ đề, chúng tôi có những gợi ý về những quy tắc khi ngồi vào bàn tiệc, mời mọi người cùng tham khảo.
1. Chỗ ngồi
Cho dù dùng bữa tại tư gia hay ở nhà hàng thì việc chen lấn để giành chỗ ngồi cũng là một điều không hay ho. Tại các tiệc tối trang trọng, hãy để ý đến các thẻ gắn tên, những hướng dẫn để biết bạn có thể ngồi ở đâu. Thông thường, vợ chồng thường được ngồi gần nhau, còn những chiếc ghế gần vị trí của gia chủ nhất luôn được coi là nơi danh dự, dành cho những người quan trọng. Nếu trong trường hợp không có hướng dẫn, hãy hỏi chủ tiệc xem bạn có thể ngồi ở đâu và không nên thay đổi chỗ ngồi trong suốt bữa tiệc nếu không muốn bị đánh giá là thiếu tế nhị (1).
2. Tư thế ngồi
Đối với phụ nữ, không nên ngồi chéo chân, không dang rộng hai chân. Tư thế hoàn hảo nhất là cân bằng được vẻ thoải mái và nét tôn nghiêm. Khi tham dự một bữa tiệc sang trọng, cả nam và nữ nên ngồi ngay ngắn ở giữa ghế, giữ thẳng lưng, chân tạo thành góc 90 độ so với mặt sàn, duy trì khoảng cách 15-17cm giữa hai bàn chân, hoặc hướng chân hơi chếch sang một phía về bên trong thành ghế nếu ngồi trên sofa (2).
Không để khuỷu tay chạm vào bàn.
Không ngồi tại chỗ để chồm người ra trước khi với tay lấy đồ ăn hoặc gia vị.
3. Dùng tiệc
Khi ngồi xuống, bạn không nên lấy khăn ăn ra khỏi đĩa ngay lập tức. Một bậc thầy về các nghi thức quốc tế, bà Jacqueline Whitmore chia sẻ: “Bạn nên đợi cho đến khi mọi người trong bàn ngồi xuống hết thì hãy lấy khăn ăn ra và đặt lên trên đùi. Và nếu bạn có việc cần phải rời khỏi bàn, hãy đặt khăn ăn trên tay vịn hoặc thành ghế thay vì đặt trở lại lên bàn ăn”.
Khi bữa ăn bắt đầu, bạn cần chú ý đến một vài phép tắc cơ bản:
Chỉ bắt đầu ăn sau khi chủ tiệc đã mời thực khách dùng bữa hoặc sau khi họ hoàn thành nghi thức khai mạc buổi tiệc.
Cần nhìn vào mắt nhau khi cụng ly (thường thấy áp dụng nhiều nhất tại châu Âu và châu Mỹ).
Nếu đồ nóng, hãy để chúng nguội một cách tự nhiên, không được dùng miệng thổi.
Nếm thử thức ăn trước rồi mới quyết định cho thêm muối/tiêu.
Khi có người nhờ chuyển giùm hũ đựng muối/tiêu, hãy chuyển cùng lúc cả 2 lọ, bởi chúng luôn đi kèm cùng nhau.
Khi ăn soup, dùng muỗng lấy soup từ giữa dần ra cạnh bát rồi đưa muỗng lên miệng, ăn từ cạnh muỗng, tránh húp sồn sột. Bên cạnh đó, nhớ đừng lấy bánh mì chấm soup để ăn. Ngoài ra, hãy xé bánh mì (nên làm bằng tay thay vì dao) thành từng mẩu nhỏ rồi ăn chứ đừng cắn trực tiếp nguyên ổ/khoanh bánh.
Không nói chuyện khi miệng đang nhai thức ăn.
Không gây ồn ào khi ăn hoặc cắt thịt.
Đừng tự ý hô hào, kêu gọi cụng ly trừ khi được chủ tiệc đề nghị.
Nếu món ăn là món được chia sẻ cho cả bàn tiệc, sử dụng kẹp gắp thức ăn để lấy thực phẩm cho mình, sau đó hãy chuyển món ăn cho người ngồi kế mình, hoặc gắp thức ăn cho họ.
Không dán mắt vào điện thoại di động.
Im lặng lắng nghe khi chủ tiệc hoặc khách phát biểu.
Nói chuyện nhẹ nhàng với người ngồi trước mặt hoặc kế bên.
Nếu muốn phát hiểu, hãy hỏi ý kiến chủ tiệc.
Khi dùng bữa ăn, nên để dao và nĩa ở vị trí 4 giờ, khăn ăn được đặt bên trái của dĩa.
4. Khi ra về
Chào tạm biệt những người mà bạn đã giao tiếp trong sự kiện. Hãy nhớ gọi đúng tên của họ khi nói lời tạm biệt.
Gửi lời chào đến chủ tiệc và gửi lời cảm ơn thêm một lần nữa vì đã mời mình đến buổi tiệc này.
Comments