top of page
Tìm kiếm

Những sai lầm khi trang trí nhà cửa theo phong cách tối giản

Nghệ thuật tối giản (hay còn gọi là minimalism) đã có từ rất lâu đời. Theo thời gian, nó không biến mất mà chỉ thay đổi để phù hợp hơn với từng thời kỳ. Tại Nhật Bản, phong cách sống đơn giản (danshari) có nguồn gốc từ Thiền tông (zen buddhism). Triết lý này cho rằng khi con người ít bị trói buộc bởi vật chất thì đời sống tinh thần sẽ nhẹ nhàng, thoải mái hơn. Để thực hiện tốt lối sống này, người dân xứ sở Mặt trời mọc đã chủ động giảm bớt những thứ vật dụng không cần thiết để dành thời gian đầu tư vào những giá trị khác trong cuộc sống.



Tại Mỹ, minimalism là một trào lưu nghệ thuật nổi tiếng trong những năm 1960-1970. Có rất nhiều định nghĩa về chủ nghĩa tối giản, tuy nhiên, tất cả đều có chung một ý niệm: đây là triết lý sống ý nghĩa hướng đến sự giản đơn và ít vật chất. Theo Joshua Becker, tác giả của quyển sách nổi tiếng về chủ nghĩa tối giản The Minimalist Home: A Room-by-Room Guide to a Decluttered, Refocused Life và blog Becoming Minimalist cho rằng:

Chủ nghĩa tối giản chính là bỏ bớt đi những thứ ít quan trọng trong cuộc sống và tập trung vào những cái mà chúng ta trân quý nhất mà thôi (1).

Lợi ích của việc sống tối giản


Tạo không gian sống rộng rãi: Bắt tay vào việc dọn dẹp ngăn kéo và tủ quần áo, chúng ta sẽ nhận ra rằng diện tích căn phòng trông có vẻ rộng hơn, di chuyển trong phòng trở nên thoải mái hơn hoặc không còn thấy ngột ngạt cho dù phải đóng cửa nằm lì trên giường nữa.


Tự do hơn, yên tâm hơn: Khi sở hữu quá nhiều vật chất, hầu hết mọi người đều sẽ nơm nớp lo sợ đồ đạc sẽ không cánh mà bay nếu lỡ có bất trắc xảy ra. Cố gắng làm lụng chỉ để mua những món đồ lấp đầy căn phòng khiến đầu óc lúc nào cũng nghĩ tới lương bổng, nợ nần... Những điều đó như một cái neo vô hình trói buộc và ghì ta xuống. Càng nhiều tài sản, càng bị lệ thuộc (2).


Tiết kiệm tài chính & thời gian: Khi hạn chế chi tiêu vào việc mua sắm, cuộc sống chúng ta sẽ nhẹ nhàng và đơn giản hơn. Không còn tốn hàng giờ lượn lờ các khu trung tâm thương mại chỉ để lựa chọn một cái khăn trải bàn trông “cho hợp” với màu chiếc tủ vừa tậu vào tuần trước. Có thể thấy, việc đi mua sắm thường xuyên cũng tiêu tốn khá nhiều quỹ thời gian, thế nên, sở hữu ít đồ vật giúp chúng ta tiết kiệm thời gian chăm sóc, lau dọn và sắp xếp. Cắt giảm những điều không thật sự cần thiết sẽ giúp ta có thêm thời gian đầu tư vào những điều đáng lưu tâm hơn. Biết thế nào là đủ, là cần thiết, thì hạnh phúc sẽ luôn hiện diện bên mình.


Không sợ thất bại: Vì sao mà các nhà sư Phật giáo họ thường sống thong dong, tự tại? Bởi vì họ không sợ hãi, không có thứ ràng buộc, không có gì để mất. Thử nghĩ mà xem, nếu bạn đang muốn chuyển đến một thành phố khác để “làm lại từ đầu”, nhưng quá nhiều vật dụng trong căn nhà hiện tại lại khiến bạn chùn chân. Bạn không thể ôm hết mọi thứ chuyển sang chỗ mới mà cũng không thể bỏ lại vì tiếc. Cứ như vậy, việc chần chừ và sợ thất bại ngay từ trong suy nghĩ đôi khi còn lấn lướt cuộc sống chúng ta nhiều hơn cả khả năng thật sự sẽ thất bại.


Những sai lầm khi theo phong cách tối giản


Không phải cứ vứt hết những vật dụng cồng kềnh thì sẽ có được không gian sống chất lượng, chúng ta cần biết rõ những sai sót có thể mắc phải trong quá trình kiến tạo ngôi nhà thì sẽ tránh được những thất vọng không đáng có.


1. Bỏ qua những điểm nhấn tạo nên cảm giác ấm cúng


Trồng cây xanh trong nhà là phương pháp được nhiều người ưa chuộng

Đối với nhà thiết kế Sarit Marcus, việc bỏ qua những chi tiết đem lại cảm giác ấm cúng khi trang trí nhà cửa là một điều tối kỵ. Cô đưa ra giải pháp: “Với tông màu phong phú, những chiếc thảm thêu cổ điển sẽ mang lại nét đặc trưng và sự ấm áp cho bất kỳ không gian nào. Để tăng thêm thi vị, hãy sử dụng màu xanh tự nhiên như trồng cây trong nhà. Một chậu nhỏ cây xương rồng sẽ vô cùng phù hợp với những người trẻ hiện đại có ít thời gian chăm sóc cây cối”.

2. Loại bỏ quá nhiều đồ dùng


Cần hiểu rằng: "Tối giản không có nghĩa là không thực tế" (3). Nhà thiết kế Cameron Johnson lưu ý: “Loại bỏ những món đồ cồng kềnh như bàn làm việc, tủ quần áo có thể làm cho không gian rộng hơn, nhưng chỉ nên làm vậy khi vật dụng đó thật sự không cần thiết. Vì thế, trước khi thực hiện ý tưởng tối giản hóa gian phòng, bạn phải cân nhắc kỹ lưỡng rằng mình có thường xuyên dùng đến món đồ đó hay không”.


Kệ, giá sách, tủ... là những món đồ không thể thiếu trong một căn nhà tối giản

Ông cũng chia sẻ thêm rằng chúng ta có thể sử dụng những món nội thất đa năng. Như vậy, sẽ không cần quá nhiều đồ đạc mà không gian vẫn gọn gàn, rộng thoáng, đảm bảo đủ tiện ích.

Ngoài ra, kệ, giá sách, tủ... với kích cỡ vừa đủ cũng rất cần thiết để làm nổi bật yếu tố tối giản trong nhà.


3. Lạm dụng màu đơn sắc


Đơn sắc trong thiết kế tối giản là một xu hướng điển hình, thế nhưng không nên quá lạm dụng

Mọi người thường thích những gam màu trắng – đen kết hợp cùng nhau trong thiết kế, nhưng việc lạm dụng quá mức sẽ khiến không gian trở nên đơn điệu, không có điểm nhấn. Vì thế, ngoài những gam màu đơn sắc, có thể lựa chọn một chiếc thảm trải bàn với tông màu nổi bật để tạo ra cảm giác hài hòa trong căn phòng hoặc bổ sung thêm những mảng màu khác nhau để tạo điểm nhấn cho tổng thể.


4. Nội thất thiếu sự gắn kết


Ảnh: Lifehack

Cũng như màu sắc, nội thất cũng cần có sự hài hòa. Quy luật này giúp đảm bảo sự liền mạch, thống nhất giữa các yếu tố trong nội thất như màu sắc, kiểu dáng, vật liệu, kích thước. Đồ tốt không bằng đồ phù hợp. Nội thất cũng vậy, không phải cứ kết hợp đồ xịn và đắt tiền với nhau sẽ tạo ra không gian "sang chảnh toàn diện". Vì vậy, để tiết kiệm tiền bạc và thời gian, hãy hình dung sẵn về tính gắn kết tổng thể, phối hợp lẫn nhau giữa những món đồ gia dụng trước khi "chốt đơn" mua bất cứ sản phẩm nào.


5. Không gian trống nhưng bất cân xứng


Mặc dù không gian trống được coi là một yếu tố quan trọng trong thiết kế tối giản, nhưng phải có kế hoạch hợp lý cho toàn thể không gian trong nhà để đảm bảo tính cân xứng. Khi sống theo chủ nghĩa tối giản, không nên lấp đầy căn phòng bằng cách dàn trải mọi vật dụng, mà phải có những lựa chọn hợp lý về bố cục để tạo ra một không gian hài hòa, dễ chịu về mặt thị giác lẫn cảm giác.


6. Không phải cứ mua đồ rẻ là sống tối giản


Việc mua nhiều đồ vụn vặt để tiết kiệm chi phí là không cần thiết

Việc tiết kiệm để sống tối giản là điều cần thiết nhưng không có nghĩa là bạn phải chi tiền cho những món đồ giá rẻ nhưng kém chất lượng. Mỗi sản phẩm đều có mức giá và sự phù hợp riêng. Nên lựa chọn những thứ phù hợp với tổng thể căn phòng chứ đừng chỉ xem xét rằng liệu nó đắt hay rẻ.


Minimalism trong đời sống và thiết kế đều mang đến cho bạn một môi trường tuyệt vời, hướng đến sự thư giãn khi chú trọng vào không gian sống rộng rãi, một lối sống giản đơn và hài lòng với những thứ bạn đang có. Không có quá nhiều áp lực đồng nghĩa với không có ưu phiền bận tân. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một trong những cách giúp bạn tối ưu hóa cuộc sống hằng ngày, chứ không phải là điểm đến cho tất cả mọi người. Bất kể là việc gì, bạn cũng cần phải xác định được con đường và đích đến của mình. Tìm hiểu thật kỹ về bất kỳ điều gì trước khi bắt đầu, đặt ra mục tiêu và duy trì đều đặn mới chính là lối sống tích cực. Chỉ có như vậy thì dù sống theo kiểu tối giản hoặc sống giữa bộn bề ngổn ngang thì tự thân nội tâm chúng ta cũng luôn giữ được vẻ thong dong.



Comments


bottom of page